Tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh lan tỏa gây ra những thiếu hụt về khả năng tương tác xã hội, giao tiếp bằng ngôn ngữ và các hành vi bất thường xuất hiện ở những năm đầu đời (trước 3 tuổi).
Năm 2007, Liên Hợp Quốc lấy ngày 2 /4 hàng năm làm ngày “Thế Giới nhận thức về chứng tự kỷ” để nhấn mạnh tầm quan trọng và ảnh hướng phức tạp của chứng tự kỷ tới cộng đồng nói chung và thế hệ mầm non tương lai nói riêng.
Vậy hội chứng tự kỷ là gì? Biểu hiện triệu chứng? nguyên nhân? Các yếu tố nguy cơ và cách phòng tránh cũng như điều trị hội chứng này như thế nào? Cùng ThanhBinhPsy đi tìm câu trả lời trong bài viết sau đây nhé.
Hội chứng tự kỷ là gì?
Tự kỷ hay còn gọi là hội chứng tự kỷ, rối loạn tự kỷ, rối loạn phổ tự kỷ có tên tiếng anh là Autism là một rối loạn phát triển tự nhiên của con người được đặc trưng bởi các khiếm khuyết liên quan đến tương tác xã hội, giao tiếp ngôn ngữ và hành vi bất thường.
Theo thống kê của WHO tỉ lệ người mắc bệnh tự kỷ trên thế giới khoảng 2% dân số trong đó tỉ lệ mắc tự kỷ ở trẻ nam cao hơn bé gái từ 4-6 lần. Tỉ lệ này đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây với mức tỉ lệ đáng báo động là 1/100 trẻ sơ sinh, đây là mức báo động so với các hội chứng khác như Down, ung thư hay tiểu đường.
Tự kỷ được cho là xuất hiện vào khoảng 3 năm đầu đời với tỉ lệ cao hơn 4-6 ở nam giới so với nữ giới. Tính đến năm 2013,trên thế giới có khoảng 22 triệu người được chẩn đoán mắc hội chứng tự kỷ. Tỉ lệ trẻ em mắc hội chứng tự kỷ đang có dấu hiệu gia tăng nghiêm trọng không chỉ ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, các nước Châu Âu mà còn ở các nước phát triển như Việt Nam, Philippin…
Một trong những yếu tố khiến cho tự kỷ trở thành một trong những rối loạn phát triển được toàn xã hội quan tâm đó chính là sức ảnh hưởng của nó đối với không chỉ người mắc tự kỷ mà còn gia đình của họ.
Đặc biệt hơn, cho đến nay vẫn chưa có bất cứ một phương pháp hay dược liệu nào có thể chữa trị hoàn toàn tự kỷ. Vì vậy,có thể nói những người mắc hội chứng phổ tự kỷ phải sống chung với nó cả đời.
Không giống như nhiều rối loạn phát triển khác, hội chứng tự kỷ không có cơ chế thống nhất, rõ ràng. Tự kỷ là hệ quả của một tập hợp những rối loạn với nhiều khiếm khuyết và các cơ chế khác nhau được gây ra bởi sự phát triển bất thường của các chức năng não bộ và hành vi. Vì vậy, cũng giống như động kinh tự kỷ Không Chữa Được.
Người ta chỉ có thể cải thiện các khiếm khuyết mà người mắc chứng tự kỷ ở một mức độ nào đó chứ không thể chữa khỏi hoàn toàn.
Xem thêm >>> Tư vấn tâm lý trẻ tự kỷ
Các loại tự kỷ
Là một rối loạn phát triển liên quan đến não bộ tuy nhiên hội chứng tự kỷ cũng được phân làm nhiều loại khác nhau. Trong đó, có hai cách phân loại chính đó là phân loại theo lâm sàng và phân loại theo khả năng trí tuệ và phát triển ngôn ngữ.
Phân loại theo lâm sàng
Các nhà khoa học chia tự kỷ thành 5 thể khác nhau theo phân loại lâm sàng bao gồm:
Tự kỷ Kanner (tự kỷ điển hình): là rối loạn phổ tự kỷ bao gồm cả 3 khiếm khuyết trong phát triển tương tác xã hội, giao tiếp ngôn ngữ và hành vi bất thường. khởi phát trước 3 tuổi.
Hội chứng Asperger (tự kỷ chức năng cao): Hội chứng Asperger được bác sĩ nhi khoa người Áo là Hans Asperger mô tả vào năm 1944. Theo Bác sĩ Hans những người bị hội chứng Asperger không chỉ có khuyết điểm, họ cũng có thể có ưu điểm trong những lãnh vực như nhận thức, tự quan sát, trong sự chú ý hoặc trí nhớ. Hans Asperger mô tả một số bé trai có trí thông minh và ngôn ngữ phát triển bình thường nhưng không có kỹ năng giao tiếp tốt. Một số đặc điểm thường thấy đối với trẻ em mắc bệnh hội chứng Asperger gồm: Kỹ năng sinh hoạt kém; Lập dị và Khả năng phi thường.
Hội chứng Rett: là một rối loạn não di truyền ở các bé gái thường trở nên rõ ràng khi trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi. Các triệu chứng bao gồm các vấn đề với ngôn ngữ (mất một phần hoặc hoàn toàn lời nói), phối hợp và các chuyển động lặp đi lặp lại. Thường có sự tăng trưởng chậm hơn, vấn đề đi bộ và kích thước đầu nhỏ hơn. Các biến chứng có thể bao gồm co giật, vẹo cột sống và khó ngủ hay chậm phát triển tâm thần nặng.
Rối loạn phân rã tuổi ấu thơ: là sự thoái lùi phát triển nặng xảy ra trước 10 tuổi.Theo ICD-10 thì rối loạn phân rã tuổi ấu thơ là loại khuyết tật phát triển chung, đặc trưng bởi một giai đoạn phát triển hoàn toàn bình thường đối với biểu hiện của các dấu hiệu rối loạn, kèm theo một mất mát rõ rệt về kỹ năng thu được vào thời điểm đó, liên quan đến các lĩnh vực phát triển khác nhau.
Mất mát xảy ra trong vòng một vài tháng sau khi sự phát triển của rối loạn. Thông thường điều này được đi kèm với một mất mát đáng chú ý trong hành vi động cơ xung quanh, rập khuôn, đơn điệu và các rối loạn tự kỷ cụ thể trong lĩnh vực tương tác xã hội và chức năng giao tiếp.
Tự kỷ không điển hình (tự kỷ nhẹ): trẻ chỉ gặp rối loạn phát triển ở một trong 3 lĩnh vực tương tác xã hội hoặc giao tiếp ngôn ngữ hoặc hành vi bất thường.Tự kỷ không điển hình thường phát triển ở những người bị chậm phát triển sâu và ở những người có rối loạn tiếp thu nghiêm trọng, cụ thể về phát triển lời nói.
Phân loại theo khả năng trí tuệ và phát triển ngôn ngữ
Theo khả năng trí tuệ và phát triển ngôn ngữ, người ta chia tự kỷ thành 4 loại bao gồm:
- Tự kỷ có trí thông minh cao và nói được
- Tự kỷ có trí thông minh cao nhưng không nói được
- Tự kỷ có trí tuệ thấp và nói được
- Tự kỷ có trí tuệ thấp và không nói được
Bên cạnh việc phân loại các thể tự kỷ, chúng ta cũng cần phân biệt tự kỷ với những rối loạn khác như chậm nói đơn thuần, khiếm thính (câm điếc), chậm phát triển tâm thần, rối loạn gắn bó, tăng động giảm chú ý…
Xem thêm >>> Tư Vấn Tâm Lý Trẻ Em Online
Biểu hiện triệu chứng của tự kỷ
Rối loạn tự kỷ được đặc trưng bởi thời gian xuất hiện là trong thời thơ ấu (khoảng 3 năm đầu đời).Các đặc điểm đa dạng từ nhẹ đến nặng mà không có dấu hiệu thuyên giảm. Người mắc hội chứng tự kỷ có thể bị tổn hại nghiêm trọng ở một số mặt nhưng ở mức đố bình thường hoặc thậm chí cao ở những cá thể khác.
Biểu hiện triệu chứng của tự kỷ dần lộ rõ sau khoảng 6 tháng tuổi và phát triển theo độ tuổi hai hoặc 3 năm và xu hướng tiếp diễn qua tuổi trưởng thành. Mặc dù thường ở dạng kìm hãm.
Những người mắc chứng tự kỷ thường có những biểu hiện triệu chứng liên quan đến hành vi, giao tiếp và phát triển xã hội cụ thể như sau:
Giao tiếp
Khoảng một phần ba cho đến một nửa số người tự kỷ không phát triển đủ ngôn ngữ tự nhiên để đáp ứng các nhu cầu giao tiếp thường ngày. Trẻ không cười, không tương tác mắt (nhìn vào mắt người đối diện), không có tương tác với người chăm sóc, không bò/ đi đến người chăm sóc để được bế.
Trẻ không lắng nghe hoặc có biểu hiện như điếc mặc dù thính lực bình thường. Trẻ nói những từ, ngữ không có nghĩa, hay gầm gừ, có sự lặp lại không ngừng một từ hay một câu vô nghĩa. Trẻ có rất ít hoặc hầu như không có khả năng chia sẻ kinh nghiệm hay làm theo sự chỉ dẫn của người khác mà chỉ có thể lặp đi lặp lại một cách đơn giản lời nói của người khác hoặc đảo lời.
Vì những khiếm khuyết về mặt ngôn ngữ cũng như sự phát triển ngôn ngữ trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong chơi các trò chơi tưởng tượng và có tính biểu tượng như chơi đóng vai hay giả vờ..
Phát triển xã hội
Những thiếu hụt về tương tác xã hội ở người mắc hội chứng tự kỷ bao gồm thiếu giao tiếp xã hội bình thường (người tự kỷ gặp khó khăn trong việc nói chuyện với người khác). Họ khó thích ứng với những sự thay đổi liên quan đến hoàn cảnh, công việc hay những điều diễn ra hàng ngày.
Trẻ mắc chứng tự kỷ thường cứng nhắc trong tư duy, vì vậy trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu và tự điều chỉnh khi có sự thay đổi (mặc trang phục một màu, đi theo một con đường nhất định, xếp đúng một hình khi chơi lego, chỉ ăn một loại thức ăn,…
Những trẻ mắc hội chứng Tự kỷ thường bị ám ảnh với những vật cá biệt hay những hành vi đặc biệt, tập trung vào chúng mà không quan tâm đến những việc khác xung quanh.Trẻ cũng có “những vùng phát triển khả năng đặc biệt”. Một số trẻ tự kỷ tổn thương nặng ở nhiều khả năng nhưng họ cũng có thể thể hiện được những tài năng như trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật, toán và cơ khí.
Hành vi
Ở trẻ tự kỷ người ta dễ dàng nhận thấy những biểu hiện đặc trưng như đứng nhón chân, hay lắc lư người, giữ khư khư một đồ vật, thực hiện một động tác có tính liên tục (bật tắt công tắc, chuyển đồ chơi từ tay này sang tay khác..), nhiều trẻ có biểu hiện kích động hơn như tự đánh mình hoặc đập đầu vào tường…
Trẻ tự kỷ thích chơi những trò chơi cứng nhắc liên quan đến tính rập khuôn và theo cách riêng mà trẻ cảm thấy đúng. Ví dụ như: xoay bánh xe ô tô thay vì cho xe chạy…
Cần phân biệt tự kỷ với những vấn đề khác như chậm nói đơn thuần, câm điếc, chậm phát triển trí tuệ, rối loạn sự gắn bó, rối loạn tăng động giảm chú ý… Để phòng rối loạn tự kỷ, cha mẹ cần lưu ý đảm bảo thai sản an toàn cho người mẹ, hạn chế sinh con khi cao tuổi, tránh các yếu tố bất lợi của môi trường sống. Quan tâm tác động sớm tới trẻ trong chơi tương tác, vận động và phát triển giao tiếp.
Các dấu hiệu của chứng tự kỷ thường xuất hiện sớm từ những năm đầu đời, nhưng đôi khi chúng cũng xuất hiện sau một số tháng phát triển bình thường. Trong hầu hết các trường hợp, không thể xác định được sự kiện nào là sự kiện khiến trẻ đang phát triển bình thường lại dần thoái triển, rơi vào chứng tự kỷ.
Cha mẹ nên đưa trẻ đến các nhà chuyên môn (bác sĩ nhi, nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần…) nếu:
- 12 tháng tuổi, trẻ không bập bẹ, bi bô.
- 12 tháng tuổi, trẻ không ra hiệu, làm điệu bộ như vẫy tay, chỉ chỏ, với đồ chơi…
- 16 tháng tuổi, trẻ không nói được từ nào.
- 2 tuổi, trẻ không nói được câu ngắn nào đáp trả.
- Ở mọi độ tuổi, có sự mất/ suy thoái các kĩ năng ngôn ngữ và xã hội.
Nguyên nhân dẫn đến tự kỷ
Các nghiên cứu hiện nay đều chưa dám khẳng định nguyên nhân chính xác của chứng tự kỷ. Đa số các nghiên cứu đưa ra nguyên nhân chính của tự kỷ liên quan đến gen. Một số giả thiết cho rằng, tự kỷ có nguyên nhân từ các yếu tố sinh học hoặc môi trường, hoặc cả hai, bao gồm cả các yếu tố nhiễm khuẩn lúc mang thai, các khiếm khuyết của hệ thống miễn dịch, gen.
Di truyền học
Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng 90% các trường hợp mắc chứng tự kỷ có liên quan đến di truyền. Theo đó, nếu anh/chị trong gia đình bị tự kỷ thì khả năng người em bị tự kỷ là 30%. Đột biến gen cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tự kỷ.
Những nghiên cứu dựa trên các trường hợp sinh đôi hay di truyền phả hệ đã chứng minh rằng có mối tương quan cao giữa tự kỷ với gen di truyền. Tuy nhiên khoa học chưa tìm ra được gen hay tổ hợp gen nào gây ra bệnh này. Ngoài ra tự kỷ có thể do gen tổ hợp, một biến dị gen hoặc tương tác gen nào đó gây ra vì đại đa số các trường hợp trẻ tự kỷ có bố mẹ hoàn toàn bình thường.
Quá trình mang thai
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng hội chứng tự kỷ có liên quan đến quá trình mang thai của người mẹ. Cụ thể:
Các tác nhân môi trường: trong 8 tuần đầu của kỳ thai nghén, bà mẹ dễ dàng tiếp xúc với những những tác nhân gây khiếm khuyết có liên quan đến tự kỷ.
Sự nhiễm trùng của mẹ: Một số nghiên cứu khoa học khẳng định rằng việc nhiễm trùng virus của người mẹ trong quá trình mang thai là một trong những nguyên nhân gây bệnh tự kỷ không xuất phát từ gen. Một số virus làm gia tăng nguy cơ tự kỷ ở con khi người mẹ mắc phải bao gồm: bệnh sởi Đức, Rubella, virus kích hoạt sụ phản ứng của người mẹ…
Căng thẳng: căng thẳng và stress trong thai kỳ cũng là một trong những yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng mắc bệnh tự kỷ ở trẻ. Theo đó, việc người mẹ thường xuyên căng thẳng trước khi sinh có thể làm gia tăng rối loạn sự phát triển của não và tạo ra những cách ứng xử tương tự các triệu chứng tự kỷ.
Đái đường thai kỳ: Theo một phân tích tổng hợp vào năm 2009 cho thấy rằng việc người mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ làm gia tăng gấp 2 lần nguy cơ bị tự kỷ ở đứa con.
Vấn đề tuyến giáp: sự thiếu hụt tyroxin trong 3 tháng đầu của thai kỳ được công nhận làm gia tăng khả năng sản sinh ra những thay đổi trong não thai nhi dẫn tới tự kỷ. Việc thiếu hụt thyroxin của mẹ gây ra bởi việc thiếu hấp thu i-ốt, thức ăn có chứa flavon hay khói thuốc lá, thuốc trừ sâu…
Một số yếu tố khác: thiếu hụt acid folic, quái thai, kích tố dục nam của bào thai, ảnh hưởng của sóng siêu âm… cũng làm gia tăng nguy cơ tự kỷ ở trẻ.
Can thiệp và điều trị tự kỷ
Phát hiện sớm là điều có ý nghĩa quan trọng cho việc trị liệu trẻ mắc chứng tự kỷ, vì khi được phát hiệp và can thiệp sớm, trẻ sẽ được trợ giúp để phát triển ngay từ đầu các kĩ năng ngôn ngữ, xã hội, nhận thức. Việc can thiệp cho trẻ tự kỷ thường bao gồm:
· Luyện tập, giáo dục cho trẻ các kĩ năng ngôn ngữ, nhận thức, xã hội và kĩ năng tự phục vụ bản thân.
· Hướng dẫn, tư vấn cha mẹ trẻ để hỗ trợ trẻ.
Không có cách chữa nào làm biến mất chứng tự kỷ. Việc can thiệp/ trị liệu chỉ nhằm khống chế và làm giảm bớt các triệu chứng, giúp trẻ cải thiện thực hiện các chức năng. Các liệu pháp can thiệp sớm bao gồm:
Liệu pháp hành vi
Các liệu pháp hành vi là một phương pháp điều trị chứng tự kỷ được sử dụng rộng rãi để giúp trẻ tự kỷ học cách giao tiếp, phát triển thể chất và tương tác với người khác hiệu quả hơn. Các chương trình chuyên sâu này được gọi là phương pháp phân tích hành vi ứng dụng (ABA). Phương pháp này khuyến khích những hành động tích cực và ngăn cản các hành vi tiêu cực.
Một cách tiếp cận khác gọi là Floortime, là một khoảng thời gian chơi đặc biệt mà bố mẹ dành ra ở bên con để giúp điều chỉnh cảm xúc và kỹ năng xã hội. Ngoài ra, chương trình TEACCH sử dụng hình ảnh và các tín hiệu thị giác để giúp điều trị cho các bé tự kỷ.
Giáo dục đặc biệt
Một phương pháp điều trị chứng tự kỷ tiếp theo là giáo dục đặc biệt. Trường học dành cho trẻ tự kỷ có thể cung cấp các dịch vụ đặc biệt để giúp trẻ tự kỷ học tập và phát triển. Điều này có thể bao gồm liệu pháp về ngôn ngữ, hành vi và các phản ứng liên quan đến tương tác xã hội.
Dùng thuốc
Trên thực tế, không có bất kỳ loại thuốc đặc trị nào được sử dụng cho hội chứng tự kỷ. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp người mắc chứng tự kỷ có các biểu hiện tự gây hại, cáu gắt hay các cơn co giật (động kinh) thì có thể sử dụng một số loại thuốc chống rối loan thần kinh.
Lưu ý là thuốc này phải được sử dụng theo đơn của bác sĩ và dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa. các bậc phụ huynh không đực tùy tiện sử dụng cho trẻ.
Bên cạnh những phương pháp can thiệp và trị liệu tự kỷ theo khoa học và chuyên môn thì phụ huynh cũng có thể cùng với sự hỗ trợ của các thầy cô giáo, nhà tâm lý tiếp cận với con trẻ tại nhà như:
- Nói chuyện với trẻ ngắn gọn rõ ràng
- Nương theo sở thích của trẻ và đưa ra lựa chọn phù hợp với trẻ
- Các thành viên trong gia đình cần thay phiên chơi với trẻ. Điều này giúp giảm hành vi lặp đi lặp lại của con
- Cùng con tham gia vào một chương trình điều trị của một nhóm các bác sĩ hay tư vấn viên hoặc những gia đình có cùng hoàn cảnh
- Tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ và các nhóm hỗ trợ trẻ tự kỷ hay gia đình có trẻ tự kỷ tại nơi bạn sống
- Tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ trong và sau quá trình điều trị
Biện pháp phòng ngừa bệnh tự kỷ
Mặc dù, chưa có nhiều bằng chứng chứng minh mối liên hệ của các tác động môi trường lên hội chứng tự kỷ. Tuy nhiên, để phòng ngừa bệnh tử kỷ, các chuyên gia vẫn khuyến khích các bà mẹ lưu ý đến những yếu tố làm gia tăng nguy cơ tự kỷ cho con trẻ bao gồm:
- Mẹ nên tiêm phòng sởi, virus Rubella trước thai kỳ
- Tránh tiếp xúc với các nguồn gây thiếu hụt tyroxin (khói thuốc, thuốc trừ sâu…)
- Bổ sung dinh dưỡng thai kỳ đầy đủ (acid folic, i-ốt, các loại vitamin và khoáng chất…)
- Kiểm soát căng thẳng, lo âu, xây dựng lối sống lành mạnh
Trên đây là những tổng hợp của ThanhBinhPsy về hội chứng tự kỷ cũng như nguyên nhân, triệu chứng và can thiệp tự kỷ. Hi vọng, bài viết sẽ cung cấp cho bạn nhiều hơn những thông tin hữu ích về hội chứng này cũng như giúp ích cho bạn trong việc nhận biết và định hướng kịp thời dành cho con trẻ của mình.
Liên hệ đặt lịch tham vấn tâm lý tại Thanhbinhpsy:
- Hotline/Zalo: 0372.951.520
- Email: Thanhbinhpsy@gmail.com
- Fanpage: Thanh Bình Psy – Dịch vụ tham vấn tâm lý chuyên nghiệp tại TPHCM
- Địa chỉ: 551/99 Lê Văn Khương, Quận 12, TPHCM