Anxiety Disorder là gì Và Các Thể Rối Loạn Lo Âu

Anxiety disorder hay rối loạn lo âu là một trong những khái niệm phổ biến được dùng để mô tả một dạng rối loạn liên quan đến lo âu ở con người. Anxiety gây tác động lớn đến sức khỏe tinh thần và đời sống của con người. Đặc biệt Anxiety là một rối loạn với nhiều thể khác nhau, với mức độ ảnh hưởng lớn đến nhiều người, nhiều đối tượng.

Bài viết hôm nay của Thanh Bình Psy sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về rối loạn lo âu – Anxiety là gì và những thể rối loạn lo âu thường gặp trong cuộc sống, nguyên nhân và cách điều trị. Cùng tìm hiểu nhé.

Anxiety Disorder là gì?

Anxiety Disorder hay còn gọi là rối loạn lo âu là một trong những rối loạn tâm lý có tính phổ biến cao, bệnh thượng kết hợp với nhiều rối loạn khác như trầm cảm, rối loạn nhân cách, rối loạn ăn uống, rối loạn dạng cơ thể.

Rối loạn lo âu là sự lo sợ quá mức trước một tình huống xảy ra, có tính chất vô lý, lặp lại và kéo dài gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người mắc. Khi lo âu và sợ hãi diễn ra ngay cả khi mối lo âu thực tế đã kết thúc thì đó là bệnh lý.

Anxiety Disorder là gì?
Anxiety Disorder là một rối loạn tâm lý có tính phổ biến cao thường đi kèm với nhiều rối loạn khác

Theo các tác giả Mỹ, trong chẩn đoán các rối loạn lo âu, có các thể loại sau:

  • Các ám ảnh sợ chuyên về chủ đề nào đó: 7 – 9 %.
  • Rối loạn lo âu xã hội với biểu hiện bị ngăn trở vì sợ như bị làm nhục, từ chối tiếp xúc tương tác xã hội như sợ nói trước đám đông, gặp người mới lạ trong tiệc tùng nơi công cộng: 7 %.
  • Rối loạn hoảng loạn với từng cơn hoảng sợ tới mức khó kiểm soát hay đối phó với tình trạng sợ sệt lúc xảy ra: 2 – 3 %.
  • Sợ ( có thể tới mức hoảng lên và thường né tránh) phải đứng một mình, ở một mình trong khung cảnh trống rộng hay không gian kín hẹp, sợ đi qua nơi đông người: 2 %.
  • Rối loạn lo âu lan tỏa (là lý do đến khám nhiều nhất) với cảm giác tự dưng giật mình sợ rồi nặng ngực hồi hộp, đánh trống ngực, “rần rần” tay chân rồi lạnh run. Xảy ra từng cơn, kèm bồn chồn bứt rứt đi tới lui: 2 %. (Tỷ lệ này có thể thấp so với thực trạng thăm khám hàng ngày)
  • Rối loạn lo âu chia ly với biểu hiện lo lắng đau khổ, miễn cưỡng phải xa cách và thường gặp ác mộng khi ngủ: 1 – 2 %.
  • Câm chọn lọc: người bệnh khổ thể nói trong những tình huống xã hội đặc biệt.
  • Rối loạn lo âu do chất gây nghiện.
  • Rối loạn lo âu do bệnh nội khoa.

Các dạng rối loạn lo âu

Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD)

Rối loạn lo âu lan tỏa có tên tiếng anh là Generalized anxiety disorder là một dạng rối loạn lo âu với đặc trưng cơ bản là sự lo âu lan tỏa và dai dẳng và không giới hạn hay nổi bật trong bất cứ tình huống, đối tượng đặc biệt nào.

Rối loạn lo âu lan tỏa thường bắt đầu từ độ tuổi khoảng 20-30, tỷ lệ mắc GAD ở nữ cao hơn nam. Với những người gặp rối loạn lo âu lan tỏa, mỗi ngày diễn ra với họ đều phải trải qua cảm xúc lo lắng, căng thẳng quá mức mặc dù có rất ít hoặc không có vấn đề nghiêm trọng nào.

GAD-Generalized anxiety disorder
Rối loạn lo âu lan tỏa

Người mắc GAD hay dự đoán các sự kiện bất trắc và quá quan tâm đến các vấn đề sức khỏe, tiền bạc, gia đình hoặc các khó khăn trong công việc.

Biểu hiện đặc trưng của GAD bao gồm:

  • Người bệnh luôn trong tình trạng bất an, hồi hộp hay lo lắng
  • Về thể chất người bệnh hay bị khó ngủ, đau bụng, vã mồ hôi, căng cứng bắp thịt, nóng lưng, đau thắt ngực…nhưng không có nguyên nhân thực thể
  • Một người chỉ được chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa khi các biểu hiện triệu chứng trên diễn ra ít nhất 6 tháng.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có tên tiếng anh là Obsessive Compulsive Disorder (OCD) là một rối loạn tâm lý có tính chất mãn tính có liên quan trực tiếp đến stress và lo âu. Người OCD có những ý nghĩ và hành vi lặp đi lặp lại một cách vô nghĩa mà không kiếm soát được ví dụ như rửa tay hàng chục lần mặc dù tay đã sạch hoặc dành hàng giờ để sắp xếp đồ đạc theo một thứ tự nhất định hoặc gọn gàng quá mức cần thiết.

Xem thêm:  Các Rối Loạn Ăn Uống Ở Trẻ Em Và Thanh Thiếu Niên (phần 2)

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế được cho là thường bắt đầu ở lứa tuổi thanh niên hoặc đầu trưởng thành. Tuy nhiên cũng có tới 1/3 người bệnh khởi phát từ khi tuổi còn nhỏ thậm chí có một số trường hợp trẻ bị bệnh trước lúc đi học. Tại Mỹ có khoảng 2% dân số mắc chứng OCD và tỉ lệ giữa nam và nữ là như nhau.

Obsessive Compulsive Disorder - OCD
rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Những dấu hiệu phổ biến của OCD bao gồm những ý nghĩ ám ảnh, lo lắng không có lí do chính đáng và phải thực hiện các hành vi có tính chất ép buộc để giảm bớt căng thẳng ví dụ như rửa tay, kiểm tra ví tiền…

Nguyên nhân gây ra rối loạn ám ảnh cưỡng chế được cho là có liên quan đến não bộ với sự bất thường trong xử lý thông tin hoặc nó là kết quả của kinh nghiệm sống không phù hợp với sự phát triển của các nhân tố sinh học. Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra mối liên hệ giữa OCD và gen di truyền trên những cặp sinh đôi và kết quả rất đáng để xem xét…

OCD không chỉ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người mắc mà còn để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến công việc và sự phát triển, hòa nhập của con người. Sự tác động đó còn nghiêm trọng hơn đối với những người mắc bệnh khi còn ở độ tuổi nhỏ. Vì vậy, phát hiện bệnh sớm và có hình thức can thiệp kịp thời được cho là phương pháp tối ưu nhất để hạn chế những tác động xấu của bệnh.

Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD)

Rối loạn căng thẳng sau chấn thương hay còn được gọi là rối loạn stress sau sang chấn có tên tiếng Anh là Posttraumatic Stress Disorder (PTSD) là một rối loạn tâm lý, tâm thần phát triển sau những tổn thương về mặt tinh thần hoặc một sự kiện chấn thương nào đó (tấn công tình dục, va chạm giao thông, chiến tranh…) được Hội tâm lý Hoa Kỳ định danh vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX sau cuộc chiến tranh Việt Nam.

Theo thống kê tỷ nệ mắc PTSD hiện nay trên thế giới là 0.5-1%/năm. Tỷ lệ này được cho là cao hơn ở các khu vực có xung đột vũ trang và phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới.

PTSD-Posttraumatic Stress Disorder
Rối loạn căng thẳng sau chấn thương

Biểu hiện, triệu chứng của rối loạn stress sau sang chấn được chia làm ba nhóm cơ bản bao gồm: trải nghiện lại các sự kiện gây sang chấn; lẩn tránh các kích thích liên quan đến biến cố sang chấn và nhạy cảm quá mức…

Nguyên nhân dẫn đến PTSD được cho là có liên quan đến tính khí, cách não kiểm soát các tín hiệu và hormone trong cơ thể khi phản ứng với căng thẳng và các trải nghiệm chấn thương tâm lý nghiêm trọng trong quá khứ.

Rối loạn căng thẳng sau chấn thương không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống tinh thần mà còn gây nguy hiểm cho người bị.

Ám ảnh sợ xã hội

Ám ảnh sợ xã hội có tên tiếng anh là Social phobia là một dạng rối loạn lo âu được mô tả bởi các lo hãi quá mức trong các tình huống xã hội thông thường. Đúng như tên gọi của nó, người mắc chứng ám ảnh sợ xã hội luôn cảm thấy lo hãi quá mức trong các tình huống mang tính xã hội như trong các buổi tiệc, trước đám đông hay thậm chí là nói chuyện với người khác hoặc bị ai đó nhìn.

Các biểu hiện triệu chứng đặc trưng của người ám ảnh sợ xã hội bao gồm: tim đập nhanh; đổ mồ hôi ở trán, tay chân; đỏ mặt; run rẩy; khó chịu ở dạ dày thậm chí là buồn nôn… Người mắc rối loạn ám ảnh sợ xã hội bộc lộ sự lo hãi mãnh liêt và dai dảng khi người khác nhìn mình hoặc bị phê bình và luôn sợ rằng hành vi của mình sẽ khiến bản thân rơi vào tình huống khó xử hoặc bị bẽ mặt.

Social phobia
Ám ảnh sợ xã hội

Theo thống kê thì có khoảng gần 4% dân số Mỹ mắc căn bệnh này trong đó tỉ lệ ở nữ được cho là cao gấp đôi so với nam giới. Tuy nhiên, các hồ sơ y khoa cho thấy sự quay lại tìm kiếm sự giúp đỡ ở nam giới mắc chứng này cao hơn ở nữ.

Ám ảnh sợ xã hội thường khởi phát trong thời kỳ thơ ấu hoặc đầu trưởng thành. Hội chứng này gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, công việc và chất lượng cuộc sống của người mắc. Đa số người bị ám ảnh sợ xã hội thưởng tìm cách tránh né các cuộc nói chuyện trước đám đông; làm việc khi bị ai đó nhìn, nói chuyện trên điện thoại; gặp gỡ người lạ, hẹn hò…

Xem thêm:  Tổng Quan Về Nhân Cách - Sự Hoàn Thiện, Cấu Trúc Và Đặc Điểm

Rối loạn lo âu khi xa cách

Rối loạn lo âu xa cách là một rối loạn tâm lý thường gặp ở trẻ em và một số ít ở người trưởng thành. Trong đó, người bệnh thể hiện sự lo âu thái quá khi phải xa cách với môi trường hoặc người mang lại cảm giác an toàn.

Rối loạn lo âu khi xa cách
Trẻ em thường bị rối loạn lo âu khi xa cách cha mẹ

Trên thực tế, lo âu xa cách là một giai đoạn phát triển tự nhiên của trẻ đặc biệt là trẻ sơ sinh vì vậy để chẩn đoán một người mắc chứng rối loạn lo âu xa cách chỉ có ý nghĩa khi các biểu hiện vượt mức cần thiết và thể hiện một cách thái quá.

Xem thêm:

Nguyên nhân gây ra Anxiety disorder

Có nhiều nguyên nhân gây ra Anxiety Disorder bao gồm: thuốc; tiền sử bệnh; căng thẳng; di truyền…

Lạm dụng thuốc, chất kích thích

Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh mối liên quan giữa rối loạn lo âu và tác động của việc lạm dụng chất kích thích như rượu, caffeine và thuốc (Benzodiazepine) gây ra tình trạng hoảng loạn và lo lắng gia tăng.

lạm dụng thuốc
Lạm dụng thuốc là một trong những nguyên nhân dẫn đến hội chứng lo âu

Các nghiên cứu cũng chỉ ra thời gian diễn ra rối loạn lo âu ở những người nghiện rượu là trong khoảng thời gian cai rượu cấp tính và những biểu hiện này có thể tồn tại đến 2 năm như một phần của hội chứng cai sau cấp tính (khoảng ¼ bệnh nhân khỏi nghiện rượu). Việc lạm dụng rượu và thuốc là nguyên nhân phổ biến gây ra  Anxiety cho người bệnh.

Tiền sử bệnh

Các bác sĩ đưa ra khẳng định về rối loạn lo âu có liên quan đến các bệnh nội tiết tiềm ẩn gây ra chứng tăng động hệ thần kinh chẳng hạn như Pheochromocytoma hoặc cường giáp.

Cường giáp cũng là một trong những nguyên nhân gây Anxiety
Cường giáp cũng là một trong những nguyên nhân gây Anxiety

Căng thẳng

Căng thẳng được cho là một trong những yếu tố đáp ứng gây phát sinh rối loạn lo âu ở con người. Những căng thẳng này phát xuất từ các vấn đề như tài chính, cảm xúc hoặc các bệnh mãn tính.

Cụ thể, lo âu của thanh thiếu niên là sự tương tác xã hội, sự đánh giá và hình ảnh cơ thể. Lo âu ở những người lớn tuổi mắc chứng mất trí nhớ có xu hướng gia tăng.

Căng thẳng gây ra rối loạn âu lo
Các nghiên cứu chỉ ra tỷ lệ thuận của lo âu và căng thẳng

Di truyền

Cũng giống như một số rối loạn tâm lý khác như trầm cảm, ám ảnh sợ.. thì rối loạn lo âu cũng liên quan đến yếu tố di truyền. Một người mẹ gặp rối loạn lo âu, khi họ sinh con thì người con cũng có khả năng mắc rối loạn lo âu từ nhỏ.

Bên cạnh các yếu tố như di truyền, căng thẳng, lạm dụng thuốc thì các yếu tố như sự phản ứng với môi trường xã hội hay sự thích nghi của con người trong xã hội hiện đại cũng là những yếu tố nguy cơ gây ra Anxiety

Rối loạn âu lo có thể do di truyền
Yếu tố di truyền có thể gây ra Anxiety

Một số rối loạn tâm thần kết hợp

Nghiên cứu National Comorbidity Survey 2005 của Mỹ đã khẳng định mối liên quan giữa rối loạn lo âu và các rối loạn tâm thần khác ở con người.

Trong đó, 58% bệnh nhân trầm cảm có rối loạn lo âu trong đó khoảng 17% là rối loạn lo âu lan tỏa, 10% rối loạn hoảng sợ. Ngoài ra, những bệnh nhân gặp rối loạn lo âu cũng có tỷ lệ bị trầm cảm cao; ám ảnh sợ xã hội khoảng 22.5%, sợ khoảng trống khoảng 9.5% và 2.5% rối loạn hoảng sợ.

Những người nào dễ bị rối loạn lo âu?

Cho đến hiện tại, các nhà khoa học chưa rõ ràng các nguyên nhân gây ra lo âu, nhưng các yếu tố nguy cơ thường kết hợp với nhau và thường gặp nhất là:

Yếu tố môi trường sống (cả gia đình và xã hội) gặp ở hầu hết các đối tượng. Bà nội trợ với áp lực đóng góp tiền bạc, áp lực quan hệ gia đình phức tạp… Nhân viên với áp lực chỉ tiêu công việc, người quản lý thì áp lực thay đổi hoặc bị thay đổi vì hoặc cho cuộc sống, v.v…

Sinh viên, học sinh (có những biểu lộ khác so với người trưởng thành) thì áp lực với yêu cầu kết quả học tập từ bản thân gia đình. Đa số các áp lực gây stress trên do môi trường sống nhiều lần hoặc chữa trị chưa hợp lý rất dẫn dẫn đến tình trạng rối loạn lo âu.

Yếu tố gien di truyền: có những bệnh nhân thuộc đối tượng học hành, kiến thức khoa học và kiến thức xã hội cao “cái gì cũng biết” những vẫn có các triệu chứng của một số thể loại trong chẩn đoán rối loạn lo âu kể trên.

Xem thêm:  Bệnh Rối Loạn Nhân Cách Ranh Giới

Yếu tố tâm lý và quá trình phát triển. Khá rõ ràng khi một số bệnh nhân có một số thể loại rối loạn lo âu có tiền sử bị cư xử không phù hợp, không tương thích với quá trình phát triển tâm sinh lý như bị lạm dụng, bị ngược đãi hay phải sống trong môi trường không thuận lợi cho phát triển cảm xúc, cho phát triển nhận thức và cho khả năng phát triển hình thành ý tưởng cuộc sống.

Điều trị rối loạn lo âu

Anxiety Disorder là một rối loạn khá phổ biến hiện nay vì vậy có nhiều hình thức điều trị bao gồm: dùng thuốc, các phương pháp trị liệu tâm lý kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt.

Thuốc

Thuốc được cho là phương pháp can thiệp các biểu hiện triệu chứng của rối loạn lo âu tối ưu nhất hiện nay. Tuy nhiên, người bệnh cần được thăm khám cụ thể và dùng thuốc theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Tránh việc tự ý dùng thuốc tại nhà bởi nếu không được chẩn đoán cụ thể thì dễ mang lại nhiều hậu quả đối với sức khỏe thậm chí gây ám ảnh đối với bệnh nhân.

Thuốc được cho là phương pháp tối ưu nhất để điều trị anxiety
Thuốc được cho là phương pháp tối ưu nhất để điều trị anxiety

Thuốc chống rối loạn lo âu được sử dụng phổ biến hiện nay là thuốc ức chế hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) mà một số hoạt chất phổ biến như là fluoxetine, sertraline, paroxetine… và loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng amitriptylin cùng nhóm Benzodiazepine.

Việc lựa chọn loại thuốc nào còn phụ thuộc vào tình hình thực tế của người bệnh cũng như các đáp ứng thuốc khác về thuốc mà bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ điều trị khác nhau.

Hiện nay, thuốc giải lo âu (anxiolyticques hay anti-anxiety drugs) không thể chữa “tận gốc” các rối loạn lo âu nhưng rất hiệu quả trong việc giảm mức độ nặng của các triệu chứng rối loạn lo âu nhưng cần sử dụng đúng theo quy định kê toa của bác sĩ điều trị.

Nhiều chuyên gia y khoa cho rằng việc kết hợp một số loại thuốc chống trầm cảm cần thiết cũng mang lại kết quả giảm triệu chứng lo âu đáng kể. Trong trường hợp không cỉ định, thuốc chẹn beta-blockers dùng kết hợp cũng mang lại nhiều lợi ích trong điều trị các triệu chứng rối loạn lo âu.

Liệu pháp tâm lý

Các liệu pháp tâm lý đóng vai trò hỗ trợ rất tốt cho bệnh nhân rối loạn lo âu trong việc kiểm soát cảm xúc và chống lại các triệu chứng lo âu hiệu quả.

Trị liệu nhận thức hành vi được cho là phương pháp trị liệu tâm lý tối ưu với bệnh nhân rối loạn lo âu giúp cho người bệnh “học” cách phản ứng, tư duy và xử lý khi có những biểu hiện của lo âu, cách kiểm soát lo âu bằng thư giãn, hít thở sâu… nhằm giảm thiểu các triệu chứng và kiểm soát lo âu tốt hơn.

Sử dụng liệu pháp tâm lý và sống lành mạnh giúp kiểm soát rối loạn âu lo
Sử dụng các liệu pháp tâm lý kết hợp với xây dựng chế độ sống lành mạnh giúp cho người bệnh kiểm soát và thoát khỏi lo âu hiệu quả

Lối sống và chế độ sinh hoạt

Một chế độ sinh hoạt và lối sống lành mạnh không chỉ giúp con người cải thiện sức khỏe, sống vui vẻ, hạnh phúc mà còn có tác dụng lớn trong việc cải thiện tình trạng lo âu hiệu quả.

Tập thể dục, ngủ đủ giấc, giảm lượng caffeine và ngừng hút thuốc lá kết hợp với chế độ ăn uống khoa học với nhiều rau xanh, acid béo không bão hòa.. có tác dụng lớn trong việc giảm thiểu và kiểm soát lo âu hiệu quả.

Lời kết

Hy vọng qua bài viết trên trong “Kiến thức tâm lý học” của  Thanh Bình Psy , có thể giúp mọi người hiểu hơn về những thông tin khái quát nhất về Anxiety là gì? Nếu bạn hay người thân gặp phải các vấn đề về tâm lý hãy liên lạc ngay với Thanh Bình Psy để được tư vấn qua thông tin dưới đây

Thông tin liên hệ:

  • Địa chỉ: 551 Lê Văn Khương, Quận 12, TPHCM
  • Hotline/Zalo: 0372.951.520
  • Email: Thanhbinhpsy@gmail.com
  • Fanpage Facebook: https://www.facebook.com/thamvantamlythanhbinhpsy/
  • Địa chỉ Website: https://thanhbinhpsy.com/

Tham khảo:

  1. Ranna Parekh, M.D., M.P.H. What Are Anxiety Disorders? January 2017. Physician Review. AMERICAN PSYCHIATRIC ASSOCIATION.
  2. Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders Fith Edition. Page 189-233. AMERICAN PSYCHIATRIC ASSOCIATION.
  3. Rối loạn ám ảnh cưỡng bức Bs.Nguyễn Mạnh Hoàn

Xem thêm các bài viết khác: