Cuối năm, khi công việc bộn bề, khi ra đường là thấy không khí của sắc xuân đang sắp sửa. Thì cùng lúc đó cảm xúc của con người cũng chùng xuống vì đã vất vả suốt một năm, đã muộn phiền hết một năm, đã lo lắng hết một năm và có cả đã chịu đựng một năm.
Cuối năm, số lượng thân chủ đến với Bình càng nhiều nhưng đặc biệt là phụ huynh và học sinh trung học lại tăng đột biến. Và một trong những nguyên nhân chính, lặp đi lặp lại trong các phiên tham vấn của Thanhbinhpsy luôn là vấn đề mối quan hệ giữa ba mẹ và con cái.
Ba mẹ trách con cái: “sao con không chịu chia sẻ với ba mẹ???”
Con cái trách ba mẹ: “sao ba mẹ không chịu hiểu con!!!”
Bên nào cũng có cái lý riêng của mình, mặc dù yêu thương nhau nhưng mỗi bên lại kéo căng một đầu dây khiến cho mối quan hệ đó trở nên ngột ngạt đến khó chịu. Vậy câu hỏi chung được đặt ra trong toàn cảnh bức tranh ngột ngạt ấy là gì?
Vì sao cha mẹ và con cái ngày càng ít nói chuyện nguyên nhân do đâu và làm sao để cải thiện. Cùng Thanhbinhpsy đi tìm hiểu những lí do vì sao trẻ không thích nói chuyện với ba mẹ trong bài viết ngay sau đây nhé.
Vì sao trẻ không thích nói chuyện với ba mẹ
Vị thế gia đình
Một trong những sai lầm hay định kiến cơ bản nhất mà các bậc phụ huynh đều mắc phải khi nuôi dạy con cái đó chính là “Mình là người sinh ra nó. Mình đã trải qua hết các giai đoạn như của nó. Vì vậy, mình sẽ không để nó lặp lại các sai lầm hoặc định hướng để cho con phát triển đúng hướng”. Tuy nhiên, ba mẹ lại quên đi một vấn đề hết sức quan trọng đó chính là tâm lý lứa tuổi.
Ba mẹ quên mất rằng họ cũng đã từng có một thời trốn học đi chơi; họ cũng có một thời đi lang thang vô định khi buồn hay thất vọng khi nỗ lực cho một điều lớn lao nhưng không có được; họ cũng từng có những rung cảm đầu đời với một vài người bạn hay những thay đổi thất thường của tuổi dậy thì.
Ví dụ: Phản ứng của ba mẹ khi bạn A trốn học đi chơi
Ba mẹ sau khi nghe tin con mình trốn học đi chơi thường sẽ có phản ứng gay gắt và tức giận. Đa số sẽ chọn đánh cho 1 trận hoặc la mắng lớn tiếng. Tuy nhiên, nếu ba mẹ chịu khó hỏi bé lí do vì sao con trốn học, lắng nghe bé một cách công bằng rồi mới ra quyết định chắc chắn con của bạn sẽ luôn muốn chia sẻ mọi chuyện với ba mẹ.
Bài học đầu tiên cho các bậc phụ huynh khi nuôi dạy con trẻ trong độ tuổi dậy thì đó chính là hãy khoan tức giận và lắng nghe nhiều hơn.
Bước vào giai đoạn dậy thì những đứa con của bạn thay đổi không chỉ về mặt thể chất, sinh lý mà còn cả những thay đổi về tâm lý. Trẻ bắt đầu biết tự thể hiện bản thân và có tư tưởng muốn làm người lớn. Vì vậy, đôi khi cùng một câu chuyện nhưng cách nói khác nhau sẽ gây ra những hiệu ứng khác nhau đối với các em.
Xem thêm >>> Dịch Vụ Tham Vấn Tâm Lý Qua Chat
Ba mẹ độc đoán
Độc đoán luôn là một tính từ đặc biệt xấu đối với mỗi chúng ta nói chung và các bạn trẻ nói riêng. Một ông sếp độc đoán sẽ khiến nhân viên chán nản, một người bán hàng độc đoán sẽ mất khách trong nay mai và một gia đình với ba mẹ độc đoán những đứa con của họ sẽ khó dự đoán tương lai.
Để Bình kể cho các bạn nghe một câu chuyện nhỏ.
Hồi Bình còn đi học đại học, có một bạn trong lớp đậu đầu vào với thành tích cao ngất ngưởng. Nhưng học kỳ đầu tiên bạn ấy chỉ đậu đúng duy nhất 1 môn đó là thể dục còn lại rớt sạch.
Bạn ấy kém cỏi ư? Chắc không phải. Vì nếu học kém sao điểm số đầu vào lại cao như thế. Tìm hiểu kỹ một chút Bình mới biết rằng bạn ấy là con một, sinh ra trong gia đình ba mẹ làm công chức. Từ nhỏ bạn ấy chỉ đi học rồi về nhà, ba mẹ không cho phép đi chơi với ai, và không cho tiếp xúc xã hội nhiều. Thậm chí ngành học của bạn ấy cũng do ba mẹ chọn.
Kết quả là khi vào đại học, được rời khỏi vòng tay của ba mẹ bạn ấy thấy cuộc sống thật tự do tự tại, bạn ấy muốn thử tất cả mọi thứ. Từ đi bar đến trốn học… Mỗi mội trải nghiệm đó đều mang lại cho cậu cảm giác mới mẻ và sung sướng.
Khi ba mẹ cậu được mời xuống trường vì thành tích học tập của con. Họ mới nói hai từ “giá như”. Nhưng lúc này đã không còn “giá như” nữa rồi.
Ba mẹ quá bảo bọc
Một bạn gái sinh ra trong gia đình công giáo, từ nhỏ ba mẹ vì thương yêu nên ấp ủ bạn ấy trong một cuộc sống êm đềm và thoải mái. Bạn luôn cho rằng thế giới bên ngoài kia cũng giống như thế giới mà bạn đang được sống. Mọi người yêu thương nhau và đặc biệt là yêu thương bạn ấy. Luôn đối xử với cô ấy bằng sự nhẹ nhàng, chân thành..
Rồi cô gái ấy cũng ra trường và tìm được công việc phù hợp. Tuy nhiên, sau 6 tháng cô ấy uống thuốc tự tử. Khi tìm hiểu nguyên nhân bạn ấy nói rằng tại sao khi đi làm mọi người lại hà khắc với mình (la mắng khi bạn ấy làm sai; nói chuyện không nhẹ nhàng; tại sao mọi người lại nói xấu lẫn nhau..). Cuộc sống của cô ấy như sụp đổ trước mắt, cô rơi vào trầm cảm và nghĩ tới cái chết để giải thoát.
Trách bạn ấy ích kỷ ư? Hay trách bạn quá yếu đuối? Chính cách giáo dục của ba mẹ đã khiến cho cô gái ấy giống như một chú chim non không thể bay được dù đã đủ lông đủ cánh.
Vì vậy, các bậc phụ huynh hãy đừng ngại cho con cái của bạn ra ngoài. Hãy cho các bé được vui chơi, được tham gia các hoạt động xã hội… để bé phát triển về cả cảm xúc, kiến thức và trải nghiệm cá nhân.
Quan tâm chưa đúng cách
Một sự thật rất đáng lo ngại đối với các bậc phụ huynh đó chính là sự quan tâm chưa đúng cách. Giai đoạn dậy thì các bé không chỉ cần sự đầy đủ để phát triển thể chất mà cũng cần được nuôi dưỡng tâm hồn. Đặc biệt các bé trong độ tuổi này nhạy cảm hơn rất nhiều so với các độ tuổi khác.
Bình sẽ lấy ví dụ cho các bạn thấy. Các bé dễ giận hờn, dễ tủi thân, dễ nổi nóng bốc đồng khi đứng trước một sự việc. Trong 1 ngày các bé có thể thay đổi tới 3 – 4 trạng thái tâm lý khác nhau. Nói kiểu văn học thì “một chiếc lá rơi cũng có thể khiến tâm trạng các bé thay đổi.
Vì vậy, sự quan tâm của ba mẹ trong giai đoạn này phải thật sự đúng cách và đúng tâm lý. Sự quan tâm của các bậc phụ huynh nếu như có 1 tia hời hợt các bé sẽ nhân ra ngay và về lâu dài sẽ hình thành những vết nứt tình cảm vô hình mà đến khi nhận ra điều đó thực sự rất nguy hiểm.
Cách đây không lâu Bình có làm việc với một cậu bé 15 tuổi. Bạn ấy gặp vấn đề về lo lắng trong học tập, sự lo lắng khiến cho bạn ấy sợ hãi đến mức không dám bước ra khỏi nhà. Đỉnh điểm có lần bạn ấy cúp học hẳn 1 tuần và cố thủ trong nhà tắm mặc cho ba mẹ tìm mọi cách kéo cậu ra.
Khi làm việc với bạn ấy, Bình cảm nhận được sự cô độc và cảm giác tủi thân vì không ai thấu hiểu mình của bạn. Trong suốt tiến trình bạn có nhắc đến việc mình cảm thấy buồn bã và thất vọng như thế nào khi ba của bạn nói rằng “ba hiểu hết các vấn đề của con và liên tục nói đến việc bạn ấy phải đi học như thế nào”.
Có thể ba của bạn ấy quan tâm và hiểu thực sự nhưng việc nói quá qua loa về các lo lắng và tập trung vào mục đích khiến cho bạn cảm thấy ba chỉ nói để lấy cớ mà thôi.
Mặt khác ở độ tuổi từ 12-18 tuổi các bạn đã có khả năng tự đưa ra quyết định của mình (đôi khi nó không thực sự đúng). Nhưng ba mẹ hãy thử tôn trọng và không can thiệp quá sâu vào các vấn đề của trẻ. Nếu quan tâm hãy chỉ luôn là người ở phía sau hỗ trợ cho con, tin tưởng con, yêu thương con.
Cụ thể hơn ư? Hãy cứ lắng nghe câu chuyện của các bé một cách nghiêm túc, đặt mình vào vị thế của con để suy nghĩ, nhìn nhận và lý giải vấn đề. Từ đó, hiểu được nội tâm của trẻ cũng như có định hướng cho bé giải quyết các khó khăn hoặc giúp bé có cái nhìn toàn diện hơn về sự việc.
Tin Bình đi, con của bạn sẽ khác nếu được đối xử như thế.
Xem thêm >>> Dịch Vụ Tham Vấn Tâm Lý Tại Nhà Ở TPHCM
Làm sao để ba mẹ có thể gần gũi con cái
Làm sao để ba mẹ có thể gần gũi con cái là vấn đề khiến cho các bậc phụ huynh rất lo lắng và đau đầu để tìm giải pháp.
Để tìm được sự đồng cảm giữa cha mẹ và con cái, đương nhiên đòi hỏi sự hợp tác từ cả hai phía. Tuy nhiên, việc yêu cầu trẻ phải hiểu những mong muốn, những kỳ vọng của cha mẹ đằng sau những điều bắt con phải thực hiện là điều rất khó. Vì chúng chưa từng ở lứa tuổi của cha mẹ để có thể hiểu tâm lý của người lớn, cũng chưa bao giờ có con nên làm sao có thể hiểu được nỗi lòng của người làm cha mẹ.
Còn ngược lại, cha mẹ phải đặt mình vào vị trí của con, cụ thể là nhìn nhận sự việc, trong hoàn cảnh xã hội hiện tại, để có thể chấp nhận sở thích, để có thể bỏ qua sai lầm, và để cảm thông với tâm trạng… của con cái là điều mà các bậc làm cha mẹ cần thực hiện. Từ đó mới có thể đưa ra những lời giải thích, sự định hướng mà trẻ dễ chấp nhận nhất.
Trẻ ở lứa tuổi dậy thì, với sự thay đổi mang tính “đột biến” cả về thể chất lẫn tinh thần, càng cần có sự cảm thông sâu sắc từ người lớn, đặc biệt là cha mẹ, đối với những suy nghĩ, hành động và cả lỗi lầm của mình. Tìm “tiếng nói chung” với con cái là một việc lớn, cần một quá trình, đòi hỏi những người làm cha mẹ phải có sự hiểu biết nhất định về tâm – sinh lý của trẻ qua từng giai đoạn, lứa tuổi để có thể tìm ra những “cách tiếp cận” phù hợp và trở thành “người bạn lớn” của con.
Cùng với sự phát triển của xã hôi, mối quan hệ gia đình có nhiều thay đổi, đặc biệt là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Với cuộc sống hiện đại hiện nay, gia đình đang phải đối mặt một cách gay gắt với rất nhiều thử thách, đòi hỏi cha mẹ cần phải nhìn lại chính mình, nhận xét và đánh giá con cái dưới nhiều góc cạnh trên cơ sở của sự hiểu biết.
Không thể lấy quyền làm cha mẹ để lấn áp con cái làm theo mọi điều mình muốn mà cần phải nhẫn nại, lắng nghe con cái trình bày quan điểm và ý muốn của mình để từ đó có những cách giải quyết phù hợp.
Học cách nói chuyện với con cái cũng đồng nghĩa những bậc làm cha mẹ tự làm mới mình, khiến cho khoảng cách về thế hệ được rút ngắn lại, con cái có cơ sở để tin tưởng vào cha mẹ và xã hội bớt đi những gánh nặng không đáng có.
Hiểu rõ tâm lý của con – giải pháp giúp ba mẹ gần gũi với bé hơn
Qua những thông tin ở trên, mọi người đã hiểu phần nào nguyên nhân khiến các bé ngày càng ít trò chuyện với ba mẹ mình. Vậy nên các bậc phụ huynh hãy chú trọng hơn trong việc làm bạn với con, hiểu rõ tâm lý của con để có thể gần gũi với con hơn mà không tạo khoảng cách. Có thể thấy được việc hiểu rõ tâm lý của trẻ rất quan trọng, vậy nên làm thế nào mới hiểu được tâm lý của các bé? Hãy dựa vào từng giai đoạn phát triển của trẻ như sau:
- Giai đoạn từ 0 – 1 tuổi: đây là thời kỳ sơ sinh và bé bắt đầu thích nghi với môi trường sống ở ngoài bụng mẹ. Ba mẹ sẽ cần yêu thương, quan tâm, đùm bọc trẻ nhiều để tâm lý ban đầu của bé được ổn định.
- Giai đoạn từ 1 – 3 tuổi: đây chính là thời điểm vàng giúp trẻ hình thành nên ý thức của bản thân. Thời điểm này bố mẹ nên là tấm gương sáng cho con noi theo và cũng nên chọn lọc môi trường xung quanh cho bé tiếp xúc.
- Giai đoạn từ 3 – 6 tuổi: giai đoạn trẻ bắt đầu đi học và tiếp xúc, làm quen với thầy cô bạn bè cũng chính là thời điểm bé học hỏi từ thế giới xung quanh. Ba mẹ hãy kiên nhẫn với hàng vạn câu hỏi “vì sao?” của trẻ nhé.
- Giai đoạn từ 6 – 11 tuổi: giai đoạn phát triển này gắn liền với tính cách, thói quen, lối sống của trẻ. Ba mẹ dành ra nhiều thời quan lắng nghe và tâm sự với con hơn trong giai đoạn này nhé.
- Giai đoạn từ 11 – 16: giai đoạn tuổi dậy thì nhiều biến động ở trẻ em vị thành niên. Thời điểm này, ba mẹ nên tôn trọng ý kiến cá nhân, quan điểm riêng của con mình. Bên cạnh đó lưu ý sử dụng phương pháp phù hợp để quan tâm đến con mình đúng cách mà không tạo áp lực cho con.
Đừng bỏ qua >> Tâm lý của trẻ em khi phạm lỗi
Tóm lại, để ba mẹ có thể gần gũi hơn với con cái thì gợi ý của ThanhBinhPsy đó chính là ba mẹ hãy là người linh hoạt trong cách vai trò của mình. Vừa là ba mẹ, vừa là một người thông thái và luôn là một người bạn của con nhé!