Tâm lý học không chỉ là một ngành khoa học nghiên cứu con người mà còn thể hiện các mối quan hệ chính trị và đạo đức xã hội. Do đó, nhà tâm lý phải nhận thức rõ các vấn đề liên quan đến quy tắc đạo đức của nhà tâm lý học lâm sàng cũng như các yếu tố liên quan đến luật pháp trong quá trình hoạt động hành nghề của mình.
Những quy tắc đạo đức của một nhà tâm lý lâm sàng
Những vấn đề chung
Tâm lý học là một nghề và người hành nghề tâm lý là một người chuyên nghiệp nhưng thế nào là chuyên nghiệp. Tuy còn rất nhiều tranh cãi nhưng một người hành nghề được xem là chuyên nghiệp khi ít nhất đáp ứng được những điều kiện sau (Wendt, 1999)
+ Tồn tại một tổ chức có tư cách pháp nhân của những người hành nghề.
+ Có một hệ thống đào tạo những người hành nghề trên các bậc học được thừa nhận
+ Có một nền tảng kiến thức chuyên sâu và kỹ năng thành thạo để được thừa nhận là chuyên gia trên lĩnh vực hành nghề
+ Có bộ quy điều đạo đức hành nghề quy định hành vi của người hành nghề khi cung cấp dịch vụ cho xã hội.
Trong nguyên tắc đạo đức của nhà tâm lý lâm sàng của Hiệp hội các nhà Tâm lý học Mỹ (APA, 1992) đã tuyên bố: “Những nguyên tắc mang tính tổng quan có mục đích quan trọng giúp định hướng cho những nhà tâm lý hướng đến những tư tưởng cao đẹp của Tâm lý học”.
“Nếu nguyên tắc đạo đức của nhà tâm lý lâm sàng thiết lập được những tiêu chuẩn càng cao trong việc điều hành quá trình làm việc hơn là những quy tắc mang tính luật pháp thì nhà tâm lý càng có được những tiêu chuẩn đạo đức khả thi”
Trong quá trình thực thi các điều khoản đạo đức nghề nghiệp, mỗi nhà tâm lý đều đưa vào đó những giá trị cá nhân khi phải đưa ra các quyết định đạo đức. Kết hợp tốt giữa đạo đức cá nhân và đạo đức nghề nghiệp cũng như giải quyết tốt những mâu thuẫn giá trị giữa chúng sẽ dẫn đến thành công của một nhà tâm lý.
Những nguyên tắc trong quy tắc đạo đức của nhà tâm lý lâm sàng
Không gây hại cho thân chủ: Nhà tâm lý đấu tranh để đem lại quyền lợi và cẩn trọng để không làm điều gì tổn hại cho thân chủ của họ.
Trung thực và trách nhiệm: Thiết lập mối quan hệ trung thực và tin cậy với thân chủ. Luôn nhắc nhở mình ý thức về trách nhiệm khoa học và nghề nghiệp với xã hội, với một cộng đồng cụ thể và với người mình đang làm việc cùng
Chính trực: Luôn tìm cách để tăng cường sự chính xác, trung thực và tin cậy trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy và thực thành tâm lý học
Công bằng: Đảm bảo sự công bằng cho tất cả mọi người trong việc tiếp cận với các lợi ích của công việc tâm lý và phải được hưởng chất lượng phục vụ, quy trình, thủ tục như nhau từ nhà tâm lý
Tôn trọng con người và phẩm giá của thân chủ: Tôn trọng các giá trị của mỗi thân chủ cũng như quyền riêng tư, đảm bảo tính bí mật và quyền tự quyết của thân chủ.
Xem thêm >>> Dịch Vụ Tư Vấn Tâm Lý Tận Nhà
Những nội dung chính trong quy tắc đạo đức nghề nghiệp
Vấn đề năng lực
Nhà tâm lý lâm sàng cần nhận thức rõ khả năng của mình đến đâu và đặt ưu tiên vào lĩnh vực mà năng lực của mình được củng cố, nâng cao thường xuyên để nếu không mang lại nhiều lợi ích cho thân chủ, ít nhất họ cũng không có những hành động làm hại họ.
Năng lực chuyên môn: của nhà tâm lý làm việc trong lĩnh vực lâm sàng và sức khỏe tâm thần có thể bị ảnh hưởng bởi những vấn đề cá nhân như: mâu thuân trong hôn nhân, lạm dụng chất… làm suy giảm việc thể hiện khả năng và trách nhiệm của họ trong vấn đề chuyên môn.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những xúc cảm tiêu cực cho stress mang lại cũng như việc lạm dụng chất với các chuyên gia nam làm tăng cường khả năng xâm phạm tình dục đối với sinh viên và thân chủ của anh ta.
Khả năng khác: cũng liên quan đến năng lực của nhà tâm lý đó là tình trạng kiệt sức, quá tải đối với công việc. Nhà tâm lý cảm thấy choáng ngợp trước những yêu cầu của công việc và thân chủ. Họ có cảm giác thật vọng hoặc bị coi thường vì những kết quả công việc của họ trong hiện tại.
Họ không còn hứng thú nhiệt tình với công việc, thu hẹp sự quan tâm đối với thân chủ hoặc sinh viên mình hướng dẫn và có thái độ chỉ trích họ. Những nhà tâm lý trong trạng thái quá tải cần tìm người có thể trợ giúp họ để đảm bảo các dịch vụ họ cung cấp không bị gián đoạn bởi những sự hạn chế của họ.
Tóm lại, mỗi nhà tâm lý phải luôn nỗ lực nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của mình trong đánh giá, giảng dạy, tư vấn và nghiên cứu. Nhà tâm lý đều không được thể hiện quá mức, không đúng với thực tế về khả năng chuyên môn của mình dù trực tiếp hay gián tiếp đồng thời phải có trách nhiệm nhắc nhở đồng nghiệp của mình khi có các biểu hiện trên. Trong quá trình tương tác với thân chủ, cần luôn thận trọng khi đánh giá về khả năng của mình. Những câu hỏi sau nên được cân nhắc:
+ Liệu có sự tổn thương tiềm tàng đối với thân chủ hay nhà tâm lý không? Liệu nhà tâm lý có kỹ năng để thực hiện một quá trình cần thiết để cho những kết quả khả thi? (Quyền lợi của thân chủ).
+ Nếu nhà tâm lý thất bại, liệu có ảnh hưởng đến hình ảnh nghề nghiệp của mình cũng như năng lực của những đồng nghiệp khác trong những tình huống tương tự khi giúp đỡ những người có khó khăn trong xã hội? (Trách nhiệm nghề nghiệp).
+ Liệu có phải là phi pháp nếu tham gia cung cấp các dịch vụ mà lại không trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết hay không? (Trách nhiệm pháp lý trong nghề nghiệp).
Nguyên tắc bí mật
Trong quá trình ghi lại thông tin và lưu trữ dữ liệu: trước khi ghi lại các thông tin âm thanh hoặc hình ảnh của thân chủ, nhà tâm lý cần được sự cho phép của họ hoặc những người đại diện.
Nhà tâm lý chỉ được lưu giữ các thông tin cần thiếp phục vụ cho mục đích cung cấp dịch vụ, đảm bảo quyền lợi cho thân chủ cũng như đáp ứng những quy định của cơ quan mình trực thuộc. Nhà tâm lý phải có trách nhiệm đảm bảo sự an toàn và tính bí mật của những thông tin mình có dưới bất cứ hình thức nào.
Khi làm việc với gia đình hoặc nhóm: thông tin về một thành viên trong gia đình sẽ không được tiết lộ cho thành viên khác trong gia đình khi không có sự động ý của thành viên đó. Khi một thân chủ trong nhóm yêu cầu được tiếp cận với thông tin đã ghi chép dưới dạng bản gốc hay copy, việc tiếp cận tong tin chỉ dành cho từng người trong phần ghi chép của mình chứ không được xem phần ghi chép về người khác nếu không được sự đồng ý của họ.
Trong lĩnh vực nghiên cứu: nguyên tắc giữ bí mật được đề cập chỉ nên sử dụng trong thảo luận với “mục đích khoa học và mục đích nghề nghiệp thích hợp giới hạn trong phạm vi những người có liên quan trực tiếp đến vấn đề này” (APA, 1992, tr 1606). Ý tưởng này được cụ thể hóa trong các tình huống cụ thể khi thảo luận với đồng nghiệp về các trường hợp lâm sàng cũng như khi sử dụng các thông tin của thân chủ trong giảng dạy.
Với đồng nghiệp: nhà tâm lý không được tiết lộ các thông tin có thể dẫn tới việc nhân dạng thân chủ/ người bệnh, người tham gia nghiên cứu hoặc những người khác trong tổ chức mà nhà tâm lý cần phải giữ bí mật. Chỉ trừ trường hợp giữa họ đã có một bản thỏa thuận đồng ý rằng việc tiết lộ thông tin là không thể tránh khỏi và việc tiết lộ thông tin chỉ ở trong phạm vi cần thiết để phục vụ mục đích tư vấn.
Trong giảng dạy hoặc phục vụ các mục đích khác: Nhà tâm lý không được tiết lộ thông tin trong các bài viết, bài giảng hoặc giới thiệu trên các phương tiện truyền thông đại chúng khác các thông tin khiến người khác có thể nhận dạng hoặc gây phiền toái đến cá nhân, sinh viên, trợ lý nghiên cứu, cơ quan của thân chủ hoặc các dịch vụ khác mà họ đang tiến hành trừ trường hợp đã tiến hành các thao tác cụ thể phù hợp để ngụy trang cho cá nhân và tổ chức cá nhân và tổ chức đã viết biên bản đồng ý về việc này hoặc nhà tâm lý được phép làm dưới yêu cầu hoặc quy định của pháp luật.
Xem thêm >>> Dịch Vụ Tư Vấn Tâm Lý Qua Chat
Trong đánh giá tâm lý
Trước khi tiến hành đánh giá: Để đảm bảo độ tin cậy của những thang đo, tính khách quan trong đo lường cũng như việc đưa ra các nhận định, nhà tâm lý cần tuân theo những chỉ dẫn hết sức cụ thể trong bộ quy điều đạo đức hành nghề phần đánh giá và sử dụng các trắc nghiệm tâm lý.
Nhà tâm lý cần phải lựa chọn các trắc nghiệm thích hợp, phải cân nhắc cẩn thận về tính hiệu quả, độ tin cậy và độ chính xác của trắc nghiệm cũng như những ảnh hưởng của yếu tố văn hóa, màu da, thành phần, dân tộc, vị thế kinh tế xã hội.
Nhà tâm lý cũng cần ý thức rõ về năng lực của mình và chỉ chọn sử dụng các cách thức đánh giá mà mình đã được đào tạo và rèn luyện. Tiếp theo đó nhà tâm lý phải giải thích cho thân chủ hoặc người đại diện của thân chủ biết về bản chất, mục tiêu của đánh giá và việc sử dụng kết quả trắc nghiệm cho những mục tiêu cụ thể. Nhà tâm lý và thân chủ phải tiến hành ký một biên bản thỏa thuận về những điều khoản trên.
Khi tiến hành đánh giá: nhà tâm lý phải đảm bảo cho khách hàng được làm trắc nghiệm trong những điều kiện tương tự như điều kiện trắc nghiệm được chuẩn hóa. Bất kỳ một bất thường nào xảy ra trong quá trình làm trắc nghiệm cũng đều phải được ghi lại và lưu ý trong quá trình lý giải trắc nghiệm về tính chính xác của các chỉ số.
Để đảm bảo yêu cầu này, nhà tâm lý không được phép tiến hành trắc nghiệm nếu không có sự giám sát hoặc sự giám sát không đầy đủ trừ khi việc làm trắc nghiệm được thiết kế với mục tiêu đo đạc của cá nhân.
Nếu tiến hành trắc nghiệm bằng máy, nhà tâm lý phải đảm bảo máy hoạt động đúng và cung cấp cho thân chủ những kết quả chính xác. Còn để xử lý kết quả trắc nghiệm bằng phần mềm vi tính, nhà tâm lý phải được đào tạo để biết phương pháp, thiết bị công cụ nào được sử dụng và phần mềm ứng dụng nào được truy cập.
Khi thông báo về kết quả trắc nghiệm: nhà tâm lý phải chỉ rõ những hạn chế trong quá trình tiến hành có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy và độ chính xác của các trắc nghiệm như thế nào. Các kết quả trắc nghiệm phải được diễn giải rõ ràng bằng ngôn ngữ dễ hiểu của thân chủ và tập trung vào những vấn đề mà thân chủ đang quan tâm đồng thời nhà tâm lý cũng phải có trách nhiệm đưa ra những khuyến nghị dựa trên kết quả đánh giá.
Nếu nhà tâm lý nhận thấy một trắc nghiệm nào đã lỗi thời không có tính ứng dụng nữa thì nhà tâm lý phải tránh không dùng và ngăn không cho người khác sử dụng những kết quả của trắc nghiệm đã lỗi thời này.
Trong can thiệp, trị liệu tâm lý
Trong buổi đầu tiên: Khi thân chủ lần đầu tiên tham gia vào một quan hệ tư vấn hay trị liệu, họ chỉ có những hiểu biết không đầy đủ về những gì họ sẽ tham gia dựa trên những gì họ tưởng tượng hoặc đã nhìn thấy trên phim ảnh. Nên nhà tâm lý phải giúp họ hiểu được mục đích và lợi ích của những hoạt động để giúp họ có quyết tâm theo đuổi đến cùng can thiệp và trị liệu.
Tuy nhiên vì tiến trình trị liệu hết sức phức tạp, gồm nhiều vấn đề như thời gian cho toàn bộ quá trình trị liệu, mục đích của từng giai đoạn, nguyên tắc bí mật và giới hạn của nó… nên cho dù nhà trị liệu hiểu rõ bản chất của những vấn đề này nhưng cũng không thể tránh khỏi việc nêu thiếu hoặc nêu không rõ các điều khoản khi làm việc.
Cho nên, nhà tâm lý phải đưa cho thân chủ xem xét biên bản thỏa thuận ghi tất cả các điều khoản liên quan đến quá trình can thiệp và yêu cầu thân chủ ký vào bản thỏa thuận khi đã hiểu và chấp nhận tất cả các điều khoản đó. Tất cả những thuật ngữ trong biên bản thỏa thuận phải được giải thích cho thân chủ bằng ngôn ngữ dễ hiểu của họ nếu cần.
Những buổi tiếp theo: Nhà tâm lý phải tập trung tìm hiểu các kỹ năng của thân chủ để đảm bảo thân chủ sẽ cảm thấy thoải mái với các kỹ thuật trị liệu sẽ tiến hành. Nhà tâm lý cũng cần phải biết liệu thân chủ có cảm thấy thoải mái khi làm việc với mình không? Liệu họ có thích một nhà tâm lý thuộc giới khác hay không?
Thảo luận về kế hoạch và mục đích trị liệu trên cơ sở tôn trọng các ý kiến của thân chủ. Để nắm được các nhu cầu của thân chủ, nhà tâm lý cần tìm những cách thức phù hợp để khuyến khích thân chủ đưa ra các ý tưởng, câu hỏi hoặc nêu các vấn đề họ quan tâm. Nhà tâm lý cần hiểu rõ rằng có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả của quá trình can thiệp vì vậy tránh những đánh giá theo mong muốn chủ quan của nhà tâm lý.
Lựa chọn các phương pháp can thiệp cũng là một cân nhắc mang tính đạo đức. Lựa chọn tiếp cận nào trong can thiệp phải dựa trên năng lực của nhà tâm lý. Trong tình huống can thiệp cho gia đình, nhóm hoặc các cặp vợ chồng, điều quan trọng là nhà tâm lý phải xác định cho họ rõ ngay từ đầu cá nhân nào là thân chủ/bệnh nhân; và mối quan hệ của nhà tâm lý với từng cá nhân.
Trong tiến trình làm việc: Nhà tâm lý cần tuyệt đối tránh mọi hình thức khêu gợi tình dục với khách hàng và tránh mọi tình huống nhậy cảm liên quan đến vấn đề này. Cũng không được có một sự hấp dẫn tình dục nào với những người thân, người bảo trợ hoặc những người có ảnh hưởng mạnh đến thân chủ và không được chấp nhận can thiệp cho những thân chủ mà nhà tâm lý đang có mối quan hệ tình cảm. Thậm chí trong vòng 2 năm sau khi kết thúc can thiệp, nhà tâm lý cũng không được có một mối quan hệ tình cảm nào với thân chủ.
Dừng trị liệu: Khi thấy rõ rằng thân chủ không còn nhu cầu can thiệp, việc can thiệp không còn mang lại lợi ích nào cho thân chủ hoặc thân chủ sẽ đứng trước nhiều nguy cơ nếu tiếp tục trị liệu. Nhà tâm lý cũng có thể tạm dừng trị liệu khi họ cảm thấy bị thân chủ hoặc những người thân của thân chủ đe dọa hoặc gây nguy hiểm. Tuy vậy, trước khi tạm dừng trị liệu, nhà tâm lý vẫn phải có những động tác tư vấn chuẩn bị cho thân chủ về việc tạm dừng trị liệu và gợi ý cho thân chủ các dịch vụ khác phù hợp.
Vẫn còn một số nguyên tắc khác chưa được đề cập ở trong bài viết này, tuy nhiên nhà tâm lý lâm sàng cần nắm chắc và thực hành các nguyên tắc đạo đức trong nghề để đảm bảo tính đúng đắn và sự chuyên nghiệp của những người hành nghề tâm lý học.