Gần đây có một số bạn sinh viên và độc giả gửi câu hỏi về cho Thanhbinhpsy. Một trong số những câu hỏi được mọi người đặc biệt quan tâm liên quan đến tính chủ thể trong tâm lý người. Vậy tính chủ thể trong tâm lý người là gì? Chúng có tác động như thế nào đến tâm lý, hành vi của một người. Cùng Thanhbinhpsy khám phá trong bài viết dưới đây nhé.
Tính chủ thể trong tâm lý người là gì?
Ông bà ta thường nói: “Sống mỗi người một nết/ Chết mỗi người một tính”. Điều này đã phần nào nói lên được sự phức tạp, đa dạng trong các hoạt động tâm lý của con người, chẳng ai giống ai hoàn toàn và phải chăng chính điều đó đã tạo nên sự hấp dẫn của mỗi người và đó cũng là những bí ẩn mà nếu khám phá được một chút dù rất nhỏ cũng khiến ta ngạc nhiên đến ngỡ ngàng!
Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định:“Tâm lý người là sự phản ánh hiện thực khách quan vào não người thông qua chủ thể, tâm lý người mang bản chất xã hội – lịch sử”.Ở đây chúng ta không bàn đến những vấn đề khác mà chỉ bàn đến tính chủ thể trong các hiện tượng tâm lý người.”
Tính chủ thể trong tâm lý người ở đây có thể được hiểu đó là một cá nhân hay một nhóm người, ở đó cá nhân (hay nhóm người) thể hiện những nét đặc trưng, bản sắc riêng của mình; cá nhân (hay nhóm người) có quyền hành động dựa vào sở thích, hứng thú, suy nghĩ, tình cảm, vốn sống, vốn trải nghiệm …của họ.
Tại sao có sự khác biệt đó? Điều này được giải thích là do mỗi con người ngay từ khi mới sinh ra đã mang trong mình những nét đặc trưng về bẩm sinh di truyền, về giải phẫu sinh lý thần kinh, não bộ khác nhau. Ngoài ra, mỗi người trong chúng ta đều chịu sự tác động của môi trường xã hội, của giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình khác nhau và trên hết chính là mỗi cá nhân tham gia vào quá trình giao tiếp, hoạt động với các mức độ tích cực rất khác nhau…
Điều này đã chứng minh được tại sao hai anh em sinh đôi cùng trứng (có hình thức bên ngoài giống nhau) nhưng lại có những sở thích, nhu cầu, hứng thú, các phẩm chất nhân cách rất khác nhau, thậm chí có khi mâu thuẫn nhau. Chính điều này đã bác bỏ được quan điểm tuyệt đối hoá vai trò của yếu tố bẩm sinh di truyền của tâm lý học tư sản phương Tây cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Để hiểu rõ hơn về tâm lý người mang tính chủ thể, bạn hãy điểm qua một vài ví dụ sau đây:
Ví dụ 1
Bạn thích bóng đá còn tôi thì không; xem một vở hài kịch tôi cười còn bạn lại thấy nó nhạt nhẽo; khi bị người khác tấn công bằng lời nói tôi tức giận và phản ứng lại, bạn lại xem như không có chuyện gì… Bạn sai hay tôi sai hay nói cách khác là trong chúng ta ai mới là người đúng. Tuy nhiên, điều mà ta thu được là chúng ta không ai sai.
Đơn giản vì đó là do tôi khác bạn, tôi và bạn là hai chủ thể khác nhau khi đúng trước những hiện tượng tâm lý như nhau, do đó tôi và anh phải tôn trọng những nét riêng đó của nhau.
Tuy nhiên cũng cần phải khẳng định rằng, chúng ta tôn trọng những điều riêng tư trong tâm lý mỗi con người cụ thể nhưng điều đó không có nghĩa là mỗi người có quyền làm tất cả những gì mình thích, mình cho là đúng, là phù hợp với mình… mà bất cứ cá nhân nào sống trong cộng đồng, trong xã hội phải tôn trọng những quy định chuẩn mực chung của xã hội, không thể sống tách mình với xã hội, với cộng đồng.
Hay nói cách khác, xã hội tôn trọng những cái riêng trong tâm lý mỗi con người nhưng con người vẫn phải sống tuân theo những chuẩn mực của xã hội, có như thế cả xã hội nói chung và những con người cụ thể nói riêng mới có thể tồn tại và phát triển được.
Ví dụ 2
Một ví dụ minh họa vô cùng chân thực trong trường hợp này đó chính là anh chàng Jean-Baptiste Grenouille trong bộ phim Xác ướp nước hoa. Chàng trai Jean-Baptiste sinh ra tại một chợ cá của Paris- nơi được cho là dơ bẩn nhất của toàn Paris hoa lệ.
Jean có khả năng thiên bẩm về mùi hương, cậu bé Jean lớn lên với đam mê khám phá tất cả mọi mùi hương. Tuy nhiên, thay vì chỉ dùng hoa hay các loại thảo dược để tạo nên hương thơm thì với chính sự tài năng của mình Jean-Baptiste chọn chế tạo ra một loại hương thơm mang linh hồn của những cô gái đồng trinh.
Jean làm việc một cách vô cùng nghiêm túc và thành quả thu về quả là không nhỏ khi thứ mùi hương mà hắn tạo ra khiến cho tất cả mọi người mê đắm và quên đi trần tục. Tuy nhiên, cùng với đam mê, sự thành công khi chế tạo ra mùi hương để đời thì Jean đã giết hại sinh mạng của hàng chục người phụ nữ.
Trong trường hợp này mặc dù điều mà Jean nghĩ nó chỉ là đam mê, mọi thứ chỉ vì công việc bởi Jean không quan tâm đến cảm nhận của các cô gái khi gã giết họ hay hắn cũng ko xâm hại họ. Nhưng theo quy chuẩn của xã hội thì Jean không khác gì một tên sát nhân độc ác, giết người không gớm tay.
Ví dụ 3
Một người ăn xin đến xin tiền người đàn ông A, nhưng người này đang bực bội một vài chuyện và không vui vẻ nên chắc chắn rằn người A sẽ không cho và đuổi ăn xin đi.
Nhưng, cũng là người ăn xin đó đến xin người đàn ông B, tâm trạng người này đang hết sức thoải mái cùng với tấm lòng tương thân tương ái, người này sẽ nhì vào ánh mắt của người ăn xin đó và giúp đỡ họ.
Nguyên nhân sự khác nhau giữa người đàn ông A và B đó chính là do mỗi người có nhận thức riêng về đặc điểm cơ thể, giác quan, não bộ và hệ thần kinh. Mỗi người có những hoàn cảnh sống hoàn toàn khác nhau, điều kiện giáo dục cũng không hề giống nhau. Ngoài ra, về mặt nhìn nhận về thái độ tích cực, giao lưu của mỗi người cũng khác nhau nên việc hành xử với thái độ chênh lệch là điều khá bình thường.
Ví dụ 4
A và B cùng mô tả về một người cả 2 vừa mới gặp. Nhưng lời mô tả của A và B về cùng 1 người là khác nhau
Người A mô tả rằng, người vừa gặp có vóc dáng trung bình, gầy, tóc hơi ngã màu vàng và trông người này khá thân thiện.
Theo mô tả của B, người vừa gặp có vóc dáng hơi gầy tóc đen và khuôn mặt của người đó không hề thân thiện như nhận định của A.
Như vậy, tính chủ thể của người A và người B là hoàn toàn khác nhau. Mỗi người đều mang đánh giá cá nhân của một người để mô tả người vừa gặp. Và do sự khác nhau về chủ thể cá nhân nên nhận định của 2 người có 2 góc độ khác nhau.
Tính chủ thể mang tâm lý người được quyết định bởi điều gì?
Tâm lý người mang tính chủ thể được quyết định bởi các yếu tố sau đây:
Tâm lý con người bản chất là sự phản ánh hiện thực khách quan vào não bộ thông qua chủ thể.
Yếu tố phản ánh là thuộc tính chung của mọi hiện tượng, sự vật ở dạng vận động. Nói một cách khác, phản ánh chính là quá trình tác động qua lại giữa hệ thống này với hệ thống khác. Kết quả tạo lại dấu vết hình ảnh tác động cả hệ thống tác động và hệ thống chịu sự tác động. Trong đó có cả phản ánh tâm lý, đây là loại phản ảnh đặc biệt nhất.
Phản ánh tâm lý tạo ra các hình ảnh sao chép tâm lý về thế giới bên ngoài. Hình ảnh này là kết quả của quá trình phản thế giới khách quan vào não bộ.
Chúng ta có thể có những dẫn chứng cụ thể về tính chủ thể trong tâm lý con người thông qua hoạt động nhận thức, tình cảm và các thuộc tính tâm lý của nhân cách, cụ thể như sau:
Hoạt động nhận thức
Có thể nói hoạt động nhận thức là một trong những hoạt động cơ bản giúp con người có thể tồn tại được trong thế giới luôn luôn biến đổi này.
Từ hoạt động nhận thức cảm tính đến hoạt động nhận thức lý tính là bước phát triển về chất trong tâm lý con người. Ở đây chúng ta không bàn đến đặc điểm của từng loại hoạt động nhận thức mà chúng ta chỉ nhấn mạnh đến tính chủ thể của mỗi cá nhận khi tham gia vào các hoạt động này.
Chúng ta đều biết, cơ thể của con người khi chịu tác động của thế giới khách quan đều cho ta những cảm giác nhất định như: mắt nhìn, tai nghe, mũi ngửi… nhưng mắt nhìn có tinh hay không, tai ta nghe được những âm thanh nào còn phụ thuộc rất nhiều vào bản thân người nhận cảm giác đó; đặc biệt nó còn tuỳ thuộc vào sự rèn luyện của mỗi người để tự hình thành cho mình độ nhạy cảm cần thiết phù hợp với công việc và môi trường sống của mình.
Ví dụ: những nhà chế tác nước hoa rất nhạy cảm với mùi, những chuyên gia thử đồ ăn lại có cái lưỡi nhạy cảm; những người khiếm thị lại có thính giác cực tốt…
Trong nhận thức lý tính cũng vậy, sự khác biệt giữa các cá nhân trong tư duy và tưởng tượng là không thể không nhắc đến. Có thể dẫn chứng điều này qua ví dụ sau:
Người ta đo khả năng tưởng tượng của trẻ mẫu giáo thông qua truyện kể bằng cách kể đoạn đầu một câu chuyện bịa đặt nào đó và yêu cầu các em kể tiếp những phần còn lại, kết quả cho thấy các em bé có khả năng tưởng tượng rất khác nhau và chúng cho “ra đời” những câu chuyện với các nội dung mang tính đặc thù riêng của chính mình, không em nào giống em nào một cách hoàn toàn.
Tình cảm
Trong lĩnh vực tình cảm, tính chủ thể thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Đứng trước một sự vật hiện tượng, tôi xúc động nhưng anh thì dửng dưng, người khác lại cười mai mỉa….Chính vì thế con đường hình thành tình cảm phức tạp hơn rất nhiều so với con đường hình thành quá trình nhận thức.
Tình cảm luôn luôn gắn liền với nhu cầu và động cơ, nó được hình thành dựa trên những xúc cảm cùng loại, được động hình hoá, khái quát hoá mà thành. Điều này sẽ giúp lý giải tại sao trong tình yêu lại phức tạp, có khi trớ trêu đến như thế.
Trong phần lớn sách về tâm lý học người ta coi nhân cách gồm có 4 nhóm thuộc tính điển hình là: xu hướng, năng lực,tính cách và khí chất. Cũng giống như một vectơ lực có phương, chiều, cường độ và tính chất của nó. Thì tâm lý người cũng có những thuộc tính tâm lý bao gồm xu hướngnói lên phương hướng phát triển của nhân cách; năng lực nói lên cường độ phát triển của nhân cách; tính cách, khí chấtnói lên tính chất, phong cách của nhân cách.
Như vậy, với bốn thuộc tính tâm lý của nhân cách nêu trên, chúng ta nhận thấy ở mỗi cá nhân khác nhau đã mang trong mình những đặc điểm về các thuộc tính tâm lý khác nhau để rồi mỗi người sẽ tạo ra được tính điển hình trong nhân cách của mỗi người.
Ví dụ:Tôi và anh đều có năng lực như nhau về sự phát triển trí tuệ nhưng xu hướng của tôi khác xu hướng của anh, từ đó tôi và anh sẽ có cách lựa chọn nghề nghiệp khác nhau.
Từ ví dụ này cho thấy, việc chọn nghề hiện nay của thanh niên chúng ta đôi lúc còn mang tính cảm tính, nhiều bạn không xem xét năng lực, hứng thú của mình mà chỉ chạy theo “mốt”, theo những công việc mà cảm tính mách bảo là sành điệu, sẽ dễ hái ra tiền hoặc đôi khi chỉ dựa hoàn toàn vào sự định hướng thực dụng của bố mẹ mà không quan tâm thực sự con mình hợp với công việc nào, hứng thú của các em ra sao…
Bên cạnh đó cũng cần nhấn mạnh thêm một chút về sự khác biệt giữa các cá nhân trong khi nhận sự tác động của hiện thực khách quan là vấn đề không thể tranh cãi nhưng cũng có khi cùng một hiện thực khách quan tác động đến một chủ thể duy nhất nhưng vào những thời điểm khác nhau, ở những hoàn cảnh khác nhau, với trạng thái cơ thể, trạng thái tinh thần khác nhau có thể cho ta thấy mức độ biểu hiện và các sắc thái tâm lý rất khác nhau…
Vấn đề tôn trọng những nét riêng trong tâm lý mỗi người phải được thể hiện trong các hoạt động của đời sống hàng ngày, từ cách ăn mặc, nghỉ ngơi, giải trí cho đến những vấn đề riêng tư trong tình cảm mỗi người, đặc biệt trong công tác giáo dục tôn trọng những nét riêng trong tâm lý từng người học đã trở thành một nguyên tắc, có như thế, giáo viên mới theo sát đối tượng, mới có cách tác động cho phù hợp với từng người học nhằm đảm bảo thành công trong sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ.
Tâm lý người mang tính chủ thể được sử dụng trong công tác giảng dạy, giáo dục cũng như trong các mối quan hệ ứng xử. Nhờ có ngành này mà bạn có được sự chú ý nguyên tắc sát đối tượng hơn, luôn tôn trọng ý kiến của người khác.
Ngoài ra, tâm lý người mang tính chủ thể còn giúp bạn tránh nhìn nhận vấn đề một cách phiến diện mà xem xét nhiều khía cạnh hơn trước khi đưa ra kết luận.
Tính chủ thể trong tâm lý mỗi người sẽ luôn được xã hội tôn trọng nếu những nét riêng đó không đi ngược lại với các chuẩn mực của xã hội. Chính điều đó sẽ tạo nên nét đặc sắc trong tâm hồn và tính cách mỗi người; nó sẽ giúp con người trở nên hấp dẫn hơn, thú vị hơn nó đáng để người khác khám phá và…bất ngờ!
Trong công tác dạy học và giáo dục đòi hỏi mỗi giáo viên phải chú ý đến những cái riêng trong tâm lý mỗi học sinh, giáo viên phải quan tâm và tôn trọng những nét riêng đó để có cách tác động cho phù hợp nhằm đạt được kết quả cao nhất trong dạy học và giáo dục.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, Lê Văn Hồng, Lê Ngọc Lan, Nguyễn Văn Thàng (2001),NXB Đại học quốc gia Hà Nội
Khoa học chẩn đoán tâm lý, Trần Trọng Thuỷ (1992),NXB Giáo dục, Hà Nội.
Giáo trình Tâm lý học đại cương, Nguyễn Quang Uẩn (Chủ biên), Nguyễn Văn Luỹ, Đinh Văn Vang (2005), NXB Đại học sư phạm Hà Nội