Hiệu ứng Pygmalion có nguồn gốc từ đâu và mang ý nghĩa như thế nào? Lợi ích khi áp dụng hiệu ứng trên vào cuộc sống là gì và có phải nó đúng cho tất cả các trường hợp? Hãy cùng Thanh Bình Psy lần lượt giải đáp các thắc mắc thông qua nội dung bài viết sau.
Khái quát về Hiệu ứng Pygmalion
Hiệu ứng Pygmalion là gì?
Hiệu ứng Pygmalion hay còn gọi với tên tiếng Anh Self-Fulfilling prophecy và được dịch nôm na là lời tiên tri tự hoàn thành hay lời tiên đoán tự ứng nghiệm. Hiệu ứng được Rosenthal và Jacobson chứng minh năm 1968 tại một ngôi trường tiểu học thuộc San Francisco. Nội dung cốt yếu của hiệu ứng nói rằng, khi bạn bắt đầu nghĩ đến một điều nào đó sẽ xảy ra thì bạn có thể sẽ làm cho nó thực sự xảy ra bằng chính những hành động sau đó của bạn.
Một người thường có một động lực vô hình thúc đẩy họ hoàn thành hết khả năng có thể khi được người khác đặt kỳ vọng. Hiệu ứng ban đầu được phát hiện và ứng dụng trong môi trường lớp học sau đó được mở rộng trong lĩnh vực quản lý nhân sự. Khi nhân viên được kỳ vọng nhiều bởi sếp của họ, hiệu quả làm việc chính vì thế cũng sẽ gia tăng đáng kể.
>>Đọc thêm: Phức cảm Oedipus và những biểu hiện thường gặp
Nguồn gốc của hiệu ứng Pygmalion
Hiệu ứng trên xuất phát từ một thần thoại Hy Lạp cổ đại kể về Pygmalion. Pygmalion là một nhà điêu khắc tài ba đương thời trong tác phẩm Metamorphoses của Ovid. Vốn sống trầm lặng và cô đơn, cuộc đời chàng trở nên thay đổi khi hoàn thành được tác phẩm tượng cô gái Galatea. Đối với chàng, đó không đơn thuần là tượng đá mà có linh hồn, là người bầu bạn, là người yêu của chàng.
Chàng cũng rất nhiều lần cầu xin Thần Vệ Nữ để cho chính tượng đá kia có được hơi thở của sự sống. Do cảm động trước tình yêu đó, Nữ thần tình yêu đã hóa phép cho Galatea thành người thật. Từ đó Pygmalion cùng cô sống bên nhau trọn đời hạnh phúc. Như vậy, cảm hứng từ câu chuyện thần thoại trên chính là khi bạn có sự mong đợi, mong muốn đối với một điều gì đó sẽ làm tăng khả năng xảy ra của nó hơn so với hiện tại.
Cơ chế hoạt động theo vòng tròn
Hiệu ứng Pygmalion được cho rằng sẽ hoạt động theo cơ chế vòng tròn và bao gồm 4 giai đoạn như sau:
- Niềm tin hay sự kỳ vọng của người khác khi tác động đến ta sẽ gây ra ảnh hưởng nhất định đến hành động của họ đối với chúng ta.
- Thông qua hành động của họ đối với ta sẽ tạo ra sự ảnh hưởng và tiếp thêm củng cố niềm tin của chúng ta đối với chính mình
- Niềm tin được chúng ta gây dựng sẽ tạo ra động lực vô hình thúc đẩy hành động của chúng ta với sự vật, sự việc được kỳ vọng.
- Và chính hành động của chúng ta lại tiếp tục tạo ra sự ảnh hưởng đến niềm tin của người khác đối với chính mình và cứ thế lặp lại.
Trên thực tế, hiệu ứng Pygmalion chỉ đúng đối với những kỳ vọng có cơ sở và có tính khả thi. Khi kỳ vọng được đặt sai chỗ, thay vì hình thành được động lực để tăng khả năng hoàn thành nó thì người nghe lại vô tình bị đè nghẹt bởi áp lực rất lớn.
Lấy ví dụ, bạn không thể kỳ vọng khả năng leo cây đối với cá cũng như không thể kỳ vọng trẻ sơ sinh có thể ăn táo khi chúng mới được sinh ra. Tất cả mọi thứ đều có giới hạn của chúng và điều chúng ta cần làm là đặt đúng kỳ vọng chứ không phải sử dụng hiệu ứng như cái cớ để đổ lỗi cho việc thất bại của chính mình.
Thí nghiệm của Rosenthal và Jacobson
Vào năm 1968, Rosenthal và Jacobson đã cùng nhau tiến hành nghiên cứu về hiệu ứng Pygmalion thông qua thí nghiệm tại trường tiểu học thuộc San Francisco. Nội dung thí nghiệm được tiến hành như sau: họ bắt đầu kiểm tra trí thông minh của tất cả học sinh, tiếp đến thông báo cho giáo viên về 20% tên học sinh trong trường có tiềm năng phát triển trí tuệ cao nhất (Trên thực tế, đó chỉ là danh sách chọn lựa ngẫu nhiên). Điều thú vị là sau 8 tháng tiếp theo đó, danh sách học sinh trên đều cho kết quả học tập tốt hơn đáng kể. Đây càng là minh chứng cho tính xác thực của Pygmalion.
Ứng dụng của hiệu ứng Pygmalion
Ngày nay, hiệu ứng Pygmalion được xem như một bí mật đặc biệt trong công tác quản lý nhân sự và giáo dục. Giáo viên có thể cải thiện thành tích học tập của học sinh thông qua việc tin tưởng vào khả năng và đặt niềm tin vào học sinh bằng lời nói, biểu hiện. Lãnh đạo doanh nghiệp có thể thúc đẩy hiệu suất làm việc của nhân viên khi họ thực sự tin rằng họ có đội ngũ xuất sắc và tìm cách truyền niềm tin cho họ, khích lệ họ.
>Đọc thêm: Quan Điểm Là Gì?
Một số cách áp dụng hiệu ứng Pygmalion trong đời sống thường gặp chính là:
Nhận thức về kỳ vọng
Kỳ vọng của bản thân mỗi người đến người khác sẽ ảnh hưởng đến cách hành xử của chúng ta đối với họ. Nếu nhận thức được điều này, mọi người có thể thay đổi được hành vi của bản thân sao cho phù hợp hơn.
Nhìn nhận về điểm tích cực
Có một số người rất khó tin tưởng hay trao niềm tin cho người khác, mới đầu thường không đặt ra nhiều kỳ vọng với đối phương. Theo thời gian, khi nhận rõ những điểm tích cực của họ, dần dần các bạn sẽ tăng thêm kỳ vọng tạo động lực cho đối phương khai phá điểm mạnh của bản thân.
Tạo ra thách thức
Mỗi khi đạt được những gì mục tiêu đề ra chúng ta cảm nhận được niềm vui của sự thành công. Sự thành công này cũng chính là động lực và thách thức để tạo nên thành công khác.
Dùng ngôn ngữ tích cực
Việc hạ thấp người khác không khiến họ trở nên tốt đẹp hơn mà chỉ khiến họ bị tổn thương và ngày càng tự ti hơn. Thay vào đó hãy khen ngợi và sử dụng ngôn ngữ tích cực đúng cách giúp họ phát triển hơn, khai phá tiềm năng của bản thân tốt hơn.
Kết luận
Nói tóm lại, hiệu ứng Pygmalion cho rằng khi bạn đặt niềm tin về một điều nào đó có thể xảy ra thì khả năng trở thành hiện thực của nó sẽ được gia tăng. Ứng dụng hiệu ứng trên, có thể làm cải thiện đáng kể hiệu quả trong công việc cũng như thành tích học tập của học sinh. Chắc chắn, trong tương lai không xa, Pygmalion sẽ còn có ích trong nhiều lĩnh vực khác.
>>Tham khảo ngay về Dịch Vụ Đánh Giá Sàng Lọc Tâm Lý và Dịch Vụ Tư Vấn/Tham Vấn Tâm Lý Tại Nhà tại Thanh Bình Psy