sLập hồ sơ tội phạm: sự thật đằng sau. Trong thời điểm đại dịch covid-19 đang hoành hành, các vấn đề kinh tế, xã hội ngày càng được nhiều người quan tâm. Bên cạnh những quan ngại về lạm phát và suy thoái kinh tế vì dịch bệnh thì các vấn đề xã hội và pháp luật khác cũng đang là điểm nóng được nhiều người quan tâm. Trong xu hướng của thế kỷ, sự phát triển của công nghệ và những áp lực trong cuộc sống khiến tình trạng phạm tội gia tăng. Bài viết hôm nay có chủ đề về lập hồ sơ tội phạm và những sự thật phía sau dành cho những ai là fan của tâm lý tội phạm nói riêng và những người quan tâm đến những vấn đề xã hội này. Cùng Thanhbinhpsy theo dõi nhé:
Đôi nét về thực tế lập hồ sơ phạm tội
Tại thời điểm hiện tại, thì các nhà tâm lý học pháp y vẫn đang làm việc với các quan chức năng để có thể kết hợp tâm lý học vào hồ sơ tội phạm (“criminal profiling”).
Tại Mỹ, cơ quan cảnh sát địa phương cũng thường sử dụng hồ sơ tội phạm do FBI cung cấp để áp dụng vào quá trình điều tra.
Phương pháp lập hồ sơ kẻ tội phạm được FBI tạo ra để xác định, phân loại tính cách và đặc điểm hành vi của nghi phạm dựa trên những hành vi mà kẻ đó thực hiện. Từ đây, nhà chức trách đã dễ dàng hơn trong việc xác định nghi phạm.
Điển hình là việc truy tìm “kẻ đánh bom điên” xảy ra tại Mỹ trong năm 1940-1956. Trong suốt 16 năm, George Metesky đã đặt bom hơn 30 quả bom tại nhiều địa điểm công cộng như: rạp chiếu phim, bốt điện thoại,… xung quanh thành phố New York nhưng cảnh sát không thể bắt được.
Đến năm 1956, phía cảnh sát đã hoàn toàn thất bại trong việc tìm ra tung tích kẻ gây án. Sau đó, họ đã mời chuyên viên tâm thần học James Brussel, trợ lý ủy viên tâm thần của bang New York, tham gia vào vụ này. Sau khi nghiên cứu các bức ảnh từ hiện trường và những ghi chú từ kẻ đánh bom.
Brussel đã đưa một bảng mô tả chi tiết: nghi phạm là nam giới, chưa lập gia đình, là dân nhập cư, tự học, ở ngoài độ tuổi 50, sống ở Connecticut, rất cẩn thận và kỹ lưỡng (thể hiện qua nét chữ viết tay). Tên này mắc chứng hoang tưởng và có hận thù với công ty điện Consolidated Edison (quả bom đầu tiên là nhắm vào trụ sở chính công ty này trên đường số 67), chứng hoang tưởng (vì chứng hoang tưởng thường lên tới cực điểm vào tuổi 35, nên sau 16 năm, kẻ đánh bom khi ấy sẽ ở vào tuổi 50).
Trong khi một số điều mà Brussel đưa ra có thể là khá đơn giản để nhận ra, tuy nhiên ông lại đưa ra những chi tiết dựa trên phân tích các yếu tố tâm lý. Ví dụ, ông nói rằng vì chứng hoang tưởng lên tới đỉnh điểm thường độ tuổi 35, cho nên 16 năm sau kể từ khi quả bom đầu tiên được đặt, thì giờ đây tên này sẽ ở khoảng độ tuổi 50. Sau khi báo chí đăng các dự đoán trên để làm mồi nhử theo kế hoạch của James Brussel, George Metesky đã gọi tới đe dọa vị chuyên gia này. Vào tháng 1 năm 1957 George Metesky bị bắt giữ, khi đó hắn mặc áo khoác có hai hàng khuy được cài ngay ngắn, đúng như James Brussel dự đoán.
Trong những thập kỷ tiếp theo, cảnh sát ở New York và các nơi khác tiếp tục tham khảo ý kiến của các nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần để xây dựng hồ sơ của những kẻ phạm tội đặc biệt khó bắt. Tuy nhiên, cùng lúc đó, phần lớn lĩnh vực hồ sơ tội phạm được phát triển trong cộng đồng thực thi pháp luật – đặc biệt là FBI.
Trong những thập kỷ tiếp theo, cảnh sát New York và nhiều nơi khác tiếp tục tham khảo ý kiến của các nhà tâm lý học và chuyên gia tâm thần học để xây dựng hồ sơ tội phạm, đặc biệt là những kẻ khó bắt. Tuy nhiên, cùng lúc đó, phần lớn hồ sơ tội phạm lại được thực hiện nhiều ở các cơ quan trực thuộc của bộ tư pháp – đặc biệt là FBI.
Nhưng ngày nay, việc lập hồ sơ tội phạm đôi khi lại không đơn giản, vì đâu đó nó vẫn nằm ở giữa, một bên là cơ quan chức năng một bên là tâm lý học. Dưới góc độ khoa học, nó vẫn còn là một lĩnh vực tương đối mới với chỉ một vài ranh giới và định nghĩa được đặt ra. Những người thực hiện không phải lúc nào họ cũng đồng ý với phương pháp luận hoặc ngay cả thuật ngữ được sử dụng.
Đơn giản như, thuật ngữ “hồ sơ” khá phổ biến trong cộng đồng, nhưng cách chúng ta hiểu nghĩa nó lại từ các bộ phim nổi tiếng như “Sự im lặng của bầy cừu” hoặc các TV show “Hồ sơ”. Còn riêng FBI, họ định nghĩa từ “hồ sơ” một cách đúng nhất là “phân tích điều tra tội phạm”. Hoặc một nhà tâm lý học pháp y nổi tiếng gọi công việc của mình là “tâm lý học điều tra”, tuy nhiên người khác lại gọi là “phác họa chân dung tội phạm”.
Mặc dù với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một mục đích: giúp các nhà điều tra phân tích bằng chứng từ hiện trường vụ án, lời khai của nạn nhân và nhân chứng để từ đó khắc họa chân dung tội phạm. Khắc họa ở đây có thể bao gồm các biến đổi tâm lý như đặc điểm tính cách, bệnh lý tâm thần hoặc hành vi cũng như khắc họa về nhân khẩu học như tuổi tác, chủng tộc hoặc vị trí địa lý. Để từ đó các các nhà điều tra có thể sử dụng hồ sơ để thu hẹp phạm vi nghi phạm hoặc tìm ra cách thẩm vấn nghi phạm đang bị giam giữ.
Nhà tâm lý học Harvey Schlossberg, Tiến sĩ, cựu giám đốc trung tâm dịch vụ tâm lý của Sở cảnh sát New York nói rằng: “Theo một số cách, việc “lập hồ sơ” thật sự vẫn là một môn nghệ thuật giống như khoa học”. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều nhà tâm lý học – cùng với các nhà tội phạm học và các quan chức năng – đã bắt đầu sử dụng các phương pháp thống kê và nghiên cứu của tâm lý để đưa những bằng chứng khoa học vào lĩnh vực này nhiều hơn.
Lịch sử của việc lập hồ sơ tội phạm?
Tính ra, lập hồ sơ tội phạm đã có một lịch sử lâu đời, nhưng không mang tính chính thức. Ngay từ những năm 1880, khi hai bác sĩ, George Phillips và Thomas Bond, sử dụng manh mối hiện trường vụ án để đưa ra dự đoán về nhân cách của kẻ sát nhân hàng loạt người Anh, Jack the Ripper. (Thanhbinhpsy có thể sẽ có một bài phân tích về vụ án này, mọi người đón chờ nhé.)
Đồng thời, vào những thập kỷ trước đây, tại Hoa Kỳ cũng đã bắt đầu việc lập hồ sơ tội phạm. Mà những người lập hồ sơ chủ yếu dựa vào trực giác và các nghiên cứu không chính thức. Schlossberg, người đã phát triển hồ sơ của nhiều tên tội phạm, trong đó có David Berkowitz – “Con trai của Sam” ở Thành phố New York – mô tả cách tiếp cận mà ông đã sử dụng vào cuối những năm 1960 và 70. Ông chia sẻ: “Những gì tôi làm là ngồi xuống, xem xét các trường hợp tội phạm đã bị bắt. Tôi liệt kê ra những kẻ gây án thường bao nhiêu tuổi, là nam hay nữ, trình độ học vấn như thế nào. Họ có xuất thân từ gia đình tan vỡ không? Họ có mắc các vấn đề về hành vi học đường không? Rồi nhiều yếu tố mà tôi có thể nghĩ ra, và sau đó tôi bổ sung chúng để xem cái nào là phổ biến nhất. “
Năm 1974, FBI thành lập Đơn vị Phân tích Hành vi để điều tra các vụ án giết người và hiếp dâm hàng loạt. Từ năm 1976 đến năm 1979, một số đặc vụ FBI – nổi tiếng nhất là John Douglas và Robert Ressler – đã phỏng vấn 36 kẻ giết người hàng loạt để phát triển học thuyết và phân loại nhiều loại tội phạm khác nhau.
Trong đó, đáng chú ý nhất, họ đã đúc kết ra “sự khác nhau giữa tội phạm có tổ chức và vô tổ chức”: Tội phạm có tổ chức là họ đã có tính toán từ trước và lên kế hoạch cẩn thận, vì vậy rất ít bằng chứng được tìm thấy tại hiện trường. Tội phạm có tổ chức, theo sơ đồ phân loại, là những kẻ chống đối xã hội nhưng biết đúng sai, không mất trí và không tỏ ra hối hận. Ngược lại, tội phạm vô tổ chức thì chúng không lên kế hoạch từ trước, để lại khá nhiều bằng chứng như dấu vân tay và máu. Tội phạm vô tổ chức có thể còn trẻ, nghiện rượu, ma túy hoặc mắc bệnh tâm thần.
Lập hồ sơ tội phạm của cơ quan pháp luật
Trong một phần tư thế kỷ qua, Đơn vị Phân tích Hành vi đã phát triển thêm quy trình lập hồ sơ tội phạm cho FBI – bao gồm việc lọc ra sự khác nhau giữa tội phạm có tổ chức / vô tổ chức thành một hệ thống liên tục và phát triển các sơ đồ phân loại khác.
Cựu đặc viên FBI, Gregg McCrary, lý giải “Tiền đề cơ bản là hành vi phản ánh tính cách”. Ví dụ, trong một vụ án mạng, các đặc vụ FBI thu thập thông tin chi tiết về nhân cách thông qua các câu hỏi về hành vi của kẻ sát nhân ở bốn giai đoạn tội phạm:
- Tiền đề: Kẻ sát nhân đã có kế hoạch hoặc tưởng tượng nào trước khi hành động? Điều gì đã khiến kẻ sát nhân hành động vào ngày này mà không phải vào những ngày khác?
- Phương pháp và cách thức: Nạn nhân là vô tình hay kẻ sát nhân đã chọn nạn nhân có những đặc điểm mà hắn muốn? Phương thức và cách thức giết người là gì: bắn, đâm, siết cổ hay gì khác?
- Vứt xác: Việc giết người và vứt xác diễn ra ở một hay nhiều hiện trường?
- Hành vi sau phạm tội: Có phải kẻ sát nhân đang cố gắng tự đưa mình vào cuộc điều tra bằng cách phản ứng với các báo cáo của phương tiện truyền thông hoặc liên hệ với điều tra viên?
McCrary phân tích thêm: một vụ án hiếp dâm cũng được phân tích theo cùng một cách, nhưng kèm với thông tin lấy được từ nạn nhân còn sống. Tất tần tật về kẻ phạm tội, từ hành vi tình dục mà kẻ hiếp dâm ép buộc nạn nhân đến thứ tự thực hiện, đều đưa ra manh mối về hung thủ.
Những đóng góp của tâm lý học
Mặc dù cách tiếp cận của FBI đã thu hút được sự chú ý của công chúng, nhưng một số nhà tâm lý học đã đặt nghi vấn về tính chính xác nó. Ressler, Douglas và một số đặc vụ FBI khác đã từng thừa nhận trong quá trình điều tra họ cũng có mắc những sai lầm từ cách suy luận của họ.
Cựu đặc vụ FBI McCrary cũng đồng ý rằng một số nghiên cứu ban đầu của FBI là khá sơ sài: “Ban đầu, chúng tôi chỉ là một nhóm nhỏ đặc vụ và chủ yếu dựa trên kinh nghiệm điều tra thực tiễn để đưa ra những suy luận đó cùng với niềm hy vọng là chúng đúng nhiều hơn sai”.
McCrary tin rằng họ đúng nhiều hơn sai và nhấn mạnh các phương pháp của FBI đã được cải thiện đáng kể so với ban đầu. Bên cạnh đó, các nhà tâm lý học cũng giúp nâng cao tính nghiêm ngặt về mặt khoa học trong việc lập hồ sơ. Tuy nhiên, một số nhà tâm lý học đã tiến hành nghiên cứu hồ sơ tội phạm của riêng họ và phát triển cách tiếp cận mới, trong đó khá nổi bật là có David Canter và Richard Kocsis.
- Hồ sơ tâm lý và bằng chứng: Phần lớn công việc này đến từ Tiến sĩ tâm lý học ứng dụng David Canter, người tiên phong trong lĩnh vực tâm lý học điều tra vào đầu những năm 1990 và hiện đang điều hành Trung tâm Tâm lý học Điều tra tại Đại học Liverpool.
Canter nói, tâm lý học điều tra bao gồm nhiều lĩnh vực mà tâm lý học có thể đóng góp vào các cuộc điều tra – bao gồm cả việc lập hồ sơ. Mục tiêu của hình thức lập hồ sơ tâm lý học điều tra, giống như tất cả các hồ sơ khác, là để suy ra các đặc điểm của tội phạm dựa trên hành vi của anh ta hoặc cô ta trong quá trình phạm tội. Tuy nhiên, Canter nói, điều cốt yếu là tất cả những suy luận đó phải đến từ nghiên cứu thực nghiệm, được đánh giá ngang hàng – không nhất thiết phải từ kinh nghiệm điều tra.
Ví dụ, Canter và các đồng nghiệp của ông đã phân tích dữ liệu hiện trường vụ án từ 100 vụ giết người hàng loạt để kiểm tra mô hình tội phạm có tổ chức / vô tổ chức của FBI. Kết quả của họ được công bố trên tạp chí Tâm lý học, Chính sách Công dân và Pháp luật của APA. Kết quả cho thấy rằng, trái ngược với kết luận trước đó của FBI là hầu hết tất cả những kẻ giết người hàng loạt nằm trong các cấp độ của tội phạm có tổ chức.
Đối với những loại tội phạm có tổ chức – thì địa điểm hoặc cách thức che giấu cơ thể nạn nhân – là những điều mà bọn tội phạm khá quan tâm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra sự khác biệt giữa những kẻ sát nhân có tổ chức và vô tổ chức nằm ở kiểu hành động mà chúng thể hiện. Cho nên không phải kẻ giết người hàng loạt nào cũng thuộc tội phạm có tổ chức. Nghiên cứu cũng cho thấy những kẻ giết người hàng loạt có thể được chia thành nhiều loại dựa trên cách chúng tương tác với nạn nhân: thông qua kiểm soát tình dục,phá hủy, hành hình hoặc cướp bóc.
Canter nói cách nghiên cứu này là sử dụng kỹ thuật thống kê của tâm lý học để nhóm các loại hành vi của tội phạm lại với nhau, theo một cách chung nhất để từ đó đưa ra đặc điểm và phân loại về các tội phạm một cách khoa học nhất.
Ông nói: “Cách tiếp cận của chúng tôi là xem xét tất cả thông tin để lại hiện trường vụ án một cách chi tiết nhất và thực hiện các nghiên cứu dựa trên lý thuyết để xác định cơ bản của vấn đề.”
Trong một nghiên cứu khác, ông và các đồng nghiệp đã thu thập dữ liệu từ 112 hiện trường vụ án hiếp dâm và phân tích mối liên hệ giữa các hành động khác nhau tại hiện trường vụ án – từ cách thức kẻ hiếp dâm yêu cầu nạn nhân thực hiện hành vi tình dục cho đến việc liệu hắn có trói nạn nhân hay không. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng hình thức của tội phạm xâm phạm tình dục và tấn công thân thể không phân biệt được với những tội phạm hiếp dâm: trong khi đây là những yếu tố để các đặc vụ FBI đưa ra kết luận đó có phải là tội phạm hiếp dâm hay không. Mà thay vào đó, điều để phân biệt những kẻ hiếp dâm lại dựa trên những hành động không liên quan đến việc đụng chạm thân thể – như lấy cắp đồ hoặc xin lỗi nạn nhân.
Canter đặt rất ít niềm tin vào những mô tả chân dung tội phạm dựa trên kinh nghiệm điều tra do các nhân viên FBI thực hiện. Như ông đưa ra, các nhà tâm lý học cần phải làm việc từ đầu để thu thập dữ liệu và phân loại tội phạm trong các tất cả những loại tội phạm khác nhau: như đốt phá, trộm cắp, hiếp dâm và giết người.
- Hồ sơ hành vi tội phạm: Tiến sĩ tâm lý học pháp y Richard Kocsis và các đồng nghiệp của ông dựa trên các nghiên cứu lớn về những kẻ giết người hàng loạt, những kẻ hiếp dâm và những kẻ phóng hỏa. Việc lập hồ sơ tội phạm là thu thập các đầu mối và bản phác thảo sinh học về các mô hình hành vi, xu hướng và khuynh hướng. Thông tin bao gồm tiền sử tội phạm tiềm năng, độ tuổi, tình trạng hôn nhân và các chi tiết quan trọng khác về nghi phạm tiềm năng. Dữ liệu tâm lý xã hội sau đó được đối chiếu với các trường hợp tương tự.
Tiền đề cơ bản là hành vi phản ánh tính cách cá tính. Đó là, kiểm tra hiện trường vụ án có thể xác định các biểu hiện hành vi độc đáo như cách thức hoạt động, thói quen làm việc, sinh hoạt, chữ ký và hành vi tưởng tượng. Những mô hình hành vi như thỏa mãn tình dục, sự tàn bạo, ích kỷ và nghi lễ có thể được sử dụng để xác định các đặc điểm độc đáo của kẻ giết người có thể biểu thị tính cách của chúng.
Do đó, các cảnh tội phạm có bằng chứng có thể được lập hồ sơ bởi vì những kẻ phạm tội có thể để lại dấu vết của chúng thỏa mãn nhu cầu tâm lý phức tạp của chúng tại hiện trường. Những hành vi này có thể để lại những manh mối liên quan đến lý do tại sao cảnh lại diễn ra như vậy, tại sao một nạn nhân cụ thể có thể được chọn và liệu có liên quan đến tưởng tượng trong cách họ tiến hành hành động hay không. Tất cả điều này cho phép đều có giá trị cho việc lập hồ sơ tội phạm.
Mối quan hệ giữa tâm lý học – tổ chức cơ quan pháp luật
Trong việc lập hồ sơ tội phạm, vẫn còn sự căng thẳng và không đồng tình giữa cơ quan pháp luật và tâm lý học ở một mức độ nào đó. Sự khác biệt chủ yếu là cách thức mà FBI hướng tới là từ kinh nghiệm điều tra thực tế hơn là dựa trên nhiều yếu tố từ các nhà tâm lý học đã đưa ra.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, FBI đã bắt đầu hợp tác chặt chẽ hơn với nhiều nhà tâm lý học pháp y. Như tiến sĩ tâm lý học Stephen Band là trưởng Đơn vị Hành vi Tội Phạm và Tiến sĩ tâm lý học pháp y lâm sàng Anthony Pinizzotto là một trong những nhà khoa học chính của FBI.
Cũng có một số đơn vị FBI hợp tác với các nhà tâm lý học pháp y tại Đại học Tư pháp Hình sự John Jay ở New York để tiến hành nghiên cứu. Ví dụ, một nghiên cứu hợp tác gần đây là xem xét mối liên hệ giữa tội phạm trộm cắp và tội phạm tình dục – liệu hiện trường vụ án có khác nhau trong những vụ bắt đầu như một vụ trộm và kết thúc bằng xâm hại tình dục, trái ngược với các tội phạm bắt đầu như một hành vi xâm hại tình dục nhưng bao gồm cả hành vi trộm cắp. Pinizzotto giải thích thêm, cảnh sát đang tiến hành phân tích từ những tên trộm bị kết án trong khu vực. Nghiên cứu sẽ được xuất bản ở Báo cáo Luật về Tội phạm Tình dục, bởi Viện Nghiên cứu Công dân.
Một trong những cộng tác viên của FBI tại John Jay College là Tiến sĩ Gabrielle Salfati, tốt nghiệp Trung tâm Tâm lý Điều tra. Pinizzotto nói: “Bất cứ khi nào thực hiện nghiên cứu, chúng tôi đều cố gắng đưa ra những quan điểm khác nhau nhiều nhất có thể. Và Chuyên môn của Gabrielle Salfati về các khía cạnh thống kê tâm lý học trong việc đánh giá hiện trường vụ án là một đóng góp rất lớn.”
Gần đây hơn nữa, FBI cũng đã bắt đầu hợp tác với các nhà tâm lý học pháp y tại Đại học Marymount ở Arlington. Một bằng chứng khác cho thấy các cơ quan pháp luật và tâm lý học đang hợp tác cùng nhau. Band nói, “Có sự gia tăng giá trị đáng kinh ngạc khi chúng tôi áp dụng những ứng dụng trong tâm lý học.”
Ở Mỹ, các cơ quan đại diện pháp lý đã dần bước áp dụng tâm lý học vào việc lập hồ sơ tội phạm. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì các cơ quan hình sự hay tư pháp thì vẫn chưa áp dụng tâm lý học một cách cụ thể. Nhưng với vì cùng một mục đích chung, là nhanh chóng lập ra hồ sơ tội phạm một cách chi tiết và chính xác nhất để có thể sớm bắt những kẻ phạm tội, ngăn chặn được những hành vi tội phạm. Thanhbinhpsy hy vọng một ngày không xa, tổ chức pháp luật nhà nước Việt Nam sẽ tận dụng ứng dụng của tâm lý học một cách bài bản và hiệu quả nhất.