Tâm lý học nhân văn là một trong những trường phái tâm lý phổ biến được sử dụng rộng rãi với nhiều ứng dụng trong cuộc sống. Giống như tên gọi của chính mình, trường phái tâm lý học nhân văn tập trung các yếu tố vào con người. Lấy con người làm trung tâm và chủ đạo để xử lý các vấn đề liên quan.
Vậy lịch sử và khái niệm của tâm lý học nhân văn là gì? Vai trò và ý nghĩa của tâm lý học nhân văn với cuộc sống hiện đại. Cùng Thanhbinhpsy khám phá về trường phái tâm lý học này trong bài viết dưới đây nhé.
Tâm lý học nhân văn là gì?
Tâm lý học nhân văn hay còn được gọi là tâm lý học lực lượng thứ ba kết hợp hai triết học lãng mạn và hiện sinh, và sự kết hợp này được gọi là tâm lý học nhân văn. Tâm lý học lực lượng thứ ba và Tâm lý học nhân văn cũng là một, nhưng ngày nay tâm lý học nhân văn đã trở thành tên gọi phổ biến hơn.
Điểm chính của tâm lý học nhân văn là nó tập trung vào tính biệt loại của con người, vào cái phân biệt con người với các loài khác. Nó khác các loại tâm lý học khác bởi vì nó coi con người không chỉ như là một sinh vật được biến đổi bởi văn hóa và kinh nghiệm, nhưng như là một nhân vị, một thực thể biểu tượng có khả năng suy tư về hiện hữu mình, và có khả năng cho hiện hữu mình một ý nghĩa, một hướng đi. (Kinget, 1975, p.v)
Lịch sử hình thành tâm lý học nhân văn
Vào đầu thập niên 1960, một nhóm nhà triết học do Abraham Maslow cầm đầu đã khởi xướng một phong trào được mệnh danh là tâm lý học lực lượng thứ ba.
Các nhà triết học này cho rằng trường phái hành vi và trường phái phân tâm học, đã bỏ quên một số thuộc tính quan trọng của con người. Cái thiếu sót ở đây là những thông tin có thể giúp ta làm cho những người bình thường trở nên mạnh khỏe hơn, nghĩa là giúp họ đạt hết mức tiềm năng của họ.
Điều cần thiết có một mô hình về con người nhấn mạnh tính độc đáo của họ và các khía cạnh tích cực hơn là tiêu cực của họ, và kiểu mô hình này chính là cái mà tâm lý học lực lượng thứ ba nhằm cung cấp.
Mặc dù tâm lý học lực lượng thứ ba phổ biến trong các thập niên 1970 và 1980, nhưng lại bắt đầu mờ nhạt trong thập niên 1980. Tuy nhiên, giống như thuyết hành vi và phân tâm học, tâm lý học lực lượng thứ ba vẫn tiếp tục có ảnh hưởng lớn trong tâm lý học hiện đại.
Xem thêm >>> Dịch Vụ Trị Liệu Tâm Lý Tại Nhà Ở TPHCM
Những tác động của tâm lý học nhân văn với ngành tâm lý học
Tâm lý học nhân văn có ảnh hưởng không hề nhỏ đối với quá trình phát triển của ngành tâm lý học. Thậm chí, nó còn đóng góp một phần to lớn của mình vào quá trình nhận thức mới về hành vi, động cơ của con người.
Chưa kể, nhờ có tâm lý học nhân văn, xã hội cũng có những bước phát triển vượt bậc về kỹ thuật điều trị và cách tiếp cận mới trong các liệu pháp tâm lý.
Dưới đây là một số ý tưởng và khái niệm chính xuất hiện do kết quả của việc nghiên cứu tâm lý học nhân văn:
- Các liệu pháp về thân chủ trọng tâm.
- Khái niệm về ý chí tự do.
- Ý tưởng về một người có đầy đủ các chức năng xã hội.
- Khái niệm về tháp nhu cầu của Maslow.
- Một số trải nghiệm đỉnh cao, sự tự hiện thực hóa.
- Khái niệm bản thân cũng chính là kết quả của phong trào tâm lý học nhân văn.
- Khái niệm về sự quan tâm tích cực vô điều kiện.
- Khám phá thế mạnh của chính bản thân con người, phát triển tầm nhìn mục tiêu mỗi cá nhân.
Các học giả nổi tiếng của tâm lý học nhân văn
Abraham Maslow
Một số người cho rằng Alfred Adley mới chính là nhà tâm lý học nhân văn đầu tiên. Do ông định nghĩa lối sống lành mạnh là lối sống phản ảnh một lượng lớn các mối quan tâm xã hội, và với ý niệm của ông về ngã sáng tạo.
Ông nhấn mạnh rằng người ta trở thành con người thế nào chủ yếu là do sự chọn lựa cá nhân. Chắc chắn lý thuyết của Adler có rất nhiều điểm chung với các lý thuyết sau này gọi là nhân văn. Tuy nhiên, thường xuyên hơn, người ta nhìn nhận Abraham Maslow (1908-1970) là người có công làm cho tâm lý học nhân văn trở thành một ngành tâm lý học chính thức.
Maslow sinh ngày 01 tháng 4 năm 1908 tại Brooklyn, New York. Ông là con trưởng trong 7 anh em mà cha mẹ là những người Do Thái di cư từ Nga sang Hoa Kỳ. Không gần gũi lắm với cha mẹ và là đứa bé Do Thái duy nhất trong xóm.
Ông rất cô đơn và nhút nhát, thường tìm sự ẩn nấu nơi sách vở và các cuộc tìm tòi tri thức. Ông là một học sinh xuất sắc ở Boys High School tại Brooklyn và tiếp tục lên học tại City College ở New York.
Trong khi học ở City College, ông cũng chiều theo ý của cha ông muốn ông trở thành luật sự, nên đã theo học trường luật. Nhưng chán học luật, một điêm ông bỏ cả sách vở ở lớp và ra về. Sau một thời gian, ông vào học tại Đại học Wisconsin và tại đây ông đậu cử nhân năm 2930, thạc sĩ năm 1931, và tiến sĩ năm 1934.
Khi là nghiên cứu sinh ở Wisconsin, Maslow trở thành sinh viên tiến sĩ đầu tiên của nhà tâm lý học thực nghiệm nổi tiếng Harry Harlow. Luận án tiến sĩ của Maslow viết về đề tài sự thiết lập quyền thống trị trong một quần thể khỉ.
Ông nhận thấy quyền thống trị là do một sự “tín nhiệm bên trong” hơn là sức mạnh thể lý và sự nhân xét này đã ảnh hưởng tới lý thuyết sau này của ông. Maslow cũng nhận thấy rằng hành vi tính dục trong quần thể khỉ cũng liên quan đến quyền thống trị và sự phục tùng, và ông tự hỏi liệu hoạt động tính dục của cong người có giống như thế không.
Năm 1951 ông chấp nhận chức trưởng khoa tâm lý học ở Đại học Brandeis ở Waltham, Massachusetts. Và chính tại đây Maslow trở thành nhân vật hàng đầu của phong trào tâm lý học nhân văn. Chủ yếu nhờ vào cố gắng của Maslow, Tạp chí Tâm lý học nhân văn được ra đời năm 1961; Hội các nhà Tâm lý học Nhân văn Hoa Kỳ ra đời vào năm 1962; và một ngành của Hội Tâm lý học Hoa Kỳ, gọi là ngành Tâm lý học Nhân văn được sang lập vào năm 1971.
Các đề cương của Tâm lý học nhân văn
Theo Maslow các nhà tâm lý học hoạt động trong mẫu tâm lý học nhân văn có các niềm tin cơ bản sau:
- Không có nhiều điều gía trị có thể học hỏi được từ việc nghiên cứu loài vật.
- Thực tại chủ quan là hướng dẫn hàng đầu cho việc nghiên cứu hành vi con người.
- Nghiên cứu các cá nhân mang lại nhiều thông tin hơn nghiên cứu những điểm chung của các tập thể.
- Cần có cố gắng đặc biệt để khám phá những điều làm mở mang hay làm giàu cho kinh nghiệm con người.
- Nghiên cứu phải tìm các thông tin giúp giải quyết các vấn đề con người.
- Mục tiêu của tâm lý học phải là hình thành một mô tả đầy đủ về ý nghĩa của hiện hữu con người là gì. Mô tả này phải bao gồm tầm quan trọng của ngôn ngữ, quy trình đánh giá, phạm vi đầy đủ các cảm xúc, và cách thức mà con người tìm kiếm và đạt đến ý nghĩa cuộc đời của họ.
Thông tin thêm: Tìm hiểu thông tin về nhà tâm lý học Carl Rogers
Thứ bậc các nhu cầu của con người
Theo Maslow, các nhu cầu con người được sắp đặt theo một thứ bậc. Các nhu cầu càng thấp trong thứ bậc, chúng càng cơ bản và càng giống với các nhu cầu của loài vật. Các nhu cầu càng cao trong thứ bậc, chúng càng đặc trưng cho con người.
Các nhu cầu được sắp đặt sao cho khi người ta thỏa mãn một nhu cầu thấp hơn, người ta có thể xử lý một nhu cầu cao hơn. Thứ bậc các nhu cầu của Maslow có thể tóm tắt trong biểu đồ dưới đây:
Tự thể hiện mình
Maslow hiểu sự tự thể hiện mình có nghĩa là đạt đầy đủ tiềm năng con người:
Các nhạc sĩ phải làm nhạc, các họa sĩ phải vẽ, các thi sĩ phải viết nếu họ muốn cảm thấy hài long với chính mình. Con người có thể là gì thì họ phải là như thế. Họ phải là đúng với bản tính họ. Nhu cầu này chúng ta có thể gọi là nhu cầu tự thể hiện mình.
Khái niệm về sự tự thể hiện mình đã bắt nguồn ít là từ thời Aristotle, nhưng Aristotle hiểu sự tự thể hiện mình là khuynh hướng bẩm sinh biểu hiện các tính chất hay yếu tính của một loài. Với khái niệm tự thể hiện, cả Jung, Maslow và Rogers có ý nói tới sự thể hiện tiềm năng của một cá nhân, không phải tiềm năng của loài như lối hiểu của Aristotle.
Vì không ai có thể đạt tới đầy đủ tiềm năng của mình, nên Maslow cho rằng người tự thể hiện mình là người đã thỏa mãn thích đáng bậc thang các nhu cầu. Và ông đã liệt kê các tính chất của những người được xem là đã tự thể hiện mình như sau:
- Họ nhận thức thực tại chính xác và đầy đủ.
- Họ rất biết chấp nhận mình và người khác.
- Tỏ ra có sự tự nhiên và tự phát.
- Có nhu cầu riêng tư.
- Có khuynh hướng độc lập với môi trường và văn hóa.
- Có sự đánh giá liên tục đổi mới.
- Định kỳ có các kinh nghiệm thần bí hay tột đỉnh.
- Quan tâm tới mọi người thay vì chỉ quan tâm tới bạn bè hay người thân của họ.
- Thường chỉ có ít bạn thân.
- Có một tinh thần đạo đức mạnh nhưng không nhất thiết chấp nhận đạo đức truyền thống.
- Có óc khôi hài rất phát triển nhưng không mang tính thù nghịch.
- Có óc sáng tạo.
Tuy Maslow kết luận rằng loại người này là những con người xuất chúng, ông cũng cho thấy không phải họ không có khuyết điểm.
Xem thêm: Nhà tâm lý học Angela Lee Duckworth là ai?
Carl Rogers
Carl Rogers (1902-1987) sinh ngày 8 tháng 1 tại Oak Oak (một ngoại ô Chicago), bang Illinois, và là con thứ tư trong gia đình sáu anh chị em. Ông gần gũi với mẹ hơn cha, một kỹ sư công trình và vắng nhà thường xuyên. Ở vùng Oak Park, ông đi học cùng trường với Ernest Hemingway và các con của kiến trúc sư nổi tiếng Frank Lloyd Wright. Rogers mô tả gia đình ông như là rất gắn bó với tôn giáo và rất sung đạo. Các quan hệ với bạn bè bên ngoài không được gia đình khuyến khích.
Không lạ gì Rogers tỏ ra rất cô đơn ở trường học và giống như Maslow, ông tìm trú ẩn trong sách vở, đọc bất cứ cái gì ông vớ được kể cả các sách bách khoa và từ điển. Năm 12 tuổi gia đình ông dời đến một nông trại cách Chicago 25 dặm về phía Tây.
Mục đích của đổi nhà là tạo một bầu khí trong lành và đạo đức hơn cho gia đình. Vì cha ông đòi hỏi nông trại được điều hành một cách khoa học, Rogers đã phát triển một sự quan tâm sâu xa đối với khoa học bằng cách đọc bất cứ tài liệu nào ông có thể kiếm.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Rogers vào Đại học Wisconsin năm 1919 và theo ngành canh nông. Đến năm 1924 ông đổi lại sang học lịch sử và đậu cử nhân năm 1924. Một thời gian ngắn sau ông đến Đại học Columbia và tại đây ông đậu thạc sĩ lâm sàng năm 1928 và tiến sĩ năm 1931. Luận án tiến sĩ của ông viết về việc đo lường sự điều chỉnh nhân cách nơi trẻ em.
Sau khi nhận bằng tiến sĩ, Rogers đến làm việc cho Ban Nghiên cứu trẻ em của Hội ngăn ngừa bạo lực đối với Trẻ em ở Rochester, New York. Tại đây ông đã có nhiều kinh nghiệm để dẫn ông tới việc triển khai kiểu tâm lý trị liệu của riêng ông.
Lý thuyết của Rogers về nhân cách
Theo yêu cầu của nhiều người, Rogers đã triển khai một lý thuyết về nhân cách để cắt nghĩa các hiện tượng ông đã quan sát trong tiến trình điều trị. Các yếu tố cơ bản của lý thuyết của ông được trình bày lần đầu tiên trong bài diễn thuyết ông đọc khi nhận chức chủ tịch APA (1947) và sau này được mở rộng trong cuốn Trị liệu dựa vào khách hàng (1951).
Giống như Maslow, Roger giả thuyết có một động cơ bẩm sinh nơi con người hướng tới sự tự thể hiện mình. Và nếu người ta lấy khuynh hướng tự thể hiện này làm tiêu chuẩn sống, có nhiều khả năng họ sẽ thể hiện đời sống một cách sung mãn và cuối cùng đạt hết tiềm năng của họ.
Ta gọi những người như thế là những người sống theo quá trình đánh giá hữu cơ. Sử dụng quy trình này, người ta đạt tới và duy trì được các kinh nghiệm phù hợp với khuynh hướng tự thể hiện nhưng ngăn chặn và tránh được các kinh nghiệm không phù hợp với khuynh hướng ấy.
Những người như thế được thúc đẩy bởi các tình cảm chân chính của họ và sống một đời sống trung thực theo kiểu nói của các nhà hiện sinh – nghĩa là một đời sống được thúc đẩy bởi các tình cảm nội tâm chân chính chứ không phải bởi tập tục, niềm tin, truyền thống, giá trị hay các quy ước do người khác áp đặt.
Tiếc thay, theo Rogers, nhiều người không sống theo các tình cảm sâu xa nhất của nội tâm họ. Một vấn đề phát sinh là vì tuổi thơ chúng ta có nhu cầu được nhìn nhận tích cực. Sự nhìn nhận tích cực bao gồm việc đón nhận các thứ như tình yêu, sự âu yếm, thiện cảm, và sự chấp nhận của những người có liên quan đến đời sống của một đứa trẻ. Nếu người ta dành cho đứa trẻ sự nhìn nhận một cách vô điều kiện, thì không có vấn đề gì xảy ra. Nhưng thường người ta không làm một cách vô điều kiện.
Thường các cha mẹ hay những người có liên quan chỉ dành sự kính trọng cho đứa trẻ nếu nó hành động hay suy nghĩ theo một lối nhất định nào đó. Điều này đặt ra các điều kiện về giá trị.
Trẻ em sẽ sớm nhận ra rằng để được yêu thương, chúng phải hành động và suy nghĩ phù hợp với các giá trị của những người có liên quan đến cuộc sống của chúng. Dần dần, khi đứa trẻ ngày càng nội tâm hóa các giá trị, các giá trị ấy sẽ trở thành tiêu chuẩn cho đời sống của chúng. Nghĩa là chúng sẽ sống theo các điều kiện về giá trị do người khác áp đặt.
Theo Rogers, chỉ có một cách để tránh áp đặt các điều kiện về giá trị trên người khác, đó là dành cho họ sự nhìn nhận tích cực và vô điều kiện về giá trị. Với sự nhìn nhận tích cực vô điều kiện, người ta được yêu mến và kính trọng vì bản chất thực sự của nhân cách họ. Và chỉ những ai kinh nghiệm được sự nhìn nhận tích cực vô điều kiện thì mới có thể trở thành một con người thể hiện sung mãn đời mình.
Xem thêm >>> Dịch Vụ Trị Liệu Tâm Lý Qua Điện Thoại
Các phê bình
Người ta không ngạc nhiên khi tâm lý học nhân văn bị phê bình. Các phê bình có thể được tập trung vào điểm sau:
Tâm lý học nhân văn đồng hóa tâm lý học hành vi với công trình của Watson và Skinner. Cả hai tác giả này nhấn mạnh các sự kiện môi trường như là nguyên nhân của hành vi con người, đồng thời phủ nhận hay giảm thiểu tầm quan trọng của các sự kiện tinh thần. Tuy nhiên, cũng có các nhà hành vi khác nhấn mạnh các sự kiện tinh thần và mục đích trong các phân tích của họ về hành vi – ví dụ Tolman.
Tâm lý học nhân văn không xét đến bản chất tích lũy của khoa học bằng cách nhấn mạnh rằng tâm lý học khoa học không quan tâm đến các thuộc tính siêu vật của con người.
Mô tả về con người như các nhà nhân văn đề nghị thì giống với các mô tả được ưa thích trong quá khứ trong lĩnh vực văn học, thi ca hay tôn giáo. Nó diễn tả một kiểu tư duy ao ước mà không được sự hỗ trợ của các sự kiện mà khoa tâm lý học khách quan đã tích lũy được.
Tâm lý học nhân văn phê bình thuyết hành vi, tâm phân học và tâm lý học khoa học nói chung, nhưng cả ba loại này đều đã có những cống hiến quan trọng cho sự cải thiện số phận con người, là mục tiêu chính mà tâm lý học nhân văn theo đuổi.
Nhiều thuật ngữ và khái niệm mà các nhà tâm lý học nhân văn sử dụng thì quá mơ hồ không thể có một định nghĩa rõ ràng và có thể kiểm chứng. Thậm chí người ta còn có sự lẫn lộn về chính định nghĩa của tâm lý học nhân văn.
Cống hiến
Đóng góp chính của tâm lý học nhân văn cho khoa tâm lý học là việc nó mở rộng lĩnh vực của tâm lý học. Trong tâm lý học ngày nay, có một khuynh hướng ngày càng tang muốn nghiên cứu toàn thể con người.
Chúng ta không chỉ muốn tìm hiểu con người học tập, suy nghĩ và phát triển thế nào về phương diện sinh vật và tri thức. Nhưng chúng ta còn muốn biết con người hình thành thế nào các kế hoạch để đạt các mục tiêu tương lai và tại sao người ta cười, khóc và tạo ý nghĩa trong cuộc đời họ.
Theo đánh giá của nhiều người, tâm lý học nhân văn đã thổi một sức sống mới vào tâm lý học. Tâm lý học nhân văn đã nhìn thấy bản chất tốt đẹp trong con người, đề cao hoài bão và nỗ lực vươn lên của con người.
Vì cho rằng bản chất con người vốn là tốt đẹp, có lòng vị tha, có tiềm năng sáng tạo. Nên tâm lý học nhân văn hướng đến mục tiêu giúp con người tìm được bản ngã đích thực của mình. Con người cần đối xử với nhau một cách tế nhị, cởi mở lẫn nhau.