Cơ chế phòng vệ là một thuật ngữ tâm lý được sử dụng để chỉ hành động hay cách thức mà con người tự bảo vệ bản thân khỏi những vấn đề của họ. Vậy cơ chế phòng vệ là gì? Con người có bao nhiêu cơ chế phòng vệ? Vì sao con người lại có cơ chế này? Tác động của chúng ra sao đối với cuộc sống của từng cá nhân. Cùng ThanhBinhPsy đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé.
Cơ chế phòng vệ là gì?
Nếu ai yêu thích tâm lý học nói chung và phân tâm học nói riêng đều ít nhiều biết về cơ chế phòng vệ (Defense mechanisms) hoặc ít nhất là từng nghe nói về nó.
Cơ chế phòng vệ được đề xuất bởi Sigmund Freud – cha đẻ của trường phái Phân tâm học (liệu pháp phân tâm) và được phát triển bởi con gái ông là Anna Freud và các cộng sự. Theo Freud mô tả trong lý thuyết Phân tâm học thì các cơ chế phòng vệ của con người đều mang bản chất vô thức. Các cơ chế phòng vệ này không hoàn toàn giống với khái niệm các chiến lược đương đầu – coping strategies.
Cơ chế phòng vệ được miêu tả như những “chiến thuật” tâm lý được bộc lộ dưới các dạng cách thức khác nhau. Giúp cho thân chủ (chủ thể) đương đầu với thực tế để duy trì hình ảnh bản thân. Mỗi chúng ta đều sử dụng nhiều cơ chế phòng vệ khác nhau trong đời sống và chúng diễn ra hàng ngày, hàng giờ mà ngay cả chính bản thân ta cũng không biết.
Theo mô tả của Freud thì cơ chế phòng vệ của con người tự động được kích hoạt khi chúng ta đối mặt với lo âu. Lúc này, cơ chế phòng vệ được kích hoạt để bảo vệ tâm trí.
Hay nói theo thuật ngữ Phân tâm học là bảo vệ cái Tôi khỏi những cảm xúc và suy nghĩ hay những hình phạt xã hội mà tâm thức chưa thể bảo vệ hoặc đương đầu. Trong một số trường hợp, cơ chế phòng vệ được xem là có vai trò ngăn chặn những suy nghĩ và ý định bốc đồng không phù hợp hoặc không mong muốn khỏi tâm thức.
Các cơ chế phòng vệ đã được lượng giá và nghiệm kê trong bảng phân loại các cơ chế phòng vệ (DSQ-40). Một cơ chế phòng vệ chỉ mang tính bệnh lý khi nó bị lạm dụng, dẫn tới những hành vi kém thích nghi và sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe thể chất và tâm trí.
Xem thêm >>> Tư Vấn Tâm Lý Tận Nơi
Hiểu về cơ chế phòng vệ để làm gì?
Với những thông tin ở trên mọi người đã hiểu cơ chế phòng vệ là gì rồi. Vậy tại sao chúng ta cần hiểu rõ về loại cơ chế tâm lý này?
Cơ chế phòng vệ không chỉ hiện hữu trong công việc chúng ta làm thường ngày. Nó có hiện diện trong các mối quan hệ quen thuộc như gia đình, bạn bè và xã hội, kể cả trong khả năng nhận thức về sự tự phát triển của bản thân mỗi chúng ta. Trong suốt cuộc đời mỗi người, chúng ta không thể tránh khỏi việc gặp phải những nỗi đau, sự lo lắng, sẽ rất vất vẻ để vượt qua các thử thách cùng những nổi sợ hãi đó.
Đã có không ít nhà khoa học, tâm lý nghiên cứu về cơ chế phòng vệ và đúc kết rằng, hiểu rõ cơ chế này mang đến các lợi ích cho bản thân mỗi người. Như tác giải Susan Kahn từng nói:
“Khi biết mình là ai và tại sao mình phản ứng như vậy, chúng ta không chỉ tương tác hiệu quả hơn trong công việc mà còn cảm thấy bình yên hơn. Và điều này sẽ giúp chúng ta xây dựng sức bật tinh thần”
Sự hình thành của các cơ chế phòng vệ
Căn nguyên của cơ chế phòng vệ
Như đã nói trong phần khái niệm thì lo lắng là nguồn cơn của các cơ chế phòng vệ. Theo Freud thì cơ chế phòng vệ sẽ tạo nên lớp lá chắn bảo vệ cho bản ngã, ngăn nó khỏi rơi vào xung đột do bản năng, các siêu ngã và hiện thực tạo ra.
Trên thực tế lo âu là một tình trạng khó chịu tồn tại bên trong (suy nghĩ, cảm xúc, ký ức…) mà ai cũng muốn né tránh tuy nhiên ai cũng gặp. Lo âu giống như một tín hiệu báo cho bản ngã thấy rằng mọi thứ đang đi lệch hướng. Kết quả là con người sử dụng những cơ chế phòng vệ một cách vô thức để đương đầu với những lo lắng của bản thân. Từ đó giúp chủ thể tự bảo vệ mình khỏi những mối đe dọa hoặc những thứ họ không muốn đối mặt hay nghĩ tới.
Freud xác định 3 kiểu lo âu như sau:
- Lo âu nhiễu tâm (neurotic anxiety): là cảm giác lo lắng vô thức rằng ta sẽ mất kiểm soát những ham muốn của bản năng, dẫn đến việc bị phạt vì có hành vi không phù hợp.
- Lo âu thực tế (reality anxiety): là nỗi sợ về những sự kiện thực tế. Ta thường dễ xác định được nguyên nhân của kiểu lo âu này. Ví dụ như một người có thể sợ bị chó cắn khi đứng gần một con chó dữ. Cách thường dùng để giảm kiểu lo âu này nhất là tránh những đối tượng đe dọa.
- Lo âu đạo đức (moral anxiety): là nỗi sợ vi phạm nguyên tắc đạo đức của mình.
Sự hình thành của các cơ chế phòng vệ
Sự hình thành của các cơ chế phòng vệ được Sigmund Freud miêu tả rõ trong mô hình cấu trúc nhân cách (thuyết phân tâm) bao gồm: cái Nó, cái Tôi và cái Siêu Tôi trong đó:
Cái Nó (ID): hay còn gọi là bản năng là phần nguyên sơ nhất của tính cách con người mang bản chất ích kỷ, trẻ con; cấu phần này bị chi phối bởi nguyên tắc khoái lạc, không thể trì hoãn những ham muốn tức thời.
Cái Siêu Tôi (Super Ego): Nhập tâm những quy chuẩn xã hội và học hỏi các mô thức, quan niệm từ cha mẹ về cái gì là “tốt”, là “xấu”, hành xử thế nào là “đúng”, là “sai”. Các siêu tôi (siêu ngã) luôn tìm cách khiến bản ngã hành xử một cách có đạo đức, đúng lý tưởng. Phần này của tính cách còn được đánh giá là ảnh hưởng từ cách giáo dục của cha mẹ và các yếu tố khác như tôn giáo, xã hội.
Cái Tôi bản ngã (Ego): “người hòa giải” cái Nó và cái Siêu Tôi, cái Tôi tìm kiếm những giải pháp thỏa hiệp để dẹp yên xung đột giữa Nó và Siêu Tôi. Có thể nói nó là năng lực “biết Thế và biết Thời” (biết mình là ai, mình đang trong hoàn cảnh nào…để hành xử cho hợp lẽ).
Khái niệm về các xung năng cái Nó được minh họa trong mô hình cấu trúc nhân cách của Sigmund Freud. Theo luận thuyết này, những xung năng cái Nó hoạt động theo nguyên tắc khoái lạc: đòi hỏi được thỏa mãn tức thời những nhu cầu và khao khát cá nhân.
Freud dùng khái niệm cái Nó để mô tả những xung năng xuất nguồn từ những bản năng sinh học của chúng ta, như tính xâm kích (xung năng “chết” – Thanatos) và bản năng tính dục (xung năng “sống” – Eros) [khái niệm “tính dục” cần được hiểu theo trường nghĩa rộng].
Cụ thể: khi xung năng cái Nó (như khi thèm khát quan hệ tính dục với một người lạ) xung đột với cái Siêu Tôi (ở đây là những giao ước xã hội về việc không được “sàm sỡ” với người khác), khi đó những cảm thức bất mãn hoặc lo âu sẽ trồi lên tầng ý thức. Để trấn giảm những cảm thức tiêu cực này, cái Tôi sẽ dùng những cơ chế phòng vệ để ngăn chặn những xung năng từ cái Nó (một cách vô thức hoặc hữu thức).
Freud cũng cho rằng những xung đột giữa hai cấu phần này có liên quan tới những giai đoạn nhạy cảm trong sự phát triển các giai đoạn tâm-tính dục.
Các cơ chế phòng vệ
Mặc dù khái niệm cơ chế phòng vệ được đưa ra bởi Sigmund Freud tuy nhiên các cơ chế phòng vệ lại được chính con gái của ông là Anna Freud mô tả một cách cụ thể và chi tiết.
Dưới đây là một số cơ chế phòng vệ phổ biến:
Chối bỏ (Denial)
Chối bỏ hay còn được gọi là phủ nhận có thể là một trong những cơ chế phòng vệ thường gặp nhất, được sử dụng để mô tả những tình huống khi con người ta không thể đối mặt với hiện thực hoặc thừa nhận một sự thật (ta hay nói “Anh ấy đang chối bỏ sự thật.”).
Chối bỏ là hành động thẳng thừng từ chối thừa nhận hoặc không nhận ra điều gì đó đã xảy ra hoặc đang hiển hiện. Người nghiện ma túy và chất có cồn thường chối bỏ sự thật rằng mình đang gặp vấn đề, còn những nạn nhân của một sự kiện gây sang chấn lại chối bỏ sự thật, nhất quyết cho rằng sự kiện này chưa hề xảy ra.
Chối bỏ giúp bảo vệ bản ngã khỏi những thứ mà chủ thể không thể đối phó. Mặc dù chối bỏ có thể giúp ta tránh được nỗi đau hoặc sự lo âu nhưng nó cũng khiến ta phải tốn kha khá năng lượng. Vì vậy, chủ thể cũng sẽ áp dụng một số cơ chế phòng vệ khác để giúp ngăn những cảm xúc khó chấp nhận này không đi vào vùng ý thức.
Trong nhiều trường hợp, dù đã có bằng chứng rõ rằng chỉ ra một sự thật nào đó hiển hiện nhưng chủ thể sẽ tiếp tục chối bỏ sự thật hay sự tồn tại của nó vì chủ thể không thể đối mặt với sự khó chịu nó mang lại.
Chối bỏ có thể là sự khước từ thẳng thừng sự tồn tại của hiện thực hoặc một sự thật nào đó. Cũng có khi, việc một người thừa nhận sự hiện hữu của một điều gì đó nhưng lại giảm thiểu tầm quan trọng của nó cũng gọi là chối bỏ. Đôi lúc con người ta sẽ chấp nhận sự thật và sự nghiêm trọng của sự thật đó nhưng họ sẽ vẫn tiếp tục chối bỏ trách nhiệm và thay vào đó lại đổ lỗi cho người hoặc một thế lực bên ngoài nào khác.
Nghiện là một trong số những ví dụ dễ thấy nhất về sự chối bỏ. Người gặp vấn đề lạm dụng chất thường sẽ thẳng thường chối bỏ việc mình đang có những hành vi không tốt. Trong một số trường hợp khác, họ có thể thừa nhận bản thân có sử dụng ma túy hoặc chất có cồn nhưng lại tuyên bố rằng việc sử dụng chất này của họ không phải vấn đề và cũng không gây ra vấn đề gì.
Ví dụ: Một đôi vợ chồng vào bệnh viện kiểm tra sức khỏe, sau khi kiểm tra bác sĩ thông báo rằng bà vợ bị ung thư giai đoạn cuối, cần nhập viên điều trị. Ông chồng chuẩn bị giấy tờ nhập viện điều trị cho vợ tuy nhiên bà vợ khăng khăng đi về và nói rằng mình không bị bệnh gì cả. Chỉ là mệt mỏi một chút, nghỉ ngơi sẽ khỏe lại.
Bà vợ bị sốc khi nghe tin mình bị ung thư giai đoạn cuối và không chấp nhận được sự thật là khối ung thư đang xâm lấn cơ thể và gây tổn hại đến sức khỏe và tính mạng của bà. Cho nên bà chối bỏ tất cả và nghĩ rằng mình vẫn khỏe mạnh.
Chuyển dịch cảm xúc (Displacement)
Bạn đã bao giờ trải qua một ngày làm việc tồi tệ, sau đó về nhà trút giận lên gia đình và bạn bè mình chưa? Nếu có thì bạn đã trải qua cơ chế chuyển dịch cảm xúc của bản ngã.
Chuyển dịch cảm xúc nghĩa là trút sự bất mãn, cảm xúc và ý định bốc đồng của ta lên người khác hoặc vật nào ít đe dọa ta hơn. “Giận cá chém thớt” là một ví dụ thường gặp của cơ chế phòng vệ này. Thay vì thể hiện sự giận dữ theo những cách có thể gây hại cho ta (như tranh cãi với cấp trên), ta lại thể hiện sự giận dữ đối với một người hoặc vật không đe dọa mình (như vợ/chồng, con cái hoặc vật nuôi).
Ví dụ: Chị A đi làm bị sếp mắng, nhưng chị không thể cãi lại. Ngay khi về nhà, chị đổ hết sự bực dọc lên chồng mình.
Ức chế và xóa bỏ (Repression and Suppression)
Ức chế hay đè nén cũng là một cơ chế phòng vệ phổ biến khác. Đè nén giúp giữ thông tin không xâm nhập vào vùng ý thức. Tuy nhiên, những ký ức này không biến mất đi; chúng sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lên hành vi.
Ví dụ: một người đè nén ký ức bị bạo hành khi còn nhỏ có thể sẽ gặp khó khăn trong việc tạo dựng những mối quan hệ sau này khi lớn lên.
Đôi khi ta cố ý loại thông tin không mong muốn ra khỏi ý thức của mình, cơ chế này có tên là xóa bỏ hay đàn áp. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, người ta cho rằng việc xóa bỏ ký ức gây lo âu khỏi ý thức được diễn ra trong vô thức.
Xem thêm >>> Tư Vấn Tâm Lý Qua Điện Thoại
Thăng hoa (Sublimation)
Thăng hoa là một cơ chế phòng vệ giúp ta bộc lộ những thôi thúc không được chấp nhận bằng cách cải biến những hành vi này theo cách thức dễ được chấp nhận hơn. Điều này có thể khiến mọi người vượt qua những cảm giác, tình huống tiêu cực một cách dễ dàng hơn. Đặc biệt là khi họ không có khả năng giải quyết vấn đề để đạt được sự tích cực hơn trong cuộc sống.
Ví dụ: một người trải nghiệm cơn giận tột độ có thể sẽ lao vào chơi đấm bốc, lấy đó là phương tiện để trút giận. Freud tinh rằng thăng hoa chính là dấu hiệu của sự trưởng thành, giúp con người ta vận hành một cách bình thường, được đông đảo xã hội chấp nhận.
Phóng chiếu (Projection)
Phóng chiếu là một cơ chế tự vệ khi chủ thể lấy những cảm xúc hay phẩm chất khó chấp nhận của bản thân và gán chúng lên người khác. Điều này giúp chủ thể dễ dàng hơn khi đánh giá xấu, đưa ra những phản ứng tiêu cực đối với 1 người mà mình ghét bỏ. Với cơ chế này, bạn sẽ không cảm thấy áy náy vì mình ghét bỏ, căm giận hay đưa ra những cách đối xử tiêu cực với một người bất kỳ.
Ví dụ: nếu bạn cực kỳ không ưa một ai đó, bạn có thể tin rằng người đó cũng chẳng ưa gì bạn. Phóng chiếu cho phép chủ thể bộc lộ những khao khát hoặc thôi thúc ra ngoài nhưng bản ngã không nhận ra sự thể hiện này, chính vì vậy lo âu của chủ thể mới nhờ đó mà giảm xuống.
Tri thức hóa (Intellectualization)
Trí thức hóa giúp giảm lo âu thông qua việc suy nghĩ về những sự kiện theo một phong cách chuyên môn, lạnh lùng không cảm tính. Cơ chế tự vệ này cho phép chúng ta tránh suy nghĩ về những khía cạnh căng thẳng, quá “đậm đà” cảm xúc của tình huống, mà thay vào đó, chỉ tập trung vào yếu tố kiến thức.
Ví dụ: một người vừa bị chẩn đoán mắc một căn bệnh nan y sẽ tập trung tìm hiểu mọi kiến thức về căn bệnh để tránh không cảm thấy đau buồn và vẫn duy trì được khoảng cách giữa mình với hiện thực đang diễn ra.
Hợp lý hóa (Rationalization)
Hợp lý hóa là cơ chế tự vệ diễn ra khi chủ thể giải thích một hành vi hay cảm xúc không được chấp nhận theo một cách thức hợp lý, có lô-gíc, tránh né những lý do thực sự đằng sau hành vi.
Ví dụ: một người bị người mình thích từ chối không đi hẹn hò cùng có thể sẽ hợp lý hóa tình huống này bằng cách cho rằng mình cũng chẳng bị người kia thu hút gì lắm. Một sinh viên có điểm bài kiểm tra tệ hại có thể sẽ đổ lỗi cho người hướng dẫn thay vì thừa nhận mình thiếu sự chuẩn bị.
Hợp lý hóa không chỉ giúp ngăn ngừa lo âu, nó còn giúp bảo vệ lòng tự trọng và cách ta nhìn nhận về bản thân. Khi đối mặt với thất bại hoặc thành công, con người ta có xu hướng quy thành tích mình đạt được cho những phẩm chất và kỹ năng của bản thân, còn nếu gặp thất bại thì đó là lỗi do người khác hoặc những thế lực bên ngoài.
>> Tìm hiểu về cơ hội nghề nghiệp của ngành tâm lý học tại nước ta.
Thoái lui (Regression)
Khi đối mặt với những sự kiện gây căng thẳng, con người ta đôi khi lại ruồng bỏ những chiến lược đối phó mình vốn nên làm và quay trở lại với những hành vi trước đây. Anna Freud gọi đây là cơ chế tự vệ thoái lui, là khi con người ta thể hiện những hành vi bị cắm chốt từ một giai đoạn phát triển tâm lý tính dục nào đó.
Ví dụ: một người bị cắm chốt ở giai đoạn phát triển tâm lý tính dục ban đầu có thể sẽ khóc lóc hoặc hờn dỗi khi nghe được thông tin không mấy dễ chịu.
Hành vi liên quan đến thoái lui có thể biến động rất nhiều tùy thuộc vào việc chủ thể bị cắm chốt ở giai đoạn nào. Một người bị cắm chốt tại giai đoạn miệng có thể bắt đầu ăn uống hoặc hút thuốc quá mức, hoặc có thể có những lời nói hung hăng. Cắm chốt ở giai đoạn hậu môn có thể đưa đến tình trạng ngăn nắp hoặc bừa bộn quá mức.
ĐỌC THÊM: Suy nhược thần kinh có nguy hiểm không?
Hình thành phản ứng ngược (Reaction Formation)
Hình thành phản ứng làm giảm lo âu bằng cách thể hiện những cảm xúc, thôi thúc hay hành vi theo hướng trái ngược. Một ví dụ về cơ chế này là việc đối xử với người bạn cực kỳ không ưa theo một cách quá mức thân thiện nhằm che dấu cảm xúc thực của bản thân. Tại sao người ta lại hành xử như vậy? Theo Freud, họ đang sử dụng cơ chế tự vệ hình thành phản ứng ngược nhằm che dấu cảm xúc thật bằng việc hành xử ngược lại hoàn toàn.
Một số cơ chế phòng vệ khác (Other Defense Mechanisms)
Kể từ lần đầu tiên Freud mô tả những cơ chế tự vệ tâm lý ban đầu, những nhà nghiên cứu khác đã tiếp tục mô tả những phương thức làm giảm lo âu khác. Một số bao gồm:
- Bốc đồng: Trong dạng tự vệ này, chủ thể ứng phó với căng thẳng bằng hành động cụ thể rõ ràng, hơn là chỉ phản ánh lại những cảm xúc nội tại.
- Liên kết (sát nhập): Tìm kiếm sự trợ giúp từ người khác.
- Hạn chế mục tiêu(Aim Inhibition): Trong cơ chế phòng vệ này, người ta chấp nhận một hình thức đã được điều chỉnh của mục tiêu ban đầu (ví dụ như trở thành huấn luyện viên bóng rổ ở trường trung học thay vì vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp.)
- Vị tha: Thỏa mãn nhu cầu nội tại bằng cách giúp đỡ người khác.
- Né tránh(Avoidance): Từ chối xử lý hoặc đối mặt với những vật thể hoặc tình huống gây khó chịu.
- Bù trừ: Thể hiện xuất sắc quá mức trong một lĩnh vực để bù lại cho thất bại trong lĩnh vực khác.
- Hài hước: Chỉ ra những khía cạnh hài hước hay châm biếm của một tình huống.
- Hung hăng thụ động: Gián tiếp thể hiện cơn giận.
- Mộng tưởng: Né tránh hiện thức bằng cách lui vào một nơi an toàn nào đó trong tâm trí.
- Gây Hấn Thụ Động (Passive-aggression): Thể hiện sự giận dữ một cách gián tiếp.
- Làm lại: Cố tìm cách bù đắp cho những suy nghĩ, cảm xúc hay hành vi không phù hợp. Nếu bạn làm ai đó tổn thương, bạn có thể làm điều tốt cho họ để làm khuây khỏa bớt nỗi lo âu của mình.
Mặc dù các cơ chế tự vệ của tâm lý thường bị coi là những phản ứng tiêu cực, nhưng chúng ta đều cần chúng để tạm thời xua đi căng thẳng và bảo vệ lòng tự trọng trong những thời điểm then chốt, cho phép chủ thể tập trung vào thứ cần thiết trong thời điểm đó. Sẽ có cơ chế này hữu ích hơn cơ chế kia.
Ví dụ: sử dụng óc hài hước để vượt qua tình huống căng thẳng, gây lo âu có thể là một cơ chế tự vệ tốt giúp chủ thể thích nghi tốt hơn.
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT: Thất tình lục dục là gì?
Làm sao để nhận ra và ngưng sử dụng cơ chế phòng vệ tiêu cực?
Đầu tiên, trong mỗi cuộc giao tiếp, bạn cần phải tự suy ngẫm và xem xét lại bản thân mình. Sau đó, bạn hãy tìm kiếm tâm hồn, thử thành thật với chính mình và xem thử điều gì khiến bạn bị chỉ trích, yếu kém. Nó có khiến bạn tự ti, lo lắng và thiếu an toàn hay không? Điều gì bạn không mong muốn người khác nói đến và đặc điểm gì mà bạn không thích bản thân có nó?
Tiếp theo, bạn xem xét hành vi của bản thân từ góc nhìn khách quan nhất, hãy chỉ ngắm nhìn tâm hồn mình với sự tò mò và mong muốn được khám phá, đừng đánh giá nó. Cuối cùng, bạn đặt ra câu hỏi, liệu mình có từng nói những lời chỉ trích, nói móc, nói bóng gió lên bạn bè, gia đình, người yêu hay không?
Bạn hãy cố gắng hết mức đừng đánh giá bản thân trong quá trình tự tìm hiểu và khám phá cơ chế phòng vệ của mình. Luôn luôn trung thực nhìn nhận và đừng chần chừ trước các điều mà bạn sợ rằng bạn sẽ biết rõ về con người mình.
Khi đó, cơ thể sẽ giảm bớt việc sử dụng những cơ chế phòng vệ tiêu cực đối với người thân, người xung quanh. Và điều này ít nhiều khiến bạn cảm nhận rằng cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhàng và tốt đẹp hơn.
>> 5 quyển sách tâm lý học nên đọc, có thể giúp thay đổi cuộc sống của bạn.
Kết luận
Cơ chế phòng vệ là một phần không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi con người. Tuy nhiên, tùy thuộc vào bản thân mà mỗi người có cách sử dụng cơ chế phòng vệ khác nhau.
Một thực tế cho thấy rằng các cơ chế tự vệ có thể vừa tốt vừa xấu. Chúng có thể có vai trò hữu ích giúp bảo vệ bản ngã khỏi căng thẳng và mang đến những lối thoát lành mạnh. Nhưng cũng có khi, những cơ chế này có thể kìm giữ bạn khiến bạn không thể đối mặt với hiện thực và có thể là một kiểu tự lừa dối bản thân.
Nếu bạn thấy mình đang lạm dụng một số cơ chế tự vệ nhất định và việc này gây ảnh hưởng tiêu cực lên đời sống của bạn thì hãy cân nhắc trao đổi thêm với bác sĩ, nhà tâm lý, hoặc những chuyên gia sức khỏe tâm thần khác để được trợ giúp. Cân nhắc thử làm các bài kiểm tra về cơ chế tự vệ của tâm lý để xem khả năng của mình đến đâu trong việc xác định những dạng tự vệ nào đang tồn tại.
Tài liệu tham khảo:
- Burgo, J. why Do I Do That? Psychological Defense Mechanisms and the Hidden Ways They Shape Our Lives. Chapel Hill, NC: New Rise Press; 2012.
- Corey, G. Theory and Practice of Counseling and Psychotherapy (8th ed.). Belmont, CA: Thomson Brooks/Cole; 2009.