Trong bài viết Các rối loại ăn uống ở trẻ em và thanh thiếu niên phần 1, ThanhBinhPsy đã đưa ra một số các rối loạn chán ăn như ăn dở, nhai lại… ở trẻ và những tác động xấu của chúng đối với sự phát triển tâm, sinh lý ở trẻ. Trong phần 2 này, ThanhBinhPsy sẽ tiếp tục chia sẻ đến bạn đọc một số các rối loạn ăn uống khác ở trẻ như chán ăn tâm thần cũng như các thể chán ăn ở trẻ. Cùng theo dõi nhé:
Chán ăn tâm thần
Chứng chán ăn tâm thần vô căn của thiếu nữ đã được mô tả từ cuối thế kỷ XIX (E.C.Lasegue, 1873; W.Gull). Số công trình nghiên cứu rất nhiều và tài liệu khá rõ về mô tả lâm sàng, các hậu quả, biến chứng, các rối loạn kết hợp và điều trị. Nhưng về bệnh căn bệnh sinh thì chưa biết rõ.
Biểu hiện triệu chứng của chứng chán ăn tâm thần
Chán ăn biểu hiện bằng các nét lâm sàng đơn giản, dễ nhận biết, chẩn đoán xác định có độ tin cậy cao giữa những người đánh giá (bác sĩ, chuyên viên tâm lý). Trên số bệnh nhân chán ăn mãn tính, không hồi phục, nghiên cứu dài hạn cho thấy họ vẫn có các nét đặc trưng chủ yếu của chứng chán ăn tâm thần xuất hiện lúc ban đầu.
Tỷ lệ chán ăn tâm thần ở thiếu nữ là 0.5% – 1% (DSM – IV), tức gấp 10 – 20 lần so với nam (H.I.Kaplan). Khởi phát thường ở độ tuổi 10 – 30 (cao nhất ở tuổi 17 – 18). 85% số ca khởi phát ở tuổi 13 – 20. Tỷ lệ rất thấp ở trẻ em dưới 10 tuổi. Thường gặp ở thanh thiếu niên thuộc nhóm kinh tế – xã hội cao, ở phụ nữ thành đạt cao và các nghề nghiệp như múa ba lê, người mẫu.
Chán ăn tâm thần là một rối loạn ăn uống phản ảnh sự rối loạn khá quan trọng về hình ảnh cơ thể, các bệnh nhân chán ăn tâm thần cảm thấy béo cả khi họ đã gầy hốc hác.
Đặc điểm lâm sàng và chẩn đoán
Theo ICD – 10, việc chẩn đoán xác định dựa vào điểm sau:
– Không có bệnh cơ thể rõ rệt giải thích sự sụt cân, nhưng bệnh nhân bị sụt cân hay không đạt được trọng lượng cơ thể mong đợi một cách rõ ràng.
Biểu hiện: trọng lượng cơ thể sụt 15%; hay chưa bao giờ đạt 85% trọng lượng mong đợi. Hay chỉ số khối lượng cơ thể Quetelet <= 17,5; hay trọng lượng cơ thể được duy trì trên mức trọng lượng bình thường cơ thể tính theo chiều cao, tức là hai số thập phân của số đo chiều cao trừ 2 – 3kg.
– Bệnh nhân chán ăn tâm thần luôn cố ý hạn chế ăn uống và dùng các biện pháp giảm béo: tránh các thức ăn gây béo, tập luyện quá sức, dùng các thuốc giảm cảm giác đói, lạm dụng các thuốc sổ, nhuận tràng, lợi tiểu.
– Bệnh nhân có rối loạn đặc hiệu về hình ảnh cơ thể kết hợp với tâm lý sợ béo quá đáng và tự đặc cho mình một giới hạn thể trọng dưới mức bình thường.
– Có nhiều rối loạn nội tiết lan tỏa của trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục: mất kinh ở nữ, hay xuất huyết âm đạo kéo dài do dùng hormon thay thế để tránh thai, lãnh đạm tình dục, bất lực tình dục ở nam.n Có thể có tăng hàm lượng hormon tăng trưởng và cortisol; rối loạn chuyển hóa của hormon tuyến giáp và tiết bất thường insulin.
– Nếu rối loạn khởi phát trước tuổi dậy thì, quá trình dậy thì (tâm lý- xã hội – tình dục) sẽ bị chậm hay ngừng lại (không tăng trưởng; ở thiếu nữ vú không phát triển, vô kinh tiên phát; ở thiếu nam không phát triển cơ quan sinh dục)
Các biến đổi cơ thể khác có thể gặp
Giảm thân nhiệt dưới 35 độ C, phù, nhịp tim chậm, huyết áp giảm, có lông tơ như trẻ sơ sinh, nhiễm kiềm do giảm kali – huyết, ghi điện tim thấy sóng T dẹp hay đảo ngược, đoạn ST giảm, khoảng QT dài ra ở giai đoạn gầy rạc. Biến đổi điện tim có thể do giảm K+ và dẫn đến tử vong.
Các rối loạn dinh dưỡng nặng hay nhẹ kèm theo gây ra các biến đổi nội tiết và chuyển hóa thứ phát cũng như nhiễu rối loạn chức năng sinh lý như trên. Tuy nhiên chưa biết chắc các rối loạn nội tiết đặc thù có phải duy nhất do kém đồng hóa dinh dưỡng và do hậu quả trực tiếp hay gián tiếp của rối loạn điện giải của một số hành vi (lựa chọn thức ăn, tập quá sức, nôn kích phát, dùng thuốc tẩy,…) hay còn các nhân tố khác can thiệp vào.
[maxbutton id=”1″ text=”Dịch vụ tham vấn tâm lý trực tuyến” ]
Các thể chán ăn đặc biệt ở trẻ em
Một số tác giả (J. De Ajuriaguerra, D. Marcelli) mô tả một số thể chán ăn ở sơ sinh và trẻ em từ 3 – 11 tuổi.
Trong ICD – 10 có mục rối loạn ăn uống ở trẻ em 1 – 3 tuổi và trẻ em từ 3 – 11 tuổi (F98.2) tương đương với các thể này:
Các thể chán ăn
Chán ăn sớm vô căn
Hiếm gặp, có thể xuất hiện ngay sau khi sinh, sơ sinh có vẻ bị động, thờ ơ với bầu sữa, sau đó có thái độ chống đối. Chứng này thường qua đi tự nhiên nhưng cũng có thể là các dấu hiệu đầu tiên của rối loạn tự kỷ hay loạn thần, cần chú ý theo dõi về sau để phát hiện thêm các dấu hiệu khác.
Chán ăn ở trẻ em 5 – 8 tháng
Xuất hiện từ từ hay đột ngột, có khi vào thời kỳ cai sữa (nên thường được gọi là chán ăn do cai sữa) ở sơ sinh bề ngoài nhanh nhẹn, tỉnh táo, phát triển bình thường, có con mắt tò mò quan sát tìm hiểu xung quanh.
Biểu hiện: mẹ lo tìm đủ cách để cho bé ăn (làm vui, làm đãng trí, giữ tay, cố sức mở miệng bé), nhưng bé kêu khóc, giãy dụa, quay đi uốn người qua chỗ khác, không chịu ăn, phun ra hoặc nôn ra. Điều này khiến hai mẹ con đều mệt mỏi, mẹ cảm giác thất bại, cảm nhận hành vi chán ăn này như hành vi từ chối hướng thẳng về mình nên càng lo sợ khi sắp đến bữa ăn của bé.
Những lời khuyên không thống nhất của những người xung quanh càng làm cho bà mẹ rối bời. Tuy nhiên giải quyết tốt quan hệ mẹ con về mặt tình cảm tâm lý, đặc biệt mẹ giảm lo lắng, căng thằng, bé có thể tiếp tục lớn lên và tăng cân bình thường.
Chán ăn của trẻ em ở độ tuổi 3 – 11
Rối loạn này tiến triển liên tục từ chứng chán ăn sớm hay mới xuất hiện ở độ tuổi 3 – 11. Biểu hiện: trẻ em có thể từ chối, chống đối hay nhõng nhẽo khi ăn uống, thường chống đối thái độ cứng nhắc của cha mẹ (bắt ăn nhiều thức ăn giàu calo, giờ giấc nghiêm ngặt, nhịp bữa ăn như người lớn), kén chọn thức ăn; tiến triển không nặng nề về sinh lý. Nếu cha mẹ hiểu vấn đề, thay đổi thái độ ứng xử, tiên lượng thường tốt.
Chẩn đoán phân biệt
Cần phân biệt chán ăn tâm thần với các trường hợp sau:
Các bệnh cơ thể có thể gây chán ăn và sụt cân như một số bệnh phổi và đường ruột mãn tính.
Các rối loạn tâm thần khác như:
Trầm cảm: Ngoài bệnh lâm sàng đặc trưng, một số nét sau đây có thể giúp phân biệt.
+ Về khẩu vị: giảm ở rối loạn trầm cảm; bình thường ở rối loạn chán ăn, bệnh nhân vẫn còn cảm giác đói, họ chỉ giảm khẩu vị khi bị chán ăn nặng.
+ Lo sợ về lượng calo của thức ăn: không biểu hiện trong chứng trầm cảm; ở chán ăn có tính toán cố ý.
+ Cảm giác sợ béo: không có trong trầm cảm; điển hình trong chứng chán ăn.
+ Rối loạn hình ảnh cơ thể: không có trong trầm cảm; điển hình trong chứng chán ăn.
Tâm thần phân liệt: Thì bệnh nhân không sợ béo, không sợ lượng calo cao có trong thức ăn, mà thường do hoang tưởng và ảo giác chi phối làm cho bệnh nhân sợ ăn và từ chối ăn.
Chứng ăn vô độ: tiếp sau đợt phàm ăn là khí sắc giảm, ý nghĩ tự ti, tự gây nôn, nhưng cân nặng bình thường, ít khi giảm 15% trọng lượng cơ thể.
Có tài liệu báo cáo rằng 30 – 50% số bệnh nhân tâm thần có chứng ăn vô độ, có khi chứng ăn vô độ xảy ra trước chứng chán ăn tâm thần.
Bệnh căn
Hiện nay chưa rõ các nguyên nhân cơ bản, song có nhiều luận chứng về các nhân tố sinh học, cơ địa nhân cách, văn hóa, xã hội và các nhân tố tâm lý ít đặc hiệu.
Nhân tố di truyền: có tỷ lệ trùng bệnh cao ở những người sinh đôi đơn hợp tử so với những người sinh đôi song hợp tử và ở chị em của bệnh nhân chán ăn tâm thần. Nhưng ảnh hưởng của môi trường nhiều hơn là yếu tố về gen.
Nhân tố hóa học thần kinh: ở một số bệnh nhân chán ăn tâm thần, phát hiện giảm tỷ lệ và hoạt chất MHPG (3-methoxy-4-hydroxyphenylglycol = chất chuyển hóa chính của norepinephrine) trong nước tiểu và dịch não tủy dẫn đến giải thiết giảm epinephrine.
Giả thiết giảm opioid nội sinh: giải thích sự mất cảm giác đói. Một số nghiên cứu cho thấy một số bệnh nhân tăng cân rõ sau khi được điều trị bằng các thuốc đối kháng opioid.
Chán ăn gây trạng thái kém dinh dưỡng với nhiều biến đổi thứ pasht về sinh hóa nội tiết (tăng cortisol – huyết, giảm năng tuyến giáp, giảm hormon sinh dục gây mất kinh,…). Các bất thường trên hồi phục nhanh nếu có chế độ ăn uống hợp lý.
[maxbutton id=”3″ text=”dịch vụ trị liệu tâm lý” ]
Tiến triển và tiên lượng
Có các trường hợp khỏi tự nhiên hay do được điều trị.
Có trường hợp dao động tăng cân rồi lại tái phát sụt cân, tiến triển xấu dần dẫn đến tử vong do biến chứng thiếu dinh dưỡng.
Nhân tố tiên lượng không tốt là khi bệnh nhân hồi phục cân nặng đủ nhưng vẫn tiếp tục lo lắng về thức ăn và trọng lượng cơ thể, quan hệ xã hội nghèo nàn, trầm cảm. Một số bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị ngắn hạn tại bệnh viện. Một số nghiên cứu báo cáo tỷ lệ chết là 5% – 18% tổng số trường hợp.
Các chỉ báo tiên lượng thuận lợi: bệnh nhân thừa nhận mình có cảm giác đói, không phủ nhận mình bị gầy, ít biểu hiện tình trạng kém trưởng thành, có lòng tự tin.
Các chỉ báo tiên lượng xấu: có tạng rối loạn tâm căn (neuroticism), có xung đột cha mẹ, có đợt ăn phàm, nôn nhiều, lạm dụng thuốc nhuận tràng, các rối loạn hành vi, ám ảnh cưỡng bức, hysteri, trầm cảm, rối loạn tâm thể, các rối loạn tâm căn.
Điều trị chứng chán ăn ở trẻ
Các biện pháp sau đây thường được áp dụng
Phục hồi trạng thái dinh dưỡng
Các trường hợp chán ăn nặng: không ăn đã nhiều tháng, gầy rạc gây ra các biến đổi nghiêm trọng về thể chất nhất là giảm kali – huyết và nội tiết, có nguy cơ tử vong. Cần được chỉ định điều trị nội trú (2 – 6 tháng), dùng các biện pháp bù chất đạm, nước, chất điện giải, vitamin. Theo dõi cân nặng (cân sau lần đi tiểu tiện đầu tiên vào buổi sáng).
Xét nghiệm theo dõi giảm kali – huyết. Táo bón có thể hồi phục khi bệnh nhân ăn lại bình thường, khi cần thì cho thuốc làm mềm phân, tuyết đối không dùng các thuốc nhuận tràng. Cho ăn nhiều bữa trong ngày với lượng calo tăng dần. Ra viện: cần được tiếp tục theo dõi vào nhiều tháng sau.
Thái độ bệnh nhân có thể chống đối hay hợp tác, liệu pháp tâm lý giải thích có vai trò quan trọng trong mọi trường hợp.
Liệu pháp hóa dược
Cần theo sự chỉ định của bác sĩ
Liệu pháp sốc điện
Chỉ định cho thanh thiếu niên lớn tuổi trong trường hợp liệu pháp dược lý không cho kết quả và khi có biểu hiện trầm cảm nặng hay hoang tưởng ảo giác chi phối rối loạn chán ăn.
Liệu pháp tâm lý cổ điển định hướng phân tâm có thể sẽ không có hiệu quả.
Có thể nói rối loạn ăn uống là một trong những rối loạn vô cùng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em và thanh thiếu niên. Các bậc phụ huynh cần theo dõi và có sự quan tâm đúng mực đối với việc ăn uống cũng như những thay đổi trong thói quen ăn uống của trẻ để có hướng can thiệp và ngăn ngừa sớm tránh những hậu quả nguy hại về sau.