Nhiều cha mẹ thắc mắc rằng tại sao con của mình (trong độ tuổi từ 10-17 tuổi) từ đang rất ngoan, thành tích học tập tốt, suốt ngày nói chuyện với ba mẹ lại trở nên TRẦM LẶNG. Trẻ có các mối quan hệ với bạn bè ở bên ngoài mà không bao giờ chia sẻ với ba mẹ luôn giữ thái độ NGỖ NGHỊCH…
Nguyên nhân của những sự thay đổi đầy nổi loạn này là gì? Các bậc cha mẹ nên nhìn nhận vấn đề khủng hoảng tuổi dậy thì này như thế nào? Hãy cùng Thanhbinhpsy đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé.
Tâm lý tuổi dậy thì theo Erik Erikson
Theo Erik Erikson, mọi đứa trẻ trong giai đoạn dậy thì đều có những thay đổi cả về thể chất lẫn tinh thần. Lúc này cơ thể trẻ đã phát triển nhanh, cân đối dần và đây là thời kỳ quá độ từ trẻ em sang người lớn. Trẻ em trở nên độc lập hơn, và bắt đầu nhìn vào tương lai dưới dạng sự nghiệp, các mối quan hệ, gia đình, nhà ở, vv. Các cá nhân muốn là một thành phần của xã hội và hòa nhập vào đó.
Đây là một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển, trẻ phải tìm hiểu những vai trò mà chúng sẽ chiếm giữ như một người lớn. Đó là giai đoạn các thanh thiếu niên sẽ xem xét lại bản dạng của mình và cố gắng tìm ra mình là ai. Erikson cho rằng có hai bản dạng liên quan tới giai đoạn này là tình dục và nghề nghiệp.
Trẻ vị thành niên có thể cảm thấy khó chịu về cơ thể của họ trong một thời gian cho đến khi họ có thể thích ứng và “hòa nhập” với những thay đổi. Thành công trong giai đoạn này sẽ dẫn đến những đức tính trung thực. Lòng trung thực có liên quan đến việc một người có thể hoàn toàn chấp nhận người khác, ngay cả khi có thể có những sự khác biệt.
Trong khoảng thời gian này, trẻ tìm hiểu và bắt đầu hình thành bản sắc riêng của mình dựa trên các kết quả của các cuộc khám phá. Thất bại trong việc thiết lập một ý thức về bản sắc trong xã hội (“Tôi không biết những gì tôi muốn khi tôi lớn lên”) có thể dẫn đến nhầm lẫn vai trò. Nhầm lẫn vai trò liên quan đến các cá nhân không được chắc chắn về bản thân hoặc vị trí của mình trong xã hội.
Để giải quyết vấn đề nhầm lẫn vai trò hoặc khủng hoảng bản dạng, một đứa trẻ vị thành niên có thể trải nghiệm nhiều lối sống khác nhau (ví dụ: công việc, học tập, hoặc các hoạt động liên quan tới chính trị). Đồng thời tạo áp lực bắt một người chấp nhận một bản dạng có thể gây ra sự phản kháng dưới dạng chấp nhận những bản dạng tiêu cực, và thêm vào đó là cảm giác không hạnh phúc.
Một mặt, trẻ đang muốn thể hiện sự “người lớn” ở mình nhưng đôi khi cũng có những biểu hiện thoái bộ về thời nhỏ. Chúng đã tạo dựng cho mình lòng tự trọng rất lớn. Thái độ và hành vi thể hiện sự không tôn trọng trẻ hay những lời quở trách, phê phán đối với trẻ dễ làm cho trẻ tự ái hay dỗi hờn.
Ở giai đoạn dậy thì trẻ không còn bám ba mẹ mà bắt đầu mở rộng các mối quan hệ xã hội ra bên ngoài. Cụ thể là trẻ có thêm nhiều bạn, nếu được nghe bé kể chuyện các bậc phụ huynh sẽ luôn nghe được rằng” bạn con như thế này, con và bạn con đã làm gì…). Vì sự thay đổi này, cách mà trẻ tương tác với ba mẹ cũng sẽ ít đi. Ba mẹ đừng vì điều này mà hoảng hốt.
Cũng trong giai đoạn này, trẻ bắt đầu tò mò và khám phá thế giới xung quanh để tự trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai” cũng như “vai trò của tôi là gì”. Trong quá trình đó sẽ không có ít lần con trẻ phạm sai lầm vì trẻ giống như được bước vào một thế giới hoàn toàn khác với toàn những điều mới mẻ, mời gọi.
Một điều mà bất cứ ai trong chúng ta đã từng trải qua nhưng lại khó chấp nhận ở người khác đó chính là SAI LẦM. Các bậc cha mẹ vào độ tuổi dậy thì cũng ít nhất vài lần nói dối, vài lần trốn học đi chơi… nhưng đối với con trẻ của mình lại không muốn chúng phạm sai lầm này và đôi khi khắt khe với trẻ.
Đằng sau cơ thể phát triển nhanh của mỗi đứa trẻ ở tuổi dậy thì là một tâm hồn còn non nớt đang trên đường tìm kiếm và khẳng định bản thân. Phụ huynh hãy cho trẻ có QUYỀN được phạm sai lầm nhưng hãy cho trẻ biết rằng việc phạm sai lầm đó sẽ dẫn con tới đâu và con cần làm gì để đi đúng hướng.
Có một thực tế rất đáng báo động đó chính là đa số các case tham vấn trị liệu về khủng hoảng tuổi dậy thì của ThanhBinhPsy đều tiếp nhận khi tình trạng của các bé đã trở nặng.
– Một số bé rơi vào stress và trầm cảmnặng, bé không thể tập trung vào việc học, không kiểm soát được cảm xúc của bản thân… Nhiều bé chọn cách tự làm hại bản thân như cào cấu cơ thể, tự đánh mình để có thể giải tỏa những cảm xúc tiêu cực…
– Một số khác có thái độ bất hợp tác với cha mẹ. Bé cãi nhau với ba mẹ, gây hấn và cố tình làm sai…
Nhiều phụ huynh cảm thấy shock vì tại sao con của mình đang từ một đứa trẻ ngoan ngoãn, suốt ngày nói chuyện với ba mẹ lại trở nên trầm lặng hay ngỗ nghịch hơn. Hơn thế, họ không thể tìm được tiếng nói chung với con (trẻ không muốn nói chuyện; trẻ đi học về là trốn vào phòng…).
Lý do ở đây là gì?
Qua quá trình tham vấn và trị liệu cho các trẻ thì Thanhbinhpsy xin rút ra một số nguyên nhân chính liên quan đến khủng hoảng tuổi dậy thì khiến cho trẻ không muốn nói chuyện với ba mẹ sau đây:
– Sợ hãi: 80% trẻ được hỏi về lí do vì sao không nói chuyện với ba mẹ cho biết trẻ sợ khi phải đối diện với ba mẹ. Vì phụ huynh thường khi nghe trẻ phạm lỗi sẽ la, mắng hay thậm chí là đánh trẻ.
– Ba mẹ không lắng nghe trẻ: Nghe thì có vẻ bất hợp lý vì đa số phụ huynh đều cho rằng mình luôn lắng nghe con. Tuy nhiên, qua tìm hiểu trẻ cho biết rằng ba mẹ không thực sự lắng nghe câu chuyện của mình hoặc không biết trẻ đang muốn gì.
“Khi con kể chuyện đi học ở trường, ba mẹ có vẻ như đang nghe nhưng thực ra con biết là ba mẹ không nghe.” (Thân chủ N, 12 tuổi)
“Có hôm con kể về việc mình lên bảng trả bài và được điểm cao. Mẹ con lại nói là nhìn cái T nhà hàng xóm kia kìa. Điều mà con muốn chỉ là mẹ khích lệ con 1 chút chứ không phải so sánh con với con nhà hàng xóm” (Thân chủ H, 15 tuổi)
“Hôm đó con bị điểm thấp vì con bị đau bụng, khi cô giáo báo điểm về mẹ con chửi mắng con chứ không thèm hỏi con lý do.” (Thân chủ Y, 14 tuổi)
– Ba mẹ độc đoán: Nhiều trẻ cho biết rằng bản thân mong muốn được học môn học mà mình yêu thích nhưng ba mẹ lại bắt học môn khác để sau này thi vào trường này, trường kia. Hay nhiều ba mẹ không cho con sử dụng điện thoại di động dù trẻ đã học cấp 3…Kết quả là trẻ bị ép học theo khối không yêu thích học dở tất cả các môn; trẻ bị cấm xài điện thoại lén xài điện thoại mà quên luôn việc học..
Rõ ràng, ba mẹ luôn mong muốn điều tốt nhất cho con. Tuy nhiên, đôi khi việc phụ huynh cấm đoán sẽ phản tác dụng gây ra phản ứng ngược. Điều đó về lâu dài gây ảnh hưởng không chỉ đến tâm lý mà còn cả tương lai con trẻ.
Và khi gia đình không còn là CHỐN AN TOÀN thì trẻ sẽ ngay lập tức tìm kiếm một nơi an toàn khác. Đó chính là những người bạn hoặc một môi trường khác ngoài gia đình. Khi trẻ không còn coi gia đình là chốn an toàn thì mối liên kết giữa cha mẹ và con cái sẽ càng trở nên mong manh và nguy hiểm.
Vì vậy, các bậc cha mẹ trước khi muốn làm điều gì hay suy nghĩ thật kỹ và tìm phương pháp tiếp cận phù hợp hơn để có thể luôn hỗ trợ, đồng hành với con mình trong quá trình phát triển của trẻ đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì này nhé.
Nếu bạn đang gặp khó khăn và muốn sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý thì đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi: