Hannibal Lecter được biết đến là một bác sĩ tâm thần ăn thịt người kinh dị trên màn ảnh. Hannibal Lecter là đứa con tinh thần của nhà văn Thomas Harris trong series truyện trinh thám Red Dragon với vai trò là một bác sĩ tâm thần xuất sắc và một kẻ ăn thịt người hàng loạt.
Hannibal Lecter là nhân vật mang lại giải Oscar cho Anthony Hopkins và là nhân vật đứng thứ tám trong danh sách 100 nhân vật anh hùng và phản diện tuyệt vời nhất giai đoạn 1990-2010 do tạp chí Entertainment Weekly (Viện Phim Mỹ) bầu chọn.
Cuộc đời của Hannibal Lecter trên phim không được làm theo kiểu cuốn chiếu thông thường là thơ ấu, trưởng thành đến già đi hay xây dựng theo kiểu tương lai – quá khứ. Hannibal trên màn ảnh bắt đầu bằng hình ảnh một tên tội phạm khét tiếng đang ngồi trong lao ngục với thần thái vô cùng lịch sự và trang nhã cùng ánh mắt khiến người khác phải ám ảnh.
Người xem theo Hannibal đi qua vụ án của Buffalo Bill rồi trốn thoát cùng một chút tình cảm vấn vương cùng cô đặc vụ tập sự Clarice Starling trong Sự im lặng của bầy cừu, 1991. Đến cuộc sống thượng lưu và danh vọng của Hannibal ở Ý và cuộc truy đuổi của Mason với hắn và người chiến thắng cuối cùng vẫn là Hannibal khi hắn đang trên 1 chuyến bay và thưởng thức món não áp chảo đầy phong vị trong Kẻ ăn thịt người (Sự im lặng của bầy cừu 2), 2001.
Những tưởng sẽ có phần 3 cho Sự im lặng của bầy cừu tuy nhiên không bắt khán giả phải đợi tới 10 năm mà 2002 chúng ta đã được gặp lại Hannibal nhưng đó là hình ảnh của hắn trước khi bị phát hiện và quá trình hắn vào tù cũng như nỗ lực điều khiển một kẻ sùng bái hắn hãm hại Graham từ trong tù nhưng bất thành trong Red Dragon, 2002.
Cuối cùng sau 3 phần để chiêm ngưỡng cái ác của Hannibal tác giả cũng như đạo diễn đã giúp chúng ta khám phá ra nguyên nhân vì sao khiến Hannibal thành một tên sát nhân ăn thịt người kinh khủng và gớm ghiếc đến thế trong phần cuối Hannibal Rising (Hannibal báo thù), 2007.
Tóm tắt sơ lược về bác sĩ Hannibal Lecter qua phim
Sự im lặng của bầy cừu
Hannibal Lecter xuất hiện trên màn ảnh lần đầu tiên trong bộ phim Sự im lặng của bầy cừu (1991) bộ phim xoay quanh “bác sĩ” Hannibal Lecter (lúc này Lecter đã bị kết tội và bị tống giam vào bệnh viện tâm thần Baltimore dành cho tội phạm liên bang, dưới sự giám sát của Tiến sĩ Frederick Chilton, một nhà tâm lý học mà Lecter khinh miệt được 8 năm) và cô đặc vụ FBI tập sự Clarice Starling trong vụ án tìm kiếm một tên tội phạm giết người hàng loạt có biệt danh là “Buffalo Bill”.
Yêu thích sự thông minh và nhã nhặn của Clarice Starling, Hannibal đã giúp đỡ cô tìm ra tên sát nhân hàng loạt và cũng đồng thời tìm hiểu về quá khứ của cô theo cách “có qua có lại”.
Cuối phim đúng như lời hứa của mình Hannibal giúp cô đặc vụ tập sự xinh đẹp lập được công lớn và có bước tiến trong sự nghiệp của mình. Bác sĩ Hannibal cũng đồng thời thoát khỏi nhà giam một cách ngoạn mục bằng “một bữa thịt cừu rán sơ” với cái chết của 2 cảnh sát và trốn chạy. Khi Clarice Starling đang được khen ngợi về thành tích của mình thì cô nhận được cú điện thoại của Hannibal với những câu hỏi thăm và chúc sức khỏe cùng lời nhắn nhủ sẽ chăm sóc bác sĩ Chilton một cách chu đáo.
Trong phần này, Hannibal cho Starling biết rõ 1 điều đó là nếu như Buffalo Bill xem da của những nạn nhân của họ là một loại vải vóc để may quần áo thì với Hannibal thịt của các nạn nhân chỉ đơn giản là thịt mà thôi. Điều này lý giải lí do vì sao mà Hannibal xông vào cắn đứt lưỡi của một y tá mà nhịp tim của hắn vẫn ở mức bình thường 85.
Xem thêm >>> Tư Vấn Tâm Lý Tại Nhà
Sự im lặng của bầy cừu 2 (Kẻ ăn thịt người)
Trong Sự im lặng của bầy cừu 2 (Kẻ ăn thịt người), 2001 sau cuộc trốn chạy, Hannibal sống an nhàn tại Ý dưới một cái tên giả. Hắn vẫn thường gửi thư cho cô đặc vụ Clarice Staling thậm chí còn chọn mùi kem dưỡng tay cho cô. Cùng lúc này nạn nhân duy nhất còn sống của Hannibal là Mason Verger một tỉ phú vô cùng giàu có sẵn sàng treo một mức tiền thưởng hàng trăm đô cho ai bắt sống được Hannibal và giao cho ông ta.
Mason mời bác sĩ Hannibal đến nhà như một bệnh nhân và bác sĩ trong bộ đồ khêu gợi nhất mà anh ta có và cố gắng không khiến vị bác sĩ phải sợ hãi mình. Hannibal không sợ hãi mà vẫn trò chuyện với Mason một cách cởi mở trước khi gợi ý cho hắn dùng một chút cần để phê, Mason đồng ý và hắn điên loạn trong cơn phê Hannibal nhặt một mảnh kính từ cái gương vỡ và yêu cầu Mason thử xẻo thịt trên mặt mình cho chó ăn, Mason cũng được cho là nạn nhân duy nhất còn sống của vị bác sĩ ăn thịt người này.
Nhờ các mối quan hệ của mình Mason gây áp lực lên nhà xanh và FBI đưa Lecter trở thành 1 trong 10 tên tội phạm truy nã hàng đầu cùng với mức tiền thưởng khổng lồ nếu ai cung cấp thông tin hoặc bắt sống được Hannibal để báo thù.
Mason nhận được sự giúp đỡ từ Rinaldo Pazzi, thanh tra người Ý đang túng thiếu, và Paul Krendler – nhân viên tham nhũng của Bộ Tư Pháp và là sếp của Starling. Lecter đã giết Pazzi theo đúng cách mà tổ tiên của hắn đã chết cách đó 500 về trước đó là treo cổ và mổ bụng rồi trở về Hoa Kỳ.
Về Hoa Kỳ, hắn tiếp tục cuộc sống của mình như ở Ý, hay chính xác là khi chưa bị bắt vời gu thưởng thức ẩm thực, rượu, thiên nhiên… Hannibal bắt đầu theo dõi Starling và 2 người đã có cuộc nói chuyện với nhau trong một trung tâm thương mại. Khi Hannibal biết rằng mình đã bị phát hiện hắn nhanh chóng trốn thoát khỏi đó thì bị người của Mason bắn hạ bằng thuốc mê và mang về trang trại lợn rừng của Mason.
Bất ngờ là Starling đã thấy sự việc.Cô báo cho sếp của mình về sự việc. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra biệt thự nhà Verger không có kết quả lực lượng FBI đã rút lui mặc cho Clarice đề nghị tìm kiếm và theo dõi. Khi không nhận được sự trợ giúp từ lực lượng chức năng, cô quyết định làm theo bản năng – lý trí như Lecter đã từng nói: ”vì cô là 1 chiến binh” để giải cứu hắn. Cô đã đến đúng lúc và cứu được hắn nhưng đồng thời cũng bị thương suýt mất mạng vì trúng thuốc mê. Mason được chính người của mình đẩy xuống chuồng lợn rừng và bị ăn thịt đến chết.
Sau đó thì chính Lecter đã cứu Starling, đưa cô đến căn nhà bên hồ của Paul Krendler để chữa trị. Lecter mời Starling dùng bữa tối với mình theo chuẩn phong cách quý tộc với món chính là não Paul Krendler áp chảo. Trong cơn mê man Starling vẫn cố gắng chống trả và cô kịp còng tay 2 người với nhau, khi FBI đang tới gần Hannibal buộc phải lựa chọn và hắn ta đã chặt cánh tay của mình để thoát khỏi nhà cùng với một phần ăn để mang lên máy bay.
Nhờ sức hút của bộ phim và nhân vật phản diện hàng đầu các nhà làm phim quyết định đưa khán giả quay về trước lúc bác sĩ Hannibal bị phát hiện và bắt giữ. Bộ phim mang tên Red Dragon, 2002 được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên và cũng là bản đầu tiên của Thomas Harris.
Red Dragon
Red dragon bắt đầu bằng việc Hannibal lúc đó là một bác sĩ tâm thần lỗi lạc nhận được sự tín nhiệm của lực lượng FBI trong việc tìm kiếm và nhận định tâm lý tội phạm giết và ăn thịt người hàng loạt. Đặc vụ Will Graham người làm việc trực tiếp với bác sĩ Hannibal lúc đó không hay biết rằng mình đang điều tra một vụ án mà chính Hannibal là hung thủ.
Khi Graham phát hiện ra những bất thường và nghi ngờ Hannibal, Hannibal bằng một thái độ không thể bình tĩnh hơn tặng cho Graham một nhát dao chí mạng ở bụng nhưng Graham đã may mắn hạ Hannibal trước khi hắn ta kịp mổ bụng và ăn tim mình. Hannibal bị tống giam vào bệnh viện tâm thần Baltimore dành cho tội phạm liên bang. Vài năm sau khi cảnh sát gặp khó khăn với một vụ giết người hàng loạt khác, Graham được gọi về đội và bắt đầu cuộc đấu trí với bác sĩ Hannibal để tìm kiếm hung thủ.
Hung thủ thực sự tên là Francis Dolarhyde là một kẻ hâm mộ Hannibal cuồng nhiệt và tự cho mình là người phụng sự cho Red Dragon, một vị thần của sức mạnh. Hannibal và Francis liên hệ với nhau thông qua một tờ báo lá cải trên mục thông tin mật mã. Trong suốt quá trình này Graham đấu tranh và tìm mọi cách để biết thông tin về hung thủ từ Hannibal và Hannibal bằng mọi cách tìm kiếm thông tin và địa chỉ nhà Graham. Kết thúc phim Francis thực sự tìm đến nhà Graham sau khi Graham đã tưởng rằng Francis thực sự tự sát trong chính ngôi nhà của mình. Nhờ những tài liệu và cuốn nhật ký của Francis, Graham đã cứu được gia đình mình và hạ Francis trước khi lực lượng chức năng kịp thời xuất hiện.
Sau khi được chiêu đãi toàn bộ về cuộc đời của Hannibal từ những thủ đoạn đến nhân cách bệnh hoạn của hắn, nhà sản xuất không làm cho khán giả phải thất vọng khi làm thêm một phần để nói về thời thơ ấu của Hannibal với tập phim mang tên Hannibal Rising (Hannibal báo thù), 2007.
Hannibal Rising
Bộ phim Hannibal Rising (Hannibal báo thù) khắc họa cậu bé Hannibal 10 tuổi là con trai của một quý tộc nổi tiếng ở Litva. Năm 1944 khi cuộc chiến tranh ở Đông Âu trở nên khủng khiếp cả gia đình Lecter rời lâu đài đến một căn nhà trong rừng tị nạn. Một tai nạn không may xảy ra khi một chiếc máy bay của không quân Đức ném bom vào chiếc xe tăng của Liên Xô trước cánh rừng mà họ tị nạn.
Cả gia đình Lecter bị giết sạch, chỉ còn 2 anh em là Hannibal 10 tuổi và em gái Mischa chưa được 3 tuổi. Căn nhà trong rừng trở thành nơi tị nạn của một tá lính Đức Quốc Xã, Ban đầu bọn chúng chỉ coi đây là nơi trú ẩn cho đến khi tuyết rơi xuống ngày càng dày hơn và chúng bị dằn vặt với cơn đói.
Tên trưởng nhóm đã nghĩ tới việc ăn thịt người để sống và cô bé Mischa trở thành mục tiêu cho bữa tối. Những chuyện sau đó diễn ra như thế nào Hannibal không còn nhớ nổi.
Điều duy nhất mà khán giả nhìn thấy lúc đó là cậu bé Hannibal được quân Liên Xô tìm thấy khi đang đi trên cánh đồng tuyết sau khi chui ra khỏi đống đổ nát của căn nhà bị kéo sập. Hannibal được đưa về trại mồ côi nơi trước đó là lâu đài của gia đình cậu.
Tại đây Hannibal trở thành 1 đưa trẻ khép kín, ít giao tiếp và thường gặp ác mộng. Vì lý do đó Hannibal thường xuyên bị bắt nạt. 8 năm sau, trong 1 lần xô xát với sao đỏ Hannibal đã tìm cách trốn thoát khỏi trại mồ côi và tìm đến người bà con xa của mình ở Pháp thông qua những bức thư, hình ảnh của mẹ cậu để lại. Cậu bé Hannibal 18 tuổi một mình nhảy tàu trốn chạy đến Pháp xa xôi và tìm đến nhà chú Robert.
Tuy nhiên khi đến nơi thì chú của cậu đã qua đời, Hannibal được vợ chú là quý bà Murasaki nuôi dưỡng và chăm sóc. Hannibal được học môn kiếm đạo từ bà dì góa và luôn tôn trọng bà. Hannibal giết người lần đầu tiên khi còn là một thanh thiếu niên.
Đó chính là dùng thanh kiếm đạo chặt đầu một tên bán thịt thô lỗ ngoài chợ vì đã có thái độ lăng mạ và coi thường dì của hắn. Hannibal còn mang cả con cá vừa câu của tên bán cá về chế biến và thưởng thức ngon lành.
Khi Hannibal trở thành sinh viên y khoa xuất sắc thường được tiếp xúc và làm việc trong nhà xác hay phụ tá điều tra các vụ án. Hannibal phát hiện ra một loại thuốc có khả năng kích thích trí nhớ của con người. Hannibal đã trộm thuốc và sử dụng để có thể nhớ lại quá khứ bị mất của mình. Hannibal đã thành công, hắn ta nhớ lại tất cả mọi chuyện và nhớ rõ mặt từng tên đã bắt 2 anh em hắn.
Hannibal trở về căn nhà tị nạn của gia đình hắn. Lúc Hannibal qua cửa khẩu một trong những tên đã bắt Hannibal đã phát hiện và lần theo về căn nhà trong rừng. Tại căn nhà tị nạn Hannibal khóc thương cho gia đình hắn và cho em gái Mischa đáng thương.
Cùng lúc đó hắn phát hiện sự xuất hiện của người lạ và với khả năng kiếm nghệ cũng như trí thông minh của mình Hannibal không khó khăn gì trong việc hạ tên lính một cách dễ dàng. Sau khi tra tấn tên lính để biết được tung tích về những tên còn lại, Hannibal cho con la kéo đầu tên lính đứt lìa khỏi cổ và khoét thịt má của hắn ta làm thịt xiên nấm nướng và thưởng thức trước khi rời đi.
Từ đây kế hoạch trả thù của Hannibal bắt đầu. Mặc cho không biết bao nhiêu tình yêu cho Hannibal và dùng mọi cách để ngăn cản hắn, quý bà Murasaki vẫn hoàn toàn bất lực trong việc khuyên ngăn hắn dừng lại. Khi bà chọn cách rời đi, Hannibal đã năn nỉ bà ở lại và nói yêu bà tuy nhiên bà đã nói rằng hắn không biết yêu vì hắn không có trái tim. Hannibal lao vào xé thịt tên cầm đầu Gusta khi hắn đã bị cắt đứt gân chân và ngực khắc chữ M (Mischa) bằng miệng của mình.
Khi cảnh sát vây bắt Hannibal hắn ta đã cho nổ tung chiếc thuyền để ngụy tạo hiện trường giả và lên đường sang Canada để thanh toán tên lính cuối cùng bằng cách đến gặp hắn và xin một cái đầu. Chiếc xe của Hannibal rời đi trong tiếng nhạc của bài hát mà Mischa thích nghe.
Xem thêm >>> Tư Vấn Tâm Lý Online
Những chẩn đoán bệnh của Hannibal Lecter
Một trong những chẩn đoán được nhiều chuyên gia lựa chọn nhất cho trường hợp của Hannibal Lecter là Rối loạn nhân cách phản xã hội (ASPD) hay còn được gọi với một cái tên khác là Thái nhân cách.
Thái nhân cách là gì?
Thái nhân cách (psychopathy) là một thuật ngữ được dùng để chỉ một rối loạn nhân cách nhóm B có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp psukhe (tâm) và pathos (bệnh tật, đau khổ), và từng được dùng để chỉ bất kỳ rối loạn tâm thần nào.
Vào thời điểm hiện tại, chứng thái nhân cách được mô tả chính xác nhất trong hai công trình có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực này: Without Conscience (Không có Lương tâm) của Robert Hare và The Mask of Sanity (Mặt nạ của sự bình thường) của Hervey M. Cleckley.
Một kẻ thái nhân cách đúng chính xác là như vậy: vô lương tâm, và quan trọng hơn cả, điều này được ẩn giấu sau một cái mặt nạ bình thường tốt đến nỗi ngay cả các chuyên gia cũng bị đánh lừa.
Một công trình thứ ba gần đây hơn, Snakes in Suits (Rắn độc mặc Com lê) của Robert Hare và Paul Babiak, đã nâng nghiên cứu trong lĩnh vực này lên một tầng cao mới bằng cách nhấn mạnh một thực tế là: nhờ khả năng che giấu bản chất thực sự của chúng, những kẻ thái nhân cách dễ dàng trở thành những con rắn độc mặc com lê nắm quyền kiểm soát thế giới của chúng ta. Nhà tâm lý học từ trường đại học Harvard, Martha Stout, mô tả sự phối hợp chết người này như sau:
“Hãy tưởng tượng – nếu bạn có thể – không có lương tâm, không một chút nào, không một cảm giác tội lỗi hay hối hận dù bạn làm bất cứ điều gì, không chút ý thức kiềm chế bắt nguồn từ sự quan tâm đến người khác, dù là người lạ, bạn bè, hay thậm chí thành viên gia đình. Hãy tưởng tượng không phải đấu tranh với sự hổ thẹn, dù chỉ là một lần trong cả đời bạn, dù bạn làm bất cứ hành động ích kỷ, lười biếng, tai hại hay vô đạo đức nào.
Và thử giả bộ bạn không hề biết đến khái niệm về trách nhiệm, ngoại trừ việc nó là một gánh nặng mà những người khác có vẻ chấp nhận mà không hỏi han gì, như những thằng ngu cả tin.
Bây giờ thêm vào sự tưởng tượng kì quặc này khả năng che mắt những người khác rằng cấu trúc tâm lý của bạn khác xa so với họ. Vì mọi người đều cho rằng lương tâm là thứ tồn tại trong tất cả con người, việc che giấu sự thật rằng bạn không có lương tâm gần như không mất chút công sức nào.”
Chứng thái nhân cách được định nghĩa trong tâm thần học là một trạng thái đặc trưng bởi sự thiếu hụt khả năng đồng cảm hoặc lương tâm, tính khoa trương, ngạo mạn, nhẫn tâm, nông cạn, kém khả năng kiềm chế và hay sử dụng thủ đoạn để giành quyền kiểm soát của cải, tài nguyên hoặc con người. Kẻ thái nhân cách cũng được biết đến là dễ nóng giận, không cảm thấy hối lỗi hay lo lắng và dễ phạm pháp hay gây tội ác.
Mặc dù được sử dụng rộng rãi như một thuật ngữ tâm thần học, thái nhân cách không có đề mục chính xác tương ứng trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Các Rối loạn Tâm thần – Phiên bản IV – Có Sửa đổi (DSM-IV-TR), trong đó đề mục gần nhất là Rối Loạn Nhân Cách Chống Xã Hội (Anti-Social Personality Disorder), hay trong Bảng Phân loại Bệnh tật Quốc tế – Phiên bản 10 (ICD-10), trong đó đề mục gần nhất là rối loạn nhân cách lẩn tránh xã hội (dissocial personality disorder). Vấn đề này sẽ được thảo luận trong phần “Lịch sử”.
Trong thực hành lâm sàng hiện nay, phương pháp phổ biến nhất để chẩn đoán chứng thái nhân cách là dùng Bảng Kiểm tra Thái nhân cách – Có Sửa đổi (PCL-R) của Robert Hare. Hare mô tả những kẻ thái nhân cách như là “những con thú săn mồi trong cùng loài, những kẻ dùng sự hấp dẫn, thủ đoạn, đe dọa và bạo lực để kiểm soát những người khác và đáp ứng nhu cầu riêng ích kỷ của chúng.
Do không có lương tâm và cảm xúc với người khác, chúng nhẫn tâm lấy bất cứ cái gì chúng muốn và làm bất cứ điều gì chúng thích, vi phạm chuẩn mực và đạo đức xã hội mà không có chút cảm giác hối hận hay vương vấn nào.” Hare cũng cho rằng mặc dù tỉ lệ thống kê của những kẻ thái nhân cách trong một xã hội bất kỳ là rất nhỏ, phần đóng góp của chúng vào những đau khổ trong xã hội là đặc biệt lớn. Qua việc nghiên cứu cho thấy những kẻ thái nhân cách rất lão luyện trong việc leo lên những vị trí cao trong giới kinh doanh và chính trị, chúng ta có thể nói chứng thái nhân cách là vấn đề quan trọng nhất của xã hội hiện đại.
Với một người ngoài ngành, thuật ngữ Thái nhân cách thường được hiểu rộng hơn, và thường bị nhầm lẫn với các rối loạn tâm thần nói chung. Người ta thường coi “kẻ thái nhân cách” là đại diện cho cảm nhận cá nhân của họ về một con người tà ác, thường dưới hình thức một kẻ điên rồ giết người hàng loạt như vẫn được mô tả trong phim ảnh và văn học. Đây là một nhận thức sai lầm đáng tiếc.
Như đã đề cập ở trên, từ “thái nhân cách” (psychopathy dịch nghĩa đen là “tâm bệnh”) từng được dùng để chỉ bất cứ bệnh tâm thần nào. Trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, thuật ngữ này được áp dụng cho những hội chứng trong đó có những rối loạn về cảm xúc hay hành vi nhưng không có bất cứ khuyết tật trí tuệ nào. Những hội chứng này thường được gọi là điên rồ về mặt đạo đức (moral insanity), điên rồ đơn sắc thái (monomania), v.v.. Các trường hợp như vậy đã xác định một cách rõ ràng thực tế là rối loạn tâm thần có thể tồn tại trong một cá thể với trí tuệ nguyên vẹn.
Một trong những hội chứng được xác định trong giai đoạn đầu của tâm thần học hiện đại này được gọi là bốc đồng (impulsion) hay chứng điên cuồng bốc đồng (impulsive insanity). Cái này được giải thích là một sự xáo trộn “không suy xét” trong hành động (không xem xét đến hậu quả) hay sự “hung hăng không tự chủ” và sự vắng mặt của bất cứ triệu chứng xáo động tâm thần nào khác. Theo Berrios, đây là “điểm cốt lõi mà từ đó về sau khái niệm thái nhân cách được xây dựng nên”.
Có một lý do quan trọng trong pháp y tại sao khái niệm ấy được phát triển lên như vậy: để lời khai của các bác sĩ được chấp nhận trong các phiên tòa hình sự, cần một phân loại nào đó khác hơn, hay vượt ra ngoài, phân loại “mất trí toàn diện”. Mọi người đều thấy rõ rằng có những kẻ tội phạm hoàn toàn bình thường về mặt chức năng, nhưng lại gây ra những tội ác cực kỳ tàn ác và ghê tởm bởi vì có một cái gì đó rõ ràng là “không bình thường” với chúng.
Một thay đổi đến trong nửa đầu thế kỷ 20, khái niệm thái nhân cách được thu hẹp lại để chỉ rối loạn nhân cách nói chung. Rối loạn nhân cách khi đó được định nghĩa là “một xáo động kinh niên về cảm xúc hay ý chí, hay một xáo động trong sự liên kết của chúng với các chức năng trí tuệ, dẫn đến các hành vi phá hoại xã hội.”
Đây là một chuyển biến quan trọng từ tư duy coi những kẻ thái nhân cách là những cá nhân “bị tổn thương” sang tư duy coi chúng “gây tổn thương” cho người khác. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, các bác sĩ chưa nhất trí được làm thế nào để phân biệt các chứng rối loạn nhân cách khác nhau hay gọi tên chúng thế nào. Mặc dù vậy, có sự nhất trí là có một nhóm hội chứng rối loạn quan trọng đặc trưng bởi hành vi bốc đồng, hung hăng và chống xã hội.
Đặc điểm của những kẻ thái nhân cách
Các nhà nghiên cứu thường chỉ ra rằng, bề ngoài, kẻ thái nhân cách dường như có thừa thãi những đặc tính mà người bình thường mong ước nhất như “Dễ mến”, “hấp dẫn”, “thông minh”, “lanh lợi”, “gây ấn tượng”, “tạo sự tin cậy”, và “rất thành công với phụ nữ”.
Sự tự tin thanh thản của kẻ thái nhân cách có vẻ gần như là một giấc mơ không thể đạt được. Đó cũng thường là điều những người “bình thường” cố gắng đạt được khi họ tham dự các lớp huấn luyện tính mạnh mẽ. Trong nhiều trường hợp, sự hấp dẫn như nam châm của kẻ thái nhân cách với những người khác giới có vẻ gần như là siêu nhiên.
Kẻ thái nhân cách thiếu khả năng suy xét và không có bất cứ ý thức trách nhiệm hay ý thức về hậu quả nào. Nếu có tồn tại, những cảm xúc của chúng cũng bị coi là hời hợt và nông cạn. Chúng bị xem là nhẫn tâm, thủ đoạn và không có khả năng hình thành các mối quan hệ lâu bền hay cảm nhận bất cứ tình yêu nào. Người ta cho rằng mọi cảm xúc mà một kẻ thái nhân cách đích thực thể hiện chỉ là lặp lại bằng cách quan sát và bắt chước cảm xúc của người khác.
Mức độ thông minh trung bình của kẻ thái nhân cách, nếu đo bằng các trắc nghiệm thường dùng, thấp hơn người bình thường một chút, mặc dù khả năng trí óc của mỗi cá thể trong số chúng cũng đa dạng như người bình thường. Trái với quan niệm thông thường, không có mức độ thông minh rất cao trong số những kẻ thái nhân cách và đặc biệt không có tài năng về kỹ thuật hay tay nghề thủ công trong số chúng.
Về mặt sinh học mà nói, hiện tượng này tương tự như hiện tượng mù màu, ngoại trừ việc, không giống như bệnh mù màu, chứng thái nhân cách ảnh hưởng đến cả hai giới tính. Mức độ của nó cũng khác nhau… từ mức độ chỉ vừa đủ để một người quan sát có kinh nghiệm nhận ra cho đến mức độ bệnh hoạn rõ ràng.
Cũng như bệnh mù màu, dị tật có vẻ như cũng đại diện cho một sự thiếu hụt trong xử lý kích thích, chỉ có điều không phải là trên cấp độ giác quan mà là trên cấp độ bản năng. Phân tích tâm lý cho thấy sự thiếu hụt rõ ràng chỉ xuất hiện ở nam giới. Ở nữ giới, nó thường được giảm nhẹ, dường như được bù đắp bởi một alen bình thường thứ hai.
Điều này gợi ý rằng dị tật này được di truyền qua nhiễm sắc thể X, nhưng ở một gen nửa trội. Điều này chưa được xác nhận bằng việc loại trừ khả năng di truyền từ cha sang con trai. Việc phân tích cách cư xử của những cá nhân này khiến chúng tôi kết luận rằng cả thể nền bản năng của chúng cũng không hoàn thiện, chứa những lỗ hổng nhất định và thiếu hụt một số phản ứng tự nhiên hài hòa mà các thành viên của loài Homo Sapiens vẫn thường có.
Mặc dù kẻ thái nhân cách bị thiếu hụt trong khả năng trải nghiệm và thấu hiểu cảm xúc con người, và có những hạn chế nhất định về mặt trí tuệ, người ta đã quan sát thấy rằng chúng có một thiên bẩm đặc biệt, một loại tri thức của riêng chúng.
Thiên bẩm này dường như bắt nguồn từ thực tế là chúng có khả năng quan sát và đánh giá – một cách hoàn toàn vô cảm – những người khác trong mọi loại tình huống và quan hệ khác nhau, và lập kế hoạch cho hành động của chúng mà không bị ảnh hưởng bởi các liên hệ hay cân nhắc về tình cảm.
Kẻ thái nhân cách quan sát cẩn thận những người bình thường, đánh giá, rút ra kết luận và qua đó trở nên thông thạo và tường tận với các yếu điểm tâm lý của con người. Chúng thường tiến hành các thí nghiệm nhẫn tâm chỉ để giải trí.
Những đau khổ mà chúng gây ra cho người khác không bao giờ làm chúng hối hận, bởi vì, trong cách nhìn của chúng, những đau khổ ấy là kết quả của những yếu điểm của người bình thường, những cá nhân mà chúng không coi là cùng loài với chúng. Cũng như người bình thường cảm thấy hạnh phúc khi làm người khác hạnh phúc, kẻ thái nhân cách dường như tìm thấy một thứ hạnh phúc – hay sự hài lòng – khi làm người khác đau khổ.
Kẻ thái nhân cách học cách nhận biết lẫn nhau trong đám đông ngay từ khi còn bé, và chúng hình thành nhận thức về sự tồn tại của những cá nhân khác tương tự như chúng. Chúng cũng ý thức về sự khác biệt giữa chúng với phần đa số của loài người, những người bình thường khác.
Người ta đã quan sát thấy rằng chúng xem những người bình thường như một cái gì đó giống như một loài khác, và cái nhìn này thường là giống như một con thú săn mồi bám theo con mồi. Những người bình thường với thế giới quan bình thường của họ không thể nhận thức hay đánh giá đúng mức sự tồn tại của thế giới những khái niệm dã thú thái nhân cách ấy.
Các nhà nghiên cứu có thể thu thập được một số kiến thức về thế giới bên trong của kẻ thái nhân cách chỉ nhờ vào những phần tử không thành công trong số chúng, những kẻ gây ra tội ác và kết thúc ở nhà tù hay bệnh viện tâm thần, nơi chúng có thể được nghiên cứu.
Bằng cách này, những nhà nghiên cứu đã có thể “học ngôn ngữ của chúng” và biết được một chút về thế giới quan của chúng, mặc dù chúng tôi phải lưu ý rằng kẻ thái nhân cách chỉ đồng ý chịu để nghiên cứu nếu chúng tin rằng sẽ thu được lợi ích gì đó cho bản thân.
Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy rằng kẻ thái nhân cách không có khả năng thu nạp các khái niệm về thế giới quan của người bình thường ngay cả khi chúng cố gắng. Mọi tiến bộ bề ngoài đã bị chứng tỏ lần này qua lần khác rằng đó chỉ là màn kịch chúng diễn (thường là khá tốt) và cái mặt nạ để chúng che giấu thực trạng dị thường của chúng.
Trong bất kỳ xã hội nào trong thế giới này, những cá nhân thái nhân cách thường tạo ra một mạng lưới tích cực những kẻ cùng thông đồng, tách rời khỏi cộng đồng những người bình thường. Chúng nhận thức sự khác biệt của bản thân.
Thế giới của chúng vĩnh viễn chia thành “chúng ta và chúng nó”; một bên là thế giới của chúng với những luật lệ và quy tắc riêng và bên kia là “thế giới xa lạ” của những người bình thường mà chúng coi là đầy những ý tưởng và quy tắc ngạo mạn về sự thật, danh dự và đoan chính, những mực thước mà chúng biết là chúng sẽ bị lên án về mặt đạo đức nếu áp dụng lên bản thân chúng. Khái niệm méo mó về danh dự của chúng khiến chúng lừa gạt và căm ghét những người bình thường và những giá trị của họ.
Ngược với những lý tưởng của người bình thường, những kẻ thái nhân cách cảm thấy không giữ lời hứa là hành vi bình thường. Chúng không chỉ thèm muốn của cải và quyền lực mà chúng còn có niềm vui đặc biệt khi chiếm đoạt của người khác (từ anh chị em của chúng chẳng hạn); những thứ chúng có được thông qua ăn cắp, lừa đảo, tống tiền là những trái ngọt hơn nhiều so với những gì chúng kiếm được qua lao động một cách trung thực. Chúng cũng biết rằng bản thân tính cách và cách cư xử của chúng gây ra chấn thương tâm lý cho người bình thường và chúng biết cách lợi dụng nỗi kinh hoàng này để đạt được mục đích của chúng.
Như đã nói ở trên, hầu hết các nghiên cứu về kẻ thái nhân cách đều diễn ra trong quần thể nhà tù, mặc dù nó thường được gợi ý rằng bên cạnh ngồi sau song sắt, kẻ thái nhân cách cũng hoàn toàn có thể ngồi trên ghế hội đồng quản trị, che giấu bản chất thực sự của hắn đằng sau một cái “Mặt nạ của sự Bình thường” được thiết kế cẩn thận.
Cleckley đã tạo cơ sở cho ý kiến rằng chứng thái nhân cách khá phổ biến trong cộng đồng bên ngoài. Ông đã thu thập một số trường hợp kẻ thái nhân cách hoạt động bình thường trong cộng đồng với tư cách nhà doanh nghiệp, bác sĩ, hay thậm chí bác sĩ tâm thần.
Không có cảm xúc có nghĩa là kẻ thái nhân cách thực chất là một cỗ máy rất hiệu quả, như một cái máy tính; chúng có thể thực hiện những thao tác rất phức tạp nhằm mục đích moi được từ người khác sự ủng hộ cho những gì chúng muốn. Bằng cách này, nhiều kẻ thái nhân cách có thể đạt được những vị trí rất cao trong cuộc sống.
Chỉ có qua thời gian và bằng cách quan sát cẩn thận, những cộng sự của chúng mới nhận thức được thực tế là chúng trèo lên bậc thang danh vọng bằng cách chà đạp lên quyền lợi của người khác, thường là một cách ngấm ngầm đằng sau hàng tầng hàng lớp những lời dối trá. “Ngay cả khi chúng coi rẻ quyền lợi của các cộng sự, chúng thường vẫn có thể tạo ra cảm giác tin cậy và tự tin.”
Một điều đã được chỉ ra là sự trừng phạt và những phương pháp sửa đổi hành vi không cải thiện hành vi của một kẻ thái nhân cách. Điều thường xuyên được quan sát là chúng đối phó với những nỗ lực ấy bằng cách trở nên xảo quyệt hơn và che giấu hành vi của chúng tốt hơn. Điều này sẽ được thảo luận kỹ lưỡng hơn trong mục “Mức độ đáp ứng với điều trị”.
Những kẻ thái nhân cách còn có một nhận thức rất méo mó về hậu quả tiềm năng của những hành động của chúng, không chỉ đối với người khác mà còn đối với bản thân chúng. Ví dụ, chúng không nhận thức sâu sắc được nguy cơ bị bắt, bị vạch mặt hay bị thương từ hành vi của chúng. Điều này có thể liên quan đến việc không có khả năng hình dung những khái niệm trừu tượng như quá khứ hay tương lai.
Trong khi suy đoán về cái gì là điểm mấu chốt trong kẻ thái nhân cách khiến chúng trở nên như vậy, Cleckley đi rất gần đến việc gợi ý rằng chúng là con người về mọi khía cạnh – nhưng chúng không có linh hồn. Sự thiếu vắng “phần hồn” này biến chúng thành những “cỗ máy” rất hiệu quả. Chúng có thể hùng biện, viết những tác phẩm uyên thâm, có thể bắt chước những từ ngữ biểu đạt cảm xúc và tạm thời diễn đạt những cảm xúc ấy, nhưng cùng với thời gian, người ta nhận thấy rõ ràng là những từ ngữ của chúng không đi đôi với hành động hay những gì thực sự bên trong chúng.
Khả năng bắt chước thường được kẻ thái nhân cách sử dụng để thuyết phục những người khác rằng hắn là một người bình thường và có những cảm xúc bình thường. Hắn làm như vậy để tỏ ra vẻ đồng cảm với nạn nhân của hắn. Kẻ thái nhân cách sẽ tìm cách làm nạn nhân của hắn và những người xung quanh tin rằng hắn có những cảm xúc bình thường bằng cách thêu dệt những câu chuyện sướt mướt hay tự nhận là đã có những trải nghiệm sâu sắc, xúc động.
Yếu tố thương hại là một lý do tại sao các nạn nhân thường sa vào bẫy của những con người “đáng thương” này. Nói dối đối với kẻ thái nhân cách cũng tự nhiên như hơi thở vậy. Khi bị bắt quả tang và vạch trần là nói dối, chúng bịa ra những câu chuyện dối trá mới, và không để tâm nếu bị phát hiện. Như Hare nói:
“Dối trá, lừa gạt và thủ đoạn là tài năng tự nhiên của kẻ thái nhân cách… Khi bị bắt quả tang nói dối và vạch trần bằng sự thật, chúng hiếm khi lúng túng hay xấu hổ – chúng chỉ đơn giản là thay đổi câu chuyện hay sửa lại các dữ kiện sao cho có vẻ phù hợp. Kết quả là hàng loạt những tuyên bố trái ngược và một người nghe hoàn toàn bị hoang mang.
Thông thường, hành vi của chúng được thiết kế để gây hoang mang và trấn áp các nạn nhân của chúng, hay để gây ảnh hưởng tiêu cực lên bất cứ ai lắng nghe những gì các nạn nhân ấy kể. Thủ đoạn là chìa khóa cho các cuộc chinh phục của chúng, và dối trá là một cách để chúng đạt được điều đó.”
Adolf Guggenbuhl-Craig nói rằng “chúng rất có tài tỏ ra khiêm tốn hơn nhiều những người bình thường, nhưng thực tế thì không phải như vậy”.Những kẻ thái nhân cách hướng tới các vị trí trong chính trị rất giỏi giả bộ quan tâm đến các tầng lớp dưới và tự nhận là đứng về phía những người nghèo, v.v…
Một số kẻ thái nhân cách thậm chí còn có thể rất yêu quý thú vật (trái với quan niệm thông thường), nhưng chúng chỉ xem các con thú ấy là đồ vật của chúng.
Tiêu chí chẩn đoán thái nhân cách
Danh sách của Hervey Cleckley
Hervey Cleckley định nghĩa chứng thái nhân cách như sau:
- Sự hấp dẫn hời hợt và mức độ thông minh trung bình
- Không có sự ảo tưởng và những suy nghĩ không logic khác
- Không có sự hồi hộp và các biểu hiện xúc cảm thần kinh khác.
- Không đáng tin cậy
- Giả dối, thiếu thành thật
- Không biết hối hận hay xấu hổ
- Hành vi chống đối xã hội mà không có biểu hiện ăn năn
- Khả năng phán đoán kém và không biết học hỏi từ kinh nghiệm
- Vị kỷ một cách bệnh hoạn và không có khả năng yêu thương
- Nói chung là nghèo nàn trong các phản ứng tình cảm chính khác
- Thiếu khả năng nhận thức sâu sắc
- Thụ động trong các quan hệ giữa các cá nhân nói chung
- Hành vi kỳ cục, phản cảm khi uống rượu bia, đôi khi cả khi không uống rượu bia
- Lời đe dọa tự tử rất hiếm khi thực hiện
- Cuộc sống tình dục không có tình cảm, tầm thường và không tích hợp với cuộc sống nói chung
- Không có khả năng thực hiện kế hoạch dài hạn trong cuộc sống
Bảng Kiểm tra Thái Nhân cách – PCL-R của Robert Hare
Trong các nghiên cứu và điều trị lâm sàng hiện đại, chứng thái nhân cách thường được đánh giá và chẩn đoán bởi bảng kiểm tra thái nhân cách – có sửa đổi (PCL-R) của hare. Đây là một thang điểm đánh giá lâm sàng với 20 mục, mỗi mục trong bảng PCL-R được cho điểm trên một thang 3 điểm (0, 1, 2) theo những tiêu chí cụ thể dựa trên thông tin trong hồ sơ lý lịch và phỏng vấn.
Như đã nói ở trên, công cụ chẩn đoán này cũng bao gồm cả các hồ sơ hình sự hay tâm thần, các cuộc phỏng vấn với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người quản lý, người dưới quyền, cùng với những quan sát hành vi khác khi có thể.
1.Sự quyến rũ giả tạo (lém lỉnh và hấp dẫn hời hợt)
Có xu hướng ăn nói lưu loát, bề ngoài hấp dẫn, thu hút người khác.kẻ thái nhân cách không tỏ ra một chút nào vẻ nhút nhát, lo lắng về bản thân hay e ngại khi nói bất cứ điều gì. Kẻ thái nhân cách không bao giờ ấp úng. Chúng cũng đã tự giải phóng bản thân khỏi quy tắc xã hội là để thời gian cho người khác được nói.
2. Tự đánh giá quá mức về bản thân
Nhìn nhận khả năng và giá trị của bản thân một cách phóng đại quá mức đến nực cười. Rất tự tin, tự phụ, hay khoe khoang, không nhìn nhận quan điểm người khác. Kẻ thái nhân cách tin rằng hắn thuộc về một đẳng cấp cao hơn của loài người
3. Có nhu cầu được kích thích / dễ buồn chán
Một nhu cầu quá mức với những kích thích mới lạ, hồi hộp, hấp dẫn. Thích làm những việc mạo hiểm. Kẻ thái nhân cách thường ít có ý thức làm việc đến nơi đến chốn vì chúng rất dễ chóng chán. Ví dụ như chúng không làm lâu được ở một nơi nào, hay không hoàn thành những việc mà chúng cho là nhàm chán hay lặp đi lặp lại.
4. Nói dối bệnh hoạn
Có thể ở mức trung bình hoặc cao. Ở dạng trung bình, chúng là khôn ranh, xảo quyệt, tinh quái. Ở mức cao, chúng lừa lọc, gian dối, bất chính, vô đạo đức.
5. Lừa gạt và điều khiển người khác
Nói về việc sử dụng sự dối trá, bịp bợm để lừa gạt người khác nhằm mục đích cá nhân. Khác với điểm 4 ở mức độ của sự nhẫn tâm lợi dụng người khác, phản ánh thông qua việc không quan tâm đến cảm xúc và nỗi đau khổ của các nạn nhân của chúng.
6. Không có khả năng hối hận
Nói về việc không có cảm xúc hay mối quan tâm đến những mất mát, đau đớn và đau khổ của các nạn nhân; một xu hướng không quan tâm, lạnh lùng, không cảm xúc. Điểm này thường được thể hiện bằng một thái độ khinh thị đối với nạn nhân.
7. Tình cảm nông cạn
Nghèo nàn về tình cảm hay hạn chế về bề rộng và chiều sâu của cảm xúc; lạnh lùng trong quan hệ xã hội mặc dù rất thích giao thiệp rộng rãi.
8. Nhẫn tâm và không có khả năng đồng cảm
Không có tình cảm với người khác nói chúng; lạnh lùng, khinh khỉnh, không chu đáo, bất lịch sự.
9. Lối sống ăn bám
Sống phụ thuộc vào người khác một cách cố ý, ích kỷ, lợi dụng, phản ánh qua sự thiếu động lực tiến thủ, ý thức tự giác thấp, và không có khả năng bắt đầu hay kết thúc những việc thuộc trách nhiệm của mình.
10. Khả năng điều khiển hành vi kém
Biểu hiện ra ngoài sự khó chịu, thiếu kiên nhẫn, hay đe dọa, hung hăng, chửi bới người khác. Thiếu khả năng kiểm soát sự nóng giận, hành động thiếu suy nghĩ.
11. Hành vi tình dục bừa bãi
Có một loạt những mối quan hệ ngắn ngủi, hời hợt; không kén chọn bạn tình; có nhiều mối quan hệ cùng một lúc; từng tìm cách ép buộc người khác vào quan hệ tình dục hay rất tự hào khi kể lại những thành công về tình dục của mình.
12. Có vấn đề sớm về hành vi
Nhiều vấn đề về hành vi trước khi đến tuổi 13, bao gồm dối trá, trộm cắp, gian lận, phá hoại, bắt nạt bạn bè, hành vi tình dục, đốt phá, sử dụng thuốc kích thích, uống rượu, bỏ nhà.
13. Không có mục đích sống dài hạn mang tính thực tế
Không có khả năng lập ra và thực hiện những kế hoạch hay mục tiêu dài hạn; cuộc sống lang bạt, không định hướng.
14. Bốc đồng
Có những hành vi không định trước, phản ánh sự thiếu suy nghĩ hay kế hoạch trước khi làm; không có khả năng chống lại sự cám dỗ, nỗi thất vọng, sự thúc dục; không suy tính đến hậu quả; dại dột, khó lường, thất thường và liều lĩnh.
15. Thiếu trách nhiệm
Thường xuyên không hoàn thành hay giữ đúng trách nhiệm và cam kết, như là không trả hóa đơn hàng tháng, không trả tiền nợ, làm việc cẩu thả, vắng mặt hay đi làm muộn, không tôn trọng thỏa thuận hợp đồng.
16. Không nhận trách nhiệm về hành vi của bản thân
Phản ánh trong việc chối bỏ, lẩn tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho người khác, thiếu tận tâm trong công việc.
17. Nhiều quan hệ hôn nhân ngắn hạn
Không có khả năng duy trì những quan hệ lâu dài trong đời sống, bao gồm cả quan hệ hôn nhân.
18. Tiền án, tiền sự vị thành niên
Có những vấn đề về hành vi trong khoảng tuổi 13-18, liên quan chủ yếu đến tội phạm hoặc những hành vi có biểu hiện rõ ràng sự lợi dụng người khác, hung hăng, hay tàn nhẫn, nhẫn tâm.
19. Được tự do tạm thời nhưng bị hủy vì những vi phạm mang tính kỹ thuật như bất cẩn, không đến đăng ký đúng hạn, không đến dự tòa.
20. Tội phạm đa năng
Phạm nhiều dạng tội hình sự, bất kể đã bị bắt và kết án hay chưa; rất tự hào khi phạm tội trót lọt.
Hannibal Lecter và chứng thái nhân cách
Thanhbinhpsy sẽ cùng độc giả nhận diện Hannibal Lecter xem ông ta có thực sự là một kẻ thái nhân cách thông qua Bảng kiểm tra thái nhân cách (The Hare Psychopathy Checklist) của Hare nhé.
-
Sự quyến rũ giả tạo
Hannibal Lecter thực sự mang đến cho người đối diện một sức hút mạnh mẽ về sự cuốn hút và thần thái của mình. Ngay từ lần xuất hiện đầu tiên trong cuộc gặp gỡ với nhân viên tập sự FBI Clarice Starling, Hannibal đã mang tới một cảm giác vô cùng đĩnh đạc. Mặc dù là phòng giam nhưng mọi thứ đều được sắp xếp một cách gọn gàng, sạch sẽ. Hannibal Lecter trong bộ đồ của tù nhân nhưng lại vô cùng ung dung tự tại và thoải mái đến bất ngờ.
Hắn còn có thời gian để nhận xét về ngoại hình, cách ăn mặc và cả đôi giày của đặc vụ Starling hay bắt cô nhắc lại điều mà Miggs – tên tâm thần đa nhân cách ở phòng kế bên vừa nói với cô.
Khi nói chuyện với bất cứ ai từ Starling đến những kẻ hâm mộ đang nịnh bợ hắn như Red Dragon; đến những người mà hắn không ưa như Bác sĩ Chilton, thanh tra Pazzi, Will Graham…Hắn luôn mang tới cảm giác làm chủ mọi thứ. Từ người hắn tỏa ra một sức mạnh khiến người khác luôn phải sợ hãi nhưng cũng không khỏi nể phục.
2. Tự đánh giá quá mức về bản thân
Dù chưa một lần tự khen ngợi mình nhưng Hannibal có thể khiến cho bất cứ ai nói chuyện với hắn đều biết rằng hắn là người hiểu biết và lỗi lạc như thế nào trong mọi lĩnh vực.
Từ việc hắn trao đổi câu chuyện với cô đặc vụ FBI tập sự, đến việc gợi ý cho Clarice Starling hay Will Graham cách để bắt tội phạm hay cảnh báo thanh tra Pazzi về cái chết của mình và ý định muốn ăn thịt vợ của ngài Pazzi như thế nào.
Vào lần đầu gặp mặt với Clarice Starling hắn nói với cô về những thứ mà hắn ngửi thấy thay vì những thứ Miggs thấy như: “Cô dùng kem dưỡng da Evyan. Thỉnh thoảng có xài nước hoa “hương thời gian” nhưng hôm nay thì không”.
Khi Clarice Starling hỏi Hannibal về những bức tranh của hắn, hắn đã nói với giọng điệu rất tự hào rằng: “Đó là Duomo nhìn từ Belvedere”. Và hỏi cô rằng “Cô biết Florence chứ?” Hắn không tự vỗ ngực mình và nói rằng hắn tài giỏi nhưng hắn cho cô thấy hắn tinh tế như thế nào thông qua những bức tranh mà hắn tự vẽ nhờ vào trí nhớ của mình. Bức vẽ không phải từ góc chính diện mà từ trên cao thông qua một góc nhìn hết sức nghệ thuật và xinh đẹp.
Khi Starling yêu cầu hắn xem giùm mình một bảng câu hỏi hắn đã nói rằng: “Không. Không. Cô đang rất khá. Lịch sự và biết tiếp nhận lịch sự. Cô đã gây được tín nhiệm khi nói sự thật khó nghe về Miggs. Bây giờ lại nhét bảng câu hỏi một cách vụng về. Không được đâu”.
Mặc dù không trả lời bảng câu hỏi nhưng Hannibal nhanh chóng hỏi Clarice về Buffalo Bill kẻ mà Starling đang quan tâm và là mục đích chính của cô khi tìm đến hắn.
Có thể thấy rằng, như có như không Hannibal biết hết mục đích của cô đặc vụ tập sự Clarice Starling khi tìm đến hắn. Và hắn không cần cô phải nói ra mà hắn sẽ tự mở đường cho cô nói về mục đích của mình thông qua những câu hỏi của hắn. Chúng ta có thể hiểu là Starling từ vị trí là người chủ động (một đặc vụ đến nói chuyện với 1 tên tội phạm) thành người bị động (bị Hannibal dẫn dắt theo cách mà hắn muốn).
Hannibal Lecter cũng vô cùng sâu sắc trong việc phân tích vấn đề, xử lý tình huống cho đến việc đưa ra các lời gợi ý của mình. Có thể nói trong tất cả những lời nói của hắn không có lời nào là thật nhưng cũng không có lời nào giả dối. Hắn luôn là người nhào nặn câu chuyện của mình và những thông tin mà hắn biết trở thành một câu chuyện mà hắn muốn kể.
Ví dụ như hắn đã gợi ý cho Clarice Starling về nơi bắt đầu để tìm kiếm tên tội phạm “Buffalo Bill” mà cô muốn bắt bằng một gợi ý rằng hãy tìm đến một bệnh nhân cũ của hắn mang tên Hester Mofet. Thực tế, Hester Mofet không phải là một bệnh nhân mà nó chỉ đơn giản là một kho hàng của gã được thuê với cái tên Hester Mofet – “phần còn lại của tôi”.
Hay khi Clarice Starling tìm thấy con nhộng trong cổ họng của các nạn nhân hắn đã nói với cô rằng tên sát nhân ngoài kia đang muốn được biến đổi: “Ý nghĩa của bướm đêm là sự biến hóa. Sâu biến thành kén hay thành con nhộng. Rồi từ đó hóa đẹp đẽ. Billy của chúng ta cũng muốn biến hóa”.
Khi Clarice nói với hắn rằng không có sự liên quan nào giữa việc thay đổi giới tính và bạo lực hắn đã nói rằng: “Billy không thực sự đổi giới tính. Nhưng hắn cho là như thế và cố gắng tỏ ra thế. Hắn muốn nhiều thứ lắm”; “Hãy để ý tới những rối loạn thuở nhỏ liên quan đến bạo lực. Billy không phải là tên tội phạm bẩm sinh. Hắn biến đổi vì bị lạm dụng một cách có hệ thống. Billy căm ghét chính mình. Nên cho rằng mình là người đổi giống. Thật ra bệnh lý của hắn dã man và kinh khủng hơn nhiều”.
Hay khi Starling hỏi hắn về việc làm sao để bắt tên Buffalo Bill. Hannibal đã nói với cô về nguyên tắc Sự Đơn Giản: “Nguyên tắc đầu tiên: sự đơn giản. Trong mỗi câu chuyện khác thường hãy hỏi “cái gì trong đó?”. Bản chất nó là gì? Người cô truy tìm hắn làm gì? Điều tiên quyết là gì? Hắn giết để làm gì?”, mọi thứ cô cần đều nằm trong hồ sơ.
Tên sát nhân kia giết những người phụ nữ kia không phải vì hận mà vì hắn thèm khát: “Bản chất của hắn đấy. Từ bao giờ chúng ta bắt đầu thèm khát? Chúng ta có tìm kiếm để thèm khát không? Chúng ta bắt đầu thèm khát từ cái thấy hàng ngày”.
Buffalo Bill bị bắt nhờ Clarice Starling khám phá ra rằng nạn nhân đầu tiên của Bill chính là cô bạn gần nhà có sở thích may quần áo với hắn. Hắn thèm khát chính cô bạn thân của mình và dùng những tấm da người để may thành những bộ cánh cho mình với mong muốn được biến đổi giống như những cái kén sâu trong họng các cô gái sẽ nở thành những con bướm đêm xinh đẹp.
Trong Kẻ ăn thịt người (Sự im lặng của bầy cừu 2) Hannibal Lecter đã tự chọn mùi nước bôi tay cho đặc vụ Clarice, đó là một loại kem bôi tay được đặt riêng và vô cùng quý hiếm, vì có một số chất bị cấm vì chúng được chiết xuất từ cá heo.
Khi Hannibal đang chuẩn bị đẩy Pazzi ra cửa sổ và mổ bụng ông ta thì cuộc điện thoại của Clarice cho Pazzi để ngăn cản hắn không tìm Hannibal đến, hắn ta bốc máy của Pazzi và hỏi thăm cô về việc cô có thích mùi kem bôi tay mà hắn chọn hay không một cách vô cùng bình thản.
Khi Clarice hỏi Hannibal rằng Pazzi đã chết chưa hắn ta trả lời rằng: “Không có điều gì trên thế giới này mà tôi thích hơn việc tán phét với cô. Rủi thay cô gọi không đúng lúc. Xin thứ lỗi cho tôi. Hẹn gặp lại nhé!”. Ở đây chúng ta có thể nhìn thấy sự nhã nhặn và lịch thiệp mà Hannibal dành cho Clarice.
Hắn thể hiện sự yêu thích khi được trò chuyện với cô và hắn xin lỗi cô theo đúng kiểu những người quý tộc “Xin thứ lỗi cho tôi” trong khi hắn đang chuẩn bị cướp đi mạng sống của ngài thanh tra Pazzi đang được trói chặt trên giá. Hắn cho rằng việc phải dừng cuộc gọi với Clarice là một sự thất lễ nhưng lại hoàn toàn bình thản với việc giết người. Hình ảnh này đại diện cho sự tự tin vào bản thân của hắn nhưng cũng là điểm làm nên sự đáng sợ của Hannibal.
Về phần thanh tra Pazzi, trước khi kết thúc cuộc đời của Pazzi, Hannibal đã lý giải nguyên nhân của kiểu hành quyết treo cổ và mổ bụng là do tính hám lợi. Hắn nói: “Thực ra tính hám lợi và sự treo cổ có liên quan đến nhau trong tư tưởng của thời Trung cổ…Tính hám lợi, treo cổ và sự tự hủy diệt.
Tôi sẽ tự làm tổ ấm cho mình hay là giá treo cổ của tôi”. Khi khách đã về hết Hannibal cho Pazzi xem lại hình ảnh của tổ tiên mình và nói với hắn rằng: “Francesco de Pazzi. Dựa theo những chủ đề có liên quan tôi phải thú nhận với ông. Tôi đã suy nghĩ rất nghiêm chỉnh về việc ăn thịt vợ ông” và dùng thuốc mê tẩm trong khăn tay để khiến Pazzi ngất xỉu và đẩy Pazzi xuống 1 cửa sổ với dây thừng thắt cổ và mổ bụng cho toàn bộ ruột rớt ra ngoài…
Hannibal rất khinh thường những kẻ thô lỗ. Hắn tự cho rằng mình là một người lịch thiệp. Vì vậy, không chỉ là trang phục, thói quen ăn uống, thưởng thức rượu, nghe nhạc hay vẽ tranh mà cả cách đối nhân xử thế hắn cùng vô cùng trang nhã.
Hắn tấn công 1 y tá và suýt ăn luôn lưỡi cô ta với nhịp tim 85, tấn công 2 tên cảnh sát để trốn thoát và giết chết họ, khiến cho tên tâm thần Miggs đã ném tinh khí của hắn vào Clarice tự nuốt lưỡi mình và chết chỉ trong một đêm…Tuy nhiên, hắn lại hay trò chuyện với một người y tá tốt bụng Barney về những khóa học khoa học mà Barney đang theo học hay nói chuyện về những chú sẻ rừng và cả về Clarice.
Hắn yêu Clarice hoặc có thể cho là hắn có cảm tình với cô vì vẻ đẹp, sự thuần khiết và cả sự thông minh, sắc sảo của cô. Nhưng hắn chỉ đơn giản là đưa cho cô một cái khăn tắm khi biết cô đội mưa đến tìm hắn vào giữa đêm; chạm nhẹ vào ngón tay cô khi cô đang cố gắng lấy lại hồ sơ trước khi bác sĩ Chilton tống cô ra khỏi khu vực hắn bị giam giữ; chọn kem bôi tay mà hắn cho rằng phù hợp với cô và hắn nghĩ cô sẽ thích.
Hắn thể hiện sự yêu thích với cô bằng việc giúp cô thăng tiến trong sự nghiệp của mình. Khi cô gặp khó khăn hắn không ngại viết thư hay gọi điện thoại hỏi thăm. Hắn còn tặng cho cô một đôi giày đẹp, hắn khâu lại vết thương cho cô một cách cẩn thận để đảm bảo nó không để lại sẹo, hắn khoác lên cô một bộ váy xinh đẹp, mang đôi giày mà hắn đã chọn.
Hắn còn để cô gọi FBI tới để bắt mình và còn vì cô chuẩn bị một bàn ăn với món não Paul (kẻ đã khi dễ và ăn hiếp cô) áp chảo. Hắn định cắn cô, giày vò đôi môi cô nhưng không, hắn lại chỉ nhẹ nhàng đặt lên đó một nụ hôn. Khi cô còng tay hắn và cô chung với nhau, hắn chọn cách chặt đi một bàn tay để tẩu thoát và đó cũng là cánh tay của hắn và ra đi.
Trước Clarice, chúng ta có thể thấy tình yêu của hắn dành cho Mischa và cho cả quý bà Murasaki. Hắn đã bảo vệ Murasaki và giết chết tên bán thịt ngoài chợ bằng cách chặt đầu của hắn và mang về cho cô. Lần cuối cùng khi hắn đang giết chết tên đầu sỏ đã làm thịt và ăn em gái Mischa của hắn, hắn đã nói rằng hắn yêu cô mặc dù Murasaki từ chối hắn.
3. Nói dối bệnh hoạn
Việc nói dối với một bậc thầy như Hannibal Lecter dễ như việc ăn một cây kẹo vậy. Hannibal nói dối bà nghị sĩ về tên thật của “Buffalo Bill” là Louis Friend và thừa nhận với Clarice là hắn làm vậy để cho cuộc sống bớt nhàm chán.
Hắn nói về mình và phân tích mình với Will Graham nhưng cố tình đẩy mọi thứ đi xa để Will không thể phát hiện ra mình là tên sát nhân. Khi hắn bị tống vào tù hắn nói dối Will về Red Dragon và cố tình xui khiến Red Dragon giết chết cả gia đình của Will.
Một màn nói dối kinh điển nhất của Hannibal chính là sau khi hắn giết chết tên bán thịt, chặt đầu và mang con cá mà tên đồ tể mới câu được về làm đồ ăn. Hannibal được mời tới đồn cảnh sát để lấy lời khai và bị sử dụng máy kiểm tra nói dối. Tuy nhiên, hắn trả lời trôi chảy mọi thứ mà người ta đặt ra và phủ nhận toàn bộ chuyện giết người mà không hề có một chút sai sót hay loạn nhịp.
4. Lừa gạt và điều khiển người khác
Được biết đến là bác sĩ tâm thần nổi tiếng và vô cùng tài giỏi. Hannibal lấy việc lừa gạt và điều khiển người khác làm thú vui của mình.
Trong vụ án tìm kiếm Red Dragon, mặc dù Hannibal có liên hệ với tên sát nhân nhưng lại rất vòng vo trong việc trợ giúp Will Graham tìm ra hung thủ. Hannibal còn nuôi ý định sát hại gia đình Will nhờ tay của Red Dragon.
Hannibal nói dối về thân thế của mình sau khi trốn thoát khỏi Mỹ để tới Mỹ. Từ một tên tội phạm nguy hiểm, ở vùng đất mới Hannibal nhanh chóng trở thành Bác sĩ Fell, thủ thư cho một thư viện lớn nhất tại Rome và trở thành một người được trọng vọng. Hannibal khiến cho giới quý tộc ngưỡng mộ hắn với những bữa tiệc vô cùng xa hoa và tinh tế đến tuyệt mỹ.
5. Nhẫn tâm không có sự đồng cảm hay hối hận
Hannibal chưa bao giờ hối hận về những việc mà mình đã làm đặc biệt là chuyện giết người. Nạn nhân đầu tiên của Hannibal là tên đồ tể ở chợ đã sỉ nhục quý bà Murasaki, Hannibal không ngần ngại chặt đầu hắn và mang về tế thần đồng thời lấy luôn con cá mà tên đồ tể vừa câu được làm bữa tối ngon lành.
Khi nhớ lại những kẻ đã giết chết em gái Mischa của mình, Hannibal lên kế hoạch trả thù và bắt đầu ăn thịt người. Món ăn đầu tiên từ thịt người mà Hannibal ăn chính là má của một trong những tên đã giết em gái hắn cùng với nấm rừng.
Sau nhiều lần bảo vệ và ngăn cản Hannibal giết hại những kẻ đã ăn thịt em gái hắn nhưng thất bại, quý bà Murasaki quyết định ra đi. Khi Hannibal nói với bà rằng “Cháu yêu cô” thì Murasaki đã nói rằng “Không! Cậu không có trái tim”.
Chuyện Hannibal được ví như một con quái vật được nhắc đi nhắc lại rất nhiều xuyên suốt 4 phần phim. Sự kinh khủng của hắn thể hiện thông qua việc hắn vượt qua cuộc kiểm tra nói dối xuất sắc sau khi giết chết tên đồ tể, cắn đứt lưỡi và gần như ăn lưỡi của 1 y tá mà nhịp tim vẫn không thay đổi.
6. Có vấn đề sớm về hành vi
Theo Bảng kiểm tra Thái nhân cách của Robert Hare, người thái nhân cách có vấn đề sớm về hành vi cụ thể là trước tuổi 13. Hannibal bị mất gia đình vào năm 1944 và chứng kiến cảnh những tên phát xít Đức giết hại và ăn thịt em gái Mischa của hắn khi hắn chỉ vừa tròn 10 tuổi.
Khi được quân Liên Xô tìm thấy trên cánh đồng tuyết và đưa về trại mồ côi tập trung chính là lâu đài của gia đình Lecter. Hannibal thường xuyên gặp ác mộng và tự thu mình, xa lánh mọi người.
Hannibal của ban ngày trưng ra bộ mặt lạnh lùng và sẵn sàng dùng bạo lực nếu bị ép bức (cắm cái nĩa vào tay tên sao đỏ trong Hannibal Rising) hay làm cái bẫy thú cho tên sao đỏ trước khi trốn thoát và tìm đường sang Pháp.
Cú shock về cái chết của Mischa có lẽ là chất liệu chính để tạo nên con quái vật Hannibal Lecter. Tuy nhiên, nếu như khi trở lại trại mồ côi tập trung Hannibal có thể gặp quý bà Murasaki hay một người bạn như Clarice Starling có thể cuộc đời của hắn đã có thể khác đi.
7. Không nhận trách nhiệm về hành vi của bản thân
Hannibal Lecter luôn chối bỏ tội lỗi của mình. Hắn thừa nhận mình giết người, thừa nhận ăn thịt ai đó nhưng lại không bao giờ thấy có lỗi vì điều mà hắn đã làm.
Vì cơ bản hắn cho rằng việc giết những tên đã giết hại và ăn thịt Mischa là một lời hứa mà hắn buộc phải thực hiện cho em gái mình. Hắn giết tên đồ tể vì ông ta có thái độ bất kính với người mà hắn tôn trọng. Hắn cắn vào mặt cô y tá, rù rì để Miggs bên cạnh phải tự nuốt lưỡi hay thanh toán Chilton, Pazzi vì hắn cho rằng những tên này thô lỗ hay hám lợi.
Hắn giết người vì cho rằng họ không đủ tư cách làm người và được sống. Hắn không giữ những bộ phận người mà hắn lấy được mà hắn ăn chúng như một món thịt thông thường, bởi với hắn: “thịt chỉ đơn giản là thịt mà thôi”.
Các yếu tố khác trong Bảng kiểm tra thái nhân cách của Hare trên Hannibal không được miêu tả cụ thể và chi tiết trên phim. Tuy nhiên, hắn vẫn thể hiện chúng ít nhiều thông qua những lời nói và hành xử của mình.
THÔNG TIN THÊM:
- Giới thiệu về nhà tâm lý học Carl Rogers
- Điểm danh các nhà tâm lý học nổi tiếng thế giới
Những bí mật rợn người chưa có lời giải đáp trong Hannibal Lecter
Nhân vật chủ đạo thực sự là Hannibal hay là Will Graham? Tùy theo cách nghĩ của bạn. Bởi, Will Graham là người quyết định đa số các nút thắt, nhưng góc nhìn bao quát nhất lại của Hannibal Lecter.
Hình ảnh con nai màu Đen tượng trưng cho điều gì sau khi Will giết Garrett Jacob Hobbs và nhiều lần nữa khi Will có những biến động về tâm lý. Có thể ý nghĩa tượng trưng của con nai Đen chính là cái ác trong tâm lý của mỗi người.
Hannibal Lecter thường sử dụng những phương pháp y học không chính thống để đạt được mục đích trong phim. Vậy, câu hỏi được nhiều khán giả đặt ra là liệu ông có đánh thuốc Will hoặc chí ít có ý định đó hay không?
Cuối cùng, Will Graham có bị tâm thần hay không vì phim không khai thác dù nhân vật này có nhiều biểu hiện rõ rệt. Đối với bác sĩ Hannibal, ông cho rằng bản thân Will chỉ mắc một chứng bệnh kỳ lạ mang tên “Viêm não tự miễn mãn tính”. Căn bệnh này có thể là nguyên nhân chính đem đến năng lực thấu cảm đặc biệt cho Will.
Hannibal thực sự là một nhân vật gây ám ảnh cho tôi. Dưới góc độ là một nhà tâm lý lâm sàng, một khán giả có lẽ phần nào đó tôi chưa thể nào hiểu hết và phân tích hết các khía cạnh về nhân vật phản diện đầy thu hút này. Tin rằng, một vài những tóm lược và phân tích của tôi sẽ phần nào giúp bạn có thêm một góc nhìn về Hannibal Lecter.
TÌM HIỂU THÊM: Dịch vụ tư vấm tâm lý học đường cùng chuyên gia
Nếu yêu thích phim và nhân vật này, hãy cho ThanhbinhPSY thấy cảm nhận của bạn nhé!