Bên cạnh những rối loạn cảm xúc liên quan đến trầm cảm, stress thì các ám ảnh sợ cũng là một trong những rối loạn gây ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của nhiều người. Vậy ám ảnh sợ là gì? Nguyên nhân, biểu hiện triệu chứng và cách điều trị ám ảnh sợ ra sao. Hãy cùng Thanhbinhpsy tìm hiểu thông qua bài viết tổng quan cũng như case thực tế dưới đây nhé.
Tổng quan về ám ảnh sợ
Ám ảnh sợ là gì?
Nó bắt nguồn từ bẩm sinh hoặc do sự tác động tâm lý trong một hoàn cảnh nhất định. Trong trường hợp ám ảnh sợ không thể tránh được hoàn toàn, người bệnh sẽ phải chịu đựng với sự căng thẳng rõ rệt, gây ra ảnh hưởng xấu đáng kể đến các hoạt động xã hội hoặc nghề nghiệp
Rối loạn ám ảnh sợ là một rối loạn mãn tính, kéo dài, khác với cảm giác sợ nhất thời, hay những lo âu ngắn hạn. Vì thế tình trạng này ảnh hưởng nhiều đến thể chất, tâm lý và cuộc sống của người mắc.
Rối loạn ám ảnh sợ làm giảm sút kết quả học tập cũng như làm việc, phá hoại các mối quan hệ trong xã hội và tâm lý luôn căng thẳng. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm, đôi khi có ý định tự sát. Một số hội chứng ám ảnh sợ thường gặp là sợ khoảng không, sợ không gian kín, sợ nơi đông người, sợ bị tiêm, sợ độ cao, …
Xem thêm >>> Tham Vấn Tâm Lý Tận Nơi Tại TPHCM
Biểu hiện triệu chứng của ám ảnh sợ
Hội chứng ám ảnh sợ là một hội chứng rối loạn tâm thần, nhưng có biểu hiện đa dạng, bao gồm cả những triệu chứng thực thể như:
- Ra nhiều mồ hôi tay, căng thẳng, gặp các vấn đề về việc hít thở (khó thở, thở dốc)
- Đau thắt ngực, đau đầu, tăng nhịp tim, cảm giác hồi hộp đánh trống ngực
- Rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày
- Ngoài ra, người gặp ám ảnh sợ thường cảm thấy mệt mỏi, lo âu và chán chường…
Khi người bị ám ảnh sợ tiếp xúc với các tình huống liên quan đến hội chứng này, các triệu chứng sẽ xuất hiện rõ ràng hơn, làm họ lo lắng nặng nề hơn, cuối cùng có thể gây nên các cơn hoảng loạn mà người đó không thể kiểm soát được các hành vi của mình.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ra ám ảnh sợ
Nguyên nhân gây ra hội chứng ám ảnh sợ hiện nay vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng. Nhiều chuyên gia đồng ý rằng ám ảnh sợ có liên quan đến yếu tố gia đình, xuất hiện sau khi phải trải qua các sự việc gây chấn động.
Các yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ gặp phải hội chứng ám ảnh sợ, bao gồm:
- Tuổi tác: Chứng ám ảnh sợ thường ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi. Ám ảnh sợ những sự vật cụ thể thường bắt đầu xuất hiện từ khi 10 tuổi, trong khi ám ảnh sợ nơi đông người thường xuất hiện trước 35 tuổi.
- Giới tính: nữ giới thường dễ gặp phải chứng ám ảnh sợ cụ thể hơn nam giới.
- Tiền sử gia đình: nếu có người thân bị chứng ám ảnh sợ thì khả năng mắc chứng bệnh giống vậy cũng cao hơn. Giải thích cho điều này, nhiều nhà khoa học đưa ra các gia thuyết có thể hội chứng này là một chứng bệnh có tính di truyền hoặc do sự tập nhiễm xã hội, người bệnh từ nhỏ đã học theo các hành động và suy nghĩ của người thân trong gia đình nên có xu hướng sợ ám ảnh cùng một sự vật, sự việc
- Tính cách cá nhân: những người có tính cách nhạy cảm, rụt rè, dễ bi quan trong cuộc sống là đối tượng có nguy cơ cao.
-
Môi trường sống: các sang chấn tâm lý mà người bị ám ảnh sợ gặp phải là yếu tố làm dễ đưa đến chứng ám ảnh sợ.
Chẩn đoán
Việc chẩn đoán hội chứng ám ảnh sợ được thực hiện thông qua việc khai thác tiền sử, bệnh sử, đặt câu hỏi phỏng vấn người bị ám ảnh sợ khi thăm khám lâm sàng trực tiếp. Không có bất kỳ xét nghiệm hay các phương tiện nào khác có thể giúp chẩn đoán được hội chứng ám ảnh sợ.
Các biện pháp điều trị ám ảnh sợ
Chứng ám ảnh sợ có thể được điều trị khỏi hoàn toàn. Nguyên tắc chính của việc điều trị là tránh xa những thứ gây sợ, giảm nhẹ triệu chứng sợ xuống mức sợ nghiêm trọng và hạn chế ảnh hưởng đến thể chất và cuộc sống của người bị.
Quá trình điều trị cần nhiều thời gian, thường kéo dài nhiều tháng đối với trường hợp ám ảnh sợ xã hội và nhanh hơn đối với các chứng ám ảnh sợ sự vật, sự việc cụ thể. Biện pháp điều trị chính bao gồm thuốc, kết hợp với liệu pháp hành vi.
Các loại thuốc như thuốc an thần giải lo âu, thuốc SSRI được chỉ định để làm giảm mức độ nặng của triệu chứng hoảng sợ, giảm nhịp tim. Phương pháp sử dụng thuốc tỏ ra hiệu quả với chứng ám ảnh sợ xã hội hơn chứng ám ảnh sợ cụ thể với một sự vật, sự việc nào đó. Các nhóm thuốc này thường có nhiều tác dụng phụ nên người mắc ám ảnh sợ phải sử dụng đúng theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Liệu pháp hành vi, cho người bị ám ảnh sợ tưởng tượng trong đầu về các tình huống phải tiếp xúc với các sự vật, sự việc gây sợ như sợ máu, sợ đi máy bay, sợ bị tiêm, sợ động vật là cách tốt nhất để điều trị dứt điểm các chứng rối loạn ám ảnh sợ cụ thể. Các buổi trị liệu nên được tiến hành liên tục và sắp xếp gần nhau.
Một số phương pháp khác như thôi miên, phản hồi sinh học cũng có thể được áp dụng để điều trị chứng rối loạn ám ảnh sợ này.
Xem thêm >>> Tham Vấn Tâm Lý Trực Tuyến Qua Điện Thoại
Case thực tế
Thân chủ tên A, giới tính nữ, 35 tuổi đến từ Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Công việc: Nhân viên văn phòng.
Hoàn cảnh gia đình: Chị A làm công việc hành chính, chồng chị A là anh B 40 tuổi làm công việc kinh doanh. Hai vợ chồng có với nhau 2 con, một bé trai học lớp 6, và một bé gái học lớp 9. Gia đình hòa thuận, êm ấm.
Mối quan hệ khác: Chị A có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, hàng xóm và cả gia đình nội ngoại 2 bên.
Tính cách: Chị A tự nhận mình là người khá cầu toàn luôn mong muốn mọi chuyện hoàn hảo. Tuy nhiên, chị lại là người ít chia sẻ và không muốn người khác biết được tâm tư hay những suy nghĩ của mình.
Lý do chị A tìm đến nhà tâm lý: Chị A tìm tới nhà tâm lý vì cảm thấy bản thân có biểu hiện của lo âu quá mức. Chị A có đi khám tại phòng khám của bác sĩ thuộc Bệnh viện tâm thần thành phố và được chẩn đoán là rối loạn lo âu và đã sử dụng thuốc được hơn 3 tháng nhưng bản thân vẫn cảm thấy chưa ổn.
Tiền sử vấn đề thân chủ
Tháng 5/2019 chị A gặp nhiều áp lực trong công việc, tuy nhiên chị không có thói quen chia sẻ vấn đề của mình với người khác mà vẫn âm thầm chịu đựng một mình.
Tháng 6 – 7/2019 chị A có các biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, tim đập nhanh, cao huyết áp.
Tháng 7/2019 chị A ngất xỉu do cao huyết áp và nhập viện 2 lần tuy nhiên bác sĩ không tìm thấy nguyên nhân thực thể.
Tháng 10/2019 chị A đi kiểm tra sức khỏe tại phòng khám của bác sĩ thuộc Bệnh viện tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh và được chẩn đoán là rối loạn lo âu và được cho dùng thuốc để hỗ trợ.
Tháng 12/2019 sau 2 tháng dùng thuốc chị A cảm thấy các biểu hiện bồn chồn, tim đập nhanh, lo lắng có phần giảm nhưng không nhiều. Chị A luôn cảm thấy lo lắng về bệnh tình của mình (bị bệnh nhưng đi khám không ra bệnh) và sợ rằng mình sẽ không chữa được bệnh.
Cũng trong thời gian này, chị A có xem một video của một thiền sư trên Youtube nói về sự giải thoát. Kể từ đây chị A có suy nghĩ về cái chết và luôn tự diễn biến rằng sẽ làm hại bản thân và người khác với hầu hết các loại đồ vật mà chị tiếp xúc. (Khi cầm dao chị A nghĩ rằng mình sẽ dùng nó để tự đâm mình hoặc đâm người kế bên; khi cầm ly nước chị A tưởng tượng rằng ly nước sẽ bị vỡ, chị A sẽ dùng mảnh vỡ đó để đâm mình hoặc đâm người khác…).
Chị A biết rõ những suy nghĩ của mình là sai lệch nhưng chị không thể ngăn bản thân suy nghĩ về nó. Những điều này khiến chị A không thể tập trung trong công việc và luôn rơi vào trạng thái lo âu cực độ.
Tổng hợp thông tin và đưa ra chẩn đoán
Sau khi tiếp xúc và thu thập thông tin từ chị A nhà tâm lý tổng kết và đưa ra vấn đề mà chị A đang gặp khó khăn và muốn giải quyết: Chị A gặp vấn đề về lo âu và ám ảnh sợ trước các vấn đề sức khỏe của cá nhân và suy nghĩ phương hại bản thân và người khác.
Trong các trường hợp khác nhà tâm lý sẽ yêu cầu thân chủ thăm khám bác sĩ chuyên khoa để bác sĩ đưa ra chẩn đoán và cho phác đồ điều trị bằng thuốc trước sau đó mới kết hợp với trị liệu tâm lý. Tuy nhiên, vì chị A đã đi khám bác sĩ và đã sử dụng thuốc được hơn 3 tháng và các chỉ số cảm xúc đã được kiểm soát tốt có thể tiếp nhận trị liệu tâm lý nên Thanhbinhpsy mới tiếp nhận và hỗ trợ.
Một trong những lưu ý mà Thanhbinhpsy luôn khuyến cáo với tất cả các thân chủ đó chính là không phải rối loạn tâm lý nào cũng có thể can thiệp tâm lý được. Trong các trường hợp rối loạn của bạn ở thể nặng và liên quan đến thần kinh (bạn không thể tự kiểm soát được cảm xúc của mình khóc, buồn, tức giận…) thì bạn sẽ cần sự hỗ trợ của bác sĩ trước. Khi bạn đã kiểm tra sức khỏe, được sử dụng thuốc theo hướng dẫn và có sự ổn định nhất định về khí sắc và cảm xúc (nhờ thuốc) thì lúc đó các nhà tâm lý mới hỗ trợ cho bạn một cách tốt nhất và hiệu quả nhất.
Vai trò của bác sĩ và nhà trị liệu tâm lý trong trường hợp này có tác động bổ trợ lẫn nhau để giúp cho thân chủ vượt qua khó khăn của mình hiệu quả và lâu dài.
Tiến trình tham vấn và trị liệu
Nhà tâm lý giải thích cho chị A hiểu về ám ảnh sợ là gì? nguyên nhân, biểu hiện triệu chứng và các yếu tố nguy cơ gây ra ám ảnh sợ.
Ám ảnh sợ không phải là một bệnh lý thần kinh mà nó chỉ là một dạng rối loạn lo âu hình thành nên vì vậy chị A có thể hoàn toàn yên tâm về việc nó sẽ không gây tổn hại quá lớn tới sức khỏe hay tính mạng của chị.
Những biểu hiện như đau tiền đình, cao huyết áp, tim đập nhanh mà không tìm được nguyên nhân thực thể là vì chúng được tạo nên bởi tâm lý của chính chị A. Chính những lo âu, căng thẳng mà bản thân chị không thể tự giải quyết hay nói ra được bị dồn nén lại mà không thể nào giải phóng ra được đã biến chúng trở thành những triệu chứng cơ thể.
Những triệu chứng này cảnh báo ngưỡng chịu đựng áp lực và dồn nén của chị đang gặp trục trặc và bản thân chị A phải điều chỉnh lại cảm xúc của mình trước khi các dồn nén trở nên nhiều hơn và chồng chất hơn khiến cho biểu hiện cơ thể nặng nề hơn.
Nhà tâm lý khuyến khích chị A nói về những lo âu của bản thân cho người khác biết. Ví dụ như chồng, con, đồng nghiệp hay ai đó mà chị A tin tưởng. Đồng thời cho chị A tiến hành phương pháp trị liệu nhận thức hành vi là Nhật ký về những cảm xúc và ý nghĩ.
Theo đó, dưới sự hướng dẫn của nhà tâm lý, chị A sẽ tự ghi chép nhật ký cảm xúc khác thường của chính mình để từ đó xem xét những ý nghĩ đó chính xác ra sao và thực sự đúng như thế nào.
Trong bản Nhật ký về những suy nghĩ rối loạn chức năng theo mẫu của Beck (Daily Record of Dysfunctional Thoughts – DRDT) này, bốn cột quan trọng nhất tương ứng với ba điểm trong mô hình nhận thức cảm xúc ( tình huống, niềm tin và hậu quả cảm xúc), cộng thêm với những đáp ứng hoặc phản đáp ứng với những niềm tin (những niềm tin hợp lý hơn và bình thường hơn).
Hàng tuần nhà tham vấn và chị A sẽ tiến hành 1 phiên tham vấn để cùng nhau xem lại kết quả trong bảng Nhật ký về những cảm xúc và ý nghĩ.
Trong phiên này, nhà tâm lý sẽ cùng với chị A xem lại bảng nhật ký và cùng nhau phân tích tình huống. cảm xúc, những ý nghĩ và kết quả mà chị A tự đánh giá qua từng lần.
Từ đó, nhà tham vấn giúp cho chị A có thể nhìn nhận rõ vấn đề mà mình đang gặp phải, cảm xúc xuyên suốt của mình trong tuần, những ý nghĩ của bản thân diễn ra như thế nào, có ám ảnh nào gây tác động lớn hay có sự tiến triển nào hơn trong tâm lý hay không?
Cuối cùng nhà tâm lý và chị A cùng thảo luận những vấn đề cảm xúc và những vấn đề mà chị A chưa giải quyết được để lên định hướng cho phiên tiếp theo.
Tuần 1 – Phiên 2
Trong 1 tuần đầu tiến hành Nhật ký về những cảm xúc và ý nghĩ. Những suy nghĩ ám ảnh xuất hiện tối thiểu 2 lần mỗi ngày.
Tình huống: nhìn thấy con dao, cục đá, ly nước… và nghĩ rằng mình sẽ dùng nó để làm hại bản thân và người khác.
Cảm xúc chung: sợ hãi và lo lắng 9/10 điểm.
Những ý nghĩ tự động: “mình sẽ cầm dao, cục đá, mảnh vỡ ly nước… đâm, đập đầu chính mình hoặc người khác”.
Những suy nghĩ đáp ứng khác: “đây chỉ là một vật dụng nhà bếp, để uống nước…. Việc mình cho rằng mình sẽ làm hại chính mình hoặc người khác chỉ là do mình quá lo lắng mà thôi. Mình đừng nhìn nó nữa và mình sẽ thoát khỏi suy nghĩ đó”.
Kết quả thân chủ tự đánh giá: chị A loại bỏ được suy nghĩ liên quan đến làm hại bản thân và người khác khoảng 50%.
Kết luận:
- Chị A đã giải phóng được những cơn ám ảnh của mình (chị không còn dồn nén và chịu đựng nó mà đã học cách để giải phóng nó thông qua con đường ghi nhật ký). Việc làm này giúp chị A cảm thấy bớt áp lực và cảm thấy việc kiểm soát bản thân khỏi những suy nghĩ sai lệch có hiệu quả hơn so với việc im lặng và chịu đựng một mình.
- Chị A vẫn chưa diễn giải được những suy nghĩ đáp ứng chung cho nỗi sợ của mình mà chúng được lặp lại 1 cách rập khuôn là “do mình lo sợ quá mức”. Cách chị A chọn để loại bỏ suy nghĩ ám ảnh là né tráng để không suy nghĩ tới vấn đề đó nữa.
Định hướng phiên sau:
- Chị A tiếp tục làm bảng Nhật ký về những ý nghĩ và cảm xúc.
- Nhà tham vấn khuyến khích chị A miêu tả rõ hơn về những suy nghĩ đáp ứng khác của bản thân và cố gắng đọc tên cảm xúc của bản thân khi gặp tình huống đó.
Tuần 2 _ Phiên 3
Trong tuần thứ 2 những suy nghĩ ám ảnh xuất hiện thưa hơn tuần đầu tiên với tần suất trung bình khoảng 1 lần/ ngày và có vài ngày 2 lần.
Tình huống: nhìn thấy con dao, cục đá, ly nước… và nghĩ rằng mình sẽ dùng nó để làm hại bản thân và người khác.
Cảm xúc chung: sợ hãi và lo lắng 9/10 điểm.
Những ý nghĩ tự động của chị A là: “mình sẽ cầm dao, cây kéo, mảnh vỡ ly nước… đâm, đập đầu người khác”.
Những suy nghĩ đáp ứng khác: “việc mình cho rằng mình làm hại người khác chỉ là do mình bực bội trong người mà thôi. Mình chỉ cần dẹp cây kéo đi để mình không còn suy nghĩ đến nó nữa “.
Kết quả thân chủ tự đánh giá: chị A loại bỏ được suy nghĩ liên quan đến làm hại bản thân và người khác đến 80%.
Kết luận:
- So với tuần 1 chị A cảm thấy dễ chịu hơn khi bản thân giải phóng được những cơn ám ảnh của mình thông qua việc làm Nhật ký.
- Ở tuần này các cơn ám ảnh có sự giảm hơn so với tuần đầu nhưng mức độ gây ảnh hưởng không giảm đi. Tuy nhiên, chị A đã phần nào tự hé lộ việc chị A muốn làm hại người khác liên quan đến những bực bội trong người.
- Cũng như ở tuần đầu chị A chọn cách tự ám thị bản thân và né tránh để không phải suy nghĩ đến vấn đề đó nữa.
Định hướng phiên sau:
- Chị A tiếp tục làm bảng Nhật ký về những ý nghĩ và cảm xúc.
- Nhà tham vấn khuyến khích chị A nói rõ hơn về những cơn bực bội của mình (bực bội vì lý do gì? do sự việc hay do con người. Mức độ bực bội là bao nhiêu trên thang điểm 10…)
- Ngoài việc né tránh để giảm thiểu ám ảnh sợ thì còn cách nào khác để kiểm soát vấn đề này không?
Tuần 3 – Phiên 4
Tuần 3 những suy nghĩ ám ảnh xuất hiện rải rác trong tuần trung bình cụ thể là 5 lần/tuần.
Tình huống: nhìn thấy con dao, cục đá, ly nước… và nghĩ rằng mình sẽ dùng nó để làm hại bản thân và người khác.
Cảm xúc chung: sợ hãi và lo lắng đã có phần giảm xuống còn 6/10 điểm.
Những ý nghĩ tự động của: “mình sẽ cầm dao, cây kéo, mảnh vỡ ly nước… đâm, đập đầu người khác”.
Những suy nghĩ đáp ứng khác: “việc mình cho rằng mình làm hại người khác vì mình bực bội trong người, vì mình luôn muốn mọi thứ hoàn hảo. Chỉ cần một việc không hoàn hảo sẽ khiến mình phát điên lên. Giải pháp là mình chỉ cần không nghĩ tới những việc đó nữa mình sẽ thấy thoải mái hơn”
Kết quả thân chủ tự đánh giá: chị A loại bỏ được suy nghĩ liên quan đến làm hại bản thân và người khác đến 80%.
Định hướng phiên sau:
- Chị A tiếp tục làm bảng Nhật ký về những ý nghĩ và cảm xúc.
- Chị A tự đánh giá mức độ yêu cầu hoàn hảo của bản thân và đưa ra thang đánh giá mong muốn hoàn hảo
- Những giải pháp khiến cho bản thân chị A cảm thấy thoải mái.
Tổng kết
- Ở tuần thứ 3 chị A cho thấy sự tiến triển rõ rệt trong cảm xúc và khí sắc. Dường như những cảm xúc tiêu cực đã phần nào được xoa dịu và thay vào đó là sự thoải mái hơn và vui vẻ hơn.
- Chị A cũng cho biết ở tuần này những biểu hiện như đau đầu, tim đập nhanh, hoa mắt, bồn chồn giảm thiểu một cách rõ rệt. Chị A ăn ngon miệng và ngủ tốt hơn.Chị A bắt đầu tự tìm ra nguyên nhân dẫn đến những cơn ám ảnh của mình đó chính là sự cầu toàn của bản thân.
- Thay vì né tránh như các lần trước chị A đã có một sự thay đổi lớn hơn đó chính là chọn cách không nghĩ tới những sự việc gây khó chịu để thoát ra khỏi vấn đề. Mặc dù đây vẫn là một dạng né tránh nhưng nó thể hiện sự tiến bộ ở đây là vì chị A không còn né tránh biểu hiện triệu chứng (cây kéo, con dao” nữa mà chị A đã biết rằng điều gây ra những cơn ám ảnh đó chính là bản thân và né tránh chính cái tôi đó để giảm thiểu căng thẳng, lo âu và sợ hãi.
- Trong phiên làm việc ở tuần thứ 3, nhà tâm lý cũng giúp chị A gợi mở các vấn đề liên quan đến các mối quan hệ trong công việc. Đánh giá mức độ hoàn hảo mong muốn và yêu cầu của chị A với bản thân và người khác. Giúp chị A tự nhận định rằng con người không ai là hoàn hảo và để chị A tự đưa ra các phương pháp tự cân bằng bản thân.
Tuần 4 – Phiên 5
Tuần 4 những suy nghĩ ám ảnh đã giảm hẳn chỉ còn khoảng 2 – 3 lần/tuần và thoáng qua nhanh.
Tình huống: nhìn thấy con dao, cục đá, ly nước… và nghĩ rằng mình sẽ dùng nó để làm hại bản thân và người khác.
Cảm xúc chung: sợ hãi và lo lắng đã có phần giảm xuống còn 3/10 điểm.
Những ý nghĩ tự động: “mình sẽ cầm dao, cây kéo, mảnh vỡ ly nước… đâm, đập đầu người khác”.
Những suy nghĩ đáp ứng khác: “những sự việc không được hoàn hảo khiến mình bực bội trong người. Mình đã tự đưa ra thang điểm hoàn hảo mình hãy thực hành theo nó và hạn chế yêu cầu quá cao ở mọi người lại. Hãy vui vẻ, yêu đời lên bỏ qua tất cả đi”
Kết quả thân chủ tự đánh giá: chị A loại bỏ được suy nghĩ liên quan đến làm hại bản thân và người khác đến 95%.
Định hướng phiên sau:
- Chị A tiếp tục làm bảng Nhật ký về những ý nghĩ và cảm xúc.
- Chị A tự thực hành thang điểm hoàn hảo trong cuộc sống dưới sự theo dõi của nhà tâm lý
- Chị A suy nghĩ và trả lời câu hỏi làm sao để bản thân trở nên vui vẻ và yêu đời hơn
Tổng kết:
- Chị A cho biết trong tuần thứ 4 này cảm xúc của chị gần như trở về trạng thái thoải mái. Những biểu hiện triệu chứng của cơ thể biến mất hoàn toàn như chưa từng bị gì.
- Những cơn ám ảnh của chị diễn ra rất nhanh và không gây ám ảnh kéo dài như trước.
- Chị A đã tự định hướng cho mình cách giải quyết những cơn ám ảnh là hạ bớt yêu cầu của bản thân theo một thang đánh giá mức độ hoàn hảo mà chị có thể chấp nhận được để bớt tự gây áp lực. Ngoài ra, chị còn biết tự thúc đẩy bản thân bằng cách tự khuyến khích mình vui vẻ và yêu đời hơn.
Thân chủ A kết thúc tiến trình tham vấn và trị liệu thông qua 7 phiên tham vấn. Sau tiến trình chị A đã có những cải thiện rõ rệt trong việc kiểm soát cảm xúc và những cơn ám ảnh sợ của mình một cách hiệu quả.
Tiến trình cũng giúp chị A tìm ra căn nguyên của những cơn ám ảnh sợ của mình và tự định hướng dưới sự hỗ trợ của nhà tâm lý lâm sàng để tự đưa ra cách giải pháp và thực hành nó một cách nhuần nhuyễn trong cuộc sống. Các biểu hiện triệu chứng trước khi chị A đến trị liệu biến mất hoàn toàn.
Lưu ý: Đây là một case trị liệu có thật tại ThanhBinhPsy. Thông tin của thân chủ đã được xử lý một cách hệ thống và tôn trọng tuyệt đối tính khuyết danh, bằng cách hủy bỏ tất cả các yếu tố cho phép trong trực tiếp hoặc gián tiếp nhận dạng những người có liên quan để đảm bảo tính bảo mật cho thân chủ.