Sơ Lược Về Tâm Lý Học Lâm Sàng

Tâm lý học lâm sàng (TLHLS) là một chuyên ngành độc lập của tâm lý học. Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội, đặc biệt là nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần của con người ngày càng được nâng cao thì tâm lý học lâm sàng lại càng được chú ý.

Vậy tâm lý học lâm sàng là gì? tiến trình phát triển của ngành tâm lý lâm sàng cũng như tầm quan trọng của nó đối với chăm sóc sức khỏe tinh thần của con người ra sao? Hãy cùng Thanhbinhpsy.com tìm hiểu sơ lược về tâm lý học lâm sàng qua bài viết dưới đây nhé.

Tâm lý học lâm sàng (TLHLS) là gì?

Giải thích thuật ngữ

Thuật ngữ “lâm sàng” bắt nguồn từ “cliné” trong tiếng Hy Lạp (“clinical” trong tiếng Anh hay “clinique” trong tiếng Pháp) có nghĩa là “giường”. Thuật ngữ này được sử dụng từ lâu trong lĩnh vực Y khoa, dùng để chỉ sự thăm khám của bác sĩ tại giường bệnh. Sự thăm khám này sẽ giúp cho bác sĩ có được chẩn đoán và phác đồ điều trị cho bệnh nhân hiệu quả nhất.

nhà tâm lý học lâm sàng
Thuật ngữ tâm lý học lâm sáng

Thuật ngữ tâm lý học lâm sàng (Clinical Psychology) là sự kết hợp của “Psychology” – tâm lý học với “clinical” – “giường”. Khi dịch ra tiếng Việt, để cho thuật ngữ mang tính khoa học các nhà phiên dịch lựa chọn cách phiên âm Hán Việt nên gọi “lâm sàng” thay cho “giường”.

Lịch sử, nguồn gốc tâm lý học lâm sàng

Tâm lý học lâm sàng ra đời tại Pháp vào những năm 1907 của thế kỷ XX bởi Witmer chịu ảnh hưởng của Y học và Triết học. Trải qua một lịch sử xây dựng và phát triển lâu dài cho đến nay, chuyên ngành này được công nhận như một chuyên ngành khoa học độc lập của tâm lý học trên toàn thế giới.  Đặc biệt, thuật ngữ này còn được sử dụng để gọi tên cho một nghề – “nhà tâm lý học lâm sàng” (clinical psychologist) ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức v.v…

nhà tâm lý học lâm sàng
Lightner Witmer được coi là cha đẻ của TLHLS

Những người khởi xướng tâm lý học lâm sàng

Philippe Pinel (1745-1824): Pinel được xem như người khai sinh ra tâm lý học lâm sàng. Ông là nhà tâm lý học đã đưa các yếu tố lâm sàng và nhân văn vào Tâm thần học, ông chứng minh rằng để giúp bệnh nhân khỏi bệnh, thay vì xem họ như người loạn trí, các cán bộ y tế cần xem họ như những người cần được trợ giúp, từ đó can thiệp dựa trên sự thấu hiểu và quan tâm nhằm giúp đỡ và khiến bệnh nhân cảm thấy dễ chịu. Phương pháp lâm sàng đầu tiên mà Philippe PINEL phác họa là phương pháp dựa vào sự quan sát bệnh nhân.

Pierre Janet (1859-1947): Ông là bác sỹ tâm thần đầu tiên nhắc đến TLHLS (trong cuốn Névroses et idées fixes, Paris: Alcan, 1898). Theo ông, các bác sỹ phải dùng TLHLS để chữa các bệnh tâm thần. Ông chú ý phân tích và quan sát các trường hợp lâm sàng của từng cá nhân cụ thể để tìm hiểu sâu hơn về bệnh lý học.

Lightner Witmer(1867-1956): Năm 1896, nhà tâm lý học người Mỹ Lightner Witmer là người đầu tiên giới thiệu các thuật ngữ TLHLSphương pháp lâm sàng. Ông thành lập Phòng khám tâm lý (Psychological Clinic)  đầu tiên trên thế giới tại Pennsylvania. Phòng khám này chuyên chăm sóc và chữa trị cho trẻ em có vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Sigmund Freud (1856-1939): Freud chỉ dùng từ tâm lý học lâm sàng có một lần duy nhất trong bức thư gửi đến Fliess (1858-1928) vào năm 1899. Ông không nhắc đến khái niệm này vì theo ông, TLHLS phụ thuộc trực tiếp vào sự quan sát bệnh nhân, trong khi dù rằng có dựa trên lâm sàng (ở khía cạnh tiếp cận trực tiếp với bệnh nhân), Phân tâm học mời gọi sự lắng nghe của vô thức để suy đoán các triệu chứng. Freud là người có ảnh hưởng nhiều đến các học thuyết lâm sàng và các kỹ thuật trị liệu. Ngày nay, nhiều nhà tâm lý lâm sàng vẫn tham khảo Phân tâm học.

Xem thêm >>> Tham Vấn Tâm Lý Tại Nhà

Tiến trình phát triển của tâm lý học lâm sàng

Tâm lý học lâm sàng ảnh hưởng tính đặc thù của TLHLS Pháp

Mặc dù ra đời từ đầu thế kỷ XX song nhà tâm lý lâm sàng vẫn chỉ là một chuyên ngành “ngoài lề” tại Pháp. Cho đến sau Chiến Tranh thế giới lần thứ 2 tức là khoảng gần 50 năm sau đó TLHLS mới thực sự được bành trướng.

Năm 1949 Daniel Lagache (1903 -1972) triết gia, bác sĩ tâm thần và nhà phân tâm người Pháp, là người đầu tiên đưa ra một định nghĩa riêng biệt cho tâm lý học lâm sàng, nhằm đưa khái niệm này thoát ra khỏi các quy luật về tâm thần học và tâm bệnh học.

nhà tâm lý học
Bác sĩ tâm thần, nhà phân tâm học người Pháp Daniel Lagache chính là người đưa ra khái niệm về tâm lý học lâm sàng

Định nghĩa của Lagache đã bóc tách chuyên ngành TLHLS một cách hoàn hảo mà vẫn giữ nguyên giá trị của nó cho tới tận ngày nay. Ông coi nhiệm vụ của TLHLS là “nghiên cứu sâu các trường hợp cá thể”.

 Nói rõ hơn, mục tiêu của TLHLS là nghiên cứu một cách bài bản và tỉ mỉ về các quá trình tâm trí của từng chủ thể từ các hành vi cá nhân và các vấn đề tâm lý của con người. Bao gồm sự kế thừa, sự chín muồi, các điều kiện tâm lý và bệnh lý, tiểu sử cuộc đời… Qua đó,  tiếp cận (nghiên cứu)một cách toàn diện chủ thể (các khía cạnh như trí tuệ, tình cảm, sinh học, xã hội, hành vi của chức năng tâm lý của chủ thể trong tương quan nền văn hóa, tầng lớn xã hội hay cuộc đời) trong một tình huống cụ thể bằng các phương pháp chuyên biệt.

Xem thêm:  Cân Não Với Top 7 Câu Hỏi Trắc Nghiệm Tâm Lý Tội Phạm

Lagache phân biệt hai loại phương pháp lâm sàng, loại thứ nhất dựa trên sự quan sát cá nhân và cách ứng xử khi tiếp xúc. Loại thứ hai dùng đến trắc nghiệm và thang đo. Từ đó, các nhà tâm lý học lâm sàng có thể tìm hiểu, dự báo và đưa ra phác đồ trị liệu cũng như hỗ trợ sự thích nghi và phát triển của chủ thể.

Tâm lý học lâm sàng ngày nay

TLHLS ngày nay đặt nền móng của mình trên Tâm bệnh học cũng như trên các quan niệm từ Phân tâm học. Từ “pathologie”(bệnh học) xuất phát từ tiếng Hy Lạp, “pathos” có nghĩa là đau đớn, bệnh hoạn và “logos” có nghĩa là khoa học.

tam-ly-hoc-lam-sang
TLHLS ngày nay dựa trên nền tảng tâm bệnh học

Như vậy, tâm bệnh học là khoa học nghiên cứu bệnh tinh thần. Ví dụ, có thể kể đến các rối loạn tâm lý học như rối loạn khí sắc (trầm cảm), rối loạn lo âu (stress và ám sợ) hoặc rối loạn giấc ngủ (mất ngủ).

Tâm bệnh học dựa vào sự hiểu biết cá thể bình thường để hiểu sự vận hành của các cá thể bị bệnh. Nó hướng đến việc đánh giá, chẩn đoán và đưa ra phác đồ trị liệu. Phương pháp của tâm bệnh học gắn với điều tra cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng đó. Tâm bệnh học luôn coi khách thể nghiên cứu của mình như những đối tượng không ngừng phát triển và biến đổi.

So với tâm bệnh học. TLHLS nới rộng biên độ ra khỏi sự nghiên cứu duy nhất các hành vi bệnh học, tâm lý học lâm sàng cũng nghiên cứu các hành vi bình thường như khó khăn trong nghề nghiệp, sự đau buồn vì mất người thân…

Các phương pháp lâm sàng

Phương pháp lâm sàng bao gồm:

  • Toàn bộ các kỹ thuật được dùng trong phạm vi thực hành của nhà lâm sàng.
  • Tiến trình thực hành lâm sàng tập trung vào tính cá biệt.
  • Những công cụ lâm sàng bao gồm nghiên cứu trường hợp cụ thể, quan sát, trò chuyện, trắc nghiệm và các thang đo.

Nghiên cứu trường hợp cụ thể: là để cho thân chủ thể hiện bản thân mình, đồng thời khuyến khích hoặc động viên thân chủ dễ dàng bộc lộ bản thân. Từ đó nhà tâm lý lâm sàng mới có thể hiểu về con người, hoàn cảnh cũng như các khó khăn mà chủ thể đang gặp phải. Từ đó, đưa ra những định hướng cho thân chủ vượt qua vấn đề của họ.

nhà tâm lý học
Phương pháp trò chuyện trong tâm lý học lâm sàng

Trò chuyện: Công việc của nhà tâm lý là để cho chủ thể nói, rồi lắng nghe, thăm dò và đưa ra các phản hồi với chủ thể. Từ đó, nhà tâm lý lâm sàng có thể biểu tượng hóa vấn đề của chủ thể, các cơ chế phòng vệ, cách thức chủ thể thường dùng để giải quyết xung đột… nhằm đưa ra gợi ý và định hướng tốt nhất cho chủ thể.

Các trắc nghiệm và thang đo: là các công cụ được chuẩn hóa để đánh giá các hiện tượng tâm lý cụ thể của chủ thể. Có nhiều trắc nghiệm khác nhau, nhìn chung được chia thành 2 loại chính là Các trắc nghiệm nhận thức (IQ) và Các trắc nghiệm nhân cách (EQ).

hinh-4-tam-ly-hoc-lam-sang
Các thang đo, Test cũng là công cụ được sử dụng nhiều trong TLHLS

Quan sát: là phương pháp giúp nhà tâm lý ghi nhận các yếu tố quan trọng trong giao tiếp ứng xử của chủ thể đồng thời cho phép đối chiếu các thông tin này và giải thích chúng trên cơ sở tiểu sử và hoàn cảnh sống hiện tại, trong mỗi khoảng khắc cụ thể của chủ thể. (Quan sát là một công cụ hỗ trợ quan trọng của trò chuyện lâm sàng).

Tầm quan trọng của tâm lý học lâm sàng

Những yếu tố phát huy vai trò của tâm lý học lâm sàng

Tâm lý học lâm sàng có phát huy được vai trò của mình hay không là tùy vào các yếu tố sau đây:

Đầu tiên, để hiểu biết một cách khách quan về các hoạt động tâm lý của thân chủ thì nhà tâm lý cần sử dụng mô hình lý thuyết đa yếu tố. Theo đó, nhà tâm lý sẽ có thể tham khảo nhiều mô hình từ Phân tâm học, Nhận thức hành vi hay Hệ thống gia đình và cả các yếu tốt sinh học thần kinh.. để có thể giải thích toàn bộ ứng xử hay hành vi của thân chủ.

hinh-5-tam-ly-hoc-lam-sang
TLHLS mang đến cho nhà lâm sàng cách tiếp cận chủ thể (thân chủ) theo mô hình lý thuyết đa yếu tố

Thứ hai, nhà tâm lý khi thực hành tâm lý học lâm sàng phải mang tính khoa học và được phổ biến rộng rãi. Từ đánh giá; can thiệp tâm lý hay áp dụng các liệu pháp tâm lý phải được phổ biến tại nhiều nơi và trong nhiều môi trường nghề nghiệp khác nhau như bệnh viện, trường học, trại cai nghiện…

Thứ ba, có thể nói nghiên cứu chính là nền tảng của tâm lý học lâm sàng. Bởi trên thực tế các lý thuyết, mô hình, phương pháp được sử dụng trong TLHLS đều xuất phát từ nghiên cứu. (Các phương pháp nghiên cứu mà các nhà tâm lý học sử dụng trong TLHLS phải là những phương pháp chuyên biệt của lâm sàng bao gồm: kỹ thuật quan sát, trò chuyện, trắc nghiệm phóng chiếu…). Đổi lại quá trình thực hành sẽ giúp cho việc nghiên cứu tiến triển và đưa ra được các mô hình mới hiệu quả, chính xác và có tính thích nghi tốt hơn.

hinh-6-tam-ly-hoc-lam-sang
Bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý lâm sàng có mối quan hệ tương quan mật thiết với nhau

Thứ tư, về phía nhà tâm lý lâm sàng, xét về chuyên môn họ phải có trình độ và được đào tạo bài bản về mặt lý thuyết và thực hành tối thiểu từ bậc đại học trở lên. Đây là yêu cầu cơ bản cho nhà tâm lý lâm sàng tại Pháp và nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, một nhà tâm lý lâm sàng chỉ được công nhận khi họ sở hữu bằng thạc sỹ thực hành chuyên biệt về tâm lý học lâm sàng.

Xem thêm:  9 dấu hiệu mang thai chính xác có thể bạn chưa biết

Họ làm việc thông qua các phương pháp lâm sàng, thực hành thường xuyên và không ngừng tự học hỏi, tự đào tạo bản thân cũng như không ngừng trao đổi, tham khảo các đồng nghiệp.

Điểm khác biệt của bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý lâm sàng

Trên thực tế, công việc của nhà tâm lý lâm sàng và bác sĩ tâm thần đều có chung một mục đích là giúp đỡ con người để họ có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Cả hai công việc này đều mang lại giá trị nhân văn to lớn đối với nhân loại.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận kỹ hơn thì công việc của nhà tâm lý lâm sàng và bác sĩ tâm thần là hoàn toàn khác nhau bởi họ chăm sóc 2 khía cạnh sức khỏe khác nhau của con người đó chính là sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần.

Một bác sĩ chuyên ngành về tâm thần học có thể kê thuốc nhằm tắc động đến sinh học của não để cải thiện hành vi tâm lý của bệnh nhân. Cụ thể: một bác sĩ tâm thần sẽ tiến hành thăm khám y khoa cho bệnh nhân thông qua phương pháp tiếp cận trực tiếp vào cơ thể của người bệnh.

Với các nghiệp vụ chuyên môn như kiểm tra, sờ, nắn, gõ, nghe bằng ống nghe, dụng cụ tai mũi họng hoặc các xét nghiệm lâm sàng. Từ đó, đưa ra các chẩn đoán dựa trên các triệu chứng và bằng chứng khoa học cũng như đưa ra phác đồ điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật… cho bệnh nhân.

hinh-6-tam-ly-hoc-lam-sang
Hình ảnh của một buổi tham vấn tâm lý lâm sàng

Trong khi đó, một nhà tâm lý lâm sàng sẽ tiếp xúc với thân chủ thông qua quan sát và lắng nghe những lời nói, hành vi, cử chỉ của thân chủ bằng nhiều công cụ hỗ trợ như: đồ chơi, hình vẽ, sách, trắc nghiệm tâm lý…để có cái nhìn toàn diện về con người họ. Từ đó, nhà tâm lý lâm sàng giúp bệnh nhân nhìn nhận những sai phạm, thiếu hụt trong hành vi của mình thông qua nhận thức từ đó có những điều chỉnh phù hợp.

Mặc dù có những sự khác biệt nhất định song hoạt động của nhà tâm lý lâm sàng và bác sĩ tâm thần là một dạng hoạt động có liên quan và cần sự bổ sung, hỗ trợ cho nhau.

Cụ thể: một bệnh nhân ung thư sẽ gặp bác sĩ y khoa để tiến hành thăm khám và phẫu thuật dựa trên phác đồ điều trị. Tuy nhiên, trước khi họ được đưa vào phòng phẫu thuật thì họ sẽ được gặp những nhà tâm lý lâm sàng. Ở đó, các nhà tâm lý sẽ giúp đỡ họ trong việc giảm thiểu lo lắng và sợ hãi đồng thời cảm thấy có sức mạnh và yên tâm hơn khi tiến hành ca phẫu thuật đó.

Xem thêm >>> Tham Vấn Tâm Lý Trực Tuyến

Sự Phát Triển Nghề tâm lý học lâm sàng Ở Việt Nam

Sự hình thành và phát triển TLHLS ở Việt Nam

Ở nước ta, tâm lý học lâm sàng vẫn còn là một phân ngành còn non trẻ. Năm 1989, lần đầu tiên tại Việt Nam, cố bác sĩ nhi khoa Nguyễn Khắc Viện đã đưa tiếp cận tâm lý lâm sàng vào thăm khám tâm lý trẻ em và trị liệu tâm lý đối với trẻ em có các rối nhiễu tâm lý tại trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em N-T do ông sáng lập.

hinh-7-tam-ly-hoc-lam-sang
Sự ra đời của TLHLS Việt Nam gắn liền với tên tuổi của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện

Từ đó, Trung tâm đã hợp tác với một số bệnh viện ở Hà Nội và TPHCM để lập nên nhiều cơ sở thăm khám tâm lý trẻ em theo mô hình CMPP của Pháp.

Những năm 1999 -2000, Khoa Tâm lý học Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội đã bắt đầu giảng dạy những môn học thuộc bộ môn tâm lý lâm sàng. Đến năm 2002, Bộ môn Tâm lý lâm sàng được thành lập với nhiều môn học liên quan đến lĩnh vực này.

Tháng 10/2005 Trung tâm Tâm lý lâm sàng Việt Nam được thành lập dưới sự quản lý và điều hành của Viện Tâm lý học thuộc Viện KHXH Việt Nam. Trung tâm Tâm lý lâm sàng Việt Nam tiếp nhận nhiều đối tượng đa dạng về vấn đề tâm lý, chủ yếu là trẻ em và thanh thiếu niên, đó là các trường hợp chậm phát triển ngôn ngữ, hiếu động, trầm cảm, nghiện game online, …

Hiện nay, tâm lý học lâm sàng được phát triển ở một số trường Đại học như Đại học sư phạm Hà Nội (Khoa tâm lý giáo dục); Đại học KHXH&NV TPHCM; Đại học Văn Hiến và mới nhất là Đại học Hoa Sen cũng tổ chức giảng dạy về ngành này.

Ứng dụng của TLHLS trong tham vấn trị liệu tại Việt Nam

TLHLS được cho là một kênh, một phương tiện, một công cụ đắc lực cho nhà tâm lý lâm sàng trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu sự chuyển biến tâm lý mà ở đó con người đóng vai trò là chủ thể.

Nếu như các liệu pháp tâm lý như Tâm lý học hành vi, Tâm lý học nhân văn.. chỉ giúp nhà tâm lý nhìn nhận và xem xét một khía cạnh tâm lý nào đó của thân chủ thì với TLHLS các nhà tâm lý có thể cùng lúc sử dụng rất nhiều phương pháp tiếp cận trên nhiều liệu pháp khác nhau để có cái nhìn toàn diện nhất, hoàn chỉnh nhất về vấn đề mà thân chủ đang gặp phải.

Trên cơ sở hiểu biết về những khó khăn thực sự của thân chủ thì nhà tâm lý mới có thể đưa ra tiên lượng trị liệu và tham vấn phù hợp và hiệu quả nhất cho thân chủ của mình.

Cơ hội và thách thức của ngành tâm lý học lâm sàng tại Việt Nam

Dana Castro đễ nêu lên những cơ hội và thách thức của ngành tâm lý học lâm sàng Việt Nam trong cuốn “Tâm lý học lâm sàng” của mình như sau:

Cơ hội

Nghề tâm lý học lâm sàng ở Việt Nam có nhiều tiền đề thuận lợi để phát triển. Bên cạnh sự cho phép và hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, các trường đại học, bệnh viện cũng như các tổ chức phi chính phủ…

Những khởi sắc về mặt kinh tế ở Việt Nam đã góp phần nâng cao và cải thiện đời sống vật chất cũng như chất lượng cuộc sống tinh thần của người dân. Chủ nghĩa cá nhân được đánh giá cao hơn, mỗi người chú ý, quan tâm đến bản thân mình nhiều hơn.

Nhờ đó, tâm lý học lâm sàng cũng như hình ảnh nhà tâm lý lâm sàng giờ đây đã không còn xa lạ với người dân, đặc biệt là khi con người ta ý thức rõ ràng hơn về sức khỏe tinh thần.

Xem thêm:  Rối Loạn Lưỡng Cực - Khái niệm, nguyên nhân và cách điều trị
hinh-9-tam-ly-hoc-lam-sang
Ngành TLHLS ở Việt Nam hiện nay khá phát triển và mở ra nhiều cơ hội cho các nhà tâm lý tương lai

Trong vài năm trở lại đây, tâm lý học nói chung và tâm lý học lâm sàng nói riêng đã trở thành một lĩnh vực vô cùng phổ biến được biết đến rất nhiều thông qua các phương tiện truyền thông (báo chí, đài phát thanh, truyền hình..).

Sự phát triển của tư vấn, tham vấn tâm lý qua điện thoại, các trang mạng về sức khỏe tinh thần, tư vấn tâm lý mở ra hướng tiếp cận cho nhiều đối tượng người dân không có điều kiện để tìm đến các trung tâm tâm lý.

Về đào tạo và hợp tác quốc tế của ngành tâm lý học lâm sàng được đánh giá là vô cùng tiềm năng và phát triển. Chúng ta có thể kể đến các chương trình đào tạo song phương, hay hợp tác quốc tế (Trường tâm lý thực hành Paris), trao đổi sinh viên giữa các trường đại học ở Việt Nam và các trường đại học ở Pháp, Úc diễn ra khá thường xuyên.

Các hợp tác này tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhiền nhận và chuyên nghiệp hóa TLHLS, xem đó là ngành học riêng biệt, tách rời nó khỏi tâm lý sư phạm và tâm lý giáo dục, vốn là hai chuyên ngành đã có nền móng ở Việt Nam.

hinh-8-tam-ly-hoc-lam-sang
Các chương trình trao đổi học tập, giao lưu tâm lý học diễn ra khá thường xuyên ở các trường đại học.

Ngoài ra, bản thân các đơn vị đào tạo ở Việt Nam cũng cập nhật, thay đổi phương pháp, chương trình của mình để hướng tới cải tiến việc đào tạo nhà tâm lý thực hành. Số lượng sinh viên được đào tạo đã tăng lên. Các hoạt động quảng bá và giới thiệu về nghề tâm lý lâm sàng cũng được tích cực thực hiện nhằm làm cho quần chúng và cả các nhà chuyên môn khác thấy được lợi ích của việc nghiên cứu và thực hành tâm lý.

Ở lĩnh vực thực hành nghề, các nhà tâm lý lâm sàng chịu khó giao lưu, trao đổi với nhau và với các đồng nghiệp nước ngoài, cải tiến phương thức và cách tổ chức công việc (sắp xếp không gian điều kiện làm việc tốt hơn, tôn trọng và nghiêm khắc với các khuôn khổ đề ra..

Thách thức

Về mặt văn hóa, khó khăn đầu tiên để ngành tâm lý học lâm sàng phát triển dễ dàng ở Việt Nam nằm ở chỗ vẫn còn thiếu sự thích nghi những khái niệm tâm lý học phương Tây với nền văn hóa Việt, một nền văn hóa, chịu ảnh hưởng của ba luồng tư tưởng lớn ở châu Á (khổng giáo, phật giáo, lão giáo) cùng phong tục thờ kính tổ tiên và lòng hiếu thảo.

Mặt khác, cho dù đã có nhiều thay đổi trong quan niện về cá nhân, cá thể, cái “tôi” cá nhân.Tuy nhiên, trong văn hóa và truyền thống thì tính cộng đồng của người Việt vẫn luôn trội lên trên tính cá thể.

Do đó nhà tâm lý khó làm việc trên khái niệm chủ thể/cá thể và gặp không ít khó khăn trong việc thích nghi những lý thuyết, mô hình, phương pháp, công cụ.. ngay cả khi không có khó khăn về việc cái “tôi” cộng đồng được đề cao.

Việc chuyển các khái niệm tâm lý học từ văn hóa này sang văn hóa khác, từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác đã là không đơn giản, những người nghiên cứu và thực hành tâm lý lâm sàng ở Việt nam thường phải đối diện với việc thiếu từ vựng hay hạn chế trong việc dịch khái niệm, thuật ngữ.

Ở khía cạnh kinh tế – xã hội, có thể thấy tình hình xã hội Việt nam không ngừng trở nên phức tạp hơn với những thay đổi văn hóa – xã hội quan trọng; sự đô thị ồ ạt; sự hạt nhân hóa mô hình gia đình; thay đổi phương thức vận hành mối quan hệ vợ chồng và vai trò của phụ nữ, hôn nhân trở nên không bền vững nơi những người trẻ; các hình thức giáo dục truyền thống bị đưa ra phân tích và từ bỏ.

hinh-10-tam-ly-hoc-lam-sang
Bên cạnh những cơ hội thì TLHLS Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức đang chờ đón bạn ở phía trước.

Đối với các ngành học, vẫn còn thiếu các tài liệu được dịch sang tiếng Việt, và có quá ít tài liệu được viết bằng tiếng việt. Việc này làm hạn chế đi sự chia sẻ thông tin, kinh nghiệm lâm sàng, sự trao đổi để thích nghi và thống nhất về các khái niệm mới.

Các trắc nghiệm tâm lý được sử dụng trong thực hành một cách tùy tiện (chọn trắc nghiệm không thích hợp hoặc giải thích sai kết quả) và không được hợp thức hóa; việc chuẩn hóa hay cao hơn nữa là xây dựng một trắc nghiệm tâm lý cho văn hóa Việt là quá khó vì nó đòi hỏi phương pháp, kỹ thuật chặt chẽ cũng như đầu tư lớn về thời gian, tiền bạc, con người. hơn nữa, Việt Nam chưa xây dựng được quy chế hành nghề nhà tâm lý của riêng mình, những người thực hành không có một văn bản chính thức để tham khảo.

 Trong giảng dạy, suy nghĩ cá nhân và tư duy phân tích ít khi được đề cao, giảng dạy thiếu minh họa, ít thực hành diễn giải, quan sát lâm sàng. Một điểm nữa đáng suy nghĩ, đó là người ta chưa thấy nhiều liên minh và hợp tác giữa các nhà chuyên môn về tâm lý học lâm sàng ở Việt Nam, các nhà tâm lý chưa có thói quen làm việc theo mạng lưới, ngại chia sẻ ý kiến và kinh nghiệm, thiếu thốn giám sát chuyên môn cũng như những nhà chuyên môn lân cận (nhà tâm vận động, chuyên gia chỉnh âm…)

Về phía người dân, tuy nhiều người đã thay đổi quan niệm về tâm lý học, tín ngưỡng (thầy cúng, thầy bói..) vẫn có ảnh hưởng vô cùng to lớn. Mặt khác, người dân vẫn có kiểu nhận thức “thuốc hóa” tâm lý học lâm sàng cho rằng những triệu chứng liên quan đến các vấn đề tâm lý có thể được điều trị, chăm sóc bằng thuốc như những triệu chứng liên quan đến bệnh cơ thể, trong khi bản chất của trị liệu tâm lý cần thời gian, kết quả thường không nhìn thấy ngay tức thì.

Trên đây là một số sơ lược của Thanhbinhpsy về TLHLS nói chung và tâm lý học lâm sàng ở Việt Nam nói riêng. Mong rằng với những thông tin còn hạn chế này sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan hơn và hiểu hơn về tâm lý học lâm sàng là gì cũng như ứng dụng và các lĩnh vực của nó.

P/s: Do lượng kiến thức quá rộng lớn cho nên những sơ lược của chúng tôi vẫn còn mang tính chủ quan và còn khá hạn chế về mặt thông tin nội dung. Các nội dung chi tiết hơn về tâm lý học lâm sàng sẽ được chúng tôi trình bày cụ thể hơn trong các liệu pháp tâm lý lâm sàng ở các bài sau.