Theo thống kê, hiện tượng tâm lý Dejavu xuất hiện ở 70% dân số thế giới. Người mắc phải hiện tượng này thường có cảm giác rất gần gũi, quen thuộc với một người nào đó hoặc một nơi chốn, sự vật, sự việc nào đó ngay từ lần đầu tiếp xúc. Vậy tình trạng này có nguy hại gì đến sức khỏe không và nguyên nhân gây ra là gì? Hãy để Thanh Bình Psy giúp bạn giải đáp thắc mắc ngay thông qua nội dung sau.
Tìm hiểu Dejavu
Dejavu là gì?
Dejavu trong tiếng Pháp được gọi là Déjà vu và được dịch nôm na là “đã từng xảy ra”. Người mắc phải hiện tượng này thường có cảm giác đã tiếp xúc với sự kiện nào đó ở quá khứ rồi trong khi nó chỉ mới vừa xảy ra ở hiện tại. Nghe có vẻ khó tin nhưng đây là tình trạng phổ biến mà nhiều người có thể gặp phải ít nhất một lần trong đời.
Một số người cho rằng Dejavu là khả năng thuộc về vấn đề tâm linh, báo trước tương lai có thể gặp phải. Nhưng theo các nhà khoa học, hiện tượng trên xảy ra do quá trình ghi nhớ của não bộ là chủ yếu bởi một số tác nhân ảnh hưởng như: tuổi tác, giới tính, stress hay tác dụng phụ của thuốc điều trị,..
>>Đọc thêm: Top 10 thói quen xấu thường gặp ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe
Phân loại Dejavu
Dựa theo các kết quả nghiên cứu, hiện tượng tâm lý Dejavu được phân thành 2 loại chính bao gồm:
- Liên quan đến bệnh lý động kinh: Tình trạng kéo dài hoặc diễn ra thường xuyên một cách bất thường và tình trạng Dejavu kết hợp từ nhiều triệu chứng khác nhau mà chủ yếu trong đó là chứng hoang tưởng, xuất hiện ảo giác và một số dấu hiệu khác của bệnh tâm thần.
- Dejavu không phải bệnh lý: hiện tượng xuất hiện ở những người khỏe mạnh do đi du lịch quá nhiều hoặc thường xuyên xem phim gây ra. Bên cạnh đó, tuổi tác hay tác dụng phụ của thuốc cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến Dejavu.
Lý giải hiện tượng tâm lý Dejavu
Để giải thích cho hiện tượng Dejavu, nhiều nhà khoa học đã chỉ ra rằng có đôi lúc não bộ hoạt động không tốt như ta tưởng. Sự trục trặc tạm thời xuất hiện ở vùng não lưu trữ trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn khiến chúng đảo ngược vai trò của nhau và gây ra Dejavu.
Lấy ví dụ cho dễ hiểu, khi bạn gặp mặt một người lạ lần đầu tiên, thay vì bỡ ngỡ bạn lại có cảm giác rất gần gũi, thân quen như từng gặp và trò chuyện trước đó mà tạm thời không thể nhớ ra. Điều đó được lý giải do não bộ của bạn đang gặp một chút trục trặc trong quá trình xử lý thông tin, nó đã đưa thông tin mới ngắn hạn (người gặp gỡ lần đầu tiên) vào trí nhớ dài hạn. Sự đánh lừa này cũng có thể do não có sự liên kết các trải nghiệm đã có với hiện tại tương đồng gây ra sự ngộ nhận cho bạn.
Nguyên nhân nào có thể gây ra hiện tượng Dejavu?
Hiện tượng tâm lý Dejavu theo thống kê có thể bị ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân khác nhau, cụ thể như sau:
Tuổi tác
Theo thống kê, hiện tượng Dejavu sẽ giảm dần tần suất xuất hiện theo tuổi tác, càng lớn tuổi sẽ càng ít gặp tình trạng Dejavu hơn. Trong đó, đối tượng thường gặp phải Dejavu nhất rơi vào độ tuổi 15 đến 25.
Điều kiện sống
Ở nam giới và nữ giới đều có khả năng gặp phải tình trạng Dejavu như nhau. Nhưng khi được sống trong điều kiện môi trường tốt hơn hoặc có trình độ cao hơn thì khả năng mắc phải hiện tượng tâm lý Dejavu cũng tăng.
Sở thích du lịch
Theo thống kê, những người thường xuyên có thói quen thích đi du lịch hoặc có công việc liên quan đến lĩnh vực du lịch sẽ dễ gặp phải hiện tượng Dejavu hơn.
Ảnh hưởng từ thuốc điều trị
Một số sản phẩm thuốc điều trị bệnh như amantadine và phenylpropanolamine cho thấy có khả năng làm tăng nguy cơ xuất hiện hiện tượng tâm lý Dejavu. Ngoài ra, áp lực công việc, sự căng thẳng tinh thần cũng được cho là nguyên nhân dễ dẫn đến Dejavu.
Nên làm gì khi gặp phải hiện tượng Dejavu?
Hiện tượng tâm lý Dejavu không đáng sợ và không gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Hiểu được Dejavu, khi gặp phải tình trạng này, điều đầu tiên cần làm chính là phải giữ được sự bình tĩnh. Tốt hơn hết nên tìm hiểu nguyên nhân gặp phải hiện tượng trên là gì để có thể khắc phục tốt hơn.
Một trong những gợi ý tốt cho bạn là điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hàng ngày, tăng cường ăn những thực phẩm có lợi cho sức khỏe trí não. Bên cạnh đó, nên cân bằng giữa cuộc sống và công việc, tránh căng thẳng quá mức liên tục hoặc thức quá khuya. Ngoài ra, người bệnh cũng được khuyên nên đến gặp bác sĩ tâm lý để được trấn an tinh thần và được giải tỏa áp lực hiệu quả.
>>Đọc thêm: Tìm hiểu tâm lý con gái khi yêu thật lòng
Kết luận
Như vậy, hiện tượng tâm lý Dejavu không nguy hiểm và có đến 70% dân số có thể gặp phải hiện tượng này. Do đó, khi gặp phải Dejavu, không nên hoảng loạn, trái lại nên mạnh dạn chia sẻ với người thân, bạn bè hay đến gặp bác sĩ để được giúp đỡ.
>> Tham khảo ngay Dịch Vụ Đánh Giá Sàng Lọc Tâm Lý và Dịch Vụ Tham Vấn Tâm Lý Học Đường tại Thanh Bình Psy