Chứng rối loạn ăn uống khá phổ biến ở trẻ em ngày nay, nhất là trẻ ở trong độ tuổi từ 8−12 tuổi. Rối loạn ăn uống gây ra những hậu quả nghiêm trọng về thể chất cũng như về tinh thần ở các bé mà bố mẹ không nên xem thường. Trong bài viết này ThanhBinhPsy sẽ giúp các bậc cha mẹ biết cách để tìm hiểu rõ vấn đề này để giúp con có được biện pháp điều trị kịp thời.
Ăn dở (ăn bậy)
Ăn dở = “pica” là từ Latinh có nghĩa là con chim khách (la pie), một loài chim ăn tạp. Ăn dở là ăn lặp đi lặp lại và kéo dài các chất không có tính dinh dưỡng, tức là các chất không thể ăn được.
Ở trẻ nhỏ từ 4 – 12 tháng, có một thời kỳ bình thường, trẻ đưa mọi thứ vào miệng (giấy, vải, đồ chơi,…). Hành vi đó được xem là một cách để trẻ tìm hiểu thế giới chung quanh, không có gì bất thường.
Ở tuổi nào, sự ăn các chất không dinh dưỡng là bất thường?
Thì có ý kiến khác nhau theo các tác giả: sau 10 – 12 tháng (D.Marcelli), sau 18 tháng (H.I.Kaplan), có thể khởi phát ở tuổi 1 – 3 (DSM-VI).
Các nghiên cứu dịch tễ học về chứng ăn dở rất ít. Một số nghiên cứu báo cáo các tỷ lệ 10% – 32.3% trẻ em 1 – 6 tuổi có rối loạn ăn dở (theo H.I.Kaplan); tỉ lệ giảm ở các độ tuổi lớn hơn, trai và gái có tỷ lệ ngang nhau. Ở trẻ em bị chậm phát triển tâm thần càng nặng, tỉ lệ ăn dở càng tăng.
Các yếu tố nguyên nhân
Các nhân tố sau đây đã được đề cập đến:
Quan hệ mẹ – con không thích đáng
Điều này làm cho nhu cầu miệng của bé không thỏa đáng nên bé phải đi tìm kéo dài các chất không thể ăn được. Thường gặp ở các trẻ em bị thiếu chăm sóc cảm xúc nặng hay bị bỏ rơi.
Thiếu dinh dưỡng đặc hiệu
Việc thiếu dinh dưỡng đặc hiệu làm cho trẻ khi ăn, không phân biệt được chất nào, vật nào không phải là thức ăn.
Nhân tố văn hóa
Có ý nghĩa quan trọng trong rối loạn ăn đất (đất, đất sét, hồ,…). Ở Việt Nam, thói quen ăn đất thấy ở một số vùng như Lập Thạch (Vĩnh Phúc) và Tây Bắc.
Các trẻ em loạn thần thường có các rối loạn chức năng ăn uống và tiêu hóa (ăn dở, chán ăn, ỉa chảy, táo bón, đái ỉa rầm rề,…).
Đặc điểm chẩn đoán
Theo DSM-IV, đặc điểm chủ yếu là ăn các chất không dinh dưỡng kéo dài trong thời gian ít nhất một tháng. Trẻ nhỏ ăn sơn, hồ, vữa, sợi, tóc, vải; trẻ lớn thì ăn cát, côn trùng, lá cây, sỏi, phân động vật. Thanh thiếu niên và người lớn ăn đất sét. Đặc biệt không có biểu hiện sợ thức ăn. Hành vì ăn dở này phải không thích hợp với tuổi phát triển và không phải là hành vi được chấp nhận về mặt văn hóa.
Ăn các chất không dinh dưỡng có thể là triệu chứng kết hợp của các rối loạn tâm thần khác như rối loạn lan tỏa phát triển, chậm phát triển tâm thần. Trường hợp này, cần làm chẩn đoán phụ khi có rối loạn ăn dở khá nặng.
Chẩn đoán phân biệt
Chứng ăn dở cần phân biệt với các trường hợp sau:
– Ăn chất không dinh dưỡng trước tuổi 18 – 24 tháng: trẻ đưa vào miệng và có khi ăn các chất không dinh dưỡng (rất hay gặp) nhưng không gọi là ăn dở. Hơn nữa, ăn dở phải là hành vi kéo dài (ít nhất một tháng) và không phù hợp với mức phát triển cá nhân.
– Ăn các chất không dinh dưỡng xảy ra trong quá trình các rối loạn tâm thần khác như rối loạn lan tỏa phát triển, tâm thần phân liệt, hối chứng Kleine – Levin (ngủ nhiều – ăn nhiều). Trẻ em bị chứng lùn do căn nguyên tâm lý- xã hội (dwarfism) có khi mắc chứng ăn dở.
Các biến chứng
Biến chứng có thể từ vô hại đến nguy hiểm chết người tùy theo chất trẻ em đã ăn.
Nhiễm độc chì do ăn sơn, ăn vữa trát tường có lăn sơn.
Nhiễm trùng hay ký sinh trùng đường ruột do ăn rác, phân, thức ăn gia súc, nước vệ sinh.
Thiếu máu nhược sắc và thiếu chất kẽm do ăn đất.
Tắc ruột, thủng ruột do ăn tóc, đá, sỏi,…
Tiến triển và tiên lượng
Ở trẻ em, chứng ăn dở thường mất đi ở tuổi càng lớn, thanh thiếu niên. Ở phụ nữ, ăn dở giới hạn ở thời kì mang thai. Ở người lớn và người bị chậm phát triển tâm thần, chứng ăn dở có thể kéo dài.
Điều trị
Chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu.
Các biện pháp thường dùng là tiếp cận tâm lý – xã hội – môi trường – hành vi.
Hướng dẫn gia đình nhằm cải thiện quan hệ mẹ – con thay đổi thái độ, chăm sóc cảm xúc cải thiện các nhân tố tâm ly – xã hội gây stress. Tạo môi trường xung quanh trẻ em sạch sẽ, không để trong tầm tay trẻ em các chất độc hại.
Liệu pháp gây sợ nhẹ hay củng cố âm tính: dùng một kích thích điện rất nhẹ, một tiếng động không quá khó chịu hay một chất gây nôn,… Cũng cố dương tính dùng cách uốn nắn, tạo hình hành vi, gia sức điều chỉnh một cách kiến nhẫn hành vi ăn dở.
Chú ý phát hiện và điều trị sớm các biến chứng: điều trị thiếu máu dược sắc, thiếu kẽm, ngộ độc chì, nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng; cấp cứu tắc ruột, thủng ruột,…
[maxbutton id=”3″ text=”Dịch vụ tham vấn tâm lý tại gia” ]
Rối loạn nhai lại ở trẻ em
Rối loạn nhai lại (từ tiếng Hy Lạp mericysm) nghĩa là hành vi ợ thức ăn từ dạ dày lên miệng, nhai lại thức ăn và nuốt lại một lần nữa. Rối loạn này đã biết từ mấy trăm năm nay nhưng hết sức hiếm gặp. Rối loạn này cần được chẩn đoán sớm và can thiệp thích hợp để có thể tránh khỏi các biện pháp ngoại khoa không cần thiết.
Rối loạn nhai lại rất hiếm gặp, nhất là ở người lớn. Có thể gặp rối loạn này ở trẻ 3 đến 12 tháng và ở người bị chậm phát triển tâm thần. Trẻ em trai bị nhiều hơn trẻ em gái.
Đặc điểm lâm sàng và chẩn đoán
Rối loạn này đặc trưng chủ yếu là nhiều lần ợ thực ăn từ dạ dày lên miệng, xảy ra sau một thời kỳ hoạt động tiêu hóa bình thường và kéo dài ít nhất một tháng.
Thức ăn đã tiêu hóa một phần ở dạ dày bị đưa ngược lên miệng, thường được nhai và nuốt lại nhưng có khi trào ra khỏi miệng.
Không có biểu hiện buồn nôn, ợ chua hay chán ghét thức ăn; cũng không có rối loạn đường ruột kết hợp.
Trẻ em đồng thời có các hành động tác mút và liếm môi gây cảm tưởng là rất thỏa mãn.
Chẩn đoán phân biệt
Cần phân biệt rối loạn nhai lại với các bệnh sau đây:
Các bất thường bẩm sinh (như thoát vị cơ hoành) và nhiễm trùng đường tiêu hóa có thể gây ợ chua thức ăn nhưng tiến triển thường nặng không khỏi tự nhiên.
Tắc môn vị thường có triệu chứng nôn vọt và thường biểu hiện rõ ràng trước ba tuổi.
Các rối loạn kết hợp và biến chứng thứ phát
Giữa các lần ợ thức ăn, trẻ dễ cáu gắt và tỏ ra đói bụng.
Tuy ăn nhiều nhưng vẫn có biểu hiện suy dinh dưỡng, mất nước, giảm sức đề kháng (dễ mắc thêm các bệnh), chậm tăng trưởng, chậm phát triển thể chất và tâm thần, các trường hợp nghiêm trọng có thể đi đến tử vong (tỷ lệ chết 25% trường hợp, DSM-IV). Mùi vị khó chịu của các chất ợ lên miệng có thể làm cho trẻ trở nên chán ăn.
Bệnh căn
Nhiều nhân tố được xem xét về bệnh căn.
Rối loạn quan hệ mẹ – con
Hầu hết các tác giả đều thừa nhận rối loạn nhau lại là thứ phát sau hội chứng thiếu chăm sóc của mẹ. Bà mẹ kém thành thục có thể liên quan đến xung đột hôn nhân trở nên xa cách, lạnh nhat, thờ ơ, thiếu vỗ về, chăm sóc cảm xúc không đầy đủ. Đứa trẻ bị thiếu kích thích về mặt tình cảm nên phải tìm kiếm cảm giác dễ chịu từ hành vi ợ – nhai lại này.
Nó muốn tạo sự thích thú về ăn uống mà bà mẹ đã không làm cho nó thỏa mãn. Mặt khác, bà mẹ buồn phiền lo lắng vì đã nuôi con chậm lớn có thể trở nên kích thích quá mức, cho ăn quá nhiều, cho ăn luôn luôn. Đó cũng có có thể là nguyên nhân của chứng nhai lại.
Rối loạn chức năng hệ thần kinh thực vật
Các kỹ thuật thăm dò hiện đại phát hiện ở trẻ em bị rối loạn nhai lại có các đợt trào ngược thức ăn từ dạ dày lên thực quan hay thoát vị cơ hoành.
Thuyết hành vi cho rằng rối lạo nhai lại là một sự củng cố dương tính trạng thái tự kích thích, tự gây thích thú và đứa bé muốn được người khác (nhất là mẹ) quan tâm qua hành vi nhai lại này.
Ở người lớn chậm phát triển thâm thần rối loạn nhai lại được xem là một hành vi tự kích thích.
Tiến triển và tiên lượng
Phần lớn các trường hợp rối loạn nhai lại đều thuyên giảm tự nhiên. Các trường hợp nặng, quá trình tiến triển liên tục. Có rất ít nghiên cứu về tiến triển và tiên lượng xa xủa các rối loạn nhai lại.
[maxbutton id=”1″ text=”Dịch vụ tham vấn tâm lý qua điện thoại” ]
Điều trị
Các biện pháp sau đây thường được áp dụng:
Cải thiện quan hệ mẹ – con và môi trường tâm lý của đứa trẻ: Làm liệu pháp tâm lý, giải thích hợp lý cho bố mẹ (nhất là mẹ) và người chăm sóc nhằm nâng cao hiểu biết về rối loạn, thay đổi thái độ, không quá lo sợ, đặc biệt quan tâm chăm sóc tình cảm tốt hơn.
Liệu pháp hành vi: Liệu pháp gây sợ nhẹ: tạo kích thích phản xạ có điều kiện như dùng kích thích nhẹ bằng dòng điện, phun hay nhỏ một chất gây khó chịu (như giọt nước chanh vắt,..) vào lưỡi mỗi khi trẻ nhai lại, kết quả thường rất nhanh. Theo dõi một năm sau, không thấy tái diễn, tăng cân, hoạt động nhanh nhẹn, phản ứng cảm xúc với môi trường tốt hơn.
Thoát vị cơ hoành phải can thiệp ngoại khoa: viêm dạ dày, viêm ruột cần điều trị nội khoa thích hợp.