Ai đó đã từng nói “Những tác phẩm trinh thám đều có thể trở thành một vở bi kịch tình yêu, một cuốn sách tâm lý học, một vở chính kịch, hiện đại, một tư liệu khoa học đầy những kiến thức hữu ích”. Có thể đó là lý do mà nhiều người trong đó có mình khá thích đọc truyện trinh thám và Phía sau nghi can X của Higashino Keigo là một trong những tác phẩm kinh điển mà rất nhiều người khuyến khích mình đọc.
Mới đầu khi nhìn qua bìa sách, nói thật mình không thích hình ảnh này. Một người đi về trên một con phố tại Nhật Bản, tuyết rơi phủ kín. Không phải kiểu máu me ghê rợn như trinh thám, cũng không phải kiểu trừu tượng mang tính tâm lý. Nhưng sau khi đọc xong mình lại hình bìa sách này, cảm giác phù hợp với với quyển sách, bình dị và đẹp đẽ theo một cách lạnh lẽo.
Nói sơ qua thì Phía sau nghi can X được viết vào năm 2005 bởi nhà văn trinh thám đại tài Higashino Keigo và nhanh chóng trở thành tác phẩm thành công nhất của ông từ trước đến nay. Cuốn tiểu thuyết này đã đem về cho ông vô số giải thưởng, bao gồm giải Naoki lần thứ 134 – giải thưởng văn học cao quý tại Nhật Bản. Và đây là cuốn sách trinh thám đầu tiên của ông mà mình đọc, nhưng sau quyển này chắc chắn mình sẽ tìm đọc nhiều hơn tác phẩm của Keigo.
Ở đây mình sẽ không spoil quá nhiều về nội dung truyện cũng như không đề cập đến văn phong viết truyện của Keigo một phần do mình đọc là bản dịch và mình cũng không phải nhà ngôn ngữ học hay một nhà văn để có thể đưa ra những nhận định hay đánh giá về lối hành văn của ông. Vậy nên mình sẽ bàn đến một khía cạnh khác, khía cạnh về tâm lí những nhân vật và mối quan hệ giữa họ với nhau.
Tình bạn giữa Ishigami và Yukawa
Yukawa đã có cuộc gặp gỡ đầy hoài niệm với Ishigami. Cũng chính nhờ cuộc gặp này mà Yukawa đặt nghi vấn hướng về Ishigami, chỉ vì một câu hỏi của Ishigami:
“Anh vẫn còn nhiều tóc nhỉ? Trông anh trẻ hơn tôi nhiều.”
Một Ishigami có niềm đam mê toán học vô bờ bến, không quan tâm mọi người nghĩ gì về mình, nay lại để ý đến ngoại hình của bản thân.
“Chẳng hạn như nhìn thì tưởng là bài về hình học nhưng thực ra lại là hàm số”
Một Ishigami với trí thông minh tuyệt đỉnh và mưu mẹo.
Tất cả những chi tiết tưởng như vụn vặt và vô nghĩa ấy, khi ghép lại với nhau, sẽ tạo thành một bức tranh tổng thể, bức tranh của sự thật. Điều không muốn tin lại là sự thật. Yukawa Manabu vốn rất có hứng thú với Ishigami. Anh luôn coi Ishigami như một người bạn, một tri kỉ, một bộ não thiên tài. Trong thâm tâm, Yukawa không bao giờ muốn nghi ngờ bạn mình là kẻ giết người. Tuy anh biết rằng, với Ishigami, việc giết người còn đơn giản hơn việc giải toán. Nhưng anh vẫn hy vọng rằng Ishigami sẽ không bao giờ mắc phải sai lầm đó.
Còn Ishigami, anh luôn làm mọi thứ theo logic và một trình tự nhất định. Kế hoạch giúp hai mẹ con Yusako của anh quá hoàn hảo. Anh đã dàn dựng vụ giết người như một bài toán hoàn hảo, được tính toán tỉ mỉ đến từng chi tiết. Một bài toán mà nếu bạn không hiểu rõ nó, không bao giờ bạn có thể giải được. Anh đã khiến cảnh sát hiểu lầm, đi theo hướng sai mà anh đã đặt ra.
Nhưng Yukawa Manabu đã xuất hiện và làm đảo lộn kế hoạch của Ishigami. Yukawa nhận ra rằng cảnh sát đang đi nhầm hướng, đúng theo ý của Ishigami. Những lời nói tưởng như vô ý của Yukawa đã khiến Ishigami chột dạ và lo lắng…
“Tôi và anh không thể giải phóng được khỏi cái đồng hồ. Chúng ta đều nằm dưới cái bánh xe của 1 cái đồng hồ mang tên xã hội. Bánh xe mà mất đi thì đồng hồ sẽ chạy lung tung. Dưới bánh xe này, chúng ta có muốn chạy theo ý mình cũng không được vì xung quanh không cho phép. Thế nên dù chúng ta ổn định đấy nhưng lại mất tự do. Trong số những người vô gia cư, có rất nhiều người không hề muốn quay trở lại cuộc sống như xưa”
“Ý tôi muốn nói là trên đời này không có bánh xe nào là vô dụng, việc bánh xe được sử dụng thế nào là do chính bánh xe đó quyết định.”
Có nhiều đọc giả sẽ cảm nhận đây như cuộc đấu trí giữa thiên tài Toán học và thiên tài Vật lý, một bên Ishigami bày ra vụ án khó bao nhiêu, một bên Yukawa đã lần lần tìm ra được nút thắt và truy ra từng sự thật một như thế nào. Ở khía cạnh nào đó có thể thấy nhẫn tâm nhất có lẽ là Yukawa. Bởi tất cả Ishigami chịu đựng và hi sinh chỉ để đổi lấy một đời hạnh phúc của Yasuko đến cuối cùng vẫn bị đạp đổ. Có lẽ bởi vì Yukawa là nhà vật lý còn Ishigami lại là nhà toán học. Họ có những cái nhìn về một vấn đề khác nhau, hiển nhiên cách thừa nhận cũng không thể giống. Ishigami mãn nguyện với những gì mình làm, nhưng Yukawa thì không.
Nhưng mình muốn đặt 2 người này như là 2 người bạn với nhau hơn, bởi vì xuyên suốt tác phẩm dường như không ai hiểu rõ Ishigami bằng Yukawa. Cũng chính Yukawa là người nói:
“Đơn giản lắm, anh Ishigami ấy. Câu trả lời mà anh ấy cần bao giờ cũng rất đơn giản. Anh ấy không bao giờ đòi hỏi nhiều thứ một lúc. Cái cách anh ấy chọn để có câu trả lời cũng rất đơn giản. Vì vậy mà anh ấy không phải phân vân bao giờ. Anh ấy cũng không bị lung lay bởi những điều nhỏ nhặt. Nhưng cách sống đó cũng có khi không tốt.Vì những thứ có thể đạt được, hoặc là tất cả, hoặc là chẳng có gì. Việc này bao giờ cũng đi kèm với sự nguy hiểm.”
Tình cảm của Yukawa dành cho Ishigami không chỉ là tình bạn mà còn là sự nể phục, tôn trọng và nuối tiếc. Anh chỉ nhìn xuống khi đối diện với mọi người, chỉ riêng Ishigami khiến anh có thể cảm thấy được công nhân giữa xã hội hỗn độn thật giả, giữa mớ kiến thức tầm thường của các nhà học giả nửa mùa. Yukawa không cam tâm với kết cục tàn nhẫn như vậy đối với Ishigami, anh phá bỏ bức tường bảo vệ sau cuối mà Ishigami lấy thân mình dựng nên. Phơi bày sự thật cho chính Yasuko. Để Yasuko bị giày vò với nỗi day dứt và hối hận đến mục nát tâm can, và để chịu chung sự trừng phạt với người đàn ông hi sinh tất cả vì mình. Đây là ích kỷ của Yukawa, nhưng sự ích kỷ này chính là bởi vì Ishigami.
Cuộc tình tay 3 giữa Ishigami, Kudo Kuniaki và Yasuko
Tình yêu Ishigami dành cho Yusako giống như vô cực vậy. Có lẽ chẳng ai ngờ một tình yêu như thế tồn tại. Một thiên tài xuất sắc đến mức cô độc, không được ông trời cho những điều kiện thuận lợi, phải làm thầy giáo cho một trường cấp III, kìm hãm những ước mơ và tài năng. Trong lúc chán nản vì cuộc sống tẻ nhạt, Ishigami đã có ý định thắt cổ tự vẫn. Đau đớn nhất là tự tử nhưng chẳng có lí do gì để chết, chỉ đơn giản chẳng có lí do gì để sống. Nhưng đúng lúc đó, Reng, tiếng chuông cửa nhà anh vang lên. Ở bên ngoài chính là 2 mẹ con Yusako và Misato. Sự xuất hiện của 2 mẹ con chính là nguồn sáng mạnh mẽ xua tan bóng đêm đang bao phủ cuộc đời Ishigami. Cuộc sống của Ishigami thay đổi hẳn kể từ sau lần gặp gỡ 2 mẹ con Yusako.
“Anh không còn ý muốn tự sát nữa mà đã tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Chỉ cần tưởng tượng 2 mẹ con đang làm gì, đang ở đâu thôi là anh cũng thấy vui rồi.”
Con người lí trí ấy đã rơi vào lưới tình ở cái tuổi trung niên, đến bạn bè cũng chẳng có ai đấy. Có lẽ con người lí trí ấy mới lần đầu yêu, nhưng đã yêu bằng tất cả trí thông minh đáng ngưỡng mộ và nhân cách đáng khâm phục của mình.
Anh chưa từng yêu, cũng chưa từng được yêu, ấy thế mà trong cái hoàn cảnh éo le đó, anh trải qua đủ cả những cung bậc cảm xúc của tình yêu: Cảm giác chờ đợi, cảm giác tự ti về ngoại hình rồi đến cảm giác ghen tuông vô cớ, lo lắng, thậm chí là hi sinh cả bản thân nhằm bảo vệ toàn vẹn cả thể xác lẫn tâm hồn của người mình yêu,… Để rồi cái thứ mà anh nhận lại mới xót xa làm sao, tất cả những điều gã làm chưa một lần chạm đến trái tim của Yasuko, khiến nàng ta khó xử, thậm chí khó chịu mỗi khi nghe thấy cuộc điện thoại của anh. Bởi lẽ, vốn dĩ ngay từ ban đầu sợi dây đó đã được bện bằng tội lỗi, thì mối liên hệ giữa họ mãi mãi vẫn sẽ luôn chịu sự chi phối của tội lỗi mà thôi.
“Không mong sẽ được như thế nào với mẹ con chị. Anh biết mình không thể với tới được. Toán học với anh cũng vậy. Nhưng chỉ cần được ở gần những thứ cao sang như vậy thôi cũng hạnh phúc rồi. Việc mưu cầu danh tiếng sẽ phá hỏng sự kính trong của người khác dành cho mình.”
Để rồi đến khi đọc xong, mình ngồi thẩn thờ tự hỏi rằng: liệu khi yêu, con người ta có thể làm những điều điên dại đến vậy, kể cả giết người? Ishigami vốn lập dị là thế, cô độc là thế, nay lại có thể sẵn sàng hy sinh tất cả vì tình yêu sao?
Mình cũng không hiểu và càng không muốn hiểu. Vì biết, mình không thể yêu ai như vậy. Ishigami khi quyết định đã tròng dây tự vẫn, vì Yasuko mà tiếp tục sống cuộc đời vô nghĩa của mình. Anh mặc định, mạng sống này thuộc về hai mẹ con Yasuko, anh có thể đánh đổi mọi thứ cho hạnh phúc của họ.
Trong mắt người khác, tỉ dụ như Yukawa, việc sử dụng và chôn vùi tài năng của mình cho một tội ác là hoài phí, là một mất mát lớn cho nhân loại. Nhưng đối với Ishigami thì không, anh tin đó là điều có nghĩa duy nhất anh làm được từ trước đến nay. Không phải chứng minh một định luật toán học, không phải giải một bài toán tầm cỡ, không phải được công nhận những nghiên cứu vĩ mô, trong thế giới vô luân này, được hi sinh tất cả cho những người anh yêu thương mới chính là thành tựu vĩ đại hơn hết thảy. Ishigami tin vậy và không ngại ngần hành động để bảo vệ tín ngưỡng của mình.
Chấp nhận nhuộm bẩn tay máu người vô tội, khoác lên mình vỏ bọc sát nhân, nén sợ hãi và đau thương để dẫn dắt hai mẹ con Yasuko qua nỗi hiềm nghi của những người đại diện chính nghĩa. Anh phản bội đam mê, dập tắt ước mơ và quay lưng với người bạn duy nhất. Ishigami đã toan tính chi li đến những điều không tưởng, để dẫu cho khi anh đứng ra nhận tội, Yasuko mà anh toàn tâm yêu mến không phải chịu bất kì thương tổn nào. Ishigami coi tất cả mọi người thậm chí là cả bản thân như một bộ phận trong một chiếc đồng hồ khổng lồ, mỗi bộ phận đảm nhiệm một vai trò bất di. Anh chỉ đơn thuần giúp kẻ vô gia cư kia thực hiện nhiệm vụ của mình. Một bài toán hàm số ẩn dưới vỏ bọc hình học.
Tình yêu của Ishigami dành cho Yasuko không vương dục vọng cũng chẳng hề ham muốn thể xác. Anh chỉ nghĩ, mình sẽ đổi lại được toàn tâm. Toàn tâm. Hai chữ mà mỗi con người tận lực theo đuổi nhưng mấy ai nhận ra nó viễn vông đến nhường nào. Dung dưỡng một đời, hoài phí phút giây. Cho nên, anh bỏ cuộc. Ishigami không dốc lòng cứu vãn tình hình dần được phơi bày, anh lựa chọn làm con tốt bị thí đầu, đóng vai một kẻ ám ảnh với Yasuko, chấp nhận để thứ tình yêu cao cả, khôi nguyên của mình bị vấy bẩn và vứt bỏ nỗ lực có thể dưới cùng một bầu trời thủy chung một màu sắc ảm đạm sống nhàn hạ, khép mình an tĩnh bên cạnh người phụ nữ mình yêu thương. Ishigami những tưởng toán học là đam mê lớn nhất của đời mình, anh không thể ngờ, đam mê của anh đã rẽ sang một tử lộ mịt mờ khác.
Còn Yusako thì sao? Hanaoka Yasuko đóng hai vai trò xuyên suốt câu chuyện, hung thủ giết Togashi Shinji và hung thủ giết Ishigami Tetsuya. Chỉ khác, chị giết tên chồng cũ bạc nhược một lần, đối với Ishigami chị cứu vớt anh sau đó mới đẩy anh xuống vực thẳm không thể quay đầu.
Và nói thật, mình không hề thích Yasuko, nhưng ngẫm kĩ lại chị cũng chỉ là một người mẹ đơn thân bất hạnh, một mình chống chọi nhiều năm để nuôi Misato, một người phụ nữ khát khao hạnh phúc và điểm tựa vững chãi. Chẳng ai trách chị được khi chị không có tình cảm với Ishigami, chuyện tình cảm chẳng thể nào theo lí trí hay ép buộc được. Ishigami không có một ngoại hình ưa nhìn, cũng chẳng thể nào có phong cách ga lăng lịch thiệp như Kudo được. Yasuko cũng chẳng thể nào hiểu được bộ óc vượt trội của anh, anh ở một thế giới hoàn toàn khác.
Khách quan mà nói, tất cả đều do Ishigami tự nguyện. Tự nguyện yêu Yasuko, vì chị ta lao vào cuộc đối đầu với cảnh sát, dựng chứng cứ ngoại phạm, dẫn dắt từng lời khai. Vì chị ta sẵn sàng giết người và đến cuối cùng anh hi sinh chính cuộc sống của mình. Hẳn mọi việc sẽ suôn sẻ nếu không có người đàn ông trong quá khứ Kudo kia.
Mọi người sẽ nghĩ, kẻ tác động đến Ishigami là người bạn cũ Yukawa, nhưng thực ra Kudo mới chính là nguyên nhân khiến Ishigami thất bại. Bởi sau cùng, bờ vai mà người phụ nữ anh hi sinh tất cả ngả vào lại là của kẻ khác. Từ đó Ishigami mắc hàng loạt sai lầm, đánh mất tư duy lãnh tĩnh và tình cảm làm chủ hành động. Yukawa sẽ không tố giác Ishigami, anh không có nghĩa vụ đó, mọi việc anh làm là vì hứng thú không phải chính nghĩa, vì vụ án kích thích tư duy của một thiên tài lấy quan sát và chứng thực làm kim chỉ nam và vì thực sự anh không thể hiểu tại sao người bạn luôn ơ thờ với tất cả trừ toán học của mình lại làm như vậy.
Lúc Keigo để cho Kudo xuất hiện và miêu tả những cảm giác ghen tuông của Ishigami, cũng những việc anh làm có chút quá đáng như theo dõi, chụp ảnh và gửi thư đe dọa, nói thật là có chút rợn người. Nhưng nghĩ đến những gì Ishigami làm cho Yasuko thì anh làm như vậy cũng đúng. Và không ngờ có một cuốn tiểu thuyết lại kể về những gì người ta có thể làm cho người mình yêu thương và quan tâm thật lòng, vượt qua mọi suy nghĩ và cảm tính thông thường.
Thứ xé lòng chính là dòng nhắn cuối cùng của Ishigami: “Kudo Kuichi là người chân thành và đáng tin cậy. Nếu lấy anh ta, xác suất em và con em hạnh phúc sẽ tăng lên.” Khi Ishigami theo dõi Kudo và Yasuko, mình đã nghĩ đó là cơn ghen của một kẻ biến thái và chuẩn bị làm gì đó phản bội Yasuko để tăng cao trào cốt truyện, nhưng hoàn toàn không thể nghĩ đến Ishigami đã đau đớn như thế nào khi nhìn khuôn mặt Yasuko rạng rỡ như thế.
Anh thông minh, anh luôn biết tất cả, anh cũng chẳng bao giờ tự lừa dối mình cả. Anh hiểu, người đem lại hạnh phúc cho Yasako mãi mãi không phải là anh, thiên tài toán học cục mịch lầm lì xấu trai. Độc giả nghĩ rằng mình hiểu Ishigami, không, hoàn toàn không, chẳng ai nghĩ đến tình cảm của anh sâu đậm đến thế, tất cả đều bị dắt mũi bởi tác giả.
Cứ nghĩ đến cảnh người thầy giáo ấy tìm hiểu về Kudo, hiểu rằng đây là người sẽ đem đến hạnh phúc cho người phụ nữ mình thương, bị giằng xé giữa cảm giác thanh thản vì dù anh có ra thú tội ai đó vẫn luôn ở cạnh Yasako và cảm giác tủi thân vì anh không phải người Yasako yêu, chưa bao giờ, dù anh có chống đỡ cả thế giới cho cô đi chăng nữa, cô vẫn chưa một lần mảy may có tình cảm với anh. Và cuộc gọi cuối cùng với Yasako, anh biết hết, anh biết cô đang ghê tởm anh, cô chỉ đang nghe và cố gắng lịch sự chỉ vì anh đã giúp cô mà thôi. Lúc đọc những dòng nhắn cuối của Ishigami, mình chỉ cảm thấy bất ngờ, nhưng dần dần lật trở lại những chi tiết nhỏ như thế, mình lại cảm thấy tim mình như chết lặng đi. Vì tình yêu, một người có thể đi xa vậy ư?
Đây là tiểu thuyết trinh thám, nhưng tuyến tình cảm của câu chuyện lại khiến mình xúc động hơn bất cứ tiểu thuyết diễm tình nào. Tình yêu qua tay Keigo trở nên thật vĩ đại, trở thành động cơ, trở thành cú twist, trở thành một câu chuyện lay động lòng người.
Misato – một đứa trẻ mạnh mẽ
Quay trở lại với Misato, mình muốn dành đôi dòng để nói đến Misato.
Sau khi đọc, mình có suy nghĩ rằng chẳng lẽ Ishigami không lường trước được việc Yasuko đến thú tội ra sao? Nhưng rồi, một câu trả lời chua xót hiện lên, vì Ishigami yêu cô nhiều đến mức hiểu cô ích kỉ đến mức nào. Không phải Ishigami không lường trước được việc Yugawa sẽ đến tìm Yasuko để kể hết mọi sự thật, nhưng anh biết cô sẽ chọn cách tốt cho cô và cả Misato, hơn nữa hạnh phúc đã đến trong tầm với của cô rồi chẳng lẽ cô sẽ vuột mất Kudo để ra thú tội cho kẻ đằng nào cũng đã phạm tội là anh.
Anh lường trước được mọi việc, và đúng như anh nghĩ, Yasuko đã nghĩ đến việc lấy Kudo, bằng chứng là cô đã nhận chiếc nhẫn kim cương và thậm chí còn ướm thử lên. Nhưng Ishigami có lẽ đã quá tập trung vào Yasuko mà quên mất Misato. Nếu đối với độc giả, tình yêu quá mức cao cả của Ishigami là điều không ngờ, thì với Ishigami kế hoạch không lỗ hổng của anh lại bị phá hủy bởi Misato. Misato là cô bé không được Keigo dành nhiều dung lượng truyện, hay nói cách khác là khá mờ nhạt, hoặc là lí do để Yasuko không thể ra đầu thú và viện đến sự trợ giúp của Ishigami.
Lúc đọc đến đoạn Misato cắt cổ tay tự sát, mình giật mình nhận ra còn một nhân vật rất chủ chốt mà mình quên để ý đến cảm xúc của cô bé. Con bé rất thông minh mặc dù có chút bồng bột, ít nhất là thể hiện qua việc phẫn nộ ném bình hoa vào Togashi và ngăn mẹ nó không gọi báo cảnh sát. Con bé cũng đã học cấp II chứ cũng chẳng phải nhỏ nhắn gì nữa, con bé có những suy nghĩ và tình cảm riêng và tách bạch hoàn toàn với mẹ nó.
Có lẽ Misato đã nhận ra những tình cảm sâu sắc của Ishigami với mẹ nó, cũng nhận ra mẹ nó thực sự muốn đi thêm bước nữa với Kudo, nó đã thể hiện sự khó chịu của bản thân thẳng thừng với Yasuko. Và thậm chí, còn đau đớn và chua xót hơn, cô bé mới chỉ học cấp II đó nhận ra mẹ mình có thể ích kỉ mặc kệ người ta ở nhà tù vì tội ác của mình.
Cô bé không chịu nổi sự thật đó, không thể sống với nỗi ám ảnh cả đời như vậy, nó cũng không thể sống cùng với bố dượng nào nữa dù người đó có tốt bụng và hào nhoáng đến đâu. Và con bé quyết định tự sát. Mình còn nghĩ đến một giả thuyết là con bé chỉ tự sát chứ chưa có ý định chết thật, nó tự sát ở trường để mọi người có thể phát hiện ra sớm và báo với mẹ nó. Đây là một ngầm ý rằng nó sẽ không sống cuộc đời còn lại trong ăn năn hối hận và đây là cách thể hiện quyết tâm của nó. Mặc dù những thứ này chỉ là suy diễn của mình nhưng không phải là không thể. (Qua câu chuyện của Misato các bậc cha mẹ cũng cần chú ý hơn đến việc chăm sóc và giáo dục các bé vị thành niên nhé ^^)
Phía sau nghi can X và câu chuyện về giáo dục
Ishigami Tetsuya dưới ngòi bút của Higashino Keigo là một thiên tài Toán học hiếm có. Khi một kẻ nghiệp dư cố gắng che giấu điều gì đó, anh ta sẽ ngụy trang càng phức tạp, và bí mật càng dễ bị phát hiện. Còn khi thiên tài làm một điều gì đó thì đơn giản hơn nhiều, nhưng là điều không một người bình thường nào nghĩ đến. Và từ sự đơn giản tuyệt đẹp này, sự phức tạp được tạo ra.
Và ở đây, anh chọn trở thành một giáo viên dạy Toán cấp ba ở một ngôi trường bình thường. Khi nhân sinh quan và trí tuệ của một người vượt lên số đông, họ sẽ có những lựa chọn mà ta cho là khó hiểu. Ishigami từ bỏ tham vọng trở thành nhà Toán học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cũng vì anh cảm thấy tuyệt vọng.
Đồng thời, từ tác phẩm ta thấy được có rất nhiều điều mình dựa vào logic và sai sót của quá trình suy nghĩ của con người, lợi dụng cái gọi là “điểm mù” phát sinh do những giả định sáo mòn mà chúng ta vô thức đưa ra.
“Không thể làm được một việc gì gọi là nghiên cứu tại trường đại học đó. Các giáo sư chỉ nghĩ đến tranh giành quyền lực và giữ chỗ của mình. Họ chẳng hề nghĩ tới việc đào tạo những học giả ưu tú hay thực hiện những nghiên cứu mang tính đột phá. Những báo cáo Ishigami nhọc công viết ra mãi mãi chỉ nằm trong ngăn kéo của các giáo sư. Trình độ của sinh viên thì thấp. Thời gian nghiên cứu của Ishigami cũng bị lấy mất do phải hướng dẫn những sinh viên còn chưa hiểu hết toán cấp III. Phải chịu bao chuyện như vậy nhưng tiền lương ở đó lại ít đến mức khiến người ta muốn bỏ làm.”
Và với anh, bất chấp những gì mọi người kêu ca, toán học luôn có vẻ đẹp thánh thiện trong trẻo của nó, dù không lấp lánh thời trang. Chỉ có một câu trả lời cho tất cả các vấn đề, nhưng có một triệu cách để đạt được câu trả lời đó. Rồi mỗi năm, đều có học sinh hỏi tại sao họ phải học Toán. Mỗi năm, anh đều đưa ra lời giải thích khác nhau. Năm nay, vì là một học sinh thích xe máy, anh đã sử dụng ví dụ về đua xe. Năm ngoái, đó là một cậu bé ham mê âm nhạc, nên anh lại nói về những phép toán đã được sử dụng trong thiết kế nhạc cụ.
Chắc hẳn bản thân ai cũng có trải nghiệm về thời học sinh, có rất nhiều điều trước kia khi là học sinh chúng ta không hiểu. Cũng sẽ có nhiều người đặc biệt không thích học các môn Tự nhiên, dường như Toán – Lý – Hoá luôn là ác mộng trong đời học sinh. Rồi mọi người thường không hiểu tại sao lại phải học những mớ kiến thức khô khan này, và nó có tác dụng gì với cuộc sống của mình sau này. Nhưng liệu rồi những ngày còn đi học, đã từng có thầy cô nào trả lời cho chúng ta những câu hỏi này như Ishigami, và chúng ta đã từng dành sự quan tâm đúng mực tới môn Toán hay chưa.
Khi giáo viên luôn có niềm thôi thúc muốn giảng cho học sinh hiểu, muốn cho học sinh của mình có kiến thức, có đam mê với việc học, và rồi nhìn thấy từng thế hệ học sinh hiện nay nhiều em thờ ơ không quan tâm tới học hành, với hệ thống giáo dục còn nhiều lỗ hổng, với việc học sinh học mãi rồi đằng nào chả được lên lớp, điểm 5 hay điểm 8 thì vẫn là Hoàn thành. Khi đó, ta mới nhận ra rằng hoá ra ngày xưa, những thầy cô thường hay khó khăn, mắng mỏ học sinh không chịu học lại là những người quan tâm đến học sinh nhiều nhất. Chỉ là, họ chưa biết dùng cách nào khác với đám học sinh cứng đầu mà thôi.
Những câu hỏi khó nhất lại là hỏi về những điều bình thường nhất.
Ai cũng biết 1 + 1 = 2, nhưng tại sao 1 + 1 lại bằng 2 thì lại không hề đơn giản để giải thích. Có những thứ mọi người nghiễm nhiên coi là đương nhiên, thì việc giải lại càng khó khăn.
Tại sao lại phải học môn Toán?
Vi phân và tích phân thì có tác dụng gì trong cuộc sống hàng ngày?
Việc đặt câu hỏi tại sao lại học môn này là điều đương nhiên. Khi câu hỏi đó được giải đáp thì mới có mục đích để phấn đấu học tập. Điều đó cũng gắn liền với việc hiểu được bản chất của toán học.
“Nhưng có quá nhiều giáo viên không có ý định trả lời những câu hỏi đơn giản như vậy của học sinh. Không, Ishigami nghĩ rằng có lẽ họ không trả lời được. Họ dạy theo một chương trình đã định sẵn mà không hiểu bản chất của toán học, họ chỉ nghĩ tới một việc là bắt học sinh phải đạt được một điểm số nhất định. Chính vì vậy mà họ cho rằng những câu hỏi kiểu như của Morioka chỉ mang lại phiền toái.”
Ishigami Tetsuya
“Mình đang làm gì ở đây thế này?” Ishigami nghĩ. “Mình đang bắt học sinh làm bài chỉ để lấy điểm mà chẳng có chút gì liên quan đến môn toán. Việc chấm bài thi đó, rồi cả việc quyết định trượt hay đỗ cũng chẳng có ý nghĩa gì. Những thứ này không phải là toán học. Tất nhiên càng không phải là giáo dục.
Phải làm gì để thay đổi tư duy học của học sinh, của cả một hệ thống giáo dục, đó là điều chúng ta cần phải suy nghĩ. Cuốn sách này mỗi người đều nên đọc, bỏ qua các tình tiết về vụ án giết người, đây là một bài học về nhân sinh quan, về giáo dục, về tình người. Học sinh nên đọc, các thầy cô nên đọc, các bậc làm cha mẹ cũng nên đọc. Đọc để hiểu về những trăn trở của một người dạy học, một người làm giáo dục, một người thật sự tâm huyết với nghề, một người cả đời chỉ dành tình yêu cho Toán học. Đọc để thay đổi tư duy của mình về chính những điều tưởng chừng như lẽ tất yếu trong cuộc sống này.
Cuối cùng thì, dù có tính toán kĩ lưỡng đến mức nào, dù có khả năng tính trước cả 100 bước, thì có một điều duy nhất Ishigami không lường được, đó chính là lòng người…
Ishigami và hội chứng Asperger
Trong chừng mực nhất định thì mình thấy Ishigami có những biểu hiện về chứng tự kỷ.
Hội chứng Asperger (tự kỷ chức năng cao) – tham khảo thêm bài viết https://thanhbinhpsy.com/benh-tu-ky-la-gi/#Cac_loai_tu_ky
Thì Ishigami từ khi còn học đại học đã được một giáo sư gọi là “một tài năng thuộc loại năm mươi năm hay một trăm năm mới xuất hiện một lần”
“Anh luôn nghĩ chính mình mới là người bị cho là không bình thường” – từ khi còn là sinh viên Ishigami đã tin như vậy. Anh không quan tâm gì khác ngoài một số bài toán khó nổi tiếng trong lịch sử môn toán và quyết định sẽ hiến đời mình cho việc nghiên cứu toán học thuần túy – thứ toán học chỉ cần tờ giấy với cây bút chì (hay thậm chí trong đầu óc, như khi anh ta nằm trong phòng giam), không viện đến các thứ máy tính đồ sộ.
Niềm say mê đó như một thứ “black hole” bên trong Ishigami khiến anh ta không thiết gì những văn học, nghệ thuật, chỉ xây dựng cuộc sống trên logic sắt đá và tính hợp lý tối ưu của các mô hình toán học… Cho đến cái ngày định mệnh đã nói ở trên, nhìn vào và nhận ra hai đôi mắt rất đẹp kia và chợt hiểu toàn bộ vẻ đẹp của đời sống.
Ý thức rõ tài năng và đam mê toán học của mình, vậy mà lại thấy “không có lý do gì để sống” – dường như Ishigami từ trong thâm tâm coi mình tựa như một kẻ vô gia cư, không có chỗ đứng nào trong xã hội. Anh ta cũng không có các quan hệ xã hội thông thường. Một kẻ cô độc đến thế, rồi chợt rơi vào cơn choáng không thể phục hồi vì một đôi mắt đẹp – đó là sự trùng hợp của định mệnh.
Một chút cảm nhận cuối cùng
Đã lâu lắm rồi mình mới đọc được một cuốn tiểu thuyết xuất sắc đến vậy. Không quá ngắn cũng chẳng quá dài, vừa đủ để lại cho mình những ngổn ngang suy nghĩ, những xúc cảm không tên dành cho nhân vật trong truyện. Kết truyện đau lòng nhưng có lẽ nó là hợp lí nhất và xứng đáng nhất.
Tiểu thuyết này của Keigo không chỉ đơn thuần là đi theo mạch nội dung để khám phá ra chân tướng vụ án mà còn là hành trình mở khóa cảm xúc và nội tâm nhân vật. Ông đã khéo léo lồng vào những thước phim tâm lý sâu sắc, những yếu tố phức tạp, mâu thuẫn thường gặp của con người.
Những suy luận rạch ròi, đanh thép, khô cứng không còn là điều duy nhất làm chủ trong tác phẩm mà còn là những diễn giải tâm lý chân thật, cuộc đấu tranh đầy giằng xé trong suy nghĩ, chạy trốn hay đối diện với sự thật, câu trả lời dù như thế nào đều đưa đến những kết cục khác nhau.
Chỉ dành một buổi để đọc, nhưng lại khiến mình một ngày dài thẫn thờ, mong những dòng suy nghĩ này có thể làm vơi đi những xúc cảm mãnh liệt mình dành cho Ishigami, dành cho giấc mơ trở thành nhà toán học của anh, dành cho tình cảm cao thượng đến không tin nổi anh dành cho tình yêu đầu đời của mình. Những việc anh làm là sai trái, anh phải chịu trừng phạt trước pháp luật nhưng mình không thể nào không thương người đàn ông đó được. Một bộ óc thiên tài, một đời cô độc và một tình yêu vĩ đại và cao thượng – dù là dành cho toán học hay cho người phụ nữ đã cứu rỗi đời mình.
Người gây án, kẻ phạm tội, nạn nhân, cảnh sát, đều khó có thể kết luận đâu là người tốt, đâu là người xấu. Liệu kẻ gây án có thật sự là người xấu hay không? Hay họ cũng chỉ là nạn nhân trong vòng xoay số phận đầy vô cảm và nghiệt ngã? Nạn nhân có thật sự vô tội? Hay họ chính là nguyên do cho những sự việc đau lòng xảy ra?
Không một dòng văn cụ thể nào phân tích chi tiết, chuyên sâu về tâm lý nhân vật, đôi khi chỉ là những hành động nhỏ, những cảm xúc vô tình bật lên trong những lời thoại, cũng đủ khiến người đọc bị chìm sâu vào trong thế giới nội tâm của họ, tự đặt mình vào trong hoàn cảnh của từng nhân vật, nếm trải đủ những mất mát, đau thương.
Tác phẩm cũng như muốn nhắn gửi đến chúng ta, rằng chúng ta không có quyền phán xét bất kì ai cả, đơn giản vì chúng ta đều không thể nào hiểu hết bản chất của một con người.
Bài viết từ Thái Thu!