Trị liệu nhận thức hành vi hay còn gọi là Liệu pháp hành vi nhận thức (Cognitive Behavioral Therapy – CBT) là một can thiệp tâm lý xã hội nhằm cải thiện sức khỏe tâm thần. CBT tập trung vào thách thức và thay đổi những biến dạng nhận thức không có ích (ví dụ như suy nghĩ, niềm tin và thái độ) và hành vi, cải thiện điều tiết cảm xúc, và phát triển các chiến lược đối phó cá nhân nhằm giải quyết các vấn đề hiện tại. Ban đầu, nó được thiết kế để điều trị trầm cảm, nhưng việc sử dụng nó đã được mở rộng để bao gồm điều trị một số tình trạng sức khỏe tâm thần, bao gồm cả lo lắng.
Liệu pháp nhận thức hành vi là gì? Các hướng tiếp cận và cách sử dụng CBT trong trị liệu và tham vấn tâm lý như thế nào? Hãy cùng Thanhbinhpsy khám phá trong bài viết sau đây nhé.
Liệu pháp nhận thức – hành vi là gì?
Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là một hình thức tâm lý trị liệu giúp bệnh nhân hiểu rõ sự ảnh hưởng của suy nghĩ và cảm xúc lên hành vi. Nói một cách cụ thể hơn CBT là một là liệu pháp được áp dụng để tìm hiểu và điều trị các dạng suy nghĩ tiêu cực trong nhận thức của con người về một tình huống hay một sự kiện nào đó gây nên các vấn đề tâm lý, các mối quan hệ hay các rối nhiễu về mặt tinh thần của chính cá nhân đó.
Khi một sự kiện nào đó xảy ra kích hoạt suy nghĩ của một cá nhân, suy nghĩ tác động lên cảm xúc đưa đến việc cá nhân đó hành động ra bên ngoài và hành động đó, suy nghĩ đó, cảm xúc đó tác động lên thể lý của cá nhân đó. Đôi khi chúng ta bị bệnh thực thể cũng tác động đến cảm xúc và suy nghĩ và hành động của chính chúng ta. Suy nghĩ, cảm xúc, hành vi, thể lý có sự tác động qua lại lẫn nhau.
CBT thường được áp dụng trong một khoảng thời gian ngắn và tập trung giúp bệnh nhân đương đầu với một vấn đề cụ thể. Trong suốt quá trình điều trị, bệnh nhân sẽ học cách xác định và thay đổi các suy nghĩ tiêu cực gây ảnh hưởng xấu lên hành vi và cảm xúc.
Lý thuyết về nhận thức xây dựng dựa trên 3 điểm cơ bản:
+ Hiểu biết về quan điểm mà ta lựa chọn ảnh hưởng đến tâm trạng của ta
+ Cách thức suy nghĩ và tâm trạng có mối liên hệ với nhau vì thế thay đổi suy nghĩ có thể thay đổi tâm trạng và ngược lại.
+ Học cách thức làm việc dựa trên suy nghĩ và niềm tin của chính bản thân.
Trong tham vấn và trị liệu tâm lý, việc tìm kiếm những niềm tin cốt lõi, những lỗi hệ thống trong suy nghĩ gây nên các vấn đề của thân chủ sẽ giúp cho thân chủ có thể cấu trúc lại suy nghĩ, thay đổi cảm xúc, chuyển đổi hành vi để vượt qua khó khăn, cải thiện các mối quan hệ, giải quyết được vấn đề cũng như các rối nhiễu tinh thần cần thiết.
Mô hình CBT dựa trên sự kết hợp của các nguyên tắc cơ bản từ tâm lý học hành vi và nhận thức. Nó khác với các cách tiếp cận lịch sử đối với tâm lý trị liệu, chẳng hạn như phương pháp phân tâm học, nơi nhà trị liệu tìm kiếm ý nghĩa vô thức đằng sau các hành vi và sau đó hình thành một chẩn đoán. Thay vào đó, CBT là một hình thức trị liệu “tập trung vào vấn đề” và “định hướng hành động”, nghĩa là nó được sử dụng để điều trị các vấn đề cụ thể liên quan đến rối loạn tâm thần được chẩn đoán.
Vai trò của nhà trị liệu là hỗ trợ khách hàng tìm kiếm và thực hành các chiến lược hiệu quả để giải quyết các mục tiêu đã xác định và giảm các triệu chứng của rối loạn. CBT dựa trên niềm tin rằng các biến dạng nhận thức và hành vi không lành mạnh đóng vai trò trong việc phát triển và duy trì các rối loạn tâm lý, và các triệu chứng và đau khổ liên quan có thể được giảm bằng cách dạy các kỹ năng xử lý thông tin và cơ chế đối phó mớ.
Xem thêm >>> Tư Vấn Tâm Lý Đàn Ông
Sự hình thành và phát triển của liệu pháp nhận thức hành vi
Theo cuốn Tiếp cận trị liệu nhận thức hành vi của Lê Thị Thanh Tâm thì: “Liệu pháp nhận thức hành vi ra đời từ thập niên 1950 và đến năm 1990 liệu pháp này được sử dụng rộng rãi trên thế giới.
Nguồn gốc của Lý thuyết hành vi và nhận thức hành vi bắt nguồn từ trong lý thuyết học tập cổ điển (các tiếp thu có được thông qua rèn luyện có điều kiện và có thể quan sát đo lường được) và lý thuyết tập nhiễm xã hội, có nguồn gốc và cơ sở khoa học bắt đầu từ thành tựu của học thuyết phản xạ có điều kiện dựa trên các thực nghiệm của Pavlov 1927; thực nghiệm điều kiện hóa của Skinner và cộng sự (1938).
Tiếp theo đó là những thành tựu của tâm lý học hành vi do Watson khởi xướng. Từ cơ sở trên, J.Wolpe (1952) đã phát triển và hoàn thiện liệu pháp hành vi. Song song đó, liệu pháp nhận thức cũng phát triển dưới sự ảnh hưởng lớn của Aaron Beck, Ellis, Bandura và Meichenbaum, tạo nên và khôi phục thế cân bằng, từ đó nhận thức (cả tầng vô thức và ý thức) đã gia tăng mạnh, đóng một vai trò nổi bật trong các mô hình tâm bệnh học.
Về sau, nhiều tác giả ứng dụng cả hai liệu pháp trên vì tìm thấy được sự bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau giữa các kỹ thuật. Từ đó họ gộp chung lại là Liệu pháp nhận thức hành vi.
Theo thời gian cùng với sự mở rộng nghiên cứu và ứng dụng, trị liệu nhận thức hành vi đã được áp dụng rộng rãi hơn vào nhiều lĩnh vực khác nhau: Trị liệu nhận thức hành vi với bệnh nhân ung thư; trị liệu nhận thức hành vi với bệnh nhân HIV/AIDS; trị liệu nhận thức hành vi với trẻ em; trị liệu nhận thức hành vi với người già và các kỹ thuật khác có liên quan đến trị liệu nhận thức hành vi như: trị liệu ngắn trong nhận thức hành vi; liệu pháp nhận thức phân tích (CAT)…
Các ứng dụng của CBT Aron Beck đã phát triển dạng trị liệu tâm lý từ cuối những năm 1950 và những năm đầu của thập niên 1960 với tên gọi là Trị liệu nhận thức, cho các bệnh nhân bị trầm cảm. Đến nay, hầu hết những ai đi theo hướng tiếp cận này đều sử dụng tên gọi là Nhận thức hành vi.
Theo thời gian, CBT đã được áp dụng rộng rãi ở các nước như Anh, Mỹ, Pháp và các nước phát triển khác, nó được sử dụng trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần ở các bệnh viện, tại trường học, cho các chương trình hướng nghiệp…
Theo Tiến sĩ Stephen Briers, (2009) tại Anh, Dịch vụ về Sức khỏe Quốc gia với sự đề xuất của giáo sư Richard Layard, chính phủ đã vui vẻ chấp thuận việc đào tạo hơn 10 nghìn nhà trị liệu nhận thức hành vi trong toàn nước Anh, bởi nhiều nghiên cứu và minh chứng cho thấyrằng đây là liệu pháp có đầy đủ chứng cứ khoa học nằm trong danh sách của các liệu pháp dùng choviệc điều trị các vấn đề về sức khỏe tinh thần và được áp dụng rộng rãi.
CBT đã được điều chỉnh cho phù hợp với đa dạng đối tượng thân chủ khác nhau về trình độ học vấn, thu nhập, văn hóa, giới tính, áp dụng từ trẻ em cho đến người lớn tuổi; được vận dụng trong trị liệu với cá nhân, với nhóm và với gia đình…
Liệu pháp nhận thức hành vi được áp dụng trong việc giảng dạy kỹ năng sống, kỹ năng xã hội được vận dụng để làm việc với trẻ vị thành niên thông qua việc hướng dẫn kỹ năng kiểm soát cơn giận,kỹ năng ra quyết định (Brad Donohue, Hendra Tracy, Suzanne Gorney, 2008), kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp (Keith H.Oliver, Grayla Mangdon, 2008); làm việc với bệnh nhân ung thư…; hỗ trợ cho giới trẻ, những người có các trải nghiệm về rối nhiễu tâm trí như trầm cảm, rối nhiễu lo âu, giận dữ, rối nhiễu ăn uống… (Arthur Freeman, Stephanie H.Felgoise, Arthur M.Nezu, Christien.Nezu, MarkA, Reinecke, 2005)
Tại Việt Nam, CBT đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây, đối với cả những nhóm bệnh nhân gặp các vấn đề sức khỏe tinh thần lẫn các chuyên gia điều trị. Vì CBT là một lựa chọn điều trị ngắn hạn, giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí hơn các liệu pháp khác. CBT cũng được chứng minh tính hiệu quả thông qua thực nghiệm và có thể giúp bệnh nhân vượt qua và loại bỏ được hàng loạt các hành vi không tốt.
Hệ thống các niềm tin cốt lõi của CBT
CBT tập trung vào việc cải thiện tâm trạng và hành vi của thân chủ, làm việc trên các mức độ nhận thức sâu của thân chủ, đó chính là niềm tin. Niềm tin về bản thân, về thế giới xung quanh để hiểu biết về những điều kiện xây dựng nên niềm tin.
Niềm tin của chúng ta được tạo ra là chính kinh nghiệm chúng ta, khi đã có niềm tin chúng ta chọn lọc những gì phù hợp với niềm tin của chúng ta và chối bỏ những gì không phù hợp. Bằng cách sửa đổi các niềm tin tiêu cực, các niềm tin đã được khái quát hóa không phù hợp, giúp chúng ta nhìn nhận sự việc một cách thực tế hơn về những điểm mạnh và điểm hạn chế của chúng ta, giúp điều chỉnh cách nhìn nhận của chúng ta về các tình huống cụ thể mà chúng ta gặp hàng ngày.
Cách thức kinh nghiệm tạo nên niềm tin
Chúng ta luôn khái quát hóa vấn đề từ chính kinh nghiệm theo cách có ích là cho phép chúng ta dự đoán những gì có thể sắp xảy ra.Việc học hỏi theo cảm xúc cũng tương tự như vậy, một đứa trẻ bị bỏ rơi hoặc bị lạm dụng có lẽ phát sinh ra các lý thuyết khái quát hóa một cách bản năng hoặc thậm chí đưa ra kết luận khó khăn và chắc chắn về bản thân và thế giới xung quanh nó.
Nhận thức hành vi rất quan tâm đến các tầng bậc của hệ thống niềm tin, nó rất quan trọng và lànguyên nhân cơ bản gây nên các rối nhiễu tâm lý hay sức khỏe tinh thần. Có 3 tầng bậc chính mà chúng ta cần quan tâm bao gồm:
Những suy nghĩ tự động tiêu cực: là những suy nghĩ xấu xuất phát một cách tự động bên trong tâm trí của chúng ta và ảnh hưởng đến các phản ứng cảm xúc lên cácsự kiện khi tác động đến chúng ta. Có 3 dạng suy nghĩ tự động chính, dạng suy nghĩ liên quan đến cách nhìn hay quan điểm về bản thân, quan điểm về tương lai và quan điểm về thế giới.
Những lý giải bất thường: khi những suy nghĩ tiêu cực thường gắn bó một cách khắng khít với các giả định lây dài mà chúng ta đã tự xây dượng về chính bản thân mình và thế giới xung quanh. Từ những suy nghĩ tiêu cực cho chúng ta những cách lý giải bất thường bởi chính kinh nghiệm mà ta đã có.
Niềm tin cốt lõi: Là nền tảng các niềm tin ổn định về bản thân, các mối quan hệ, thế giới quan vàtương lai của người đó.Niềm tin cốt lõi khó nhận diện hơn những suy nghĩ tự động, nó ẩn giấu bên trong, chúng thường thể hiện qua hình thức kiến thức ngấm ngầm, chỉ có thể bộc lộ chính bản thân chúng trong hầu hết các giả định khái quát về bản thân chúng ta và thế giới bên trong chúng ta.
Cách thức các niềm tin tạo nên quan điểm
Việc hiểu biết về cơ chế tự vệ, các niềm tin cốt lõi, sẽ giúp cho nhà tham vấn, trị liệu, hiểu được thân chủ, từ đó xây dựng mối tương tác và sử dụng công cụ phù hợp.Trong Trị liệu nhận thức hành vi, bộ công cụ được nhà trị liệu sử dụng để thách thức lại với những niềm tin cốt lõi và những suy nghĩ tự động tiêu cực đó là bộ câu hỏi Sokratess hay “Phương pháp Sokratess”.
Mục tiêu của CBT
Nội dung cốt lõi của CBT chính là suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta đóng một vai trò căn bản trong việc quyết định các hành vi mà ta thể hiện. Ví dụ, nếu một người dành nhiều thời gian suy nghĩ về một vụ rơi máy bay, tai nạn trên đường băng hay các thảm họa hàng không thì người này sẽ tránh né việc di chuyển bằng máy bay.
Mục tiêu của CBT là dạy cho bệnh nhân rằng mặc dù không thể điều khiển tất cả mọi thứ nhưng họ có thể kiểm soát cách mà họ hiểu, tiếp nhận và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống của chính họ bao gồm:
+ Giúp thân chủ nhận diện và thách thức với những niềm tin hay kiểu mẫu suy nghĩ không hợp lý và hướng dẫn thân chủ giải thoát khỏi sự ràng buộc hay hạn chế của kiểu suy nghĩ cũ,xây dựng các kiểu suy nghĩ mới phù hợp.
+ Kiểm tra cảm xúc do niềm tin phi lý gây nên
+ Giúp thân chủ thay đổi những niềm tin do những suy nghĩ vô lý gây ra.
+ Giúp thân chủ vượt qua được bệnh tật, trở về chính bản thân mình với sự thoải mái, tự tại, vị tha cho chính mình và cho người khác.
Các loại CBT
Theo Hiệp Hội Tâm Lý Trị Liệu Nhận Thức Hành Vi Anh Quốc, “Liệu pháp nhận thức hành vi bao gồm một loạt các liệu pháp dựa trên các khái niệm và nguyên tắc xuất phát từ các hình mẫu tâm lý về cảm xúc và hành vi của con người. Liệu pháp bao gồm hình thức tiếp cận điều trị cho các rối loạn cảm xúc cùng với chuỗi các biện pháp hỗ trợ liên tục từ các liệu pháp tâm lý cá nhân đến các tài liệu tự lực.”
Có nhiều các tiếp cận liên quan đến CBT thường được các chuyên gia sức khỏe tâm thần áp dụng, bao gồm:
- Liệu pháp Hành Vi Cảm Xúc hợp lý.
- Liệu pháp nhận thức.
- Liệu pháp đa kiểu mẫu.
- Liệu pháp Hành vi Biện Chứng.
- Các thành tố của CBT.
Trong hầu hết các trường hợp, CBT là một quá trình từng bước dần dần giúp một người tiến đến thay đổi hành vi. Một số gặp phải các rối loạn lo âu mang tính xã hội có thể bắt đầu liệu pháp đơn giản chỉ bằng việc tưởng tượng bản thân đang bị đặt trong một tình huống xã hội tiềm ẩn yếu tố gây lo âu.
Tiếp theo, thân chủ sẽ bắt đầu luyện tập trò chuyện với bạn bè, gia đình, và người quen của mình. Bằng cách tiếp cận từng bước một để đạt đến mục tiêu lớn cuối cùng, việc trị liệu sẽ không quá trở nên ám ảnh đối với bệnh nhân và những mục tiêu sẽ dễ dàng đạt được hơn.
Liệu pháp CBT nhấn mạnh 6 hướng tiếp cận trị liệu. Mỗi hướng tiếp cận trị liệu đều dựa trên những triết lý, giả thuyết cơ bản và những điểm chínhyếu cần thiết làm nền tảng. Việc hiểu biết nguyên tắc, cách thức tiếp cận, biết nguyên nhân gây nên vấn đề của thân chủ và các triệu chứng của thân chủ giúp cho nhà tham vấn, nhà trị liệu xây dựng chiến lược, vạch ra hướng đi trong quá trình làm việc với thân chủ.
Thứ nhất: Cách thức một cá nhân hiểu các sự kiện cuộc sống đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định cách thức anh ta/cô ta phản ứng với các sự kiện này. Ngay từ ban đầu, nhà tham vấn, nhà trị liệu cần nhận diện những suy nghĩ hiện tại của thân chủ, những suy nghĩ gây nên cảm xúc buồn chán, cô đơn và những hành vi khó khăn mà thân chủ đang mắc phải; sau đó, nhà tham vấn cần nhận diện những yếu tố nào ảnh hưởng đến quan điểm của thân chủ; cuối cùng là cần nhận ra những sự kiện gì đang xảy ra với thân chủ và cách thức thân chủ lý giải nó như thế nào.
Thứ hai: Thân chủ được xem như bị tiêu cực quá mức trong các niềm tin của họ và chịu đựng đau đớn từ việc sử dụng thông tin kém thích nghi trong quá trình xây dựng các chiến lược.
Thứ ba: Trị liệu nhận thức hành vi nhấn mạnh vào việc hợp tác và tham gia một cách chủ động vào từng phiên tham vấn.Trị liệu nhận thức hành vi trực tiếp đưa ra những lời đề nghị, cách thức thảo luận và cả bài tập về nhà, khuyến khích thân chủ chủ động chia sẻ vấn đề mà họ quan tâm. Việc hoàn thành các bài tập về nhà haythực hành ngoài phòng tham vấn thể hiện sự hợp tác và chủ động của thân chủ.
Thứ tư: Nhận thức hành vi tập trung vào việc giải quyết vấn đề, ngay từ đầu nhấn mạnh vào vấn đề hiện tại, tập trung vào việc giải quyết vấn đề và hậu quả hiện tại vì vậy cần thiết xây dựng mục tiêu,tìm kiếm nguyên nhân và hướng dẫn thân chủ nhận diện các niềm tin không hợp lý của họ bao gồm khuynh hướng của các tiến trình suy nghĩ tiêu cực; kiểm tra một cách hệ thống về tính chính xác của các niềm tin và các khuynh hướng này, khuyến khích thân chủ tham gia chuỗi thực nghiệm, trong đó hành vi hiện tại được thay đổi một cách hệ thống để kiểm tra tính chính xác của các niềm tin đó.
Thứ năm: Trị liệu nhận thức hành vi theo cách giáo dục tâm lý với mục tiêu hướng dẫn thân chủtrở thành “người dẫn đường” của chính họ, giúp phòng ngừa tái phát.
Thứ sáu: Các phiên tham vấn trị liệu trong nhận thức hành vi được thiết kế theo một cấu trúc cụthể. Nó được xây dựng theo từng bước cụ thể như: Xác lập mục tiêu, nội dung hoạt động, kết thúc và lượng giá.
Xem thêm >>> Tư Vấn Tâm Lý Phụ Nữ
Cách sử dụng CBT trong điều trị và tham vấn trị liệu tâm lý
Trong tham vấn và trị liệu tâm lý, cách thức mà chúng ta giao tiếp, xây dựng mối tương tác với thân chủ chiếm một vị trí rất lớn, nó diễn ra liên tục và xuyên suốt cả một quá trình làm việc, nó có thể bắt đầu ngay từ giây phút thân chủ có thông tin về bạn.
Trong tham vấn và trị liệu tâm lý, chúng ta không chỉ quan tâm đến kiến thức mà còn cần thường xuyên trau dồi kỹ năng. Các kiến thức và kỹ năng tham vấn cần thường xuyên được học hỏi, rèn luyện và áp dụng, đôi khi chúng ta xem nhẹ nó hay không quan tâm đến nó dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng mối tương tác giữa nhà tham vấn và thân chủ trong việc hỗ trợ tâm lý và quản lý sức khỏe tinh thần.
Đây là kinh nghiệm và là bài học lớn mà những nhà chuyên môn thường hay nhắc nhở những cộng sự, những người mới bắt đầu làm việc trong lĩnh vực này. Thêm vào đó, những phản hồi thông tin từ phía thân chủ cũng hết sức cần thiết, giúp cho nhà tham vấn hay trị liệu biết cách điều chỉnh và nâng cao năng lực nghề nghiệp của chính mình.
Lắng nghe, thấu hiểu, chấp nhận thân chủ như là một con người đang gặp khó khăn về mặt tâm lý,đang cần sự hỗ trợ và giúp đỡ để vượt qua khó khăn và các thử thách trong cuộc sống, là những kỹ năng cần có, là cả trái tim và là tấm lòng của nhà tham vấn, nhà trị liệu tâm lý đang làm việc với thân chủ.
Nó là chìa khóa để mở cửa tâm hồn thân chủ, là phương tiện để đưa bạn đến gần với thân chủ, nó là chất xúc tác làm nên sự thành công của việc áp dụng hướng tiếp cận trị liệu hay liệu pháp tâm lý để làm việc với thân chủ.
Bên cạnh những điều kiện cần có như: cơ sở vật chất (phòng tham vấn yên tĩnh, hồ sơ, bộ câu hỏi..) kiến thức chuyên môn… Thì những kỹ năng cũng vô cùng quan trọng như: kỹ năng lắng nghe, kỹ năng thấu cảm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác, kỹ năng quan sát…cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho nhà tâm lý trong quá trình hỗ trợ cho thân chủ của mình.
CBT đã và đang được sử dụng để điều trị cho một loạt các rối loạn bao gồm lo âu, sợ hãi, trầm cảm và nghiện. CBT là một trong những liệu pháp được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất, một phần là vì việc điều trị tập trung nhiều vào các mục tiêu cụ thể và kết quả có thể được đo lường khá dễ dàng.
CBT phù hợp nhất với các đối tượng cảm thấy thoải mái với việc tự suy xét bản thân. Để CBT thực sự có hiệu quả, mỗi cá nhân cần sẵn sàng và sẵn lòng dành thời gian và công sức để phân tích suy nghĩ và cảm xúc của mình. Những hoạt động tự phân tích bản thân như vậy thường khá khó khăn, nhưng là cách tốt nhất để hiểu rõ quá trình các yếu tố nội tâm ảnh hưởng lên hành vi bên ngoài.
CBT cũng phù hợp với những người đang tìm kiếm một lựa chọn điều trị ngắn hạn, không liên quan quá nhiều đến thuốc. Một trong những lợi ích tuyệt vời nhất của CBT là nó giúp bệnh nhân phát triển các kỹ năng hữu ích cho cả hiện tại lẫn tương lai về sau.
Cách khai thác tối đa liệu pháp nhận thức – hành vi
Kỹ thuật trị liệu này không thể phát huy hiệu quả với mọi bệnh nhân. Tuy nhiên, bạn có thể tối đa hóa kết quả điều trị bằng cách:
Chủ động hợp tác với chuyên gia tâm lý
Liệu pháp nhận thức – hành vi sẽ mang đến hiệu quả cao nhất khi bệnh nhân tham gia tích cực và chia sẻ thoải mái trong quá trình điều trị. Hãy đảm bảo rằng bạn và nhà trị liệu đồng thuận về những vấn đề chủ yếu và cách thức xử lý chúng. Cùng nhau, các bạn có thể thiết lập mục tiêu khả thi và đánh giá tiến bộ chính xác theo từng khung thời gian cụ thể.
Trung thực và cởi mở
Sự thành công của liệu pháp phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng bộc bạch cảm xúc, suy nghĩ, trải nghiệm và thái độ cầu thị, học hỏi của người bệnh.
Bám sát liệu trình điều trị
Khi cảm thấy chán nản và thiếu mất động lực, nhiều người đã bỏ qua một số buổi tham vấn, từ đó gây gián đoạn công tác điều trị. Trong mọi trường hợp, hãy luôn kiên trì và chủ động theo đuổi liệu trình. Đây chính là điều kiện quan trọng đảm bảo kết quả điều trị.
Hoàn thành bài tập về nhà
Chuyên gia trị liệu có thể yêu cầu thân chủ đọc sách, viết nhật ký hoặc thực hiện một số nhiệm vụ sau mỗi buổi trò chuyện. Những hoạt động này là một phần thiết yếu của quá trình chữa bệnh. Do đó, đừng sao lãng nhé!
Không trông đợi kết quả tức thì
Những tổn thương cảm xúc, tình cảm thường sâu sắc, khắc khoải và đau đớn. Vì vậy, vào khoảng thời gian đầu, bạn có thể gặp nhiều khó khăn khi buộc phải đối mặt với những xung đột bắt nguồn từ những năm tháng xưa cũ. Tuy nhiên, thông thường, sau đó, vấn đề này có thể được cải thiện đáng kể.
Nếu bệnh tình không thuyên giảm sau một khoảng thời gian áp dụng, người bệnh cần trao đổi trực tiếp với nhà trị liệu để điều chỉnh kế hoạch chữa bệnh hoặc thay đổi phương hướng tiếp cận. Cuối cùng, điều quan trọng nhất trong quá trình điều trị vẫn là sự hợp tác và cam kết của mỗi bệnh nhân. Thế nên, đừng bao giờ bỏ cuộc nhé!
Về Thanh Bình PSY
Hiện nay, Thanh Bình Psy đang cung cấp 2 dịch vụ chính bao gồm:
- Tham vấn tâm lý trực tuyến: Thân chủ và nhà tham vấn sẽ trò chuyện thông qua ứng dụng chat hoặc gọi điện thoại. Từng vấn đề sẽ được làm sáng tỏ và tìm ra hướng đi tích cực nhất. Và tất cả mọi thông tin đều được bảo mật 100% và tham vấn ẩn danh nếu thân chủ yêu cầu.
- Tham vấn tâm lý tại nhà: Thân chủ có thể đề nghị sắp xếp lịch gặp và chúng tôi sẽ đến tận nhà để thực hiện tham vấn. Qua trình tham vấn sẽ hoàn toàn được bảo mật và vấn đề sẽ nhanh chóng được giải quyết.