Ở tuổi đang phát triển và trưởng thành, trẻ em có rất nhiều lo âu: khi mẹ rời nhà đi chợ hay đi làm, trẻ thường bám theo kêu khóc. Nếu lo âu nặng quá mức độ lo âu của tuổi phát triển khi trẻ em phải chia ly hay sắp phải chia ly với mẹ hay người chăm sóc chính đó là rối loạn lo âu chia ly.
Lo âu thường gặp ở trẻ em 1-3 tuổi, tỉ lệ ngang nhau ở 2 giới. Có thể khởi phát ở tuổi trước khi đi học, nhưng nhiều trường hợp bắt đầu ở 10-12 tuổi; thể nặng điển hình là không chịu đi học.
Nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu chia ly ở trẻ
Nhân tố tâm lý xã hội
Trẻ nhỏ chưa trưởng thành và còn lệ thuộc mẹ, có nhiều lo sợ xảy ra trong giai đoạn phát triển như sợ mất mẹ, sợ mất tình yêu của mẹ, sợ bị tổn thương cơ thể, sợ tội lỗi, sợ bị phạt, sợ cái Siêu Tôi và đặc biệt là sợ phải chia ly với mẹ.
Thường đứa trẻ không chấp nhận và nếu môi trường trở thành đe dọa, nó sẽ chuyển cảm xúc giận dữ về phía cha mẹ. Nỗi lo về điều gì nguy hại cho mình và cho cha mẹ là nỗi lo dai dẳng, trẻ em chỉ cảm thấy an toàn khi có mặt cha mẹ. Các lo sợ kể trên rất hay gặp ở trẻ em. Chỉ lo sợ mức độ nặng gây rối loạn sự thích ứng của trẻ em với gia đình, bạn bè, trường học, trẻ em mới được cho đi khám và điều trị.
Nhân tố tính cách
Các trẻ em thường chu đáo, tỉ mỉ, muốn làm vui lòng, có khuynh hướng tuân thủ. Gia đình có khuynh hướng chăm sóc nhau, trẻ em được chiều chuộng, cha mẹ quá quan tâm.
Nhân tố stress thường liên quan với rối loạn lo âu như một người thân chết, như có em, thay đổi môi trường sống, chuyển trường, chuyển lớp, chuyển chỗ ở đều là các tình huống gây stress ở trẻ em.
Nhân tố học tập
Trẻ em thường tập nhiễm tính cách của cha mẹ. Cha mẹ bị lo âu ám ảnh sợ, con cái sẽ thích ứng với các hoàn cảnh mới với tính cách ám ảnh sợ (đặc biệt với môi trường học đường). Cha mẹ rùng mình sợ hãi khi mưa bão sấm chớp sẽ “dạy” cho con tính sợ hãi sấm chớp. Cha mẹ sợ chuột, sợ sâu bọ, con cái sẽ tập nhiễm tính sợ chuột, sợ côn trùng. Một số bà mẹ khi dạy con hay dỗ con, thường dọa con có thể làm cho con sợ hãi (sợ ông kẹ, sợ mèo).
Nhân tố di truyền
Có lẽ có cơ sở di truyền, các nghiên cứu gia đình cho thấy trẻ em bị lo âu thường là con của người bị rối loạn lo âu chia ly thời trẻ. Cha mẹ bị các cơn hoảng sợ và ám ảnh sợ khoảng rộng thì con cái họ sẽ có nhiều nguy cơ bị lo âu chia ly.
Đặc điểm lâm sàng của rối loạn lo âu chia ly
Rối loạn lo âu chia ly có các nét lâm sàng sau đây:
Lo âu cao độ và kéo dài do chia ly với cha mẹ, gia đình, môi trường thân thuộc: sợ người thân ra đi không trở về.
Lo sợ không có cơ sở thực tế và kéo dài, chỉ muốn ở nhà với người có quan hệ gắn bó, níu bám cha mẹ, khó hòa nhập với môi trường mới (trường lớp mới,..)
Rối loạn giấc ngủ: Đòi mẹ hay người có quan hệ gắn bó nằm bên cạnh cho đến khi trẻ ngủ rồi mới chịu, sợ bóng tối, khó ngủ, ác mộng, mơ nhìn thấy cặp mắt đang nhìn mình chằm chằm, nhìn thấy các nhân vật như trong truyện thần thoại hay con quỷ đang vươn tay về phía giường ngủ. Trẻ em có vẻ buồn, hay kêu khóc.
Có nhiều triệu chứng cơ thể: buồn nôn, đau dạ dày, đau chỗ này chỗ khác, đau đầu, đau bụng, choáng váng, chóng mặt, các triệu chứng giống như cảm cúm. Ở trẻ em lớn hơn và thanh thiếu niên, có thể thấy các triệu chứng điển hình về tim mạch và hô hấp, đau ngực, hồi hộp, chóng mặt, chóang váng, nghẹt thở.
Hoàn cảnh liên quan đến chia ly có thể là trẻ em đi dự các hoạt động vui chơi giải trí, giao lưu xã hội có một mình, xa nhà, xa người thân như trường hợp đi du lịch, cắm trại, chuyển trường,…
Chẩn đoán rối loạn lo âu chia ly
Chẩn đoán xác định
Ít nhất trẻ em phải có 3 biểu hiện trên đây, tập trung vào đề tài chia ly với người có quan hệ gắn bó. Trong thời gian rối loạn lo âu ít nhất phải là 2 tuần. Tuổi khởi phát từ 4-5 tuổi đến 18 tuổi.
Loại trừ trường hợp lo âu là triệu chứng của một bệnh loạn thần khác như tâm thần phân liệt.
[maxbutton id=”1″ text=”tư vấn tâm lý lứa tuổi” ]
Chẩn đoán phân biệt
* Lo âu chia ly bình thường của giai đoạn phát triển có mức độ nhẹ và xảy ra ở trẻ em dưới 2 tuổi.
* Rối loạn lo âu quá mức: lo âu không tập trung vào hoàn cảnh chia ly.
* Tâm thần phân liệt có thể có lo âu chia ly nhưng được xem là do bệnh này gây ra, do các hoang tưởng, ảo giác có nội dung gây sợ hãi gây ra.
* Trầm cảm là rối loạn được chẩn đoán theo tiêu chuẩn của rối loạn trầm cảm. Có một số trường hợp trầm cảm cùng tồn tại với lo âu hay có các triệu chứng trùng lặp lên nhau. Nếu chỉ lo lắng quá mức mà không có triệu chứng thần kinh thực vật thì có thể là thể rối loạn hỗn hợp lo âu- trầm cảm.
* Rối loạn hoảng sợ (cơn lo âu kịch phát) thường ít xuất hiện trước 18 tuổi. Biểu hiện lo âu trầm trọng xuất hiện thành cơn vài phút hay dài hơn, tái diễn và không khu trú vào hoàn cảnh nguy hiểm đặc biệt nào. Cơn tái xuất đột ngột kèm theo nhiều triệu chứng khác như hồi hộp, đau ngực, chóng mặt, choáng váng, tri giác sai thực tại, giải thể nhân cách, sợ mất tự chủ, sợ bị điên… giữa các cơn bệnh thường không có lo âu.
* Ám ảnh sợ là loại sợ vô lý và chỉ liên quan đến một vật hay một hoàn cảnh đơn lẻ như sợ chuột, sợ rắn, sợ đi học,… Tuổi khởi phát rối loạn này muộn hơn và sợ đi học thường nặng hơn trong rối loạn lo âu chia ly.
Điều trị rối loạn lo âu chia ly
Liệu pháp tâm lý
Thăm dò ý nghĩa vô thức của các triệu chứng, tác động trên quá trình tách mẹ và hình thành tính cách cá nhân nhằm làm tăng tính tự lập của trẻ em.
[maxbutton id=”3″ text=”Dịch vụ tham vấn tâm lý bảo mật” ]
Liệu pháp gia đình
Giúp cha mẹ hiểu rằng trẻ em có nhu cầu được nâng đỡ và có tình yêu thích hợp, cần chuẩn bị tốt trước khi có một thay đổi quan trọng nào trong cuộc sống của đứa trẻ (bệnh tật, phải nằm viện, phải chuyển chỗ ở,…)
Liệu pháp hành vi
Cho trẻ em tiếp xúc tăng dần với các đối tượng hay hoàn cảnh gây lo sợ. Ví dụ: ám ảnh sợ đi học cần thực hiện một chương trình điều trị toàn diện liên quan đến trẻ em, cha mẹ, bạn học, nhà trường cùng tham gia,… khuyến khích trẻ tăng dần giờ học mỗi ngày cho đến khi có thể học cả ngày bình thường.
Liệu pháp tách mẹ (parentectomie)
Các trường hợp nặng cho nhập viện, tách trẻ em với môi trường thân thuộc, với người có quan hệ gắn bó để thực hiện các biện pháp kể trên.
Liệu pháp dược lý
Hiện tại cũng có một số loại thuốc có chỉ định rất tốt cho rối loạn hoảng sợ hay lo âu chia ly cho kết quả rất tốt như Imipramin (Tofranil) hay Diphenhydramine (Benadryl). Tuy nhiên việc sử dụng như thế nào với liều lượng bao nhiêu thì cần phải tòa của bác sĩ điều trị.
Rối loạn lo âu chia ly ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển nhân cách của trẻ vì vậy các bậc phụ huynh cần theo sát con cái để có thể xử lý các bất thường một cách nhanh chóng để tránh những hậu quả đáng tiếc về sau.