Nhân cách là gì? Tôi có nhân cách như thế nào? Với nhân cách đó tôi có thể thành công trong lĩnh vực nào hay giỏi giang ở vị trí nào???… luôn là một vấn đề được con người chúng ta tò mò, quan tâm và muốn khám phá.
Cùng Thanhbinhpsy tìm hiểu về nhân cách, sự hình thành và phát triển nhân cách cũng như cấu trúc và các thuộc tính cơ bản của nhân cách trong bài viết ngay dưới đây.
Nhân cách là gì?
Nhân cách được nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau, thuộc nhiều ngành khoa học xã hội khác nhau, trong đó có khoa học tâm lý. Đây là vấn đề rất phức tạp nên ngay trong tâm lý học cũng có nhiều định nghĩa và quan niệm khác nhau về nhân cách.
Theo đó, Nhân cách là một trong những từ ngữ cổ nhất của khoa học tâm lý. Ngay từ năm 1927, G.W.Allport đã dẫn ra gần 50 định nghĩa khác nhau của các nhà tâm lý học về nhân cách và hiện nay có rất nhiều lý thuyết khác nhau về nhân cách trong khoa học tâm lý. Cụ thể:
- Quan điểm sinh vật hóa nhân cách: Bản chất của nhân cách nằm trong các đặc điểm hình thể (Kretchmev), ở góc mặt (C.Lombrozo), ở thể tạng (Sheldon), ở bản năng vô thức (S.Freud)…
- Quan điểm xã hội hóa nhân cách: lấy các quan điểm xã hội (gia đình, họ hàng, làng xóm…) để thay đổi một cách đơn giản, máy móc các thuộc tính tâm lý của cá nhân đó.
Có những quan niệm chỉ chú ý đến cái chung bỏ qua cái riêng, cái đơn nhất của con người đồng nhất với tính cách con người. Ngược lại, một số quan điểm khác lại chỉ chú ý tính đơn nhất có một không hai của nhân cách.
Các nhà tâm lý học khoa học cho rằng, khái niệm nhân cách là một phạm trù xã hội, có bản chất xã hội – lịch sử.
Nhân cách là một cá nhân có ý thức, chiếm một vị trí nhất định trong xã hội và đang thực hiện một vai trò xã hội nhất định. (A.G.Kovaliov)
Nhân cách là con người với tư cách là kẻ mang toàn bộ thuộc tính và phẩm chất tâm lý, quy định hình thức của hoạt động và hành vi có ý nghĩa xã hội. (E.V.Sôrôkhôva)
Có thể nói, nhân cách là sự tổng hòa các đặc điểm quy định con người như là một thành viên của xã hội, nói lên bộ mặt tâm lý – xã hội., giá trị và cốt cách làm người của mỗi cá nhân. Những thuộc tính tâm lý tạo thành nhân cách thường biểu hiện trên 3 cấp độ: cấp độ bên trong cá nhân; cấp độ liên cá nhân và cấp độ biểu hiện ra hoạt động và các sản phẩm của nó.
Xem thêm >>> Tư vấn Tâm Lý Tại Nhà TPHCM
Các yếu tố chi phối sự hình thành và phát triển của nhân cách
Theo quan điểm tâm lý học Mác-xit không phải con người được sinh ra đã có sẵn nhân cách và cũng không phải nó được bộc lộ dần dần từ các bản năng nguyên thủy.
Nhân cách là một cấu tạo tâm lý mới được hình thành và phát triển trong quá trình sống, hoạt động và giao tiếp của mỗi người.
Các yếu tố chi phối sự hình thành và phát triển nhân cách
Trong quá trình hình thành, nhân cách bị chi phối bởi nhiều yếu tố bao gồm:
Yếu tố sinh thể
Yếu tố sinh thể bao gồm các đặc điểm hình thể như cấu trúc giải phẫu – sinh lý, đặc điểm cơ thể, đặc điểm của hệ thần kinh và các tư chất khác.
Theo quan điểm tâm lý học Mác-xit thì di truyền với các đặc điểm sinh học nêu trên không quyết định chiều hướng cũng như giới hạn phát triển của nhân cách con người. Mặc dù những đặc điểm sinh học có thể ảnh hưởng mạnh đến quá trình hình thành tài năng, xúc cảm, sức khỏe thể chất… trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển con người nhưng nó chỉ đóng vai trò tạo nên tiền đề cho sự phát triển nhân cách.
Không thể có nhân cách trừu tượng bên ngoài một con người bằng xương bằng thịt mà là nhân cách của một con người cụ thể sống trong một xã hội cụ thể.
Yếu tố môi trường, xã hội
Môi trường là hệ thống các hoàn cảnh bên ngoài, các điều kiện tự nhiên và xã hội xung quanh cần thiết cho hoạt động sống và phát triển của con người. Có thể phân thành hai loại: môi trường tự nhiên (hoàn cảnh địa lý, đất, nước, không khí, động thực vật…) và môi trường xã hội (kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, lịch sử…)
Tác động của môi trường xã hội đến sự hình thành và phát triển nhân cách qua các mối quan hệ giữa các cá nhân được thiết lập lại do các quan hệ sản xuất, quan hệ kinh tế quyết định.
Sự hình thành và phát triển nhân cách chỉ có thể thực hiện trong một môi trường nhất định. Môi trường tự nhiên và môi trường xã hội đều tác động đến con người một cách tự phát hay tự giác, nhưng trước hết phải nói đến môi trường xã hội mà đặc biệt là giáo dục có tác động mạnh mẽ đến mỗi cá nhân.
Nói về mối quan hệ này, Karl Marx đã viết:
“Hoàn cảnh đã sáng tạo ra con người, trong chừng mực mà con người đã sáng tạo ra hoàn cảnh”.
Vậy môi trường có vai trò như thế nào trong sự hình thành và phát triển nhân cách? Khi xem xét môi trường tự nhiên và môi trường xã hội; khi xem xét các yếu tố sinh vật và xã hội thì cái quyết định sự hình thành và phát triển tâm là nhân cách là môi trường xã hội, là yếu tố xã hội.
Trong môi trường xã hội rộng lớn đó thì giáo dục, hoạt động, giao tiếp với các tư cách như là những phương thức hay các con đường có vai trò quyết định quá trình hình thành và phát triển nhân cách.
Giáo dục và tự giáo dục
Môi trường xã hội tác động đến mỗi cá nhân một cách tự phát và tự giác nhưng chủ yếu bằng con đường giáo dục và tự giác giáo dục.
Theo quan điểm tâm lý học Mác-xit thì trong sự hình thành và phát triển nhân cách thì giáo dục giữ vai trò chủ đạo và chúng được thể hiện ở những điểm sau:
Giáo dục vạch phương hướng cho sự hình thành và phát triển nhân cách. Vì giáo dục là quá trình tác động có mục tiêu xác định, hình thành một mẫu người cụ thể cho xã hội – một mô hình nhân cách phát triển, đáp ứng những yêu cầu của xã hội trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Điều đó, được thể hiện qua việc thực hiện mục tiêu giáo dục, đào tạo của nhà trường và các tổ chức giáo dục ngoài nhà trường.
Thông qua giáo dục, thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau những những kinh nghiệm xã hội – lịch sử đã được kết tinh trong các sản phẩm văn hóa vật chất và tinh thần của nhân loại. Thế hệ trẻ lĩnh hội những kinh nghiệm đó để biến chúng thành kinh nghiệm của bản thân và tạo nên nhân cách của mình.
Giáo dục có thể đem lại cho con người những cái mà các yếu tố bẩm sinh – di truyền hay môi trường tự nhiên không thể đem lại được.
Ví dụ: Một đứa trẻ sinh ra, theo thời gian đứa bé phát triển về mặt thể chất nhưng tự bé không thể biết đọc, biết viết nếu bé không được học chữ.
Giáo dục có thể phát huy tối đa các mặt mạnh của các yếu tố khác chi phối sự hình thành nhân cách như các yếu tố thể chất (bẩm sinh di truyền), yếu tố hoàn cảnh sống, xã hội.
Giáo dục có thể bù đắp cho những thiếu hụt, hạn chế do các yếu tố bẩm sinh – di truyền không bình thường, hoàn cảnh bị tai nạn hay chiến tranh gây nên (người khuyết tật, bị bệnh hoặc do hoàn cảnh không thuận lợi).
Giáo dục có thể uốn nắn những sai lệch của nhân cách về một mặt nào đó so với những chuẩn mực, đo tác động tự phát của môi trường gây nên và làm cho nó phát triển theo hướng mong muốn của xã hội (giáo dục lại).
Giáo dục có thể đón trước sự phát triển nhân cách mà còn đưa đến trình độ hiện tại của sự phát triển nhân cách mà còn đưa đến bước phát triển tiếp theo. Những điểm nêu trên cho thấy, không thể có sự phát triển tâm lý, nhân cách của trẻ em ngoài dạy học và giáo dục.
Giáo dục giữ vai trò chủ đạo đối với sự hình thành và phát triển nhân cách, song không nên tuyệt đối hóa vai trò của giáo dục. Giáo dục không phải là vạn năng. Bởi vì giáo dục chỉ vạch ra phương hướng cho sự hình thành và phát triển nhân cách và thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển theo hướng đó.
Còn cá nhân có phát triển theo hướng đó hay không và phát triển đến trình độ nào thì giáo dục không quyết định trực tiếp được mà cái quyết định trực tiếp lại chính là hoạt động và giao tiếp của mỗi cá nhân. Do đó, cần phải tiến hành giáo dục trong mối quan hệ hữu cơ với việc tổ chức hoạt động, tổ chức quan hệ giao tiếp, hoạt động cùng nhau trong các mối quan hệ xã hội, quan hệ nhóm và tập thể.
Đặc biệt, con người là thực thể tích cực, có thể tự hình thành và biển đổi nhân cách của mình một cách có ý thức, có khả năng tự cải tạo chính bản thân mình, có nhu cầu tự khẳng định, tự ý thức, tự điều chỉnh cho nên con người có hoạt động tự giáo dục.
Hoạt động này là quá trình con người biết tự kiềm chế mình, biết hướng nhu cầu, hứng thú, giá trị của mình cho phù hợp với những chuẩn mực đạo đức, giá trị của xã hội. Vì vậy, giáo dục không được tách rời với tự giáo dục, tự rèn luyện, tự hoàn thiện nhân cách ở mỗi cá nhân.
Hoạt động và giao tiếp
Mọi tác động có mục đích tự giác của giáo dục sẽ không có hiệu quả, nếu cá nhân con người không tiếp nhận tác động đó, nếu họ không trực tiếp tham gia vào hoạt động để hình thành nhân cách của mình. Do đó, hoạt động của cá nhân mới là yếu tố quyết định trực tiếp đói với sự hình thành và phát triển nhân cách.
Hoạt động của cá nhân
Hoạt động là phương thức tồn tại của con người. Họat động của con người là hoạt động có mục đích mang tính xã hội, mang tính cộng đồng, được thực hiện bằng những thao tác nhất định với những công cụ nhất định.
Vì vậy, mỗi loại hoạt động có những yêu cầu nhất định và đòi hỏi ở con người những phẩm chất tâm lý nhất định. Quá trình tham gia hoạt động làm cho con người hình thành những phẩm chất đó. Vì thế nhân cách của họ được hình thành và phát triển.
Thông qua hai quá trình đối tượng hóa và chủ thể hóa trong hoạt động mà nhân cách được bộc lộ và hình thành. Con đường lĩnh hội kinh nghiệm xã hội và lịch sử bằng hoạt động của bản thân để hình thành nhân cách.
Mặt khác, cũng thông qua hoạt động con người xuất tâm “lực lượng bản chất” (sức mạnh thần kinh, cơ bắp, trí tuệ, năng lực…) vào xã hội, “tạo nên sự đại diện nhân cách của mình” ở người khác trong xã hội. Đây là sự sáng tạo, là đóng góp của nhân cách vào sự phát triển của xã hội.
Hiểu được mối quan hệ giữa hoạt động và nhân cách nên hoạt động phải được coi là một phương tiện giáo dục cơ bản. Nhưng không phải ở tất cả các giai đoạn hay thời kỳ phát triển và cũng không phải các dạng hoạt động đều có tác động như nhau đến sự hình thành và phát triển nhân cách.
Theo quan điểm của nhà tâm lý học nổi tiếng A.N.Leonchiev thì có những dạng hoạt động đóng vai trò chủ yếu (hoạt động chủ đạo) trong sự phát triển nhân cách còn các dạng hoạt động khác đóng vai trò thứ yếu.
Do đó cần phải hiểu rõ, sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi người phụ thuộc vào hoạt động chủ đạo ở mỗi thời kỳ nhất định. Muốn hình thành nhân cách, con người phải tham gia vào các hoạt động khác nhau trong đó đặc biệt chú ý tới vai trò của hoạt động chủ đạo. Vì thế phải lựa chọn tổ chức và hướng dẫn các hoạt động đảm bảo tính giáo dục và tính hiệu quả đối với việc hình thành và phát triển nhân cách.
Hoạt động có vai trò quyết định trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách như vậy nên trong công tác giáo dục cần chú ý thay đổi, làm phong phú nội dung, hình thức, cách thức tổ chức hoạt động để lôi cuốn cá nhân tham gia tích cực, tự giác vào các hoạt động đó.
Hoạt động của con người luôn mang tính chất xã hội, tính cộng đồng. Điều đó cũng có nghĩa là hoạt động luôn gắn liền với giao tiếp. Vì thế, giao tiếp cũng là một con đường cơ bản để hình thành và phát triển nhân cách.
Giao tiếp và nhân cách
Giao tiếp là một trong những con đường cơ bản để hình thành và phát triển nhân cách. Liên quan đến vấn đề này, nhà tâm lý học B.F.Lomop đã viết: “Khi chúng ta nghiên cứu lối sống của một cá nhân cụ thể, chúng ta không thể chỉ giới hạn ở sự phân tích xem nó làm cái gì và như thế nào, mà chúng ta còn phải nghiên cứu xem nó giao tiếp với ai và như thế nào”.
Trong hoạt động có đối tượng thì đối tượng là những vật thể nên mối quan hệ diễn ra chủ yếu giữa chủ thể với khách thể. Qua quá trình chủ thể hóa, con người được lĩnh hội được những tri thức, kỹ năng, kĩ xảo… là chủ yếu để hình thành mặt năng lực của nhân cách.
Còn trong giao tiếp, đối tượng lại là người khác, nhân cách khác nên mối quan hệ ở đây lại diễn ra rất sống động giữa chủ thể với chủ thể. Mối quan hệ này diễn ra rất phức tạp thể hiện mối quan hệ người – người.
Qua giao tiếp, con người có thể lĩnh hội một cách trực tiếp và nhanh chóng những chuẩn mực đổi xử với người khác, với xã hội đương thời mà người đó đang sống và hoạt động, nghĩa là qua giao tiếp liên quan nhiều hơn đến việc hình thành mặt đạo đức của nhân cách.
Giao tiếp là điệu kiện tồn tại của mỗi cá nhân và của cả xã hội loài người. Chỉ có mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau mới hình thành nên xã hội loài người. Mỗi cá nhân không thể phát triển bình thường theo kiểu người và không thể trở thành nhân cách nếu không được giao tiếp với những người khác.
Giao tiếp là một trong những nhu cầu xã hội cơ bản nhất và xuất hiện sớm nhất hay có thể nói là nhu cầu bẩm sinh của con người. Nếu nhu cầu này không được thỏa mãn sẽ gây ra hậu quả nặng nề (bệnh “hospitalism” có nghĩa là “bệnh do nằm viện”).
Giao tiếp là một nhân tố hay con đường cơ bản để hình thành và phát triển nhân cách. Nói về tầm quan trọng của vấn đề này Marx đã viết: “Sự phát triển của một cá nhân được quy định bởi sự phát triển của tất cả các cá nhân khác mà nó giao lưu một cách trực tiếp hay gián tiếp với họ”.
Qua các con đường giao tiếp, con người gia nhập vào các quan hệ xã hội, lĩnh hội nền văn hóa xã hội, lĩnh hội các chuẩn mực xã hội và “tổng hòa các quan hệ xã hội” thành bản chất con người.
Có thể nói cụ thể hơn rằng, ở đây con người học được cách đánh giá hành vi và thái độ, lĩnh hội được các tiêu chuẩn đạo đức một cách trực tiếp từ cuộc sống, kiểm tra và vận dụng những tiêu chuẩn đó vào thực tiễn, dần dần hình thành nguyên tắc, tính trung thực, lòng nhân ái… được biểu hiện và được hình thành chính trong quá trình giao tiếp. Cũng nhờ có giao tiếp, con người mới có thể đóng góp sức lực và tài năng của mình cho sự phát triển xã hội.
Trong quá trình giao tiếp, con người không chỉ nhận thức được người khác mà còn nhận thức được chính bản thân mình. Khi tiếp xúc, con người thấy được những cái có ở người khác, tự so sánh đối chiếu với những cái mình làm, với các chuẩn mực xã hội nên đã thu nhận được những thông tin cần thiết để hình thành sự đánh giá bản thân như một nhân cách, để hình thành một thái độ, giá trị – cảm xúc nhất định đối với bản thân… Rõ ràng là qua giao tiếp, con người đã hình thành khả năng tự ý thức.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, giao tiếp là hình thức đặc trưng cho mối quan hệ người – người, là nhân tố cơ bản của việc hình thành và phát triển tâm lý, ý thức, nhân cách. Giao tiếp và hoạt động của con người chỉ có thể diễn ra trong cộng đồng, trong nhóm và tập thể.
Con người là một thực thể xã hội. Nhân cách của nó được hình thành và phát triển chỉ trong một môi trường xã hội cụ thể nhất định mà con người đang sống và hoạt động. Môi trường đó gồm gia đình, làng xóm, phố phường, nhà trường, các nhóm xã hội, các cộng đồng và các tập thể (đội nhi đồng, đội thiếu niên, đoàn thanh niên…) mà nó là thành viên. Vậy thế nào là nhóm và thế nào là tập thể?
Nhóm là một tập hợp người được thống nhất lại theo những mục đích chung. Tùy theo tiêu chuẩn phân loại mà người ta phân thành nhóm nhỏ và nhóm lớn; nhóm chính thức và nhóm không chính thức; nhóm thực và nhóm quy ước…Nhóm có thể phát triển thành tập thể.
Tập thể là một nhóm người là một bộ phận của xã hội được thống nhất lại theo những mục đích chung, tuân theo các mục đích của xã hội. Như vậy, trong nhà trường phổ thông thì một học sinh có thể là thành viên của nhiều nhóm hay nhiều tập thể khác nhau.
Nhóm và tập thể có vai trò to lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách. Trong nhóm và tập thể mỗi cá nhân có điều kiện thuận lợi nhất để hoạt động cùng nhau (vui chơi, học tập, lao động…) để tiếp xúc trực tiếp với nhau và trên cơ sở đó thiết lập câc quan hệ giữa cá nhân này với cá nhân khác, giữa nhóm này với nhóm khác.
“Sự phong phú thực sự về mặt tinh thần của cá nhân hoàn toàn phụ thuộc vào sự phong phú của những mối liên hệ hiện thực của họ”. Vì thế các ảnh hưởng của xã hội, các mối quan hệ xã hội thông qua các nhóm và tập thể tác động đến từng cá nhân. Ngược lại, mỗi cá nhân tác động đến cộng đồng, đến xã hội, đến cá nhân khác cũng thông qua các nhóm và tập thể mà nó là thành viên.
Tác động của nhóm và tập thể đến nhân cách các hoạt động cùng nhau, qua dư luận tập thể, truyền thông tập thể, qua các phong trào thi đua, qua các hình thức hội họp, sinh hoạt câu lạc bộ… Vì vậy, vận dụng nguyên tắc giáo dục trong tập thể và bằng tập thể đặc biệt có ý nghĩa trong việc hình thành và phát triển nhân cách.
Tóm lại, 4 yếu tố sinh thể, môi trường xã hội, giáo dục tự giáo dục, hoạt động và giao tiếp đều tác động đến sự hình thành và phát triển nhân cách, nhưng có vai trò không giống nhau. Theo quan điểm tâm lý học Mác-xit thì, yếu tố sinh thể giữ vai trò làm tiền đề, yếu tố môi trường xã hội có vai trò quyết định yếu tố giáo dục và tự giáo dục giữ vai trò chủ đạo, yếu tố hoạt động và giao tiếp của cá nhân có vai trò quyết định trực tiếp đối với sự hình thành và phát triển nhân cách.
Xem thêm >>> Tham Vấn Tâm Lý Trực Tuyến TPHCM
Sự hoàn thiện nhân cách
Cá nhân hoạt động và giao tiếp trong các mối quan hệ xã hội, dưới tác động chủ đạo của giáo dục sẽ đưa tới hình thành một cấu trúc nhân cách tương đối ổn định và đạt tới một trình độ phát triển nhất định. Trong quá trình sống, nhân cách tiếp tục biến đổi và hoàn thiện dần thông qua việc cá nhân tự ý thức, tự rèn luyện, tự giáo dục, tự hoàn thiện nhân cách của mình ở trình độ cao hơn, đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của cuộc sống, của xã hội.
Mặt khác, trong cuộc sống, ở những thời điểm nhất định vào những hoàn cảnh cụ thể, trong những bước ngoặt của cuộc đời, hoặc có những mâu thuẫn gay gắt giữa cá nhân và xã hội, cá nhân có thể có những chệch hướng trong sự biến đổi những nét nhân cách so với chuẩn mực chung, thang giá trị chung của xã hội.
Điều đó có thể dẫn đến sự phân ly, suy thoái nhân cách. Khi đó đòi hỏi cá nhân phải có thái độ lựa chọn, tự điều khiển, tự điều chỉnh, tự rèn luyện theo những chuẩn mực chân chính, phù hợp với quy luật khách quan của xã hội.
Các đặc điểm cơ bản của nhân cách
Tính ổn định
Dưới ảnh hưởng của cuộc sống và giáo dục, từng thuốc tính tạo nên nhân cách có thể được biến đổi, được chuyển hóa nhưng trong tổng thê thì chúng tạo thành một cấu trúc trọn vẹn của nhân cách. Cấu trúc này tương đối ổn định nói lên bộ mặt tâm lý – xã hội của cá nhân ấy trong một khoảng thời gian nào đó của cuộc đời con người.
Nhờ có tính ổn định tương đối này của nhân cách, người ta có thể đánh giá được giá trị xã hội của một nhân cách nào đó ở thời điểm hiện tại và có thể dự đoán được hành vi của nó trong những tình huống nhất định.
Tính thống nhất
Nhân cách là một chỉnh thể thống nhất của các thuộc tính hay các phẩm chất và năng lực của con người. Các thuộc tính có liên quan, kết hợp chặt chẽ với nhau tạo thành một thể thống nhất chứ không phải một phép cộng đơn giản các thuộc tính riêng lẻ.
Vì vậy, khi xem xét, đánh giá một nét nào đó của nhân cách phải xét nó từ trong mối liên hệ với các thuộc tính khác của nhân cách và toàn bộ nhân cách.
Tính tích cực
Nhân cách là một sản phẩm của xã hội. Nhân cách không thể chịu sự tác động của các mối quan hệ xã hội mà điều quan trọng hơn là nó chủ động tham gia vào các mối quan hệ đó, là chủ thể của các mối quan hệ xã hội ấy, nghĩa là nó có tính tích cực của mình.
Tính tích cực của nhân cách biểu hiện ở những hoạt động muôn hình muôn vẻ với mục đích cải tạo thế giới xung quanh và cải tạo chính bản thân mình. Nếu không hoạt động con người không thể tồn tại, nhân cách của con người cũng từ đó không thể hình thành và phát triển được.
Giá trị đích thực của nhân cách, chức năng xã hội và cốt cách làm người của cá nhân thể hiện rõ nét ở tính tích cực hoạt động và giao lưu xã hội một cách có ý thức.
Tính tích cực của nhân cách thể hiện trong quá trình thỏa mãn nhu cầu của nó. Khác với động vật và bằng hoạt động lao động của mình, con người không thỏa mãn nhu cầu bằng các đối tượng có sẵn mà luôn luôn sáng tạo ra những đối tượng mới, các phương thức mới để thỏa mãn nhu cầu vât chất và tinh thần ngày càng phong phú, đa dạng và ngày càng cao của mình.
Tính giao lưu
Nhân cách chỉ có thể tồn tại trong sự giao lưu với những nhân cách khác. Vì lí do nào đó mà ngay từ lúc mới sinh con người nếu đã bị tách khỏi xã hội loài người thì sẽ không thể tồn tại và phát triển như một nhân cách.
Có thể nói nhân cách không thể nào tồn tại, không thể nào hình thành và phát triển bên ngoài sự giao tiếp, bên ngoài xã hội loài người. Nhu cầu giao lưu hay giao tiếp được xuất hiện rất sớm và có thể coi như một nhu cầu bẩm sinh của con người.
Thông qua giao tiếp cá nhân gia nhập các mối quan hệ với các cá nhân khác trong các nhóm xã hội từ đó lĩnh hội được các chuẩn mực đạo đức và hệ thống giá trị xã hội. Nhờ giao tiếp mỗi cá nhân được nhìn nhận, được đánh giá theo quan niệm về giá trị đạo đức của thời đại cá nhân đó đang sống. Trên cơ sở đó cá nhân tự điều chỉnh, điều khiển bản thân theo các chuẩn mực xã hội và cũng qua giao tiếp mỗi cá nhân có thể tham gia đóng góp những giá trị phẩm chất nhân cách của mình cho sự phát triển xã hội.
Cấu trúc tâm lý của nhân cách
Cấu trúc tâm lý của nhân cách là sự thống nhất toàn bẹn các phần tử và sự liên hệ về mọi mặt giữa chúng.
Theo nhà tâm lý học người Nga K.K. Platonov:
Nhân cách không phải là vô định, không phải là cái túi với những đặc điểm của nhân cách voo tình bị bỏ vào trong đó. Nhân cách có một cấu trúc nhất định. Nhân cách bao gồm các phần tử và các phân tử liên hệ với nhau theo cách thức khác nhau. Chính các phần tử liên hệ với nhau theo cách một cách thức tạo nên nhân cách vẹn toàn. Nhân cách cũng có ảnh hưởng ngược trở lại với các phần tử và các mối liên hệ giữa phần tử.
Cấu trúc của nhân cách là sự sắp xếp các thuộc tính hay các thành phần của nhân cách thành một chỉnh thể trọn vẹn tương đói ổn định trong một lên hệ và quan hệ nhất định.
Phân loại cấu trúc nhân cách
Cấu trúc 2 thành phần
Tài liệu Tâm lý học Việt Nam chia cấu trúc nhân cách thành 2 thành phần cơ bản là Đức và Tài hay còn gọi là Phẩm chất và Năng lực.
Một số quan niệm cấu trúc nhân cách có 2 tầng là Tầng “nổi” sáng tỏ bao gồm ý thức, tự ý thức và ý thức nhóm và tầng “sâu” tối tăm bao gôm tiềm thức và vô thức.
Cấu trúc 3 thành phần
S.M.Freud chia nhân cách thành: Nó (Id), cái tôi (Ego) và cái siêu tôi (Superego)
A.G.Kovaliov cho rằng nhân cách gồm thành phần là: các quá trình tâm lý, các trạng thái tâm lý và các thuộc tính tâm lý cá nhân.
Cấu trúc nhân cách 4 thành phần
K.K. Platonov cho rằng cấu trúc của nhân cách gồm 4 yếu tố là: xu hướng, tính cách, khí chất và năng lực.
Theo nhà tâm lý học Việt Nam, Phạm Minh Hạc thì cấu trúc của nhân cách là tổng hòa của 4 bộ phận: xu hướng của nhân cách; những khả năng của nhân cách; phong cách hành vi của nhân cách và hệ thống điều khiển nhân cách.
Cấu trúc tâm lý 5 thành phần
Nhà tâm lý học cộng hòa Séc J.Stefanovic đưa ra cấu trúc nhân cách gồm 5 đặc điểm bao gồm: tính tích cực; lập trường; hành động; tự điều chỉnh và động thái khí chất.
Phân loại các kiểu nhân cách
Phân loại nhân cách theo định hướng giá trị
- Định hướng giá trị trong hệ thống đời sống của cá nhân bao gồm: Người lý thuyết; người chính trị; người kinh tế; người thẩm mỹ; người vị tha.
- Định hướng giá trị trong quan hệ con người với con người bao gồm: Người nhường nhịn (bị áp đảo); người công kích (mạnh mẽ) và người hờ hững (lạnh lùng).
Phân loại nhân cách qua giao tiếp
- Người sống nội tâm
- Người thích giao tiếp hình thức
- Người nhạy cảm
- Người ba hoa
Phân loại nhân cách qua sự bộc lộ bản thân trong các mối quan hệ
- Nhân cách hướng nội
- Nhân cách hướng ngoại
Các thuộc tính cơ bản của nhân cách
Xu hướng
Con người là một thực thể tự nhiên và xã hội. Với tư cách là một thực thể xã hội, con người luôn có mối quan hệ tích cực, qua lại với môi trường xung quanh. Trong môi trường xã hội phong phú và đa dạng đó con người bao giờ cũng hướng tới một mục tiêu nào đó có ý nghĩa đối với bản thân mình.
Sự hướng tới mục tiêu đó diễn ra trong một thời gian tương đối lâu dài và khá ổn định do đó có thể trở thành động lực thúc đẩy, con người hành động nhằm chiếm lĩnh mục tiêu đó, quy định phương hướng cơ bản trong hành vi, quy định bộ mặt đạo đức của cá nhân, quy định mục đích của cả cuộc đời, đó là xu hướng của cá nhân.
Trong cuộc sống và hoạt động mỗi cá nhân đặt ra cho mình những mục tiêu và viễn cảnh khác nhau và có thái độ lựa chọn khác nhau với những giá trị xã hội xung quanh. Xu hướng của mỗi người khác nhau là khác nhau. Xu hướng là thuộc tính của nhân cách.
Xu hướng của cá nhân là ý định, định hướng tới đối tượng trong một thời gian dài nhằm thỏa mãn những nhu cầu hay hứng thú hoặc vươn tới mục tiêu cao đẹp mà cá nhân lấy làm lẽ sống của mình. (A.G.Kovaliov).
Vai trò của xu hướng là quy định phương hướng cơ bản trong hành vi, quy định bộ mặt đạo đức cũng như mục đích cuộc đời của cá nhân do đó chiếm vị trí trung tâm trong cấu trúc nhân cách.
Xu hướng tạo động cơ của hoạt động, định hướng, chi phối, điều khiển, điều chỉnh hoạt động.
Xu hướng với tính cách: Xu hướng quyết định tính cách của con người phát triển theo hướng nào. Tính cách của con người được ổn định và vững vàng khi xu hướng được ổn đinh. Thường thì cuối tuổi thanh niên tính cách tương đối ổn định.
Xu hướng và năng lực là mối quan hệ hai chiều. Xu hướng xác định chiều hướng phát triển của năng lực. Ngược lại, năng lực giúp cho những mục tiêu của xu hướng có khả năng biến thành hiện thực. Sau đó, những kết quả đạt được nhờ năng lực sẽ trở lại củng cố, kích thích xu hướng.
Xu hướng có thể góp phần phát triển những mặt tốt, hạn chế, khắc phục những thiếu sót của từng kiểu khí chất.
Những biểu hiện chủ yếu của xu hướng
- Nhu cầu
Cũng như các cơ thể sống khác, để tồn tại và hoạt động, con người cũng cần có những điều kiện và phương tiện nhất định. Tất cả những đòi hỏi ấy gọi là nhu cầu của cá nhân. Nhu cầu biểu thị sự gắn bó của cá nhân với thế giới xung quanh. Ngược lại, tất cả mọi hoạt động của con người đều nhằm thỏa mãn hàng loạt nhu cầu ngày càng cao trong cuộc sống của con người.
Nhu cầu là sự thể hiện mối quan hệ tích cực của cá nhân đối với hoàn cảnh, những đòi hỏi mà cá nhân thấy cần được thỏa mãn để tồn tại và phát triển.
Nhu cầu bao giờ cũng có tính đối tượng. Đối tượng của nhu cầu ở những người khác nhau là khác nhau. Người có nhu cầu này, người có nhu cầu khác hoặc đối tượng của của nhu cầu ở người này cũng khác với đối tượng nhu cầu của người khác.
Đối tượng của nhu cầu là yếu tố thúc đẩy con người hoạt động, sáng tạo ra thế giới đối tượng để thỏa mãn những nhu cầu ngày càng cao của con người.
Nội dung của nhu cầu do những điều kiện và phương thức thỏa mãn nó quy định. Chính điều kiện sống quy định nội dung đối tượng của nhu cầu hay nói cách khác nhu cầu là sự phản ánh những điều kiện sống. Xã hội càng phát triển, sản xuất càng phát triển và ngược lại nhu cầu càng phát triển, kích thích sản xuất càng phát triển.
Nhu cầu của con người mang tính xã hội. Các nhu cầu lao động, học tập, tiếp thu tri thức, nghiên cứu khoa học, thưởng thức văn học nghệ thuật, giao tiếp… Ngay trong những nhu cầu thuần túy mang tính cá nhân hoặc những nhu cầu dường như chỉ liên quan đến những chức năng sinh bật của cơ thể con người trên thực tế vẫn mang tính xã hội.
Nội dung cụ thể của nhu cầu còn phụ thuộc vào phương thức thỏa mãn nó.
Đói là đói, song cái đói được thỏa mãn bằng thịt chín với cách dung dao và nĩa thì khác hẳn cái đói bắt buộc Phải nuốt bằng thịt sống với cách dùng tay, móng và răng”. C.Marx
Muốn cải tạo nhu cầu phải cải tạo những cơ sở đã làm nảy sinh ra nó – những nhu cầu xấu.
Nhu cầu mang tính chu kỳ. Khi một nhu cầu nào đó được thỏa mãn không có nghĩa là nhu cầu ấy chấm dứt mà nó vẫn còn sống và phát triển trong điều kiện và phương thức sinh hoạt như cũ. Sự tái diễn đó mang tính chu kỳ. Sự thay đổi của tính chu kỳ do hoàn cảnh xung quanh và các trạng thái cơ thể gây ra.
- Hứng thú
- Lí tưởng
- Thế giới quan, niềm tin
Tính cách
Mỗi người chúng ta đều có những phản ứng riêng biệt khác nhau đối với những tác động của thế giới khách quan và thế giới chủ quan. Trong thái độ với người khác có người tỏ ra dịu dàng, lịch thiệp có người xởi lởi, phóng khoáng có người lại keo kiệt, bủn xỉn.
Trong thái độ đối với lao động người cần cù chịu khó, người thông minh nhiệt tình người lại lười biếng, ngại khó.. Những phản ứng riêng biệt này được củng cố trong thực tiễn, trong kinh nghiệm để trở thành ổn định, bền vững thì gọi là những nét tính cách. Tổng hợp những nét tính cách chúng ta có tính cách.
Có thể hiểu một cách đơn giản hơn tính cách là sự phản ánh, đánh giá hành vi của con người trong quan hệ của người này với người khác, với thế giới bên ngoài và khi chúng ta muốn nói về không phải những hành vi ngẫu nhiên mà là những hành vi mà chúng biểu thị quan hệ xã hội với người đó. Tính cách của mỗi người làm nổi bật những hình thức riêng biệt, độc đáo của hành vi.
Tính cách là một phong cách đặc thù của mỗi nguồn phản ánh lịch sử tác động của những điều kiện sống và giáo dục biểu thị ở thái độ đặc thù của người đó đối với hiện thực khách quan ở cách xử sự, ở những đặc điểm trong hành vi xã hội của người đó. (A.G.Kovaliov)
Nội dung của tính cách là hệ thống thái độ của cá nhân đối với hiện thực: thái đội đối với tự nhiên, đối với xã hội, đối với lao động, đối với bản thân. Hệ thống thái độ này có mối quan hệ tương hỗ với nhau. Thái độ sẽ chi phối các mối quan hệ xung quanh.
Hình thức của tính cách là những phương thức hành động, kiểu hành vi xã hội của con người. Thái độ và phương thức hành động có mối quan hệ biện chứng, tác động, chi phối lẫn nhau.
Mỗi tính cách có nhiều nét tính cách. Sự kết hợp giữa các thuộc tính trong cấu trúc tính cách là sự kết hợp độc đáo mang tính đặc thù. Mỗi nét tính cách có ý nghĩa riêng, tùy thuộc vào sự kết hợp của nó với những nét tính cách khác của cá nhân. Sự kết hợp khác nhau giữa các nét tính cách sẽ tạo nên những tính cách khác nhau.
Tính cách là một hiện tượng xã hội – lịch sử. Do đó không thể có tính cách chung chung cho mọi tầng lớp, giai cấp, tách khỏi không gian, thời gian sống. Song cá nhân có tính cách lại là một thành viên của xã hội và liên quan với xã hội bằng các quan hệ khác nhau.
Điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa chung tạo nên cho tính cách những nét chung. Ví dụ người Việt có tài nhưng đa số ích kỷ, thiếu ý chí.
Cấu trúc của tính cách
- Xu hướng – thành phần chủ đạo
- Tình cảm – thành phần cốt lõi bao trùm của tính cách
- Ý chí – Mặt sức mạnh của tính cách
- Khí chất – mặt cơ động của tính cách
- Kiểu hành vi – mặt hiện thực của tính cách
Năng lực
Khả năng tiếp thu kiến thức và kỹ năng ở mỗi người là khác nhau ở cả mức độ, tốc độ và nhịp độ. (Cùng đọc một câu chuyện nhưng cách tổng hợp thông tin và kể lại của 3 người khác nhau là khác nhau).
Năng lực là tổng hợp những thuộc tính tâm lý độc đáo của cá nhân đáp ứng yêu cầu đặc trưng của hoạt động và đảm bảo cho hoạt động ấy đạt kết quả cao.
Các mức độ của năng lực bao gồm:
- Năng lực
- Tài năng
- Thiên tài
Cấu trúc của năng lực mang tính cơ động. Chính tính cơ động của năng lực giúp con người dễ dàng hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Các thành phần trong cấu trúc năng lực bao gồm: thành phần chủ đạo, thành phần chỗ dựa, thành phần làm nền.
Tiền đề tự nhiên của năng lực được xem là tư chất bao gồm: bẩm sinh – cái sinh ra đã có; di truyền – tồn tại và phát triển trên cơ sở đến của bố mẹ; cái tự tạo – cái cá nhân thu được, khác thế hệ bố mẹ.
Tư chất của một người luôn biến đổi chứ không cố định. Tư chất cũng không là yếu tố tiên quyết, quyết định năng lực nhưng tư chất có ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực, là tiền đề tự nhiên và vật chất để năng lực phát triển.
Điều kiện xã hội của năng lực được đánh giá là quan trọng và mang tính quyết định đối với sự hình thành năng lực.
- Năng lực vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của sự phân công lao động theo đó năng lực của con người phát triển theo trình độ phát triển của khoa học kỹ thuật, chế độ xã hội.
- Hoạt động là nhân tố quyết định sự hình thành và phát triển năng lực. Thông qua hoạt động cá nhân biết được khả năng của mình; làm cá nhân thích ứng với yêu cầu của hoạt động; giúp bản thân tự hình thành những thuộc tính chưa có hoặc chưa phát triển tương xứng với yêu cầu của hoạt động.
Khí chất
Tâm lý người mang tính chủ thể. Trong số những đặc điểm tâm lý cá nhân nhằm phân biệt người này với người khác thì khí chất có vị trí quan trọng nhất.
Khí chất không định trước giá trị đạo đức và xã hội của một nhân cách. Người có khí chất khác nhau có thể có chung một giá trị đạo đức và xã hội như nhau. Ngược lại có những người có cùng khí chất như nhau nhưng có thể rất khác nhau về giá trị đạo đức, xã hội.
Khí chất không định trước các nét tính cách mà có liên hệ chặt chẽ với tính cách.
Khí chất không định trước trình độ của năng lực. Những người có cùng khí chất có thể có năng lực khác nhau. Tuy nhiên, những người có cùng một loại năng lực lại sở hữu những khí chất khác nhau.
Bác sĩ người La Mã Galenus (200-130 TCN) đã hoàn thiện lý thuyết Hippocrates và chia khí chất thành 4 loại khác nhau bao gồm:
- Linh hoạt (xănganh): Mạnh, cân bằng, linh hoạt. Đặc trưng bởi khả năng dễ thay đổi thói quen, dễ thay đổi tâm trạng, là người yêu đời, nhanh nhẹn, nhanh trí nhưng ít kiên nhẫn.
- Nóng nảy (Côlêric): Mạnh, không cân bằng. Đặc trưng là cảm xúc biểu hiện rất rõ đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực; hay nóng nảy dù sự nóng nảy qua nhanh; nhanh nhẹn, có nghị lực, kiên quyết; khi vui sướng hay đau khổ đều rung động mãnh liệt, sâu sắc.
- Trầm (Phlêmatic): Mạnh, cân bằng, không linh hoạt. Đặc trưng là kém nhanh nhẹn, hưng phấn cảm xúc yếu, bình tĩnh và kiên định, thói quen, kỹ xảo ổn định khó thay đổi.
- Ưu tư (Mêlangcôlic): kiểu thần kinh yếu, kém linh hoạt. Đặc trưng là cảm xúc mang tính mềm yếu, bất kỳ thất bại nào cũng gây ức chế, luôn u sầu. Mọi rung chuyển diễn ra chậm chạp nhưng khá sâu sắc; thường lờ đờ thụ động